Taxi công nghệ, gần một thập kỷ loay hoay quản lý
PV
– 25/04/2022 | 6:45 (GTM + 7)
Nghe nội dung chi tiết tại đây:
Ảnh minh họa
Xe công nghệ “nở rộ” khiến taxi truyền thống lao đao. Nhưng không chỉ dừng lại là “cuộc chiến” giữa 2 loại hình, sự gia tăng lượng phương tiện đột ngột đã ảnh hưởng rất lớn đến quy hoạch tại các đô thị cùng nhiều bất cập khác nảy sinh, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Ngày 7/1/2016, Bộ GT-VT ban hành Quyết định 24 về thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.
Ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng, taxi truyền thống và taxi công nghệ có bản chất tương đồng, và những bất cập trong quy định quản lý đã tạo ra sự bất bình đẳng: “Các hộ kinh doanh, cá thể kinh doanh không đăng ký, dẫn đến nhiều vụ chiếm đoạt tài sản của khách hàng. Và giá cước thì tăng “phi mã”, thuật toán vào các giờ cao điểm tăng rất cao. Bản chất loại hình này là taxi, nhưng thuế họ nộp 3% thuế thu nhập và 1,5% thuế VAT, trong khi xe taxi nộp 30% thuế. Trong khi đó, taxi truyền thống được địa phương quản lý rất chặt chẽ”.
Sau 5 năm soạn thảo và 12 lần thay đổi, Nghị định 10 năm 2020 của Chính phủ thay thế Nghị định 86 năm 2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô mới được ban hành. Trong đó, Bộ GT-VT xác định xe công nghệ là đơn vị kinh doanh vận tải, chứ không đơn thuần cung cấp ứng dụng. Tuy nhiên, Nghị định 10 đến nay vẫn chưa giải quyết dứt điểm các bất cập, và cần những quy định chặt chẽ hơn trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam , nếu coi xe công nghệ như loại hình taxi để quản lý thì sẽ kết thúc sự bất bình đẳng mà taxi truyền thống phải “chịu”, và tài xế xe công nghệ cũng sẽ được hưởng lợi.
Tuy nhiên, theo ông Thanh, luật cần có quy định rõ ràng: “Hai chủ thể này khác nhau, và khác hẳn với taxi truyền thống. Cơ quan quản lý Nhà nước phải có những văn bản, quy định hướng dẫn để thực hiện cho đúng. Doanh nghiệp taxi công nghệ phải có trách nhiệm, phải có an sinh xã hội đối với người lao động, BHXH ra sao, BHYT như thế nào, v…v…”
Tuy vậy, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần có cách quản lý khác nhau giữa 2 loại hình này thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh vì lợi ích chung: “Xe truyền thống sở hữu tài sản, có người lao động. Còn xe công nghệ không sở hữu tài sản vật chất là xe, họ cũng không có người lao động, tất cả người chạy xe được xem như là hợp tác thôi. Dĩ nhiên là xe công nghệ cần được quản lý chặt chẽ hơn. Khách hàng khi bước lên xe có quyền hỏi là anh có bảo hiểm cho tôi không? Rồi vấn đề bảo trì xe, liệu có an toàn không, ai là người quản lý chuyện đó?”