Tên các hành tinh được đặt ra sao?
Các hành tinh trong hệ mặt trời – Ảnh: NASA
Từ xa xưa, người La Mã và Hy Lạp gọi các hành tinh trong Hệ mặt trời theo tên các vị thần trong thần thoại. ‘Truyền thống’ đó tiếp nối đến ngày nay.
Sao Thủy (Mercury)
Sao Thủy được đặt theo tên thần Mercurius
Sao Thủy là hành tinh nhỏ nhất và gần mặt trời nhất trong Hệ mặt trời.
Sao Thủy chuyển động rất nhanh, chỉ mất 88 ngày Trái đất để quay quanh mặt trời, thực hiện một chu kỳ quỹ đạo. Đồng thời, khi nhìn từ Trái đất, sao Thủy cũng có chu kỳ giao hội khoảng 116 ngày, nhanh hơn những hành tinh khác.
Chính vì nhanh nhẹn mà người La Mã đã dùng tên vị thần liên lạc và đưa tin Mercurius để đặt tên cho sao Thủy. Ông cũng thần của du lịch, trừng trị và bảo vệ kẻ trộm và thần là thương mại.
Trong thần thoại Hy Lạp, tên của vị thần này là Hermes
Sao Kim (Venus)
Bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ nữ” của họa sĩ người Ý Sandro Botticelli khoảng năm 1483 đến 1485
Sao Kim có tên xuất phát từ vị thần Venus – thần Vệ nữ trong thần thoại La Mã. Người Hy Lạp lấy tên vị thần Aphrodite gần như tương đường với thần Venus.
Venus được xem là vị thần của tình yêu, tình dục, và phụ nữ.
Trong thần thoại, thần Venus được xem là mẹ của người La Mã vì Aeneas con trai bà là người sống sót trong cuộc chiến thành Troy sau đó chạy sang Ý.
Ký hiệu thiên văn học cho sao Kim giống như ký hiệu sử dụng trong sinh học cho giống cái: một hình tròn với chữ thập ở bên dưới.
Sao Hỏa (Mars)
Bức tượng thần Mars có niên đại khoảng thế kỉ thứ 2 sau công nguyên
Khi quan sát người ta thấy Sao Hỏa có ánh sáng màu đỏ sẫm giống màu của chiến tranh.
Do đó, người Hy Lạp đặt tên cho hành tinh này theo tên vị thần chiến tranh Ares hay Mars trong tiếng La Mã.
Mars là vị thần quan trọng chỉ đứng sau thần Jupiter (thần Zeus) và thần Neptune (thần Poseidon) đồng thời cũng là người bảo vệ nông nghiệp La Mã, và là vị thần nổi bật nhất trong tôn giáo của quân đội La Mã.
Tên vị thần này còn được đặt cho tháng 3 (March).
Sao Mộc (Jupiter)
Thần Zesus (Jupiter) tại Bảo tàng Altes, Đức
Sao Mộc là hành tinh lớn nhất trong Hệ mặt trời. Khi nhìn qua kính thiên văn, sao Mộc trông rất thanh tú, oai phong lẫm liệt như một vị vua.
Người Hy Lạp đã lấy tên thần Zeus ngự trị trên ngai vàng tối cao đặt cho hành tinh này. Zeus là thần trị vì các vị thần, cai quản đỉnh Olympia, đồng thời cũng là thần sấm chớp.
Theo tiếng La Mã, thần Zeus có tên là Jupiter nên sao Mộc được gọi là Jupiter.
Sao Thổ (Saturn)
Ảnh vẽ thần Saturn của họa sĩ Polidoro da Caravaggio vào thế kỉ 16
Khoảng cách trung bình giữa Sao Thổ và Mặt Trời là trên 1,4 tỉ cây số.
Với tốc độ quỹ đạo trung bình bằng 9,69 km/s, Sao Thổ cần 10.759 ngày Trái đất – tương đương khoảng 29,5 năm, để đi hết một vòng quanh Mặt trời.
Sự “lâu lắc” này làm cho người Hy Lạp liên tưởng đến sự trôi đi của thời gian và đã đặt tên cho hành tinh là Cronus – vị thần của thời gian.
Trong tiếng La Mã, hành tinh này có tên là Saturn. Ngoài ra, Saturn còn được đặt cho ngày thứ 7 trong tuần – Saturday.
Đền thờ thần Poseidon ở Athens, Hy Lạp. Thần Poseidon được đặt tên cho sao Hải Vương – Ảnh: Getty Images
Sao Thiên Vương, Diêm Vương… đều bắt nguồn từ các vị thần
Năm 1781, nhà thiên văn người Anh William Herschel phát hiện ra một hành tinh mới trong Hệ mặt trời.
Sau đó, người ta quyết định tiếp nối truyền thống đặt tên theo tên các vị thần trong thần thoại Hy Lạp, trong tiếng La Mã có tên Caelus. Hành tinh được mang tên vị thần Uranus, trong thần thoại Hy Lạp được coi là cha trời, là ông của thần Zeus. Người phương Đông thường gọi là Sao Thiên Vương.
Năm 1846, các nhà thiên văn học tiếp tục phát hiện một hành tinh mới nhìn qua kính thiên văn có màu xanh lam. Họ lấy tên thần biển Neptune trong thần thoại La Mã, tương đương với thần Poseidon trong thần thoại Hy Lạp, đặt cho hành tinh này. Đây là Hải Vương Tinh.
Cuối cùng là Diêm Vương Tinh. Trước đây, người ta cho rằng Hệ mặt trời có 9 hành tinh, và hành tinh thứ 9 này được phát hiện năm 1930.
Lúc đó các nhà thiên văn học thấy đây là hành tinh xa nhất, mờ tối nhất khiến cho người ta liên tưởng tới địa ngục tối nên đã lấy tên người cai quản địa ngục trong thần thoại Hy Lạp là Pluto đặt cho hành tinh này – Diêm Vương Tinh.