Thai chậm phát triển: Nguyên nhân, biểu hiện và phòng ngừa
Nuôi con mãi không tăng cân là vấn đề đau đầu nhức nhối của mọi bà mẹ. Nhưng trước khi phải đối mặt với vấn đề dinh dưỡng phù hợp cho con thì trong thời kỳ mang thai, không ít thai phụ phải đối mặt với nỗi lo thai chậm phát triển trong bụng mẹ. Hiện tượng này không có biểu hiện quá rõ ràng nhưng hậu quả nó gây nên lại vô cùng nghiêm trọng. Vậy cần trang bị những kiến thức gì về hiện tượng này, hãy cùng Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc giải đáp những thắc mắc của mẹ nhé!
Hiện tượng thai chậm phát triển là gì và ảnh hưởng như thế nào?
Thai chậm tăng trưởng hay phát triển với thuật ngữ chuyên khoa Intrauterine Growth Restriction (viết tắt IUGR) là tình trạng suy dinh dưỡng bào thai ngay khi còn trong bụng mẹ được xác định thông qua kích thước và trọng lượng thai dưới đường bách phân vị thứ 10 hoặc thứ 5, thứ 3 (tùy theo tài liệu sử dụng). Thai chậm tăng trưởng (TCTT) là vấn đề thường gặp và có ảnh hưởng 5-7% thai kỳ.
Thai chậm tăng trưởng/phát triển có thể dẫn đến một số hậu quả rất nguy hiểm, như: Tỷ lệ bệnh – biến chứng và tử vong sau sinh gia tăng do hiện tượng khô nước ối thường xuất hiện từ đó gây nên sự chèn ép dây rốn, các bé đã từng là thai chậm phát triển trong tử cung sẽ dễ bị những di chứng trầm trọng về thần kinh, kém phát triển trí tuệ, cao huyết áp lúc về già và những biến chứng về tim mạch hoặc bị vàng da, bị thừa hồng cầu hơn những em bé là thai khỏe bình thường khác.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thai chậm phát triển
Có 4 nhóm tác nhân dẫn đến hiện tượng thai chậm tăng trưởng/phát triển trong tử cung mà các thai phụ cần tìm hiểu.
Nhóm tác nhân từ thai thi
-
Thai nhi bị bất thường về nhiễm sắc thể: hội chứng Turner, Down …. hay do di truyền
-
Thai dị tật
-
Đa thai: việc đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho nhiều bào thai sẽ khó khăn hơn chỉ một bào thai và nguy cơ tiền sản giật khi mang đa thai cũng cao hơn. Có đến 25-30% thai chậm phát triển khi mang thai song sinh
Nhóm tác nhân từ bánh nhau: Suy chức năng bánh nhau, Bất thường tử cung, Nhau bám màng.
Nhóm tác nhân từ người mẹ:
-
Thai phụ bị cao huyết áp,
-
Thai phụ có vóc dáng nhỏ hoặc thiếu chất dinh dưỡng
-
Thai phụ mắc các bệnh mãn tính liên quan đến tim, thận…
-
Thai phụ bị chảy máu hoặc mắc các bệnh lý như: đái tháo đường thai kỳ, hồng cầu liềm…
Nhóm tác nhân từ bên ngoài như thuốc lá, rượu, nhiễm trùng… Bất kỳ bệnh lý nhiễm trùng nào ở mẹ trong thời kỳ mang thai (giang mai, sởi, nhiễm toxoplasma, cytomegalovirus) đều có thể dẫn đến tình trạng thai chậm phát triển trong tử cung.
Phân loại hiện tượng thai chậm tăng trưởng/phát triển
IUGR chia làm 2 loại:
-
IUGR cân xứng: nghĩa là tất cả các số đo sinh học của thai đều nhỏ mà nguyên nhân chủ yếu do rối loạn di truyền, nhiễm trùng …
-
IUGR bất cân xứng: chỉ có vòng bụng thai nhỏ, chỉ số đầu và xương đùi bình thường
Làm thế nào để nhận biết thai chậm phát triển trong tử cung
-
Thai phụ có thể tăng cân ít hơn bình thường hoặc có tình trạng thiểu ối.
-
Thai phụ gặp các bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường.
Nhìn chung dấu hiệu nhận biết của thai chậm phát triển trong tử cung thường không rõ ràng, chủ yếu được phát hiện là nhờ những lần khám thai định kỳ và dựa vào một số những chỉ số liên quan như:
-
Chỉ số đường kính lưỡng đỉnh: có tới 70% các trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có kích thước đường kính lưỡng đỉnh nhỏ hơn so với tuổi thai
-
Chỉ số chu vi bụng: chỉ số thường được sử dụng nhất để dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung. Chỉ số chu vi bụng có giá trị dự đoán thai chậm phát triển trong tử cung cao hơn chỉ số đường kính lưỡng kính, chu vi đầu và chiều dài xương đùi. Trong một số trường hợp thai phụ không nhớ chính xác ngày kinh nên không thể xác định được tuổi thai, nếu tốc độ tăng của chu vi bụng dưới 10 mm trong 15 ngày thì có thể nghĩ tới thai chậm phát triển trong tử cung.
-
Chỉ số chiều dài xương đùi: Chỉ số này không có giá trị đặc biệt trong chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
-
Ước lượng trọng lượng thai rất khó để có một công thức tính chính xác trọng lượng thai nhi trong tử cung, chúng ta chỉ có thể ƣớc đoán trọng lượng thai trong khoảng cộng trừ 10 % của giá trị trung bình, đối chiếu với biểu đồ phát triển trọng lượng thai theo tuổi thai để chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung.
-
Chỉ số Doppler động mạch: Trường hợp doppler động mạch rốn và động mạch tử cung bình thường, trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung có thể do bất thường NST và ở thời kỳ chu sinh cũng ít có nguy cơ biến chứng xảy ra. Trường hợp doppler động mạch tử cung bất thường, trường hợp này thai chậm phát triển trong tử cung do bệnh lý hệ tuần hoàn của người mẹ. Thai phụ có kết quả Doppler động mạch bất thường có nguy cơ cao bị tiền sản giật và rối loạn tăng huyết áp trong các tháng cuối, làm thai chậm phát triển trong tử cung và có khả năng chết lưu trong tử cung.
Những nhóm thai phụ có nguy cơ có thai chậm phát triển
Những thai phụ có nguy cơ cao thai bị chậm phát triển trong tử cung thường có:
– Tiền sử đẻ con chậm phát triển trong tử cung
– Tăng cân ít hơn bình thường trong thai kỳ
– Chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai
– Mắc các bệnh lý như cao huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý hồng cầu
– Tiền sử hút thuốc lá, nghiện rượu bia, sử dụng chất kích thích
– Mang song thai hoặc đa thai
– Mắc các bệnh lý nhiễm trùng hoặc rối loạn di truyền
– Tiền sử tiếp xúc với các hóa chất độc hại
Chẩn đoán thai chậm phát triển như thế nào là đúng và kịp thời?
Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng giai đoạn sớm
-
Chỉ chiếm 20 – 30% IUGR
-
50% có thể kèm tiền sản giật sớm
-
Tình trạng suy chức năng bánh rau nghiêm trọng, giảm cung cấp oxy cho thai mãn tính
-
Biểu hiện: EFW < 10%, Doppler ĐM rốn bất thường
-
Kết cục sau sinh: rất xấu, toan hóa máu, nguy cơ tử vong cao
Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng giai đoạn muộn
-
Chiếm 70 – 80% IUGR
-
Ít kèm tiền sản giật (#10%)
-
Tình trạng suy chức năng bánh nhau mức độ nhẹ.
-
Biểu hiện: Trọng lượng gần như phù hợp tuổi thai hoặc hơi nhỏ; Doppler ĐM rốn bình thường trong hầu hết trường hợp; MCA doppler giảm kháng trở 25%; CPR bất thường (25%) -> giảm oxy thai; Doppler ống TM gần như bình thường
-
Kết cục sau sinh: nguy cơ tử vong thấp hơn, nhưng dự hậu lâu dài xấu
Những cách chẩn đoán thai chậm tăng trưởng/phát triển
Siêu âm: Chẩn đoán thai chậm tăng trưởng (TCTT) cần phải siêu âm đo đạc kích thước thai ít nhất 2 thời điểm, cách nhau ít nhất 4 tuần. Chẩn đoán thai chậm phát triển trong tử cung dựa chủ yếu vào siêu âm do thường không có triệu chứng đặc trưng. Tuy nhiên, có một số dấu hiệu thai chậm phát triển trong tử cung gợi ý như:
-
Thai phụ có tiền sử đẻ con chậm phát triển trong tử cung
-
Trong giai đoạn mang thai sản phụ tăng cân ít hơn bình thường và chiều cao tử cung nhỏ hơn tuổi thai
-
Mẹ phát hiện một số nguyên nhân như huyết áp cao, bệnh lý tim mạch
Việc xác định chính xác tuổi thai dựa vào siêu âm 3 tháng đầu giữ vai trò then chốt. Các chỉ số sinh học AC < 10% giúp phát hiện TCTT với tỷ lệ 75%, vòng bụng nhỏ là một dấu chứng nhạy để phát hiện TCTT. Để chẩn đoán xác định cần dựa vào siêu âm là chủ yếu vì:
-
Đây là phương pháp hữu hiệu để chẩn đoán vì có thể so sánh đối chiếu kích thước của thai với kích thước chuẩn từ đó đánh giá thai chậm phát triển trong tử cung cân đối hay không cân đối
-
Có đến 90% trường hợp thai chậm phát triển trong tử cung có thiểu ối và dễ dàng phát hiện được qua siêu âm
-
Có khả năng ước lượng được trọng lượng thai để đối chiếu với chỉ số trung bình
Siêu âm Doppler màu: Kỹ thuật này dùng để đo tốc độ và lưu lượng máu chảy vào mạch máu não của thai nhi.
Kiểm tra cân nặng của mẹ: Đây là một cách để ước tính sự phát triển của bào thai. Trong mỗi lần khám thai, bác sĩ sẽ kiểm tra và ghi lại cân nặng của người mẹ. Nếu mẹ bầu không đạt được cân nặng theo tiêu chuẩn, đây có thể là dấu hiệu của thai nhi phát triển chậm.
Theo dõi thai nhi: Bác sĩ sẽ tiến hành thực hiện một bài kiểm tra thai nhi bằng cách đặt một dây đai xung quanh bụng của mẹ bầu. Những dây đai này có đầu dò gắn với màn hình. Kết quả kiểm tra sẽ được hiển thị trên màn hình.
Chọc ối: Đây là một thủ thuật dùng mũi kim để lấy nước ối. Mẫu dịch này được kiểm tra xem có nhiễm trùng hay có vấn đề bất thường về nhiễm sắc thể không. Tuy nhiên, đây là sự lựa chọn cuối cùng, vì phương pháp xâm lấn này có thể dẫn đến nguy cơ sinh non.
Cách phòng ngừa thai chậm phát triển
-
Các cặp vợ chồng khi có kế hoạch mang thai cần đến gặp bác sĩ để được tư vấn về di truyền
-
Thai phụ cần tránh sử dụng chất kích thích, rượu bia, thuốc lá trước và trong thời kỳ mang thai
-
Hạn chế các thực phẩm, các chất chứa caffeine
-
Xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, bổ sung vitamin và khoáng chất đầy đủ
-
Tập thể dục nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày
-
Khi sử dụng thuốc cần phải hỏi ý kiến bác sĩ để tránh thuốc có tác dụng phụ làm thai chậm phát triển
Các biện pháp điều trị thai chậm phát triển trong tử cung
-
Theo dõi chặt chẽ và tư vấn kỹ cho sản phụ và gia đình trong giai đoạn mang thai vì hiện nay chưa có phương pháp hữu hiệu để điều trị thai chậm phát triển trong tử cung
-
Có thể điều trị tăng huyết áp nếu xác định đó chính là nguyên nhân gây thai chậm phát triển
-
Thai phụ cần được nghỉ ngơi, hạn chế lao động nặng
-
Nếu nguyên nhân đến từ bất thường nhiễm sắc thể hay đa dị tật thì nên chỉ định đình chỉ thai nghén, nếu dị tật đơn độc thì cần được hội chẩn với trung tâm chẩn đoán trước sinh và bác sĩ phẫu thuật để có hướng xử trí sau sinh
-
Dùng corticoid cho tuổi thai từ 28 đến hết 34 tuần
-
Theo dõi liên tục nhịp tim thai từ tuần 26, đánh giá độ giao động của tim thai và biến đổi nhịp tim thai
Đình chỉ thai nghén được đặt ra sau khi đã đánh giá toàn diện tuổi thai, tiền sử, tình trạng mẹ và bệnh lý đi kèm và trong các trường hợp sau:
-
Tuổi thai trên 31 tuần mà nhịp tim thai dao động kém, dao động độ không liên tục qua 1 tuần theo dõi, nhịp chậm đơn độc và kéo dài, lặp lại nhiều lần
-
Tuổi thai trên 34 tuần mà Doppler động mạch rốn có dòng tâm trương bằng không và bất thường Doppler động mạch não, thai có biểu hiện ngừng tiến triển
-
Tuổi thai trên 37 tuần mà bất thường Doppler động mạch rốn, động mạch não, monitor
Trẻ sơ sinh chậm phát triển trong tử cung có nguy cơ tử vong và mắc các bệnh lý cao hơn so với trẻ khác như: chậm phát triển chiều cao, dậy thì sớm, rối loạn chuyển hóa gây đái tháo đường, tổn thương thận, tổn thương nội mạc mạch máu.
Trong trường hợp chuyển dạ tự nhiên hoặc đình chỉ thai nghén không có chống chỉ định đẻ đường dưới thì theo dõi như một cuộc đẻ thường. Nếu có suy thai hoặc giảm ối, có yếu tố bất lợi như nhau bám thấp, ngôi ngược thì cần mổ lấy thai và có sự tham gia của bác sĩ hồi sức sơ sinh.
Trên đây là những kiến thức về hiện tượng thai chậm tăng trưởng/phát triển mà Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc cung cấp đến các thai phụ. Hi vọng đó là những thông tin bổ ích kịp thời cho. Mẹ chuẩn bị cho một thai kỳ an toàn và trọn vẹn. Khám thai đều đặn giúp phát hiện sớm thai chậm phát triển, theo dõi, điều trị và có quyết định đúng lúc để tránh tử vong cho thai nhi, đồng thời hạn chế những tổn thương não với những di chứng tâm thần và vận động về sau.
Đăng ký nhận tư vấn thai sản trọn gói tại đây:
**Lưu ý: Những thông tin cung cấp trong bài viết của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh không được tự ý mua thuốc để điều trị. Để biết chính xác tình trạng bệnh lý, người bệnh cần tới các bệnh viện để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, chẩn đoán và tư vấn phác đồ điều trị hợp lý.
Theo dõi fanpage của Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc để biết thêm thông tin bổ ích khác: https://www.facebook.com/BenhvienHongNgoc