Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã | TRƯỜNG CHÍNH TRỊ TỈNH BẾN TRE
ThS. Võ Thái Bình
Phó Trưởng khoa NN&PL
1. Vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính
“Vi phạm hành chính” là hành vi có lỗi do cá nhân, tổ chức thực hiện, vi phạm quy định của pháp luật về quản lý nhà nước mà không phải là tội phạm và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt vi phạm hành chính [1]. Thuật ngữ trên đã nêu rõ các dấu hiệu cơ bản của hành vi “vi phạm hành chính” gồm:
– Thứ nhất, phải xác định được chủ thể thực hiện hành vi vi phạm pháp luật hành chính là cá nhân hoặc tổ chức theo quy định của pháp luật.
– Thứ hai, hành vi vi phạm pháp luật hành chính có thể là hành vi “hành động” không hợp pháp hay “không hành động” không hợp pháp. Nghĩa là hành vi đó phải trái với các quy định của pháp luật hành chính.
– Thứ ba, “vi phạm hành chính” phải là hành vi có lỗi (lỗi cố ý hoặc vô ý), nếu tại thời điểm thực hiện hành vi không có lỗi thì không coi là vi phạm hành chính.
– Thứ tư, hành vi vi phạm hành chính là hành vi vi phạm pháp luật nhưng chưa tới mức truy cứu trách nhiệm hình sự và phải bị phạt hành chính.
Xử phạt vi phạm hành chính là việc người có thẩm quyền xử phạt áp dụng hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính [2]. Thuật ngữ trên chỉ ra rằng không phải ai cũng có thể xử lý vi phạm hành chính mà chỉ có những người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đưa ra các biện pháp xử lý như: hình thức xử phạt, mức xử phạt biện pháp khắc phục hậu quả trong phạm vi thẩm quyền pháp lý của mình.
Vì vậy, việc xác định chính xác thẩm quyền pháp lý trong xử phạt vi phạm hành chính của từng chức danh có thẩm quyền sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý hành chính nước.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Khi bàn về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chúng ta thường chỉ căn cứ duy nhất vào khoản 1 điều 38 của luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Thậm chí, chỉ căn cứ vào mức phạt tối đa, ví dụ thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp dân xã là không quá năm triệu đồng. Hiểu như vậy là chưa đủ và rất có khả năng dẫn đến việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính sai thẩm quyền, dẫn đến các hệ lụy pháp lý không đáng có.
Khoản 1 Điều 38 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:
1. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Luật Xử lý vi phạm hành chính số: 15/2012/QH13 Quốc hội khoá XIII thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 quy định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã bao gồm hình thức xử phạt và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Thứ nhất, về hình thức xử phạt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền thực hiện các hình thức xử phạt sau:
+ Hình thức phạt cảnh cáo:
* Được áp dụng đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ và theo quy định thì bị áp dụng hình thức xử phạt cảnh cáo.
* Được áp dụng đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
* Lưu ý: hình thức phạt cảnh cáo phải được quyết định bằng văn bản.
+ Hình thức phạt tiền: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền xử phạt các hành vi vi phạm hành chính có mức phạt cao nhất của khung hình phạt thỏa mãn đồng thời cả hai điều kiện sau:
* Mức phạt tối đa không quá 5.000.000 đồng
* Phạt tiền đến 10% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật xử lý vi phạm hành chính 2012. Nghĩa là mức tiền phạt phải thấp hơn hoặc bằng 10% mức phạt tối đa trong từng lĩnh vực cụ thể. Ví dụ tại điểm a khoản 1 điều 24 luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân là: “Phạt tiền đến 30.000.000 đồng: hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; bạo lực gia đình; lưu trữ; tôn giáo; thi đua khen thưởng; hành chính tư pháp; dân số; vệ sinh môi trường; thống kê;”. Trường hợp này, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã có thẩm quyền xử phạt không quá 10% của 30.000.000 đồng là 3.000.000 đồng.
* Lưu ý thứ nhất: Luật cũng quy định Chính phủ có thẩm quyền quy định (bằng nghị định) hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, mức phạt tiền tối thiểu, tối đa trong từng lĩnh vực[3]. Đây cũng là căn cứ quan trọng để xác định thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể.
* Lưu ý thứ hai, riêng đối với khu vực nội thành của thành phố trực thuộc trung ương thì mức phạt tiền có thể cao hơn, nhưng tối đa không quá 02 lần mức phạt chung áp dụng đối với cùng hành vi vi phạm trong các lĩnh vực giao thông đường bộ; bảo vệ môi trường; an ninh trật tự, an toàn xã hội. Mức phạt này do Hội đồng nhân dân thành phố quy định [4]. Đây là một căn cứ để xác định thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân cấp xã gắn với đặc thù của địa phương.
* Lưu ý thứ ba, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được quy định tại khoản 1 điều 38 là thẩm quyền áp dụng đối với một hành vi vi phạm hành chính của cá nhân; trong trường hợp phạt tiền, thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân [5].
+ Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức xử phạt tiền được quy định tại điểm b khoản 1 điều 38 luật xử lý vi phạm hành chính;
– Thứ hai về áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
+ Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu;
+ Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có giấy phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép;
+ Buộc thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, lây lan dịch bệnh;
+ Buộc tiêu hủy hàng hóa, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường, văn hóa phẩm có nội dung độc hại;
+ Theo quy định của luật xử lý vi phạm hành chính, Chính phủ thực hiện việc quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, nếu một hành vi vi phạm hành chính có hình thức xử phạt, mức xử phạt thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã nhưng có quy định biện pháp khắc phục hậu quả ngoài các biện pháp nêu trên (các biện pháp khắc phục hậu quả ngoài thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã) thì cũng không thuộc thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
Tóm lại, khi nghiên cứu về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, chúng ta không chỉ căn cứ duy nhất vào khoản 1 điều 38 của luật xử lý vi phạm hành chính quy định về thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã mà phải xem toàn bộ nội dung của luật xử lý vi phạm hành chính và các băn bản pháp lý khác trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, của HĐND thành phố trực thuộc trung ương để xác định chính xác thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã của từng địa phương cụ thể, từng nội dung quản lý cụ thể trên địa bàn quản lý.
Chi chú:
[1]: Quy định tại khoản 1 điều 2 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[2]: Quy định tại khoản 2 điều 2 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[3]: Quy định tại điều 4 và khoản 2 điều 23 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012
[4]: Quy định tại đoạn 2 khoản 1 điều 23 và khoản 1 điều 52 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.
[5]: Quy định tại khoản 1 điều 52 của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012.