Tham vọng chuyển đổi số toàn diện – Việt Nam và thế giới

Cuối tháng 11-2021, Việt Nam đã chính thức thành lập Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số, do Thủ tướng Chính phủ đứng đầu. Như vậy, hệ thống chiến lược toàn diện về chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030, đã cơ bản thành hình, bao gồm: Chương trình chuyển đổi số quốc gia; Chiến lược phát triển chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số. Mảnh ghép cuối cùng của “bức tranh” – Chiến lược phát triển kinh tế số cũng đang được gấp rút hoàn thiện.

Cuộc đua toàn cầu – Đông Nam Á trong tương quan với các nước phát triển

Châu Á – Thái Bình Dương, với lợi thế dân số trẻ, năng động, và yêu thích công nghệ, đang là khu vực hào hứng nhất trên toàn cầu trong cuộc đua phát triển công nghệ số và dùng công nghệ – kinh tế số như là lợi thế cạnh tranh để phát triển quốc gia. Việt Nam không giấu giếm tham vọng vươn lên tốp đầu trong cuộc đua. Các nước khác ngay trong khu vực Đông Nam Á cũng sớm nhìn nhận vai trò quan trọng của công nghệ số và muốn tận dụng ưu thế của chuyển đổi số toàn diện để “nhảy cóc”, đưa quốc gia đột phá để nhanh chóng thu hẹp khoảng cách với các nền kinh tế phát triển.

Tham vọng chuyển đổi số toàn diện - Việt Nam và thế giới - Ảnh 1.

Malaysia là một ví dụ điển hình. Tháng 2 năm nay, đích thân Thủ tướng Tan Sri Muhyiddin Yassin công bố tài liệu chiến lược dài 104 trang với tựa đề MyDigital, vạch ra một kế hoạch toàn diện nhằm phát triển nền kinh tế số Malaysia đến năm 2030. Mục tiêu được tuyên bố rất rõ ràng – đưa Malaysia trở thành nền kinh tế lấy công nghệ số làm động lực (digital – driven), đạt đến mốc quốc gia có thu nhập cao, và dẫn đầu khu vực về kinh tế số.

Malaysia đưa ra những con số mục tiêu cụ thể cho từng nhóm đối tượng. Với người dân là tạo ra nửa triệu việc làm mới; đưa Internet bao phủ 100% hộ gia đình; và tất cả học sinh, sinh viên trên toàn quốc đều tiếp cận được giáo dục trực tuyến.

Với khu vực doanh nghiệp, kinh tế số đóng góp 22,6% cho GDP; năng suất sẽ tăng lên 30%; 875.000 doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa sử dụng thương mại điện tử.

Với chính phủ, 80% dịch vụ công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp sẽ tiến hành qua phương thức trực tuyến; và ngay trong năm 2022, 80% khối lượng dữ liệu sẽ đưa lên “đám mây”.

Dù tham vọng như vậy, nhưng nhìn rộng ra khu vực và trên toàn cầu, Đông Nam Á, trừ Singapore, vẫn đang đi sau khá xa so với các nước phát triển cả về chiến lược cũng như năng lực thực tế về phát triển công nghệ số và kinh tế số.

Nếu như Đông Nam Á đang ở bước khởi động chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực, thì các nền kinh tế phát triển đã đi vào chiều sâu và đang ở giai đoạn hướng vào xử lý những vấn đề “lõi” của kinh tế số.

Về mặt năng lực công nghệ, khởi đầu của công nghệ số vẫn là ở các nước phát triển. Ý tưởng về các mạng xã hội lớn, từ đó tạo ra nguồn dữ liệu người dùng khổng lồ trên toàn cầu, đều bắt nguồn từ Mỹ. Trí tuệ nhân tạo (AI) cũng khởi đầu từ các nước phương Tây ngay từ những thập niên sau Thế chiến thứ 2. Và AI chỉ có thể bùng nổ khi có nguồn dữ liệu lớn khổng lồ do mạng xã hội; do Internet vạn vật (IoT) mang lại.

Đông Nam Á có thể nhanh chóng học hỏi và tận dụng các công nghệ số mới – vốn lan tỏa nhanh vì không phụ thuộc vào rào cản biên giới. Nhưng về bản chất, Đông Nam Á vẫn là “hưởng lợi”, “tận dụng” các cơ hội được mang lại hơn là sáng tạo công nghệ lõi. Các kỳ lân công nghệ của Đông Nam Á, điển hình là Grab của Indonesia, hay VinaGame (VNG) ở Việt Nam, thành công nhờ học hỏi các mô hình kinh doanh mới và chiếm lĩnh nhanh chóng thị trường nội địa nhờ khả năng am hiểu thị trường khu vực. Nhưng sáng tạo công nghệ mới, tạo ra mô hình kinh doanh mới và mở rộng kinh doanh toàn cầu vẫn tiếp tục là thách thức.

Trong khi khoảng cách về năng lực công nghệ là khó đo đếm, thì khoảng cách về thể chế là rõ ràng hơn khi các nước phát triển như châu Âu, Mỹ, Anh, Úc… thảo luận sớm hơn từ 5-10 năm so với Đông Nam Á và có các bước đi nhằm điều tiết các vấn đề do công nghệ đặt ra. Cụ thể, các vấn đề đã và đang tiếp tục gây tranh cãi nóng bỏng là bảo vệ quyền riêng tư và dữ liệu cá nhân của người dùng trên môi trường số; thuế với các công ty công nghệ cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới; về tài sản số; tin giả, thông tin không chính xác bùng phát trên các nền tảng mạng xã hội và vấn đề đạo đức của AI…

Song song với các chính sách điều tiết thị trường (regulatory policies) như đã nói, đầu tư cho hạ tầng số (trọng tâm là 5G và hạ tầng điện toán đám mây) và nghiên cứu các công nghệ mũi nhọn (sản xuất bộ vi xử lý; mạng viễn thông thế hệ tiếp theo 6G…) vẫn tiếp tục là ưu tiên của các quốc gia này. Ví dụ, trong gói đầu tư lớn cho hạ tầng 1.200 tỉ đô la Mỹ của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden, đầu tư cho kết nối Internet là một phần quan trọng. Chưa nói về năng lực sáng tạo công nghệ, với sự đầu tư mạnh mẽ cho hạ tầng kết nối số như vậy của các nước phát triển, tham vọng bắt kịp, ít nhất là về chất lượng hạ tầng, của các nước đang phát triển vẫn là câu hỏi lớn.

Việt Nam – chìa khóa nào cho thành công

Trở lại với Việt Nam, có một “tấm bản đồ” là đáng mừng, nhưng đó chưa phải yếu tố để đảm bảo thành công, mà vẫn còn rất nhiều bài toán khó khăn ở phía trước.

Với tiềm lực lớn lao của khu vực tư nhân, từ phía Nhà nước, vai trò lớn nhất là khai mở được nguồn lực này thông qua các lựa chọn chính sách hợp lý. Ngược lại, Nhà nước cần rút lui, không giẫm chân lên những việc doanh nghiệp có thể làm được và làm tốt. Cụ thể, ba ưu tiên của Việt Nam nên là: (1) có chính sách ưu tiên phát triển và đầu tư cho hạ tầng số, gồm hạ tầng kết nối Internet băng thông rộng và 5G, và hạ tầng điện toán đám mây; (2) đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tập trung vào kỹ năng số cho người lao động; và (3) gấp rút hoàn thiện thể chế/pháp lý cho ngành kinh doanh mới, các vấn đề mới trong bối cảnh thương mại và kinh tế xuyên biên giới với các đặc thù của không gian mạng toàn cầu như tài sản số, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thương mại và dịch vụ số xuyên biên giới, tin giả và thông tin không chính xác trên môi trường mạng xã hội.

Và cuối cùng, công nghệ số và kinh tế số là những vấn đề liên ngành nên năng lực phối hợp chính sách giữa các bộ là đặc biệt quan trọng. Chính phủ cần đóng vai trò trung tâm trong việc điều phối, giúp các bộ chủ chốt có sự phối hợp hài hòa trong tiến trình thực thi chính sách.

Công nghệ số và kinh tế số đóng góp trực tiếp cho phục hồi kinh tế trong và sau đại dịch, đồng thời có vai trò là động cơ tăng trưởng mới cho Việt Nam trong dài hạn. Công nghệ số góp phần quan trọng trong việc giảm chi phí giao dịch, nâng cao hiệu quả kinh tế của các ngành hiện hữu, cải thiện năng suất lao động của Việt Nam.

Một số ngành kinh doanh mới như dịch vụ công nghệ số, công nghiệp nội dung và giải trí số, an toàn an ninh mạng có thể trở thành những ngành kinh doanh mũi nhọn, đóng góp lớn về giá trị xuất khẩu dịch vụ cho Việt Nam. Để hiện thực hóa những tiềm năng lớn lao đó, ba vấn đề mang tính nền tảng phải giải quyết là hạ tầng số quốc gia; chất lượng nguồn nhân lực cho thời đại số; và thể chế/pháp lý cho ngành kinh doanh mới trong bối cảnh thương mại và kinh tế xuyên biên giới với đặc thù của không gian mạng toàn cầu.

(*) Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS)