Tham nhũng là gì? Công chức tham nhũng bị xử lý thế nào?
Việc phòng, chống tham nhũng hiện nay là một trong những công tác trọng tâm cần thực hiện tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức. Vậy tham nhũng là gì? Công chức tham nhũng thì bị xử lý thế nào?
6. Tố cáo hành vi tham nhũng có được bảo vệ không?
5. Tham nhũng được miễn hình phạt trong trường hợp nào?
4. Tham nhũng có bị đi tù không?
3.2 Với người đứng đầu cơ quan có công chức tham nhũng
2. Hành vi nào bị coi là tham nhũng?
1. Tham nhũng là gì?
Định nghĩa tham nhũng là gì được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 như sau:
Tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Trong đó:
– Đối tượng tham nhũng là người được bổ nhiệm, bầu cử, tuyển dụng, ký hợp đồng… có hoặc không có hưởng lương có quyền hạn nhất định trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định được giao.
– Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để đạt được lợi ích vật chất hoặc phi vật chất không chính đáng.
Như vậy, theo định nghĩa này, đối tượng tham nhũng phải là người có chức vụ, quyền hạn và người này phải lợi dụng chính chức vụ, quyền hạn này để đạt được một lợi ích nào đó không chính đáng.
2. Hành vi nào bị coi là tham nhũng?
2.1 Trong khu vực Nhà nước
Các hành vi tham nhũng là gì trong khu vực Nnhà nước luôn nhận được nhiều thắc mắc của độc giả. Do đây là khu vực Nhà nước nên các đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là cán bộ, công chức, viên chức.
Các hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức cũng được nêu tại khoản 1 Điều 2 của Luật Phòng, chống tham nhũng gồm các hành vi:
a) Tham ô tài sản;
b) Nhận hối lộ;
c) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản;
d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
đ) Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
e) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi;
g) Giả mạo trong công tác vì vụ lợi;
h) Đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi;
i) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi;
k) Nhũng nhiễu vì vụ lợi;
l) Không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi;
m) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
2.2 Ngoài khu vực Nhà nước
Không chỉ đặt ra hành vi tham nhũng với cán bộ, công chức, viên chức mà ngoài khu vực Nhà nước, khoản 2 Điều 2 Luật Phòng, chống tham nhũng cũng quy định hành vi tham nhũng tại khu vực Nhà nước.
Theo đó, hành vi này do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước sẽ do người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực ngoài Nhà nước thực hiện gồm: Tham ô tài sản; đưa hoặc nhận hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công vệc của doanh nghiệp vì vụ lợi.
Để hiểu rõ hơn về các hành vi tham nhũng là gì, cụ thể gồm các biểu hiện như thế nào, bạn có thể gọi ngay đến số 1900.6192 , các chuyên gia pháp lý của LuatVietnam sẽ hỗ trợ bạn
3. Công chức tham nhũng bị kỷ luật thế nào?
Ngoài việc hiểu rõ định nghĩa tham nhũng là gì cùng với các hành vi được coi là tham nhũng thì một trong những nhiệm vụ của công chức người đứng đầu được nêu tại khoản 3 Điều 10 Luật Cán bộ, công chức năm 2008 là tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng và chịu trách nhiệm nếu xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình.
Đồng thời, tham nhũng cũng là một trong những hành vi công chức tuyệt đối không được làm. Khoản 1 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng nêu rõ:
Người có hành vi tham nhũng giữ bất kì chức vụ, vị trí công tác nào đều phải bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật, kể cả người đã nghỉ hưu, thôi việc, chuyển công tác.
Theo quy định này, dù công chức đã nghỉ hưu, thôi việc hay chuyển công tác và giữ bất kỳ chức vụ này thì khi phát hiện có hành vi tham nhũng đều bị xử lý nghiêm.
Căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm, công chức tham nhũng sẽ bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, nếu công chức tham nhũng là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thì sẽ bị xem xét tăng hình thức kỷ luật.
Dưới đây là hình thức kỷ luật với người có hành vi tham nhũng:
3.1 Với công chức tham nhũng
Công chức tham nhũng bị xử lý kỷ luật như sau:
– Công chức bị Tòa án kết án về tội phạm tham nhũng: Đương nhiên bị buộc thôi việc kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực (theo khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Cán bộ, công chức).
– Công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng: Không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý (theo khoản 4 Điều 82 Luật Cán bộ, công chức năm 2008).
Ngoài ra, theo Nghị định 112/2020/NĐ-CP, nếu công chức có hành vi tham nhũng thì dựa vào tính chất của hành vi mà bị kỷ luật như sau:
– Khiển trách: Vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng.
– Cảnh cáo: Đã bị kỷ luật bằng khiển trách mà còn tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng.
– Giáng chức: Đã bị kỷ luật cảnh cáo mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả rất nghiêm trọng.
– Cách chức: Đã bị giáng chức mà tái phạm hoặc vi phạm lần đầu và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nhưng chưa đến mức bị buộc thôi việc; công chức tham nhũng có thái độ tiếp thu, sửa chữa, chủ động khắc phục hậu quả và có nhiều tình tiết giảm nhẹ.
– Buộc thôi việc: Đã bị cách chức mà tái phạm; vi phạm lần đầu nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, tùy vào từng hành vi cùng mức độ (ít nghiêm trọng, nghiêm tọng, rất nghiêm trọng hay đặc biệt nghiêm trọng) để cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp công chức tham nhũng.
Trong đó, mức độ của hành vi vi phạm được nêu tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 112/2020/NĐ-CP:
– Hậu quả ít nghiêm trọng: Tính chất, tác hại không lớn, chỉ có tác động trong nội bộ, ảnh hưởng uy tín của cơ quna, tổ chức, đơn vị công tác.
– Hậu quả nghiêm trọng: Tính chất, mức độ, tác hại lớn, tác động ra khỏi phạm vi nội bộ, gây dư luân xấu, làm giảm uy tín của cơ quan.
– Hậu quả rất nghiêm trọng: Tính chất, mức độ, tác hại rất lớn, phạm vi đến toàn xã hội, gây dư luận rất bức xúc, làm mất uy tín của cơ quan, tổ chức.
– Đặc biệt nghiêm trọng: Tính chất, mức độ, tác hại đặc biệt lớn, phạm vi sâu rộng đến toàn xã hội, khiến dư luận đặc biệt bức xúc, làm mấy uy tín của cơ quan, đơn vị.
Xem thêm: 7 điểm mới về kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức từ 20/9/2020
3.2 Với người đứng đầu cơ quan có công chức tham nhũng
Không chỉ công chức tham nhũng bị kỷ luật mà người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, đơn vị do mình quản lý nếu để cơ quan mình có vụ, việc tham nhũng xảy ra thì có thể bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách, cảnh cáo hoặc cách chức.
Cụ thể, việc áp dụng các hình thức được nêu tại Điều 78 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
– Khiển trách: Xảy ra vụ việc tham nhũng ít nghiêm trọng – công chức tham nhũng chưa bị xử lý hình sự hoặc chỉ bị xử lý hình sự bằng phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
– Cảnh cáo: Xảy ra vụ việc tham nhũng nghiêm trọng hoặc có nhiều vụ tha nhũng ít nghiêm trọng. Trong đó, vụ việc tham nhũng nghiêm trọng là vụ việc mà công chức tham nhũng bị phạt tù từ trên 03 năm đến 07 năm.
– Cách chức: Để xảy ra vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc nhiều vụ tham nhũng nghiêm trọng. Trong đó, vụ việc tham nhũng rất nghiêm trọng là công chức bị phạt tù từ trên 07 năm – 15 năm; đặc biệt nghiêm trọng là bị phạt tù từ trên 15 năm – 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
4. Tham nhũng có bị đi tù không?
Bên cạnh kỷ luật, nếu người thực hiện hành vi tham nhũng vi phạm một trong các Tội về tham nhũng nêu tại các Điều 353 đến Điều 359 Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành thì sẽ có mức phạt tù cao nhất là tử hình.
Trong đó, có thể kể đến các tội sau đây:
– Tội tham ô tài sản nêu tại Điều 353 BLHS.
– Tội nhận hối lộ tại Điều 354 BLHS.
– Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Điều 355 BLHS.
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Điều 356 BLHS.
– Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ tại Điều 357 BLHS.
– Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi tại Điều 358 BLHS.
– Tội giả mạo trong công tác tại Điều 359 BLHS.
Tuỳ vào từng mức độ của hành vi, hậu quả hành vi tham nhũng gây ra cùng với các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thì người vi phạm sẽ được áp dụng mức hình phạt phù hợp.
5. Tham nhũng được miễn hình phạt trong trường hợp nào?
Mặc dù tham nhũng sẽ phải đối mặt với việc bị kỷ luật hoặc thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng không phải không có trường hợp tham nhũng được miễn hình phạt.
Trong đó, các trường hợp tham nhũng được miễn hình phạt nêu tại khoản 3 Điều 5 Nghị quyết 03/2020/NQ-HĐTP khi có hai điều kiện sau đây:
– Có ít nhất 02 tình tiết giảm nhẹ hoặc phạm tội lần đầu là người giúp sức trong vụ án đồng phạm nhưng có vai trò không đánhg kể.
– Thuộc một trong các trường hợp:
- Không vì động cơ vụ lợi/động cơ cá nhân khác mà chỉ muốn đổi mới, dám đột phá vì mục đích phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ tổ quốc.
- Là người có quan hệ cấp trên cấp dưới, làm công ăn lương, chấp hành nhiệm vụ theo chỉ đạo của cấp trên…, không ý thức được hành vi phạm tội của mìn, không có động cơ vụ lợi/cá nhân khác, không được lợi, chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực phối hợp, giúp việc điều tra tội phạm.
- Chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác, góp phần hạn chế thiệt hại, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, đã khắc phục toàn bộ hậu quả, bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
- Sau khi bị phát hiện đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, chủ động nộp lại toàn bộ tài sản chiếm đoạt, khắc phục toàn bộ hậu quả, bồi thường toàn bộ thiệt hại do mình gây ra.
Như vậy, sẽ có 04 trường hợp người phạm tội tham nhũng được xem xét miễn hình phạt. Tuy nhiên, về việc bị kỷ luật thì vẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.
6. Tố cáo hành vi tham nhũng có được bảo vệ không?
Việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng được quy định chi tiết tại Thông tư 145/2020/TT-BCA. Cụ thể như sau:
STT
Đối tượng
Nội dung
1
Người được bảo vệ
– Người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí
– Người thân của người tố cáo hành vi tham nhũng, lãng phí gồm: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người này
Tuy nhiên, việc bảo vệ theo quy định tại Thông tư 145 này chỉ áp dụng nếu đối tượng tố cáo tham nhũng ở trong nước mà không áp dụng với người đang sinh sống, làm việc, học tập tại nước ngoài.
2
Nội dung bảo vệ
– Bảo vệ tính mạng, sức khoẻ.
– Bảo vệ tài sản thuộc quyền sở hữu của người được bảo vệ ở trong nước, tài sản ở nước ngoài không thuộc phạm vi được bảo vệ của Thông tư 145 này.
– Bảo vệ danh dự, nhân phẩm.
3
Thời điểm bảo vệ
Ngay lập tức sau khi có căn cứ về việc xâm hại hoặc có nguy cơ bị xâm hại sức khoẻ, tính mạng, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo hành vi tham nhũng.
Trên đây là giải đáp về tham nhũng là gì? Nhìn chung đây là vấn đề khá phức tạp với nhiều tình huống rắc rối khác nhau. Do đó, nếu còn thắc mắc vấn đề gì liên quan đến tham nhũng, độc giả có thể liên hệ 1900.6192 để được hỗ trợ, giải đáp.