ThS.BS Trần Anh Vũ: “Mơ về trung tâm Y học thể thao đẳng cấp”

Từ một thanh niên đam mê thể thao, rồi trở thành bác sĩ Y học thể thao – điều trị cho nhiều vận động viên bị chấn thương, ThS.BS Trần Anh Vũ vẫn đang ấp ủ giấc mơ xây dựng một Trung tâm Y học thể thao hiện đại bậc nhất Việt Nam. Ở đó, các vận động viên và người yêu thể thao được chăm sóc một cách bài bản bằng những trang thiết bị và phác đồ tiên tiến nhất, tiết kiệm nhiều chi phí so với việc phải ra nước ngoài điều trị.

Chàng bác sĩ trẻ và niềm đam mê kỳ lạ dành cho y học thể thao

ths bs trần anh vũ trung tâm y học thể thaoTrần Anh Vũ đam mê và chơi nhiều các môn thể thao như cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ… nhưng tốt nhất là bóng đá và tennis. Bản thân anh cũng đã không ít lần dính chấn thương trong quá trình tập luyện. Bởi thế, Anh Vũ không chỉ cảm nhận rất cụ thể những trở ngại của chấn thương thể thao, mà anh còn được gặp nhiều người có cùng cảnh ngộ, đồng cảm với những thiệt thòi vì thiếu thông tin ngành Y học thể thao trong nước. Đa phần người chơi thể thao nghiệp dư không biết dự phòng chấn thương thể thao, khi gặp chấn thương không biết điều trị thế nào, thiếu kiến thức cơ bản trong sơ cứu… Với người chơi thể thao, điều trị chấn thương không đúng dẫn đến một cái kết không đáng. Đó là không phục hồi được phong độ cá nhân, rồi cái kết là phải từ bỏ đam mê vốn rất chính đáng và lành mạnh này.

Trong quá trình giao lưu và thăm khám cho các vận động viên chuyên nghiệp như võ sĩ Muay Thái Nguyễn Tăng Quyền, cua rơ Nguyễn Công Tuyền, huấn luyện viên tennis Mạnh Seven… anh nhận ra thực trạng điều trị và chăm sóc sức khỏe cho người chơi thể thao trong nước còn hạn chế. Nếu có điều kiện, hầu hết các vận động viên đều sẽ chọn giải pháp điều trị chấn thương ở nước ngoài vì họ vẫn tin rằng nơi ấy sẽ giúp họ phục hồi phong độ nhanh hơn. Tình trạng này không chỉ gây tốn kém chi phí đi lại, ăn ở; mà còn mất thời gian… Suy nghĩ dễ hiểu đó của cộng đồng, thực tế là chưa cập nhất hết trình độ và sự phát triển của Y học thể thao trong nước. Thậm chí, nó còn không tạo động lực, níu trình độ y học thể thao nước nhà chậm cải thiện vị trí hơn.

Ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường Đại học Y Dược TP.HCM, sinh viên Trần Anh Vũ đã chuyên tâm vào việc rèn luyện kiến thức, kỹ năng chuyên môn và ngoại ngữ. Vũ chủ đích nâng cao kiến thức với các chương trình đào tạo chuyên sâu của nước ngoài, đặc biệt là về Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao. Sau đại học chỉ 4 năm sau khi tốt nghiệp đại học, bác sĩ Trần Anh Vũ cũng đã trở thành Thạc sĩ Chấn thương chỉnh hình.

Vẫn đầy năng lượng như thời sinh viên, ThS.BS Trần Anh Vũ tích cực tham gia các hiệp hội chuyên ngành như Viện Hàn lâm Chỉnh hình Hoa kỳ (AAOS), Hội Nội soi khớp Đông Nam Á, Hội chấn thương chỉnh hình Việt Nam (VOA)… để giao lưu, học hỏi đồng nghiệp trong nước và quốc tế. Liên tục hai năm 2017 và 2019, bác sĩ đã tu nghiệp tại Pháp, tham gia tập huấn tại Tây Ban Nha về các kỹ thuật mới nhất trong điều trị các chấn thương thể thao.

“Thời gian đi du học, tôi tranh thủ thời gian đi xem rất nhiều trận bóng đá. Đó không chỉ là sở thích cá nhân, mà còn là dịp tôi quan sát cách các cầu thủ thi đấu và bác sĩ xử lý chấn thương. Y học thể thao ở Việt Nam vẫn đang là một lĩnh vực bị bỏ ngỏ. Cả người bệnh và bác sĩ đều bối rối, chưa tìm thấy hướng đi cho mình, cách thức tổ chức công việc khám chữa bệnh chuyên nghiệp cho vận động viên ra sao. Ví dụ ở các nước phát triển, hợp đồng khám chữa bệnh mang yếu tố bảo mật thông tin cá nhân – một vấn đề thường quy ở các nước phát triển – cũng chưa từng được đề cập đến ở nước ta. Vì thế, tôi mong muốn mang đến một diện mạo mới người chơi thể thao và nền y học thể thao nước nhà”, ThS.BS Trần Anh Vũ chia sẻ.

Xem thêm: HƯỚNG DẪN ĐẶT LỊCH “PHÒNG KHÁM ONLINE”

ths bs trần anh vũ

Nỗ lực xây dựng Trung tâm y học thể thao đẳng cấp nhất Việt Nam

ThS.BS Trần Anh Vũ tìm hiểu rất nhiều về các phương pháp điều trị chấn thương thể thao, đặc biệt là đứt dây chằng, bởi đây là một chấn thương phổ biến của các vận động viên. Cùng với sự chú ý của cộng đồng vào sự phát triển đi lên của Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam, truyền thông cũng bắt đầu quan tâm đến các chấn thương bóng đá. Kể không hết những tên tuổi danh thủ tại Việt Nam bị đứt dây chằng khớp gối. Chấn thương này đặc thù là tổn thương ở một vị trí nhỏ, bên trong khớp gối. Nó có thể nhìn không hãi hùng như các chấn thương gãy xương lớn ở tay hoặc chân.

Tuy nhiên, tổn thương càng kín càng nhỏ lại càng khó tiếp cận và điều trị. Cách đây hơn 20 năm, chấn thương đứt dây chằng của danh thủ Trần Minh Chiến có thể khiến anh giải nghệ, lý do vì phương pháp phẫu thuật thời đó chưa đủ để giúp anh lấy lại phong độ nhanh chóng. Thế nhưng ngày nay, Y học thế giới đã phát triển, phẫu thuật nội soi cùng rất nhiều phương tiện thăm khám hiện đại đã có thể giúp bác sĩ Y học thể thao giải quyết tốt những chấn thương thường gặp ở dây chằng.

Trong một hội thảo tại Pháp, ThS.BS Trần Anh Vũ tiếp cận được phương pháp thay dây chằng nhân tạo. Cá nhân anh, bằng một góc độ nghề nghiệp, đã tìm ra câu trả lời cho bản thân “Ồ hóa ra đây chính là phương pháp mà cầu thủ quốc tế họ điều trị”, bởi trước giờ Vũ vẫn trăn trở tại sao cầu thủ quốc tế đứt dây chằng có thể trở lại sân cỏ nhanh như vậy, nhanh hơn nhiều so với thông thường anh biết ở các bệnh nhân Việt Nam là 1 năm, thậm chí hơn.

Trước đó, bác sĩ Y học thể thao thường đưa ra chỉ định tái tạo dây chằng bị đứt bằng dây chằng đồng loại hoặc tái tạo bằng các gân cơ ở chi dưới. Nhà sản xuất tại châu Âu và các chuyên gia y tế đã giới thiệu Dây chằng nhân tạo bằng chất liệu polyethylene, có khả năng chịu lực đến 3500N, giúp bảo vệ độ vững khớp gối hiệu quả hơn, tránh việc tổn hại đến các phần gân cơ khác của cơ thể… Từ đây, ThS.BS Trần Anh Vũ đã đề xuất và đặt hàng độc quyền dây chằng nhân tạo cho Trung tâm Chấn thương chỉnh hình.

Xem thêm: Vì sao cần tăng cường vận động trong mùa dịch?

Và hiện nay, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh chính là nơi đầu tiên tại Việt Nam tiến hành thay dây chằng nhân tạo tại Việt Nam. Kỹ thuật y khoa tiên tiến này giúp bệnh nhân không phải mất gân thay thế, tránh tình trạng bị teo cơ tứ đầu đùi, teo cơ lệch hai chân. Bệnh nhân sau phẫu thuật có thể đứng lên đi lại bình thường ngay, chạy bộ được sau 2 tháng và chơi thể thao lại sau 6 tháng.

Hiện nay, ThS.BS Trần Anh Vũ là một trong số rất ít chuyên gia thực hiện thành công kỹ thuật thay dây chằng nhân tạo. Song song đó, anh vẫn tiếp tục phát triển kỹ thuật nối dây chằng – một thành tựu nghề nghiệp trước đó cho các trường hợp Vận động viên đứt (rách) dây chằng có chấn thương mới dưới 21 ngày. Đây cũng là một cách, nhờ đôi bàn tay khéo léo của bác sĩ phẫu thuật, dây chằng có thể tự tái tạo sau tổn thương, trở lại với sự hoàn thiện cơ thể rất tự nhiên.

Tại BVĐK Tâm Anh TP.HCM, ThS.BS Trần Anh Vũ ngoài vai trò quản lý là Phó giám đốc Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, anh đang là trưởng đơn vị Y học thể thao của trung tâm. Từ những ước mơ ấp ủ lúc chập chững vào ngành Y, giờ đây Phó giám đốc Trần Anh Vũ đang đồng hành cùng những người thầy, đồng nghiệp của mình bắt tay vào một thương hiệu uy tín về chuyên môn đó là Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình – Bệnh viện đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trong đó có cả một đơn vị dành riêng cho nghiên cứu và phát triển Y học thể thao.

Càng làm càng say công việc, những kinh nghiệm vận hành có được trong suốt thời gian học tập ở nước ngoài được bác sĩ Trần Anh Vũ áp dụng một cách triệt để. Phác đồ điều trị tiên tiến nào được y học thế giới công bố, phương pháp nào nhiều ưu việt nhất, hiệu quả cao nhất, phương tiện hiện đại nào nâng cao được tay nghề chuyên môn của bác sĩ nhất… đều được các chuyên gia và Ban giám đốc BVĐK Tâm Anh đầu tư cập nhật. Với những người nhiều đam mê, bên cạnh tài năng cá nhân, có được một môi trường tốt để phát triển vừa là may mắn, vừa là cơ hội để vươn lên, chinh phục những thành tựu mới.

Cũng tại môi trường này, ngay bên cạnh sân vận động Quân khu 7, bác sĩ Trần Anh Vũ vẫn đều đặn hàng ngày gặp mặt, trao đổi chuyên môn y học và thể thao với các Vận động viên, Huấn luyện viên chuyên nghiệp… Ước mơ về một trung tâm Y học thể thao đang rất gần, nó lớn lên cùng niềm tin từ chính những người đang làm việc trong ngành thể thao khi họ nhìn thấy những thành tựu của bác sĩ Vũ, cũng như sự đồ sộ bề thế của Bệnh viện Tâm Anh.

Sự khác biệt của Đơn vị Y học thể thao tại BVĐK Tâm Anh so với truyền thống, đó chính là sự thống nhất trong quy trình điều trị bằng cách trao cho bác sĩ phẫu thuật trách nhiệm theo dõi, tập vật lý trị liệu và tư vấn tâm lý sau chấn thương cho người bệnh. Việc cá thể hóa từng người bệnh, quan tâm và bám sát với tiến trình phục hồi của người bệnh chính là mấu chốt để người bệnh tin tưởng nhiều hơn vào ngành y trong nước. Nếu đứng ở góc độ kinh tế, tạo niềm tin cũng sẽ tiết kiệm được kinh phí khám chữa bệnh cho người dân nếu như so sánh với việc họ phải đi nước ngoài để phẫu thuật.

ths bs trần anh vũ

Đến thời điểm này đơn vị vị Y học thể thao đã thành hình và nhận được sự tin tưởng của rất nhiều vận động viên chuyên nghiệp cũng như người yêu thể thao. Nhất là trong 2 năm vừa qua trong điều kiện khám chữa bệnh ở nước ngoài là bất khả thi nên nhiều vận động viên đã tìm đến với BVĐK Tâm Anh, từ những vận động viên phong trào đến các Cầu thủ tuyển quốc gia, VĐV tham dự SEA Games 31… Bác sĩ Anh Vũ vẫn chưa thôi trăn trở: “Từ những ngày đầu làm nghề đến nay, tôi vẫn còn nặng lòng với tình trạng nhiều người chơi thể thao thường không được đào tạo những kiến thức cơ bản về y tế, trước khi làm quen với các bộ môn thể thao. Đó là việc chuẩn bị như khởi động cơ thể, cách lựa chọn trang phục và giày phù hợp, các tư thế tiếp đất và động tác dễ gây chấn thương, cách hít thở, cách sơ cứu và xử trí khi gặp chấn thương…. Chơi thể thao, để duy trì được thành tích cao và nâng cao sức khỏe, quan trọng nhất là phải hiểu, lắng nghe và bảo vệ cơ thể mình”.

Chính vì thế, đơn vị Y học thể thao tập trung vào 3 mục tiêu chính: Hướng dẫn người chơi tránh những động tác gây chấn thương; Tư vấn chế độ tập luyện, dinh dưỡng phù hợp và Điều trị toàn diện các chấn thương bằng cách phẫu thuật, tập vật lý trị liệu, tâm lý thể thao. Bác sĩ Trần Anh Vũ tận dụng mọi cơ hội để hướng dẫn người bệnh, liên kết với các trung tâm đào tạo vận động viên trẻ để cùng đồng hành giáo dục các kỹ năng phòng tránh chấn thương và cải tạo dinh dưỡng, vì một tương lai Y học thể thao phát triển hơn nữa nhưng cũng vì một tương lai ngành thể thao thành tích cao an toàn bền vững. “Trong tương lai gần, tôi và các đồng nghiệp sẽ nỗ lực tiếp cận nhiều hơn nữa các kỹ thuật hiện đại trên thế giới để phát triển Trung tâm Y học thể thao – Vận động, BVĐK Tâm Anh TP.HCM. Trung tâm sẽ trở thành địa chỉ tin cậy cho người bệnh, là nơi các bác sĩ trong nước có thể đến trao đổi kinh nghiệm để cùng nâng tầm y học thể thao nước nhà trên bản đồ học thuật thế giới”.