Thân nhân Bệnh nhân : 20. Nhiễm siêu vi

NHIỄM SIÊU VI

 

Mục tiêu truyền thông:

1.      Nắm được các khái niệm về định nghĩa đường lây, biểu hiện, cách điều trị, phòng bệnh của nhiễm siêu vi.

2.      Thực hiện được biện pháp phòng bệnh nhiễm siêu vi.

 

1.      Nhiễm siêu vi là gì?


Nhiễm siêu vi là thuật ngữ chỉ chung những trường hợp nhiễm các loại virus khác nhau và một số ít trong đó có thể được xác định rõ ràng. Bệnh xảy ra rải rác trong năm và tăng mạnh vào thời điểm mùa hè hay mùa mưa. Bản thân bệnh nhiễm siêu vi thường không nguy hiểm, tuy nhiên, người bệnh nên đến các cơ sở y tế để thăm khám vì bệnh có thể dẫn tới bội nhiễm nếu không được điều trị đúng cách và dứt điểm Đặc biệt ở trẻ em, bệnh dễ bùng phát thành dịch và gây các biến chứng khó lường.

2.      Bệnh lây truyền như thế nào?

Phần lớn nhiễm siêu vi lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa, hoặc do tiếp xúc trực tiếp. Một số virus có thể lây truyền qua đường tình dục và đường máu. Thời gian từ khi cơ thể tiếp xúc với virus đến khi phát bệnh có thể thay đổi từ vài ngày đến vài tuần.

3.      Biểu hiện của bệnh là gì?

–       Ban đầu người bệnh thường hắt hơi, sổ mũi.

–       Sốt cao: thường từ 38 – 39ºC, thậm chí 40 – 41ºC. Đặc biệt ở trẻ nhỏ có thể dẫn tới co giật do sốt.

–       Đau đầu, nhức mỏi cơ toàn thân, ăn không ngon.

–       Trẻ nhỏ thường quấy khóc, ăn kém.

–       Viêm đường hô hấp: ho, đau họng,…

–       Viêm kết mạc: kết mạc mắt đỏ, chảy nước mắt.

–       Phát ban: có thể phát ban sau khi sốt 2 – 3 ngày, khi xuất hiện ban thì đỡ sốt.

–       Rối loạn tiêu hóa (nôn ói, tiêu chảy): do tác động của virus lên đường tiêu hóa hoặc do người bệnh dùng kháng sinh, hay các thuốc khác.

Các triệu chứng trên thường xuất hiện rất rầm rộ và giảm dần sau 5 ngày, người bệnh sẽ khỏe trở lại. Đôi khi bệnh dai dẳng, hoặc bội nhiễm gây ra những biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.

Người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu nguy hiểm:

–       Sốt cao trên 39ºC, dùng thuốc hạ sốt không hiệu quả.

–       Đau đầu dữ dội, kéo dài hoặc tăng dần cường độ.

–       Khó thở.

–       Đau ngực.

–       Đau bụng.

–       Nôn và buồn nôn nhiều, liên tục.

–       Co giật hoặc ngủ li bì.

Đặc biệt ở trẻ nhỏ do hệ miễn dịch còn non yếu, dễ dẫn tới các biến chứng nguy hiểm, vì vậy cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế sớm và kịp thời.

4.      Bệnh nhiễm siêu vi điều trị như thế nào?

Trong hầu hết các trường hợp, nhiễm siêu vi không yêu cầu điều trị đặc hiệu. Thay vào đó, điều trị bệnh tập trung vào việc giảm nhẹ các triệu chứng bao gồm:

–       Hạ sốt: Chườm ấm, lau mát, uống thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

–       Nghỉ ngơi, thư giãn.

–       Uống nhiều nước (sữa, nước cam, hoa quả, vitamin C,…).

–       Ăn thức ăn giàu dinh dưỡng, nấu chín, dễ tiêu hóa để nâng cao sức đề kháng cho cơ thể.

–       Vệ sinh cơ thể: tắm rửa sạch sẽ, chăm sóc răng mũi miệng.

–       Chỉ điều trị kháng sinh khi có bội nhiễm vi khuẩn.

5.   Phòng bệnh nhiễm siêu vi:

–       Cách đề phòng hiệu quả nhất là nâng cao sức đề kháng bản thân.

–       Tiêm phòng các bệnh đã có vaccine để tạo kháng thể chủ động với bệnh.

–       Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cơ thể khỏe mạnh.

–       Sinh hoạt, lao động và nghỉ ngơi hợp lý, giảm thiểu căng thẳng.

–       Giữ vệ sinh môi trường, nơi ở và cơ thể. Đặc biệt, thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

–       Tránh tới những nơi có dịch, tiếp xúc với người bệnh và những nơi đông người, đề phòng lây bệnh.

–       Nếu cơ thể đang bị cảm lạnh, ho hoặc sốt thì tránh đến những khu vực đông người, bịt khẩu trang hay che miệng bằng khăn sạch khi ho hoặc ngáp để tránh lây lan bệnh trong cộng đồng.

 

F Trong khi hầu hết các trường hợp nhiễm siêu vi sẽ tự giới hạn trong vòng một tuần lễ, một số trường hợp bệnh có thể nặng và chuyển biến nguy hiểm cần phải được điều trị kịp thời. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nguy hiểm cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám và chữa trị kịp thời.