Tập trung phục hồi vườn tiêu sau thu hoạch

Vườn tiêu sau thu hoạch thường mất sức, dễ phát sinh bệnh hại. Do đó, các hộ trồng tiêu đang khẩn trương chăm sóc, giúp vườn cây lấy lại sức, chuẩn bị cho thời kỳ phân hóa mầm hoa vụ tới.

Theo Chi cục Phát triển nông nghiệp (Sở NN-PTNT), niên vụ 2022, diện tích hồ tiêu toàn tỉnh ước khoảng 34.957 ha, sản lượng 60.605 tấn. Diện tích hồ tiêu tập trung chủ yếu tại các huyện như Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk Mil, Tuy Đức…

Thời điểm này, bà con tại nhiều vùng sản xuất tiêu đang tập trung bước vào chăm sóc, phục hồi vườn cây. Bởi sau thu hoạch, các vườn tiêu thường kiệt sức, lại trùng vào mùa khô, nên ảnh hưởng quá trình sinh trưởng.

Do đó, cây tiêu cần có chế độ chăm sóc đặc biệt để bảo đảm phục hồi sức, kháng lại các loại sâu bệnh hại, giúp phát triển tốt và bảo đảm năng suất cho vụ tới.

Gia đình ông Nguyễn Văn Tiến, xã Trường Xuân (Đắk Song), có trên 2 ha hồ tiêu. Vụ thu hoạch vừa qua, vườn tiêu của gia đình ông đạt gần 4 tấn/ha. Do năng suất cao, nên thu hái xong vườn cây trở nên xuống sức. Nhiều dây tiêu bung khỏi trụ, lá úa vàng, cành và nhánh xơ xác…

Theo ông Tiến, trải qua một mùa vụ, vườn tiêu đã tiêu hao nhiều dưỡng chất. Mặt khác, tác động của quá trình thu hái cũng gây ra những vết thương trên cành, mắt, lá…, làm cho cây tiêu dễ nhiễm bệnh. Do vậy, việc chăm sóc vườn tiêu giai đoạn này rất quan trọng.

Về kỹ thuật, ông Tiến cho biết, trước tiên cần cắt bỏ cành khô, sâu bệnh, loại bỏ dây lươn. Việc cắt tỉa cành phải thực hiện một cách cẩn thận. Dụng cụ cắt cành cần được sát trùng kỹ để tránh không mang mầm bệnh từ bên ngoài vào…

Sau quá trình dọn cành, bà con cũng cần bổ sung dưỡng chất, bón các loại phân phù hợp để cung cấp đủ dinh dưỡng cho vườn cây. Bà con cũng cần theo dõi kỹ để kịp thời phát hiện các triệu chứng sâu, bệnh trên cây tiêu.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) chăm sóc vườn tiêu sau thu hoạch

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) cũng trồng gần 1,5 ha hồ tiêu. Theo bà Hoa, kỹ thuật rửa vườn đối với cây tiêu sau thu hoạch là rất quan trọng.

Gia đình bà thường rửa vườn tiêu bằng thuốc diệt nấm Nano đồng, kết hợp Phytopin Gold để tiêu diệt nấm bệnh. Giai đoạn này, tiêu thường xuất hiện bệnh thán thư, địa y….

“Các loại nấm bệnh này đều khiến cho lá tiêu nhanh già và rụng. Do đó, bà con cần phải sớm đề phòng, xử lý, giúp vườn tiêu hồi phục, khỏe mạnh”, bà Hoa chia sẻ.

Theo các nhà vườn, thời gian rửa vườn tiêu tốt nhất là sau khi hái xong. Tuy nhiên, thời điểm này thường rơi vào mùa khô, nên bà con cần căn thời tiết phù hợp để rửa vườn hiệu quả.

Nếu vườn tiêu thiếu nước, cây sẽ rụng lá nhiều, làm giảm khả năng chống chịu nắng nóng. Trường hợp này, bà con nên chờ vào những thời điểm có mưa để rửa vườn.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, sau thu hoạch, vườn tiêu cần được bổ sung dinh dưỡng để phục hồi, tạo mầm hoa và cho trái ở vụ tiếp theo. Đây là giai đoạn nhạy cảm của cây tiêu với thời tiết. Các loại dịch bệnh như nấm, vi sinh vật có hại phát sinh mạnh trên cây tiêu.

Nếu giai đoạn này không cung cấp đủ dinh dưỡng, cây tiêu sẽ mất cân đối, dẫn đến khó phục hồi, dễ nhiễm bệnh, năng suất sụt giảm, thậm chí mất mùa.

Theo Chi cục Phát triển Nông nghiệp tỉnh, hiện nay, người dân tại một số vùng trồng tiêu đã ứng dụng hiệu quả công nghệ, kỹ thuật vào sản xuất, mang lại hiệu quả cao.

Tỉnh đã hình thành được 2 vùng sản xuất hồ tiêu ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC) tại huyện Đắk Song. Đó là Vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC xã Thuận Hà, với 416,4 ha; Vùng sản xuất hồ tiêu ƯDCNC xã Thuận Hạnh, với 1.133 ha.

Ngoài ra, một số địa phương, doanh nghiệp, hộ gia đình còn sản xuất hồ tiêu theo các tiêu chuẩn chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ… với diện tích trên 1.723 ha.