Thần cơ diệu toán như Khổng Minh, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận?

Thần cơ diệu toán như Khổng Minh, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận?

Nhắc tới thời Tam Quốc, một trong số những nhân vật nổi tiếng hơn cả phải kể tới Ngọa Long tiên sinh Gia Cát Lượng – bậc kỳ tài thần cơ diệu toán vẫn được ca ngợi là “túi khôn” của tập đoàn chính trị Thục Hán.

Thần cơ diệu toán như Khổng Minh, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 2.

Vậy đâu là lý do khiến Lưu Huyền Đức năm xưa dù đã mất đi hai võ tướng đắc lực là Quan Vũ – Trương Phi nhưng vẫn cương quyết không đưa Gia Cát Khổng Minh cùng ra trận?

Việc Lưu Bị không tạo điều kiện cho Gia Cát Lượng ra chiến trường có thể bắt nguồn từ 3 nguyên nhân chủ đạo sau đây:
Nguyên nhân thứ nhất: Lưu Bị không an tâm đem công tác hậu cần giao cho người khác

Trong thời đại vũ khí lạnh, lương thảo chính là nguồn sống của ba quân. Lưu Bị thực chất tín nhiệm Gia Cát Lượng hơn bất cứ ai nên mới để ông trông coi hậu phương và đảm đương nhiệm vụ này, từ đó bảo vệ tốt “nguồn sống” cho quân Thục trong mọi trận chiến.

Vì vậy có thể thấy, Lưu Huyền Đức không phải không muốn đưa Khổng Minh ra chiến trường mà là không dám thực hiện ý tưởng ấy. Bởi ông không tin tưởng giao công tác hậu cần cho bất kỳ ai khác.

Nguyên nhân thứ hai: Lưu Bị không muốn để Gia Cát Lượng nắm cả binh quyền

Gia Cát Khổng Minh thân là Thừa tướng Thục Hán, nắm giữ quyền hành về tài chính, dân chính. Hơn nữa Ngọa Long tiên sinh nổi tiếng tài trí thông minh, nhờ có tài trị quốc của ông nên dân chúng Thục Hán mới có thể an cư lạc nghiệp.

Thần cơ diệu toán như Khổng Minh, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 3.

Hình ảnh nhân vật Lưu Bị trên phim.

Vì vậy, danh vọng của Gia Cát Lượng lúc bấy giờ vô cùng có sức ảnh hưởng. Nếu như ngay tới quân quyền và uy danh trên chiến trường cũng bị Khổng Minh chiếm mất, vậy một vị quân chủ như Lưu Bị liệu có còn có khả năng để duy trì sức ảnh hưởng của mình hay không?

Dù quan hệ vua tôi giữa Lưu Huyền Đức và Gia Cát Lương có tốt đẹp tới đâu, thì một người ở ngôi cửu ngũ chí tôn như vị quân chủ họ Lưu cũng không thể không đề phòng.

Và có lẽ ít nhiều cũng xuất phát từ tâm lý kiêng kỵ này nên Lưu Bị không tạo điều kiện cho Khổng Minh ra trận, từ đó hạn chế việc ông nắm quyền trên nhiều phương diện, đặc biệt là binh quyền.

Nguyên nhân thứ ba: Để Khổng Minh ở lại hậu phương chính là lưu lại đường lui cho Thục Hán

Lưu Bị cả đời được xem là một người cẩn trọng vô cùng, mỗi lần xuất chinh đều tính toán hết sức cặn kẽ. Do đó trước những chiến dịch quyết định vận nước như đại chiến ở Ích Châu hay Di Lăng, ông càng không thể không cân nhắc tới hậu quả thất bại.

Bản thân vị quân chủ này hiểu rõ hơn ai hết, nếu mang theo Gia Cát Lương ra chiến trường, một khi thất bại, cả ông và Khổng Minh đều sẽ gặp bất trắc. Trong trường hợp hai người đều không may bỏ mạng nơi sa trường, vậy giang sơn Thục Hán liệu còn có thể trông cậy vào ai?

Thần cơ diệu toán như Khổng Minh, vì sao Lưu Bị ít khi đưa Gia Cát Lượng cùng ra trận? - Ảnh 4.

Hình ảnh nhân vật Gia Cát Lượng trên phim.

Trong nội bộ Thục quốc, nếu không tính Lưu Bị thì chỉ còn Gia Cát Lượng là sở hữu danh vọng cao nhất. Cho dù vị quân chủ họ Lưu có không may hy sinh vì chiến bại, triều đình ít nhất vẫn còn Khổng Minh trấn giữ quốc nội, như vậy thì chính quyền Thục Hán cũng sẽ không phải đối mặt với những chấn động quá lớn.

Từ những phân tích trên đây, có thể thấy Lưu Bị không đem theo Khổng Minh xuất chinh trong những chiến dịch lớn đều có nguyên do rất rõ ràng.

Điểm đáng nói hơn còn nằm ở chỗ, nguyên nhân chính dẫn đến quyết định này của vị quân chủ họ Lưu ấy không đến từ hai chữ “không muốn”, mà do bản thân ông không thể, cũng không dám để Gia Cát Lượng liều mạng trên sa trường.

Cũng bởi vậy mà có ý kiến cho rằng, một người cẩn trọng như Lưu Huyền Đức chỉ có thể an tâm ở tiền tuyến chinh chiến khi mà hậu phương phía sau ông có Gia Cát Khổng Minh chống đỡ.