Tháng 10 – Cao điểm thu hoạch lúa

Tháng 10 là tháng cao điểm trong năm tập trung thu hoạch lúa các vụ: Kết thúc thu hoạch lúa hè thu, đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa và bắt đầu thu hoạch trà lúa thu đông sớm.

Đến trung tuần tháng 10, các địa phương trên cả nước đã cơ bản kết thúc sản xuất lúa vụ hè thu. Diện tích thu hoạch lúa hè thu cả nước ước tính đạt 1.920,4 nghìn ha, bằng 96,5% so với cùng kỳ năm trước; năng suất đạt 55,7 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha; sản lượng đạt 10,83 triệu tấn,bằng 98,9%. Riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long diện tích thu hoạch lúa hè thu đạt 1.499,9 nghìn ha, bằng 95,9%; năng suất ước tính đạt 56,2 tạ/ha, tăng 0,9 tạ/ha. Tuy năng suất tăng nhưng do ảnh hưởng của hạn hán, nhiễm mặn nên diện tích lúa hè thu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long giảm, dẫn đến sản lượng chung toàn vụ ước tính đạt 8,57 triệu tấn, giảm 110,7 nghìn tấn so với năm trước.

Cùng với thu hoạch lúa hè thu, các địa phương trên cả nước đã thu hoạch được 990,7 nghìn ha lúa mùa, chiếm 62,5% diện tích gieo cấy và bằng 97,2% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, các địa phương phía Bắc thu hoạch được 762,3 nghìn ha, chiếm 72,5% diện tích gieo cấy và bằng 96,8%; các địa phương phía Nam thu hoạch được 228,4 nghìn ha, chiếm 42,7% và bằng 98,5%. Năng suất lúa mùa năm 2020 cả nước ước tính đạt 50,7 tạ/ha, tăng 0,3 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước; sản lượng đạt 8,04 triệu tấn, giảm 59,5 nghìn tấn. Mặc dù thời tiết đầu vụ không thuận lợi, hạn hán trên diện rộng gây khó khăn cho việc gieo cấy nhưng trong quá trình cây lúa sinh trưởng và phát triển, điều kiện thời tiết thuận lợi hơn nên cây lúa đẻ nhánh nhanh và đồng đều, các loại sâu bệnh xuất hiện nhưng được phòng trừ kịp thời nên năng suất tăng so với vụ mùa năm trước.

Song song với thu hoạch lúa hè thu, đến 15/10/2020, các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã gieo cấy được 684,9 nghìn ha lúa thu đông, bằng 95,9% cùng kỳ năm trước. Đến nay, toàn vùng đã thu hoạch 283,7 nghìn ha, chiếm 41,4% diện tích gieo cấy và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm trước; năng suất trên diện tích thu hoạch đạt 52,2 tạ/hạ, tăng 0,4 tạ/ha. Diện tích lúa còn lại chủ yếu ở giai đoạn chắc xanh đến chín, sinh trưởng và phát triển khá tốt. Ngành Nông nghiệp khuyến cáo người nông dân cần thăm đồng thường xuyên, kiểm tra kỹ sâu bệnh trên cây lúa và hướng dẫn bơm rút nước, sử dụng thuốc đặc trị vi khuẩn để giảm khả năng lây lan của sâu bệnhnhằm đảm bảo lúa đạt năng suất cao.

Nhờ thu hoạch lúa các vụ ở nhiều địa phương trên cả nước nên đời sống dân cư ổn định, trong tháng Mười ít phát sinh thiếu đói trong nông dân. Tháng 10 – tháng thu hoạch, cũng là tháng nhiều nơi ở khu vực phía Bắc tổ chức “Lễ hội mùa vàng” để mừng một mùa no ấm. Bên cạnh đó, lúa được giá là yếu tố đánh dấu sự chuyển mình của sản xuất lúa gạo theo hướng hiệu quả sản xuất ngày càng tăng, góp phần quan trọng xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tăng cường xuất khẩu.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn giữ được đà tăng về kim ngạch. Yếu tố quan trọng hơn là giá xuất khẩu ở mức cao do nhu cầu thu mua, tích trữ gạo của nhiều quốc gia trên thế giới tăng khi dịch Covid-19 bùng phát, các yêu cầu của thị trường nhập khẩu được thực hiện tốt hơn và chủng loại xuất khẩu có xu hướng chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao. Tại thời điểm tháng 8/2020, giá gạo xuất khẩu trung bình của Việt Nam đạt mức cao nhất với 502,6 USD/tấn, tăng 3,8% so với tháng 7/2020. Đến tháng 10, giá gạo 5% tấm của Việt Nam có xu hướng tăng từ mức 470 USD/tấn vào đầu tháng lên khoảng 490 USD/tấn vào cuối tháng. Một trong những điểm nhấn là giá xuất khẩu gạo Việt sang thị trường EU đã chạm tới con số kỷ lục ở mức hơn 1.000 USD/tấn sau khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực.Trong 10 tháng năm nay, nước ta đã xuất khẩu được gần 5,3 triệu tấn gạo với kim ngạch đạt 2,6 tỷ USD, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm trước.

Với những kết quả đạt được trong 10 tháng qua, sản xuất lúa gạo nước ta đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và thúc đẩy xuất khẩu gạo với giá trị ngày càng được cải thiện, tạo nên sức lan toả mạnh mẽ của “hương vị” gạo Việt Nam trên thị trường hàng nông sản thế giới.