Tây Nguyên thiếu nhân công thu hoạch cà-phê

Các tỉnh Tây Nguyên hiện có hơn 630.000 ha cà-phê, chiếm 90% diện tích cà-phê của cả nước. Hằng năm, cứ đến vụ thu hoạch, có hàng nghìn lao động từ nhiều tỉnh, thành phố lên Tây Nguyên hái cà-phê thuê. Còn năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc đi lại giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn cho nên từ đầu vụ thu hoạch đến nay, người trồng cà-phê ở Tây Nguyên chạy đôn chạy đáo nhưng vẫn không thuê được nhân công. Các tỉnh Tây Nguyên đã đưa ra một số giải pháp khắc phục tạm thời vấn đề nan giải này.

Mỏi mắt tìm nhân công

Ðã hơn một tuần nay, gia đình ông Nguyễn Văn Tuấn ở thị trấn Ea Pốk (huyện Cư M’gar, tỉnh Ðắk Lắk) chạy đôn chạy đáo và gọi điện khắp nơi vẫn không tìm ra nhân công thu hoạch, trong khi vườn cà-phê đã chín đỏ cây. Ông Tuấn than thở: “Gia đình tôi có 3,5 ha cà-phê, những năm trước, cứ vào vụ thu hoạch, tôi thuê 7-8 người dân từ các tỉnh miền trung lên ở luôn ngoài rẫy vừa canh giữ vườn cây, vừa thu hoạch khoảng hơn một tháng là xong. Nhưng năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các tỉnh miền trung đang bị lũ lụt nặng, dẫn đến thiếu hụt lao động thu hái cà-phê. Trong khi đó, hiện nay giá đã tăng lên hơn 40 triệu đồng/tấn cà-phê nhân, nếu không thu hoạch kịp sợ bị mất trộm và rụng trái hao hụt sản lượng, ảnh hưởng đến chất lượng. Không còn cách nào khác, tôi phải thuê nhân công ở địa phương theo ngày để thu hoạch nhưng giá nhân công cao hơn nhiều…”.

Tỉnh Kon Tum có 25.000 ha cà-phê nhưng tình trạng thiếu nhân công thu hoạch vẫn xảy ra khiến người dân địa phương ăn ngủ không yên. Gia đình anh Nguyễn Văn Ðua ở thôn Thống Nhất, xã Hà Mòn (huyện Ðắk Hà) đang cần thuê nhân công thu hoạch 3 ha cà-phê cho nên từ sáng sớm, anh tìm đến “chợ lao động” tại điểm giao nhau giữa đường Hồ Chí Minh đi các xã Hà Mòn, Ngọc Wang và Ngọc Réo. Sau khi đi rảo khắp, thương lượng giá cả với 3, 4 nhóm lao động mà vẫn chưa thuê được. Anh Nguyễn Văn Ðua buồn rầu nói: “Năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhân công từ các tỉnh miền trung lên rất ít, trong khi đó nhà nào cũng cần người thu hái cà-phê nên tìm mãi mà chưa có nhân công. Nếu không thu hoạch kịp sẽ ảnh hưởng đến năng suất năm sau cho nên bằng mọi giá phải thuê được nhân công thu hoạch, dù giá có cao hơn mọi năm”. Còn ông Lê Văn Thanh-Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp Ia Mơ, (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết: “Chúng tôi đang liên kết với hộ dân ở các xã Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Phí, Ia Kreng và thị trấn Ia Ly canh tác khoảng 500 ha cà-phê để cung ứng cho Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Hiện chưa bước vào thu hoạch đại trà nhưng đã thiếu hụt nhân công. Nhiều hộ đang chạy đôn chạy đáo liên hệ nhiều nơi để tìm nhân công thu hái. Những hộ có diện tích nhỏ có thể huy động người trong gia đình thu hái, còn những hộ có 3-5 ha thì thật sự khó khăn”. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Ðồng Nguyễn Văn Châu cho biết, toàn tỉnh có hơn 173.000 ha cà-phê, trong đó, diện tích cà-phê kinh doanh hơn 162.000 ha. Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên mùa vụ năm nay, dự báo, lượng lao động thu hái cà-phê sẽ thiếu hụt khoảng 40 đến 50% so với nhu cầu thực tế…

Trong khi đó từ đầu vụ thu hoạch đến nay giá cà-phê luôn ở mức cao nên tại một số địa phương ở Tây Nguyên đã xuất hiện tình trạng trộm cắp cà-phê. Gia đình anh Y Xoa ở xã Trường Xuân (huyện Ðắk Song, tỉnh Ðắk Nông) có 4,5 ha cà-phê trồng năm thứ 10, dự kiến năm nay thu hoạch khoảng 10 tấn nhân. Anh chưa thuê được nhân công thu hái. Vườn cách xa nơi ở khoảng 1 km. Anh Y Xoa bức xúc: “Năm nay không thuê được nhân công nên người dân trong buôn lập tổ hái đổi công cho nhau, cà-phê gia đình tôi chín muộn hơn nên được sắp xếp thu hái vào đợt sau. Ban đêm kẻ gian đã đột nhập vào vườn hái trộm khoảng 5 tạ cà-phê tươi, cắt cành hư hại hàng chục cây cà-phê làm ảnh hưởng năng suất niên vụ tới. Gia đình đã trình báo đến cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa tìm được đối tượng trộm cắp tài sản”.

Theo thống kê của Viện Khoa học kỹ thuật nông-lâm nghiệp Tây Nguyên, các tỉnh Tây Nguyên hiện có khoảng 630.000 ha cà-phê, chiếm 90% diện tích cà-phê cả nước với sản lượng hằng năm khoảng hơn 1,2 triệu tấn cà-phê nhân. Trong đó, Ðắk Lắk có 209.000 ha, Lâm Ðồng có hơn 173.000  ha, Ðắk Nông có 120.000 ha, Gia Lai có hơn 98.400 ha và Kon Tum có hơn 25.000 ha. Theo tính toán của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên cũng như người trồng cà-phê, để thu hoạch 1 ha cà-phê cần ít nhất từ 3-5 nhân công thu hoạch liên tục trong vòng 1 tháng. Với diện tích khoảng 630.000 ha, thời điểm này Tây Nguyên cần một lực lượng lao động rất lớn để thu hoạch. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thiếu hụt lao động khiến người trồng cà-phê gặp nhiều khó khăn.

Tây Nguyên thiếu nhân công thu hoạch cà-phê -0 Do không thuê được nhân công nên nhiều gia đình ở Ðắk Lắk phải tự thu hoạch vườn cà-phê của mình. 

Hỗ trợ nông dân thu hoạch

Các tỉnh Tây Nguyên đã và đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ người dân. Ông Nguyễn Khắc Hiển-Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Ðắk Lắk cho biết: Ngay từ đầu vụ thu hoạch năm nay, xác định sẽ thiếu nhân công thu hoạch cà-phê nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị về việc sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà-phê niên vụ 2021-2022. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ngành và các địa phương chủ động xây dựng phương án huy động nhân lực thu hái cà-phê cho phù hợp diễn biến dịch bệnh. Ðặc biệt, các địa phương cần rà soát và huy động tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, nhất là huy động nguồn lao động từ các tỉnh phía nam trở về tham gia thu hoạch cà-phê. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân các huyện làm việc trực tiếp với cơ quan quân sự địa phương để thống nhất, có văn bản báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh, cơ quan quân sự cấp tỉnh xem xét huy động các lực lượng vũ trang tham gia giúp nhân dân thu hái cà-phê. Phó Giám đốc Công ty cà-phê Ðắk Uy (huyện Ðắk Hà, tỉnh Kon Tum) Phạm Thế Cương cho biết: “Công ty đã làm việc với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, Sư đoàn 10 để hợp đồng lực lượng bộ đội về hỗ trợ thu hái cà-phê cho công ty và phân bổ nguồn nhân công quý giá này cho các hộ công nhân trong toàn công ty. Cũng nhờ lực lượng bộ đội mà giữ vững được giá nhân công lao động không bị biến động nhiều trong đợt cao điểm thu hoạch cà-phê này”. Ngoài ra, để giải “bài toán” thiếu nhân công, các tỉnh Tây Nguyên xây dựng kế hoạch kéo dài thời gian thu hái, tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự ở khu vực nông thôn, nhất là ngăn chặn tình trạng trộm cắp cà-phê và tiến hành rà soát số lượng lao động nhàn rỗi, có sức khỏe phù hợp công việc thu hái cà-phê tại địa phương, ưu tiên lao động là người dân tộc thiểu số, làm ăn ngoài tỉnh do dịch Covid-19 trở về địa phương. Trên cơ sở đó cân đối, điều chuyển lao động giữa các địa phương; đồng thời giao các hội, đoàn thể xuống từng hộ tuyên truyền, vận động tham gia các tổ, nhóm thu hái cà-phê. Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Gia Lai Trần Thanh Hải thông tin: “Chỉ tính từ đầu tháng 10/2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 42.000 lao động từ các tỉnh phía nam trở về, đa phần gặp nhiều khó khăn. Hiện, chúng tôi đang tích cực liên hệ với các doanh nghiệp, các địa phương để có phương án huy động, bố trí, sử dụng hợp lý lực lượng lao động này tham gia thu hoạch cà-phê phù hợp tình hình phòng, chống dịch ở từng địa bàn”. Ðây cũng là phương án được các tỉnh Tây Nguyên tập trung triển khai thực hiện vừa giải quyết “bài toán” việc làm, ổn định đời sống cho người dân từ các tỉnh phía nam trở về, vừa giúp người dân địa phương thu hoạch cà-phê đúng thời vụ, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm cà-phê.