Thanh Hóa: Chưa xử lý dứt điểm tình trạng đấu giá đất xong không nộp tiền

Liên quan đến phản ánh của Báo Công Thương về việc, trên địa bàn TP. Thanh Hóa, các cơ quan chức năng đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhiều mặt bằng quy hoạch nhưng quá thời hạn nộp tiền trúng đấu giá, các doanh nghiệp vẫn không chịu nộp đủ tiền, đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Tiếp bài Thanh Hóa: Đấu giá đất xong không nộp tiền, ai chịu trách nhiệm? Mặt bằng quy hoạch tại TP. Thanh Hóa

Đùn đẩy trách nhiệm?

Như Báo Công Thương điện tử đã phản ánh, nhiều mặt bằng quy hoạch trên địa bàn TP. Thanh Hóa sau khi doanh nghiệp trúng đấu giá vẫn không chịu nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, gây lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách Nhà nước.

Cụ thể, tại mặt bằng quy hoạch số 2349/UBND-QLĐT phường Quảng Hưng, năm 2010, Công ty Cổ phần Kim loại Bắc Hà là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất gồm 190 lô;

Mặt bằng quy hoạch số 1279/UBND-QLĐT phường Quảng Hưng, năm 2009, Công ty Cổ phần Công nghiệp Tự Cường là đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất 154 lô;

Mặt bằng quy hoạch số 1078/UBND-QLĐT phường Đông Vệ, năm 2011, Công ty Cổ phần Thương mại và xây dựng Thanh Minh trúng đấu giá quyền sử dụng đất 29 lô;

Mặt bằng quy hoạch số 2107/UBND-QLĐT phường Đông Hải, Công ty Cổ phần Tư vấn xây dựng và kinh doanh Bất động sản và Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Bắc Nam là hai đơn vị trúng đấu giá quyền sử dụng đất năm 2011.

Để làm rõ thông tin nhiều doanh nghiệp trúng đấu giá quyền sử dụng đất nhiều năm nay nhưng vẫn “chây ỳ” nghĩa vụ tài chính, phóng viên đã trao đổi với Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Thanh Hóa – ông Tào Minh Hạnh.

Ông Hạnh lý giải: Sau khi có quyết định trúng đấu giá thì bên thuế (Chi cục Thuế TP. Thanh Hóa – PV) phải có trách nhiệm thông báo đến đơn vị trúng đấu giá, nếu quá thời hạn mà đơn vị trúng đấu giá không thực hiện hiện nghĩa vụ tài chính thì bên thuế phải có đề nghị xuất hoặc hủy kết quả trúng đấu giá.

“Cuối năm 2017 trung tâm mới được giao nhiệm vụ đấu giá mặt bằng quy hoạch đất, còn tất cả các mặt bằng quy hoạch đất thời điểm trước đó là trách nhiệm của các phòng, ban chức năng khác” – ông Hạnh nhấn mạnh.

Mang những thắc mắc đến ngành thuế, ông Hoàng Văn Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuế TP.Thanh Hóa khẳng định: “Ngành thuế chỉ có trách nhiệm xác định số tiền thuế phải nộp, đã nộp và tiền nợ còn lại. Còn trách nhiệm chính là của phòng tài nguyên và môi trường thành phố, đây là đơn vị có trách nhiệm tham mưu, báo cáo cho Chủ tịch UBND thành phố có thu hồi hay không thu hồi”.

Tiếp bài Thanh Hóa: Đấu giá đất xong không nộp tiền, ai chịu trách nhiệm?

Từ thông tin của ngành thuế TP. Thanh Hóa cung cấp, phóng viên đã tiếp cận phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Thanh Hóa. Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường – ông Lê Minh Tuấn cho hay: “Đúng là những mặt bằng quy hoạch trên đang có vướng mắc trong vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Lãnh đạo thành phố đã và đang chỉ đạo rất quyết liệt, rà soát, nếu phát hiện có đơn vị nào nợ đọng thuế, trốn thuế và có hành vi lừa dối khách hàng sẽ chuyển hồ sơ lên cơ quan điều tra.”

Còn Phó Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Lê Mai Khanh cho hay: “Các đơn vị đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính rồi (đã đóng đủ tiền sử dụng đất-PV). Hiện các mặt bằng quy hoạch phải xây thô mới được bán, tuy nhiên, các đơn vị chưa xây thô mà đã bán đất cho dân, chỗ này đang rất vướng. Hiện thành phố đang đôn đốc các đơn vị trúng đấu giá khẩn trương triển khai hoàn thiện hạ tầng, xây nhà thô để đủ điều kiện cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV) cho người dân. Nếu đến ngày 30/6/2022 kết quả như thế nào thì sẽ báo cáo tỉnh để có hướng xử lý tiếp.”

Cần xử lý dứt điểm thực trạng “chây ỳ” kéo dài

Tiếp bài Thanh Hóa: Đấu giá đất xong không nộp tiền, ai chịu trách nhiệm?

Để giải quyết thực trạng “chây ỳ” tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất cũng như những tồn tại tại các mặt bằng quy hoạch nói trên, ngày 7/1/2022 Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Trịnh Huy Triều đã chủ trì cuộc họp với các phòng ban chức năng; các phường và đưa ra Thông báo số 14/TB-UBND, ngày 11/1/2022 nêu rõ: Đối với mặt bằng quy hoạch 2349, “…việc cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân vẫn chưa được thục hiện do đang còn một số tồn tại, vướng mắc gồm: Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Hà còn nợ tiền chậm nộp tiền sử dụng đất (theo báo cáo của Chi cục Thuế khu vực TP. Thanh Hóa – Đông Sơn khoảng 26,7 tỷ đồng…”.

Từ kết luận này, Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa yêu cầu Công ty Cổ phần Kim loại màu Bắc Hà khẩn trương hoàn thành nghĩa vụ tài chính đang còn nợ theo quy định. Sau khi hoàn thành, UBND TP. Thanh Hóa sẽ báo cáo UBND tỉnh cho phép hủy quyết định giảm trừ diện tích trúng đấu giá (Quyết định số 11124/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 của UBND thành phố) và đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường cấp giấy chứng nhận tổng 60 lô còn lại; làm việc cụ thể với Cục thuế Hà Nội để xuất hóa đơn giá trị gia tăng cho các hộ dân làm cơ sở để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trước ngày 30/6/2022. Quá thời hạn trên nếu đơn vị không thực hiện, UBND thành phố sẽ chuyển hồ sơ có liên quan cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Đối với mặt bằng quy hoạch 1279, kết luận của Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa chỉ rõ: “…Yêu cầu Công ty Cổ phần Công nghiệp Tự Cường hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định, hoàn chỉnh các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân trước ngày 30/6/2022; trong đó, đối lô vị trí tại mặt đường Lê Niệm, các lô tại khu A và một số lô biệt thự (45 lô) phải thực hiện xây dựng nhà thô theo thiết kế đô thị phê duyệt, yêu cầu công ty khẩn trương tổ chức đầu tư xây dựng để làm cơ sở cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ. Quá thời hạn nêu trên nếu doanh nghiệp không thực hiện hoặc thực hiện chậm, UBND thành phố sẽ chuyển hồ sơ có liên quan tới các cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật”.

Đối với mặt bằng quy hoạch 1078 và mặt bằng quy hoạch 2107, Thông báo số 14 cũng nêu rõ: Yêu cầu Công ty CP Thương mại và xây dựng Thanh Minh; Công ty CP Tư vấn xây dựng và kinh doanh bất động sản với đơn vị liên doanh là Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Bắc Nam có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc trước ngày 30/6/2022. Quá thời hạn trên nếu đơn vị không thực hiện, UBND thành phố sẽ chuyển hồ sơ có liên quan cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

Được biết, để giải quyết những vướng mắc, tồn tại của các mặt bằng quy hoạch nói trên, ngày 30/7/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã có Thông báo số 107/TB-UBND về “Kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại hội nghị nghe báo cáo kết quả thu tiền sử dụng đất; Tình hình xử lý nợ đọng tiền sử dụng đất trên địa bàn TP. Thanh Hóa; Tiến độ thực hiện đầu tư các dự án có sử dụng đất.”

Như vậy, việc các doanh nghiệp “chây ỳ” thực hiện nghĩa vụ tài chính kéo dài nhiều năm đã không chỉ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách của Nhà nước, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của khách hàng là người dân.

Trong quá trình trao đổi với các cơ quan tham mưu cho Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa, phóng viên đã đặt câu hỏi: “Tại sao, tình trạng nhiều mặt bằng quy hoạch trên địa bàn TP. Thanh Hóa sau khi trúng đấu giá, đơn vị trúng đấu giá không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, để nợ đọng kéo dài mà không tham mưu để Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa đưa ra phương án thu hồi, hủy bỏ kết quả trúng đấu giá để tổ chức đấu giá lại” thì các cơ quan chức năng này né tránh ?!

Dư luận cho rằng, phải chăng việc “chây ỳ” tiền trúng đấu giá đất có sự “tạo điều kiện” của UBND TP. Thanh Hóa? Và liệu tới đây, sau ngày 30/6/2022 – ngày mà Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa Trịnh Huy Triều ban hành Kết luận Thông báo số 14, nếu các doanh nghiệp vẫn không giải quyết được những vướng mắc và những tồn tại kéo dài nhiều năm thì UBND TP. Thanh Hóa có xử lý mạnh tay, có chuyển hồ sơ có liên quan cho các cơ quan chức năng xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật ?!

Công Thương điện tử sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!