Tham vọng thể thao Việt Nam sau thất bại tại Olympic 2020
Phải chăng, chúng ta đã quá ảo tưởng về khả năng chinh phục huy chương các môn Olympic cơ bản như điền kinh, bơi lội.
Quả thật, so với các nước trong khu vực, chúng ta cũng đã có những bước phát triển rất tốt về hai môn này nhiều năm qua. Trong những kỳ SEA Games gần đây, chúng ta thường ở top đầu về thành tích của hai môn này.
Nhưng đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Tokyo 2020 đã kết thúc hành trình của mình thật buồn. Nhất là khi nhìn sang kết quả của các nước láng giềng trong “vùng trũng” Đông Nam Á như Indonesia, Thái Lan, Philippines, Malaysia… Đặc biệt là cách mà một số vận động viên của họ thi đấu với tâm thế tự tin và sẵn sàng cạnh tranh huy chương một cách sòng phẳng với tất cả các đối thủ trên thế giới.
Đó là chưa nói đến những “cơn mưa” huy chương của các quốc gia cùng châu lục khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí cả các đoàn thể thao vùng lãnh thổ nhỏ bé như Hong Kong, Đài Loan… Kết quả đó khiến chúng ta phải thừa nhận nền thể thao nước nhà đang tụt lại khá xa trên đấu trường quốc tế.
Những lời động viên an ủi đối với các vận động viện đã nỗ lực hết mình vì màu cờ sắc áo nhưng kết quả thi đấu không được như mong muốn là kịp thời và cần thiết lúc này. Chắc hẳn, mỗi một vận động viên tham dự Thế vận hội đều mang trong mình sự khát khao chiến thắng, sự nỗ lực hết mình, cùng với lòng tự hào dân tộc để mang vinh quang về cho Tổ quốc và cho chính họ.
Tôi cũng nghe phong thanh đâu đó những lý giải cho sự thất bại này của đoàn thể thao Việt Nam lần này như do dịch bệnh kéo dài ảnh hưởng đến quá trình tập luyện, chuẩn bị của vận động viên, là do không may khi gặp phải đối thủ quá mạnh. Thực tế, dịch bệnh covid-19 trong gần hai năm qua đã hoành hoành khắp thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Còn lý do không may gặp đối thủ quá mạnh thì tôi xin không bàn tới. Vì ai cũng biết Olympic là đấu trường thể thao quy tụ tất cả những vận động viên giỏi nhất thế giới. Vì vậy, muốn giành được vinh quang, chắc chắn chúng ta phải chuẩn bị tâm thế để sẵn sàng thi đấu và chiến thắng bất kỳ đối thủ nào trong nội dung thi đấu của mình.
>> Thể thao Việt Nam thụt lùi sau thất bại ở Olympic 2020
Chúng ta từng có một số nội dung cạnh tranh sòng phẳng được với các cường quốc thể thao tầm châu lục. Cách đây không lâu, chúng ta cũng đã có một vài vận động viên và một vài nội dung tiệm cận được với thành tích có thể giành được huy chương ở Thế vận hội. Nếu đoạt được huy chương ở hai môn cơ bản của Olympic tại Thế vận hội thì vị thế của thể thao Việt Nam sẽ tăng lên rất đáng kể. Vì vậy ngành thể thao đã dốc sức đầu tư để hy vọng có sự đột phá giành được huy chương ở hai môn điền kinh và bơi lội.
Tuy nhiên, ở thể thao đỉnh cao, đối với các môn thi mà thành tích của vận động viên được xác định bằng các thông số đo lường (chiều cao, chiều dài, thời gian…), nhiều khi sự chênh lệch thành tích chỉ vài phần trăm giây, vài cm (tùy từng nội dung) cũng là một khoảng cách vời vợi, không thể ngày một ngày hai mà có thể san lấp được. Lẽ dĩ nhiên, với việc có được những vận động viên đạt chuẩn thi đấu ở những nội dung của hai môn này tại Thế vận hội cũng đã là rất tốt trên nhiều khía cạnh, nhưng để tìm kiếm huy chương ở thời điểm hiện tại và tương lai gần, có lẽ còn khó hơn cả hái sao trên trời.
Lẽ ra, thay vì chạy theo đầu tư vào các môn không phải sở trường, hay không phù hợp với thể chất người Việt, ngành thể thao nên chọn lọc những môn thể thao thường xuyên có trong chương trình thi đấu của Olympic nhưng phù hợp với thể trạng hoặc những môn thi đấu theo hạng cân. Ví dụ như các môn bóng bàn, cầu lông, các môn võ, cử tạ, bắn súng, bắn cung, thể dục dụng cụ…
Thực tế, trong lịch sử thể thao nói chung và thành tích tại các kỳ Thế vận hội nói riêng của Việt Nam đã chứng minh điều đó. Đối với bóng bàn, trước đây, chúng ta từng có những quái kiệt lừng danh thế giới như Lê Văn Tiết, Mai Văn Hòa, Nguyễn Cảnh Được; Cầu lông có Nguyễn Tiến Minh nhiều năm nằm trong top 10 thế giới… Các huy chương ít ỏi của chúng ta tại các kỳ Thế vận hội trước giờ cũng đến từ các môn võ (Trần Hiếu Ngân – Taekwondo tại Sydney 2000), cử tạ (Hoàng Anh Tuấn tại Bắc Kinh 2008; Trần Lê Quốc Toàn tại London 2012), bắn súng (Hoàng Xuân Vinh tại Rio 2016) . Nếu thật sự chăm chút hơn, đầu tư bài bản hơn cho những môn này, tôi tin rằng, chưa chắc chúng ta đã trắng tay tại Tokyo.
Môt vấn đề nữa, để có được một vận động viên chuyên nghiệp, thi đấu thành tích cao, chúng ta cần phải đầu tư theo quy trình: phát hiện – đào tạo – sàng lọc – thi đấu và trải qua một quá trình lâu dài. Muốn có những vận động viên giỏi, chúng ta phải phát hiện được những nhân tố tiềm năng ngay từ khi còn nhỏ, trải qua quá trình đào tạo bài bản, khoa học và khổ luyện. Điều này đòi hỏi sự tâm huyết của những người làm thể thao, sự kiên trì học hỏi, đồng thời phải kết hợp với rất nhiều ngành khác như y học thể thao, khoa học dinh dưỡng, tâm lý…
Ngoài ra, để thể thao thành tích cao có những đột phá, không thể thiếu một nền tảng vững chắc, đó là phong trào tập luyện thể thao trong cộng đồng, trong môi trường học đường… phát triển các hệ thống câu lạc bộ thể thao bằng nhiều hình thức từ nguồn đầu tư của nhà nước cũng như xã hội hóa. Xây dựng một hệ thống các giải thi đấu thường xuyên lên tục, có uy tín để các vận động viện chuyên nghiệp được thường xuyên thi đấu, cọ xát, học hỏi.
Đặc biệt, chúng ta phải tạo điều kiện cho vận động viên được thi đấu, giao lưu với những vận động viên hàng đầu thế giới, cũng như được tiếp thu những công nghệ, giáo án tập luyện tiên tiến của thế giới. Thế nhưng, những vấn đề này vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải của ngành thể thao nước nhà. Thậm chí, chúng ta cũng chưa nhìn thấy được một chiến lược thực sự bài bản, rõ ràng .
>> Chỉ tiêu thành tích SEA Games khiến Ánh Viên quanh quẩn ‘ao làng’
Thể thao, cũng như tất cả các lĩnh vực khác trong đời sống, đều phải có sự kế thừa một cách liên tục. Một vận động viên dù giỏi hay bền bỉ đến mấy thì cũng đến lúc phong độ và thành tích đi xuống. Có những vận động viên kỳ này đang là đỉnh cao phong độ, nhưng kỳ sau thành tích của họ đã bị tụt hậu. Vì vậy, một đoàn thể thao muốn có sự cạnh tranh ở những đấu trường lớn cần phải luôn luôn có những thế hệ vận động viên trẻ kế cận, sẵn sàng thay thế các đàn anh, đàn chị gánh vác trọng trách.
Mặt khác, khi có sự kế thừa cũng tạo ra môi trường cạnh tranh để các vận động viên nỗ lực hơn trong luyện tập. Khi đi thi đấu, các vận động viên cũng đỡ áp lực hơn về trọng trách giành huy chương. Giá như tại Tokyo vừa qua, chúng ta có thêm người chia lửa thì biết đâu những Thạch Kim Tuấn, Trương Thị Kim Tuyền hay Hoàng Thị Duyên sẽ thi đầu thoải mái hơn, tự tin hơn và thành tích của họ sẽ khác?
Để các gia đình có con em theo nghiệp thể thao yên tâm, để các vận động viên được toàn tâm, toàn ý tập luyện, thi đấu và cống hiến, ngoài chuyên môn, họ và gia đình còn cần được quan tâm đến nhiều khía cạnh khác như: học hành, bảo hiểm rủi ro nghề nghiệp, tương lai cuộc sống sau khi giải nghệ… Thế nhưng, những vấn đề này cũng chưa được ngành thể thao có lời giải căn cơ.
Cuối cùng, tôi muốn dẫn một câu ca dao của người xưa về đức tính khiêm nhường học hỏi: “Ở nhà nhất mẹ, nhì con. Ra đường có kẻ lại giòn hơn ta”. Vì vậy, để có được thành tích cao, các vận động viện, các huấn luyện viên cũng cần có những đức tính khiêm tốn, cầu tiến để luôn luôn phấn đấu vượt lên chính mình, chứ không nên kiêu ngạo, chủ quan vì những thành tích mà mình đã có tại các giải trong nước, cũng như trong khu vực.
Thất bại là điều đáng buồn, nhưng hy vọng từ thất bại này, ngành thể thao Việt Nam sẽ nghiêm túc nhìn lại một cách toàn diện để đánh giá lại lại toàn bộ hệ thống của mình, hướng tới những cải tổ triệt để nhằm lấy lại vị thế của thể thao nước nhà.
Lê Quảng Đại
>> Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.