Tất bật tìm kiếm người thu hoạch vì tiêu chín sớm
Nhân công thu hoạch tiêu tại vườn của gia đình anh Lê Xuân Liên, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc.
Năm nay tiêu chín sớm, nên hiện nay tiêu đã chín đỏ trên cây, nếu không thu hoạch kịp sẽ bị rụng và gây kiệt sức cho cây. Tuy nhiên, giá tiêu rớt xuống thấp chỉ 58 – 59 nghìn đồng/kg, trong khi đó nhân công khan hiếm nên giá cao từ 280 – 300 nghìn đồng/người/ngày, thu không đủ chi khiến nhiều nhà vườn lo lắng.
Gia đình anh Lê Xuân Liên, ngụ ấp 2, xã Hòa Bình, huyện Xuyên Mộc nhiều ngày qua phải tất bật tìm kiếm ngược xuôi mới tìm được 4 nhân công hái tiêu người tận tỉnh Ninh Thuận. Vườn tiêu 1,1 ha của gia đình anh đến ngày mùng 9 tháng Chạp đã chín đỏ rực và rụng đầy gốc, anh phải mua lưới đen về rải khắp vườn để hứng tiêu rụng xuống khi không kịp thu hoạch. Nếu không rải lưới tiêu chín rụng sẽ bị thất thoát rất nhiều.
Anh Liên chia sẻ, vườn tiêu của gia đình vụ này được mùa hơn năm ngoái, dự kiến thu được khoảng 4 tấn/ha thay vì 3,2 tấn/ha như năm ngoái. Vụ tiêu cũng chín sớm, thay vì ra Tết mới được thu hoạch như mọi năm, thì vụ tiêu này gia đình anh Liên đã phải thu từ ngày 15 tháng Chạp.
“Năm 2022 thời tiết thất thường mưa nhiều nên hiện nay công nhân cao su vẫn chưa kết thúc việc cạo mủ, việc kiếm công lao động rất khó khăn, vì hầu hết trước đó lao động đều đã được thuê đi cạo mủ. Với 4 công hái tiêu này, chắc khoảng 1 tháng rưỡi nữa gia đình tôi mới hái xong vụ tiêu”, anh Liên lo lắng cho biết.
Tìm kiếm nhân công khó khăn, giá nhân công hái tiêu tăng cao, trong khi đó hiện nay giá bán tiêu đang ở mức thấp nhưng may mắn là vườn tiêu năm của gia đình anh Liên vụ này trúng mùa nên sau khi trừ chi phí gia đình anh Liên lời 100 triệu đồng cho vụ tiêu này.
Gia đình bà Lê Thị Hoàn, ngụ ấp Suối Lúp, xã Bình Ba, huyện Châu Đức đang canh tác 1,3 ha tiêu đã trồng được 10 năm cũng chia sẻ, bắt đầu từ mùng 6 Tết gia đình đã phải huy động hết bà con họ hàng, anh em ở gần được 10 công hái tiêu, với chi phí 280 nghìn đồng/người/ngày. Tuy nhiên, đến ngày mùng 10 Tết chỉ còn lại 6 công, do 4 nhân công còn lại sẽ trở lại công ty để làm việc.
Bà Hoàn cho biết, năm nay vườn tiêu của gia đình không trúng mùa, với diện tích 1,3 ha chỉ thu được hơn 1 tấn tiêu, trong khi đó chi phí đầu tư phân, thuốc, nhân công đã lên tới hơn 70 triệu đồng, với giá bán tiêu như hiện nay gia đình bà cầm chắc thua lỗ. “Giá tiêu rớt sâu trong khi giá nhân công, phân, thuốc liên tục tăng nên nhiều năm nay gia đình tôi lỗ nặng. Nhưng lỡ đầu tư nhiều tiền bạc công sức, giờ bỏ vườn tiêu cũng không biết làm gì để sống”, bà Hoàn buồn rầu chia sẻ.
Gia đình anh Trịnh Văn Tân, ngụ xã Bình Trung, huyện Châu Đức cho biết, năm nay tiêu chín sớm đồng loạt nên trước Tết cả tháng các hộ dân đã phải vào vụ thu hoạch. Ngay mùng 4 Tết đã phải ra vườn hái tiêu. Tuy nhiên, việc tìm kiếm lao động hái tiêu gặp nhiều khó khăn do khan hiếm nguồn lao động.
“Tôi phải liên hệ khắp nơi, huy động thêm họ hàng mới được 10 công hái tiêu. Vườn tiêu 5 sào phải hơn 110 công mới hái xong. Tôi còn 1 vườn tiêu nữa khoảng 6 sào đã chín đỏ, trái rụng đầy gốc cần phải khẩn trương thu hái mà giờ chưa thuê được người”, anh Tân nói thêm.
Tiêu rớt giá xuống thấp, thất mùa, giá nhân công cao khiến gia đình bà Hoàn cầm chắc thua lỗ.