Tham gia giao thông là gì? Người tham gia giao thông gồm những ai?

Việc tham gia giao thông là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của mỗi người. Người tham gia giao thông nên có những kiến thức pháp luật cơ bản chấp hành quy định giao thông. Điều này sẽ giúp người dân có một môi trường giao thông an toàn hơn. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu về Tham gia giao thông là gì? Người tham gia giao thông gồm những ai?

1. Tham gia giao thông là gì?

1.1. Khái niệm

Trước khi tìm hiểu khái niệm tham gia giao thông là gì ta cần biết định nghĩa giao thông là như thế nào? Giao thông là hệ thống di chuyển, đi lại của con người, bao gồm những người tham gia giao thông dưới các hình thức khác nhau như đi bộ, đi xe máy, xe đạp, ô tô, tàu hỏa, tàu thủy,… các phương tiện giao thông khác, thường có tổ chức và được kiểm soát, quản lý bởi các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Tham gia giao thông là nhu cầu cơ bản của người dân trong hoạt động hàng ngày. Tham gia giao thông là hoạt động của những người tham gia giao thông, điều khiển các phương tiện tham gia giao thông thực hiện theo các nguyên tắc an toàn giao thông và văn hóa giao thông.

 

1.2. Đặc trưng

Tính pháp lý khi tham gia giao thông đề cập đến những hành động chấp hành đúng, gương mẫu và tự giác đối với Luật Giao thông đường bộ. Theo đó, các hành vi ứng xử trước hết phải đặt ý thức tự giác lên hàng đầu, tiếp đến là thực hiện đúng luật định, gương mẫu và tôn trọng những người liên quan, bảo đảm an toàn tài sản, an toàn công cộng và trật tự công cộng. Tuy nhiên hiện nay, ta vẫn thấy trên đường phố những hành vi vượt đèn đỏ, dừng đỗ đèn đỏ không đúng quy định, chen lấn làn, bóp còi inh ỏi, bật pha trong phố, đi ngược chiều… Đó là những hành vi làm phiền đến những người xung quanh, đồng thời tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông, cần phải được loại bỏ. Bên cạnh đó, khía cạnh tính cộng đồng trong văn hóa giao thông chính là cách ứng xử, thái độ, mối quan hệ của những người tham gia giao thông. Khía cạnh này được thể hiện ở cách hành xử văn mình, lịch sự, tinh thần tương thân tương ái, sẵn sang giúp đỡ lẫn nhau của mọi người khi lưu thông trên đường. Một số hành động thể hiện tính cộng đồng có thể kể đến như:

– Cứu người bị nạn trên đường: sơ cứu, gọi xe cấp cứu, đưa vào bệnh viện,…

– Nhắc nhở, ngăn chặn các hành vi vi phạm giao thông ở một số người

– Giúp người già, trẻ nhỏ qua đường

– Thông báo cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi phát hiện ra các hành vi: rải đinh, đua xe phóng nhanh vượt ẩu, lấn đường,…

Tính cộng đồng khi tham gia giao thông đó chính là bên cạnh việc tuân thủ nghiêm túc luật giao thông, người tham gia giao thông một cách văn hóa còn cần có tính cộng đồng. Tính cộng đồng chính là việc xử sự, là mối quan hệ giữa con người với con người khi tham gia giao thông. Điều này thể hiện qua việc:

– Khi tham gia giao thông công cộng không chen lấn xô đẩy, dồn dập nhau;

– Cứu giúp người khác bị rủi ro khi tham gia giao thông, như cấp cứu người bị nạn, chủ động đưa người già, yếu, trẻ nhỏ qua đường;

– Cùng với cảnh sát giao thông phê bình, ngăn chặn hành vi sai phạm của người khác; thấy các sự cố về đường sá, phương tiện, phải kịp thời báo hiệu, thông báo cho nơi liên quan, để kịp thời ngăn chặn xử lý.

Tính cộng đồng khi tham gia giao thông sẽ giúp giảm thiểu tình trạng tắc đường do ai cũng muốn đi nhanh muốn chen lấn, giúp ngăn chặn những vụ việc va chạm, tranh cãi hoặc thậm chí đánh lộn không đáng có trên đường cũng như chấm dứt tình trạng vô cảm trước nỗi đau và rủi ro của người khác

 

1.3. Nguyên tắc

Nguyên tắc hoạt động của giao thông đường bộ gồm: phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả; góp phần phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường; Phát triển giao thông đường bộ theo quy hoạch, từng bước hiện đại và đồng bộ; Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Quản lý hoạt động giao thông đường bộ được thực hiện thống nhất trên cơ sở phân công, phân cấp có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương các cấp; Mọi hành vi vi phạm pháp luật giao thông đường bộ phải được phát hiện, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật.

 

2. Đối tượng tham gia giao thông gồm những ai?

2.1. Khái niệm Người tham gia giao thông

Theo Quy chuẩn QCVN41:2019/BGTVT thì người tham gia giao thông được định nghĩa như sau: “Người tham gia giao thông là người điều khiển; người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường”.

Theo Khoản 22 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ 2008 giải thích thuật ngữ: “Người tham gia giao thông gồm người điều khiển, người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ; người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ”. Do đó mà người tham gia giao thông không chỉ bao gồm nhóm người sử dụng phương tiện mà chúng ta di chuyển trên đường cũng là coi đang tham gia giao thông.

 

2.2. Phương tiện được sử dụng tham gia giao thông là gì?

Theo Khoản 21 Điều 3 Luật GTĐB 2008.

Phương tiện tham gia giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông đường bộ và xe máy chuyên dùng:

– Phương tiện giao thông đường bộ gồm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (bao gồm xe ô tô; máy kéo; rơ móc hoặc sơ mi rơ móc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy, kể cả xe máy điện và các loại xe tương tự) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (gồm xe đạp, kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

– Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ.

Như vậy, các đối tượng điều khiển, sử dụng các loại phương tiện trên khi tham gia giao thông, người điều khiển, dẫn dắt súc vật; người đi bộ trên đường bộ sẽ được coi là người tham gia giao thông theo quy định của pháp luật. 

 

2.3. Người điều khiển phương tiện giao thông gồm đối tượng nào?

Theo Khoản 23 Điều 3 Luật GTĐB 2008 có quy định: “Người điều khiển giao thông đường bộ gồm những đối tượng cụ thể sau đây: Người điều khiển xe cơ giới; Người điều khiển xe thô sơ; Người điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ”

Khi tham gia giao thông đường bộ, người điều khiển phương tiện cần nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc như: Quy tắc về hướng đi, đường đi; Các quy tắc về hệ thống báo hiệu đường bộ và hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Các quy tắc về vượt xe; chuyền hướng xe; lùi xe; đỗ, dừng xe. Và đối với người đi bộ trên đường tuân thủ các quy tắc an toàn giao thông theo quy định.

 

3. Thực trạng tham gia giao thông hiện nay

Trong khi số lượng phương tiện giao thông ngày càng nhiều, thì tốc độ phát triển của cơ sở hạ tầng ở nước ta rất chậm so với các nước phát triển trên thế giới. Vẫn còn những con đường cũ và xuống cấp trầm trọng, song vẫn được khai thác sử dụng mà không có sự tu sửa hợp lý. Điều này dẫn đến sự mất cân đối giữa số lượng phương tiện lưu thông và chất lượng cơ sở hạ tầng giao thông. Ùn tắc giao thông thường xuyên diễn ra nhiều năm qua. Vào giờ cao điểm, đặc biệt ở các thành phố lớn, mật độ lưu thông trên đường lên tới hàng nghìn phương tiện giao thông, gây nên tình trạng ùn tắc trong nhiều giờ và là nguyên nhân chính dẫn đến nhiều vụ tai nạn giao thông thương tâm. Việt Nam cũng là một nước có tỉ lệ tai nạn giao thông cao trên thế giới.

Hiện nay, người dân đang dần trở nên am hiểu về pháp luật GTĐB họ có ý thức hơn tham gia giao thông. Tuy nhiên, vẫn còn một số người thiếu ý thức, không chấp hành luật: vượt đèn đỏ; phóng nhanh vượt ẩu; dừng xe, đỗ xe, quay đầu không đúng chỗ; đi vào đường ngược chiều; đi xe quá tốc độ cho phép, lạng lách; không đội mũ bảo hiểm;… Ngoài ra, khi điều khiển giao thông không nhường đường hoặc không chấp hành tín hiệu, hiệu lệnh, sự điều khiển của người kiểm soát giao thông. Khi làm việc với cảnh sát giao thông, người dân còn thiếu văn hóa trong cư xử, hành vi, thái độ. Thay vào đó, người dân cần có thái độ hài hòa, lịch sự đối với những người được giao nhiệm vụ đó; nếu có ý kiến thì có thể khiếu nại đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc có thể khởi kiện tại tòa án. Mức xử phạt đối với từng hành vi vi phạm tham gia giao thông được quy đinh tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt.  

 

4. Trách nhiệm và giải pháp nâng cao ý thức người tham gia giao thông

Anh toàn giao thông là hạnh phúc mọi người, mọi nhà, vì vậy mỗi người dân cần có trách nhiệm tinh thần tự giác khi tham gia giao thông tránh gây hậu quả khó lường sau này. Mỗi người dân khi tham gia giao thông cần phải có trách nhiệm; ý thức tuyệt đối chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông. Cụ thể tại Điều 9 Thông tư 67/2019/TT-BCA quy định “trách nhiệm của người dân khi tham gia giao thông” là tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông.  

Về nguyên tắc, người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ. 

Một số giải pháp nhằm nâng cao ý thức người dân tham gia giao thông, người dân cần thực hiện như sau:

(1) Trước khi tham gia giao thông phải kiểm tra mức độ an toàn của phương tiện.

(2) Phải đảm bảo đầy đủ giấy tờ theo quy định khi tham gia giao thông.

(3) Phải đội mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng. Nói không với mũ bảo hiểm kém chất lượng.

(4) Đi đúng làn đường, phần đường, vạch đường,… theo quy định, luôn luôn có thái độ chấp hành đúng luật lệ an toàn giao thông.

(5) Bảo đảm đi đúng tốc độ. Nêu cao ý thức nhường đường, rẽ trái, rẽ phải… đúng quy định. Rèn luyện tính kiên nhẫn, chờ đợi khi gặp đèn tín hiệu giao thông hay tắc đường. Phải biết giúp đỡ người bị tai nạn giao thông.

(6) Bảo dưỡng định kỳ các phương tiện cẩn thận.

(7) Rèn luyện nếp sống văn hóa trong giao thông và thực hiện tốt quy định của pháp luật.

(8) Cần tổ chức những buổi hội thảo, tập huấn, diễn tập tại địa phương; hoặc thậm chí là mở lớp đào tạo về giao thông để người dân nâng cao ý thức cá nhân và ý thức pháp luật khi tham gia giao thông.

Trên đây là những kiến thức Luật Minh Khuê đã tổng hợp chia sẻ quý bạn đọc về Tham gia giao thông là gì? Hy vọng những kiến thức trên giúp ích cho các bạn áp dụng đời sống. Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ chúng tôi qua số tổng đài 19006162 để được nhận tư vẫn, hỗ trợ kịp thời. Luật Minh Khuê trân trọng cảm ơn!