Thẩm quyền xử lý và các bước xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan

Thẩm quyền xử lý và các bước xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan Công chức Hải quan cần căn cứ, đối chiếu với các quy định để xác định hành vi vi phạm hành chính. Trong ảnh: Hải quan Tân Thanh chủ trì, phối hợp phát hiện và thu giữ số lượng lớn hàng hóa có dấu hiệu giả mạo. Ảnh: Minh Tuấn

Người có thẩm quyền cần làm gì?

Về nguyên tắc thực hiện công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, theo bản hướng dẫn, khi thi hành công vụ, công chức hải quan căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối chiếu với các quy định pháp luật liên quan về nội dung để xác định hành vi vi phạm hành chính.

Theo Tổng cục Hải quan, trong quá trình xem xét để ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, trường hợp cần thiết để đảm bảo tính chính xác, minh bạch, khách quan của quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt tiến hành xác minh bằng văn bản hoặc bằng các hình thức xác minh khác liên quan đến tình tiết của vụ việc vi phạm hành chính, xem xét ý kiến giải trình, trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật về giám định.

Theo đó, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính đang diễn ra, công chức hải quan đang thi hành công vụ phải thực hiện các biện pháp bằng lời nói, còi, hiệu lệnh, văn bản hoặc bằng các hình thức khác theo quy định của pháp luật để buộc chấm dứt ngay hành vi vi phạm hành chính của tổ chức, cá nhân vi phạm trước khi tiến hành các thủ tục xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan, người có thẩm quyền xử phạt cần đối chiếu với quy định của Bộ luật Hình sự để xác định đó là vi phạm hành chính hay tội phạm hình sự. Trường hợp có dấu hiệu tội phạm thì thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự.

Đối với những vụ vi phạm phức tạp, chưa phân biệt được vi phạm hành chính hay hình sự: đơn vị hải quan đang thụ lý vụ việc có văn bản trao đổi ý kiến kèm hồ sơ gửi các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có liên quan.

Cụ thể, chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu có văn bản trao đổi với cơ quan tiến hành tố tụng hình sự cùng cấp trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự. Văn bản trao đổi đồng thời gửi cho cục hải quan tỉnh, thành phố cấp trên trực tiếp để biết hoặc xem xét vụ việc và có ý kiến chỉ đạo nếu thấy cần thiết.

Nếu vụ việc do cấp cục thụ lý giải quyết thì cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan có văn bản trao đổi với các cơ quan tiền hành tố tụng hình sự trước khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính hay xử lý hình sự. Việc trao đổi ý kiến cần đảm bảo thời hạn ra quyết định xử phạt theo đúng quy định. Theo đó, trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có văn bản trao đổi hoặc trước khi hết thời hạn ra quyết định xử phạt mà cơ quan tiến hành tố tụng hình sự không trả lời thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt và gửi 1 bản quyết định cho cơ quan đã trao đổi ý kiến biết.

Trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có ý kiến về việc có dấu hiệu tội phạm hoặc không có dấu hiệu tội phạm, cơ quan Hải quan vẫn phải nghiên cứu, xác minh, làm rõ, nếu có đủ cơ sở xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì thực hiện việc khởi tố vụ án và chuyển hồ sơ vụ án cho cơ quan điều tra có thẩm quyền theo quy định hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền khởi tố hình sự theo quy định tại Điều 164 Bộ Luật Tố tụng hình sự nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền khởi tố của cơ quan Hải quan.

Trường hợp sau khi ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính nếu hành vi vi phạm được phát hiện có dấu hiệu tội phạm mà chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì người đã ra quyết định xử phạt phải ra quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt và chuyển hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự. Trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng hình sự thông báo và quyết định khởi tố vụ án hình sự, trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được thông báo, người có thẩm quyền ra quyết định xử phạt phải ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu đã ban hành) và chuyển toàn bộ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và hồ sơ gốc vụ việc cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự giải quyết theo quy định.

Chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu, cục trưởng cục hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố, Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan thực hiện quyền khởi tố theo quy định của pháp luật hình sự đối với những vụ việc có dấu hiệu hình sự do mình phát hiện, thụ lý. Trường hợp vụ việc do chi cục trưởng chi cục hải quan cửa khẩu khởi tố phải báo cáo về đơn vị cấp trên theo thẩm quyền. Đối với những vụ việc mà cơ quan Hải quan phát hiện nhưng không có thẩm quyền khởi tố thì cơ quan Hải quan chuyển hồ sơ vụ việc cho cơ quan điều tra tiến hành khởi tố.

Từng bước xác định trị giá tang vật

Theo bản hướng dẫn trình tự xử phạt thì việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính nhằm để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

Theo đó, trong trường hợp cần xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính để làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải xác định giá trị tang vật và phải chịu trách nhiệm về việc xác định đó.

Bản hướng dẫn cũng chi tiết việc xác định giá trị giá vi phạm được thực hiện theo các quy định hiện hành. Cụ thể, đối với tang vật không bị tịch thu thì giá trị tang vật, phương tiện vi phạm là trị giá hải quan, được xác định theo các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở thời điểm lập biên bản vi phạm; nếu là ngoại tệ thì tỷ giá được xác định theo quy định tại khoản 3 Điều 21 Nghị định 08/2015/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 59/2018/NĐ-CP.

Đối với hàng hóa, tang vật vi phạm bị tịch thu, tùy theo từng loại hàng hóa, tang vật cụ thể, việc xác định giá trị thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Trường hợp không thể áp dụng được căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Xử lý vi phạm hành chính để ra quyết định tạm giữ tang vật vi phạm (nếu cần) và thành lập Hội đồng định giá để thực hiện việc xác định trị giá tang vật vi phạm hành chính làm căn cứ xác định khung tiền phạt, thẩm quyền xử phạt.

Khi xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính, người có thẩm quyền đang thụ lý vụ việc phải lập biên bản. Các tài liệu liên quan đến việc định giá phải được thể hiện trong hồ sơ xử lý vụ việc vi phạm hành chính có thực hiện việc định giá hàng hóa, tang vật vi phạm.