Tháng 9 tháng 10 con rươi béo ngậy

Tháng 9 tháng 10 con rươi béo ngậy - Ảnh 1.

Mỗi tối, thương lái tới mua rươi tươi, bỏ vào từng túi, đóng vào hộp xốp đưa đi khắp nơi – Ảnh: MINH HIÊU

“Tháng chín đôi mươi – tháng mười mùng năm”. Cứ đến thời gian này trong năm (âm lịch), người dân xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) bắt đầu vào vụ thu hoạch rươi. Rươi chính vụ kéo dài chỉ mấy ngày, nhưng vậy cũng là đủ cho nhiều hộ kiếm được tiền triệu, trăm triệu.

Đừng tưởng có lộc trời mà vớt lấy tiền thôi không. Rươi ưa sạch, chỉ một chút thuốc trừ sâu vào thôi là chết bốc mùi. Chính vì thế nên chúng tôi cứ trồng lúa, thu hoạch rươi mà không sử dụng một chút thuốc nào

Bà Phạm Thị Nhạn (nông dân)

Rươi là đặc sản Tứ Kỳ và cũng là lộc trời cho xứ này, mà những người ghiền rươi cứ đến vụ là ngong ngóng rươi về.

Rươi thơm đầu mùa

Những ngày tháng 11 này, cánh đồng xã An Thanh ăm ắp nước. Đồng ruộng thẳng thớm, vuông chằn chặn. Mùa này nước rươi sẽ về hai đợt, đầu tháng và cuối tháng (tương ứng cuối tháng 9, đầu tháng 10 âm lịch).

Nước rươi đầu tiên, nhà ông Phạm Văn Trọng, thôn An Định, mở cống nước thu hoạch rươi và cũng đón những vị khách hết sức đặc biệt. Hôm nay, chàng sinh viên khoa sử Trường ĐH KHXH&NV Hà Nội Nguyễn Quốc Lương đưa Jacques – du học sinh Pháp – về chơi, tham quan đồng rươi của làng. Trước giờ anh chàng Jacques chưa hề thấy sinh vật này.

Bữa tối đó, chúng tôi được ông Trọng mời lại ăn tối cùng với mấy người cháu từ Quảng Ninh về chơi. Trong tiết trời giao mùa bắt đầu se lạnh, gia đình quây quần bên mâm cơm đón rươi đầu mùa: đĩa chả rươi mới rán giòn béo ngậy, thơm phức; bát canh rươi nấu măng sền sệt; ly rượu nếp mới còn thơm nồng… Ở những nhà khác, khách từ nơi khác cũng đến thưởng thức rươi.

“Cháu cứ ăn mà xem, món này nhà làm khác hẳn những nơi khác nhé. Ở chỗ khác, người ta trộn rươi, trứng, thịt băm nên vị rươi không rõ lắm. Nhưng nhà này thì chỉ rươi thôi – ông Trọng vừa nói vừa gắp miếng chả, cụng ly rượu, xuýt xoa – Mềm, thơm và đậm vị!”.

Suốt bữa ăn, chốc chốc lại có thương lái vào hỏi mua rươi. Ngay sau bữa tối, nhà ông Trọng liền ra ngoài ruộng tháo nước, vớt từng chậu rươi đổ vào khuôn bạt đặt giữa sân. Ba lái buôn mang theo hàng chục thùng xốp, nước đá chờ sẵn, chờ rươi ráo nước là đóng thùng, chuyển hàng ngay trong đêm.

Những mảnh ruộng thôn An Lao, An Định… mùa này vui như trẩy hội. Tiếng nói chuyện xôn xao, ánh đèn pin loang loáng dưới đầm ruộng, tiếng xe máy sòng sọc hối hả đến rồi đi tấp nập.

Rươi là con gì mà “bắt mồi” thế?

Con rươi, tên khoa học Eunice viridis, thuộc họ Rươi Nereidae. Rươi trưởng thành dài 60-70mm, bề ngang chừng 5-6mm. Thân mình dẹp với hơn 50 đốt màu hồng, xanh nhạt, nâu nhạt hay màu trắng. Đầu rươi tương đối nhỏ nhưng mắt lại to. Phần trước của rươi lớn hơn phần sau, trong khi các đốt lại ngắn hơn. Trong dân gian, rươi còn được gọi là “rồng đất”.

Cấu tạo rươi gồm 3 phần: đầu rươi, thân rươi, thùy đuôi của rươi. Rươi sống quanh năm dưới đất, trong lớp bùn đáy hay trong các ruộng nước nhạt. Đến mùa tháng 9, tháng 10 âm lịch, rươi lại nổi lên mặt ruộng. Đây cũng là mùa thu hoạch trong năm.

Tháng 9 tháng 10 con rươi béo ngậy - Ảnh 4.

Con rươi phân bố ở một số vùng phía Bắc, một năm chỉ có hai đợt thu hoạch rươi – Ảnh: MINH HIẾU

Con rươi ưa sạch

Anh Phạm Văn Vũ, thương lái trong làng, cho biết theo kinh nghiệm ông cha để lại, tháng 9 âm lịch rươi ngoi lên buổi đêm, tháng 10 rươi ngoi ban ngày, bằng mắt thường cũng thấy.

Trên hệ thống sông Thái Bình, sông Bắc Hưng Hải có nhiều khu vực có rươi như Đông Triều (Quảng Ninh), Vĩnh Bảo (Hải Phòng), một số xã thuộc tỉnh Hải Dương. Tuy nhiên, rươi Tứ Kỳ là ngon và nổi tiếng nhất do được phát triển trong môi trường nước ngọt, đất ruộng nhiều chất dinh dưỡng.

Mấy chục năm trước, khi rươi còn chưa lên ngôi đặc sản, người dân An Thanh chỉ việc quây bờ rồi vớt lên. Nhưng về sau để tăng năng suất, người dân bắt đầu quây bờ ruộng cẩn thận, làm đất tơi xốp “nuôi” béo rươi.

“Đừng tưởng có lộc trời mà vớt lấy tiền thôi không. Rươi ưa sạch, chỉ một chút thuốc trừ sâu vào thôi là chết bốc mùi. Chính vì thế nên chúng tôi cứ trồng lúa, thu hoạch rươi mà không sử dụng một chút thuốc nào. Khóm lúa nào bị sâu bệnh là bỏ hết, có vậy rươi mới sinh sôi” – bà Phạm Thị Nhạn, nông dân, cho biết.

Nói là nói vậy, nhưng lộc trời không phải ai cũng có duyên gặp được. Có khi cùng một thửa ruộng, chỉ cách nhau bởi cái bờ, cùng cách chăm sóc và điều kiện thời tiết nhưng có nhà nhiều rươi, nhà chẳng có mấy. Điều này vẫn là điều bí ẩn.

Ông Văn, chồng bà Nhạn, ngẫm nghĩ một lát rồi nói: “Kỷ lục năm ngoái của làng này là nhà ông Toán được 80 kg/sào, nhà có 9 sào mà thu về hơn 7 tạ rươi. Trong khi đó, thường thường mỗi mảnh chỉ được 30-40kg mà thôi”. Rồi ông nói tiếp: “Nói vậy nhưng cũng gặp trường hợp nhà 4-5 mẫu ruộng nhưng lại thu về chẳng bao nhiêu, 15-20kg rươi thôi”.

Làm giàu cùng rươi

Trong thôn An Định, nhà ông Tào, ông Thoạt, ông Trọng, bà Nhạn… có diện tích làm rươi lớn nhất, còn lại thì khoảng 1-2 mẫu.

“Năm nay đầu vụ rươi mua tại ruộng là gần 400.000 đồng mỗi ký, cuối vụ thì gần 500.000 đồng. Có những năm, giá rươi lên đến hơn 600.000 đồng. Nhà có 5-6 mẫu thì thu nhập cũng phải đến 700-800 triệu đồng. Tôi có mấy ông chú bên thôn An Lao cùng góp chung làm đầm “nuôi” rươi gần 20 mẫu, tính tiền tỉ” – anh Phạm Văn Vũ cho biết.

Hiện nay, rươi Tứ Kỳ đã phủ sóng nhiều tỉnh, thành miền Bắc, trở thành một nét ẩm thực làng quê khó quên đối với những người thưởng thức. Chẳng vậy mà rươi thành món quà quý, đặc sản để người ta biếu, tặng nhau.

Ông Bùi Văn Nhiên – khách quen nhà bà Nhạn – mỗi năm phải lấy đến 3 tạ rươi vừa để nhà ăn, vừa để tiếp khách. Đợt này, ông đánh xe hơi tới, rút ra hơn chục triệu đồng trao cho bà chủ đầm, chất rươi lên xe rồi quày quả quay về. Rươi tươi là rươi ngon.

“Nhờ trời, mấy năm này khấm khá, cũng tạm đủ lo cho mấy cái tí, thằng cu nhà cô ăn học cháu ạ” – bà Nhạn trải lòng. Đoạn bà quày quả vét nốt chỗ rươi, đóng vào thùng xốp. Ngày mai, bà sẽ gửi mấy cân rươi đầu mùa vào cho con gái đang đi làm trong miền Nam vì “ở xa, nó mong món quà quê này lắm đấy”.

Xây dựng chỉ dẫn địa lý

Ông Nguyễn Ngọc Sẫm, chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ, cho biết trên địa bàn huyện hiện có các xã An Thanh, Nguyên Giáp, Tứ Xuyên là có đầm, ruộng thu hoạch rươi, tổng diện tích thu hoạch rươi hơn 150ha.

Hiện nay, huyện đang xây dựng đề án bảo tồn và khai thác thủy sản, đặc sản rươi, cáy. Trong đó điểm nhấn là xây dựng chỉ dẫn địa lý cho đặc sản rươi Tứ Kỳ.