Tập yoga với huấn luyện viên Ấn Độ, đắt có xắt ra miếng?
Khi bộ môn yoga ngày càng được yêu thích ở các thành phố lớn, việc mở trung tâm tập yoga cũng trở thành công việc kinh doanh nhiều tiềm năng. Vì vai trò của giáo viên trong bộ môn này là vô cùng quan trọng nên nếu một trung tâm có được những huấn luyện viên có tiếng, phòng tập sẽ thu hút đông học viên với mức thu phí cao. Đặc biệt, yoga có nguồn gốc từ Ấn Độ nên huấn luyện viên đến từ Ấn Độ cũng được coi là một “bảo chứng” cho chất lượng chuyên môn của nhiều trung tâm yoga. Trước sự quảng cáo rầm rộ của các trung tâm này, nhiều người đang có ý định tập Yoga liền đặt ra câu hỏi là nên tập yoga với HLV Ấn Độ hay Việt Nam.
Trong khi các trung tâm yoga tầm trung với toàn giáo viên người Việt chỉ thu phí từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng/tháng thì cùng số tiền trên, học viên chỉ được tập luyện trong một giờ khi tập yoga với HLV yoga đến từ Ấn Độ ở trung tâm “cao cấp”.
Hiện nay nhiều trung tâm đang ra sức mời trực tiếp các huấn luyện viên từ Ấn Độ sang, lo chỗ ăn ở, lo trả tiền lương để có chuyên gia thực thụ. Tuy nhiên nhiều người đã tìm hiểu và nghiên cứu về bộ môn này cho rằng mấu chốt không phải ở việc tập yoga với HLV là người Việt Nam hay Ấn Độ, mà là huấn luyện viên có chuyên môn và bề dày kinh nghiệm đến đâu, khả năng kết nối và truyền đạt cho học viên tới mức nào, có trò chuyện và tìm hiểu từng học viên để biết cơ địa và bệnh tật từng người ra sao… tức là ngoài khả năng về yoga, có khá nhiều yếu tố khác làm nên một huấn luyện viên yoga giỏi.
Có nơi, lớp học đông và ồn ào, thầy Ấn Độ bị quá tải, dẫn đến chất lượng sụt giảm. Chưa kể bất đồng ngôn ngữ cũng là một yếu tố khiến quá trình truyền đạt không được suôn sẻ.
Tập thở trong yoga là bài học cơ bản nền tảng nhất, nhưng cũng khó nhất. Thở không phải để duy trì sự sống mà thôi, thở trong yoga là để thấu hiểu, bình tâm. Thở như một dòng chảy của sự sống len lỏi khắp các mạch máu, khắp các vùng cơ thể để nuôi sống và đánh thức chúng. Vì vậy, thở vừa dễ mà vừa khó. Những lớp yoga có giáo viên là người Ấn, yếu tố trên không dễ truyền đạt đến học viên người Việt.
Dù Ấn Độ là quê hương của bộ môn Yoga từ cách đây 6000 năm nhưng ngày nay, bộ môn này đã lan rộng khắp thế giới và rất nhiều người ở nhiều quốc gia khác nhau đạt trình độ xuất sắc về yoga. Lên Google search sẽ thấy nhiều cao nhân, master yoga không phải người Ấn Độ mà là người châu Âu, người Mỹ…
Trong bộ môn Yoga, người Việt Nam cần cù, chăm chỉ, thích tìm tòi các vấn đề một cách chi tiết, có tâm thức vì thế khả năng lĩnh hội rất tốt. Số lượng giáo viên Yoga người Việt đã chiếm được sự tin tưởng của học viên đang ngày càng nhiều.
Với những người tập yoga ở mức độ cơ bản nhất, việc chọn tập yoga với HLV nào, trường phái nào không quan trọng bằng việc có đủ kiên trì, bền bỉ để theo bộ môn này hay không. Vì vậy hai yếu tố quan trọng nhất là địa điểm thuận tiện và mức học phí hợp lý với khả năng chi trả. Vì yêu thích một “thương hiệu” phòng tập nào đó khiến bạn chấp nhận đi xa, trả tiền cao cũng tốt nhưng hãy tự hỏi: “Về lâu về dài mình có theo nổi không?”.
Trong yoga, thực hiện các tư thế là điều dễ nhất. Bất kỳ tư thế nào, dù khó đến mấy, học viên chỉ mất vài tháng hoặc lâu lắm là một năm là có thể thực hành được ở mức cơ bản đủ để “khoe hàng”.
Tuy nhiên, càng tập, càng suy nghĩ sâu, người ta mới thấy trong yoga, quan trọng nhất là phải tập, phải thực hành liên tục, bền bỉ để ngoài chuyện rèn luyện thân, tâm, còn được hưởng thành quả của bộ môn đặc biệt này, việc tập yoga với HLV thực chất không quá quan trọng khi bạn đã vững cơ bản.
An Hà
BEAUTYLIFE 2019