Tập huấn trực tuyến một chiều, ít tương tác, giáo viên còn nhiều băn khoăn – Giáo dục Việt Nam

GDVN- Dịch bệnh đã được khống chế, mọi hoạt động của xã hội đã diễn ra bình thường, lẽ nào việc tập huấn cho giáo viên dạy chương trình mới vẫn là hình thức online sao?

Khác với chương trình 2006, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018, các nhà xuất bản sách giáo khoa đứng ra tập huấn cho giáo viên. Hai năm qua, các nhà xuất bản đã tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1, lớp 2 và lớp 6.

Theo kế hoạch, năm học 2022-2023 tới đây, ngành giáo dục sẽ triển khai chương trình mới ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Chính vì thế, những ngày qua, các nhà xuất bản đang tiến hành tập huấn cho giáo viên trên cả nước để dạy 3 lớp học này trong năm học tới.

Kế hoạch tập huấn được các nhà xuất bản triển khai đồng loạt ở các tỉnh, thành, giáo viên dù đã nghỉ hè hay chưa dạy xong chương trình năm học 2021-2022 cũng phải bố trí thời gian để tham gia tập huấn.

Tuy nhiên, từ thực tế tham gia tập huấn chương trình lớp 7, chúng tôi nhận thấy với cách triển khai như hiện nay giáo viên dưới cơ sở sẽ rất khó khăn khi bước vào thực tế giảng dạy bởi nhìn chung hiệu quả tập huấn không cao.

Băn khoăn về việc tập huấn online một chiều

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được triển khai trong một điều kiện hết sức khó khăn bởi 2 năm học vừa qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở khắp nơi trên cả nước. Chính vì thế, đa phần việc tập huấn chương trình mới không thể nào tổ chức trực tiếp được.

Để chuẩn bị cho năm học 2022-2023 tới đây, giáo viên chúng tôi nhận được thông báo triệu tập tập huấn. Đầu tiên là hội thảo sách giáo khoa 20 phút, các nhà xuất bản quay sẵn video clip, đến giờ phát ra cho giáo viên xem.

Tiếp theo, chúng tôi được tập huấn 1 ngày qua phần mềm Zoom với các tác giả sách giáo khoa mà mình sẽ dạy trong năm học tới. Trong 1 ngày tập huấn online, các tác giả chia ra nói, mỗi người 1 phần, hoặc 1 phân môn của mình.

Hội trường tập huấn đông giáo viên, những môn học nhiều tiết thì 5-7 trường tập trung ở một điểm cầu. Những môn học ít tiết thì có khi cả huyện mới chung một điểm cầu. Nhà xuất bản cung cấp tên phần mềm tập huấn, ID và Password cho các sở, phòng giáo dục và các nhà trường là điểm cầu tập huấn.

Đến giờ tập huấn, nhà trường mở máy và truy cập vào địa chỉ đã được cung cấp và giáo viên nghe và xem. Nhưng, chủ yếu là nghe vì slide trình chiếu trên máy chiếu quá nhỏ mà hội trường thì rộng lớn và đông người.

Vì thế, chỉ những thầy cô ngồi ở những bàn đầu tiên còn thấy được chữ chiếu qua các slide trình chiếu, những giáo viên phía sau gần như chẳng thấy được gì.

Đầu giờ tập huấn, giáo viên còn chăm chú nghe nhưng được một lúc thì phần nhiều giáo viên cảm thấy mệt mỏi và chán ngán với cách tập huấn của nhà xuất bản. Ở trên, người tập huấn vẫn đọc và chiếu các slide tập huấn nhưng nó cứ đều đều một chiều.

Cứ tưởng tượng cảnh giáo viên ngồi tập huấn cả ngày, mỗi buổi được nghỉ giải lao 15 phút giữa giờ, trong quá trình tập huấn, người đứng ra tập huấn và người đi dự tập huấn không có sự tương tác với nhau lời nào thì làm sao không mệt và không chán ngán.

Chính vì thế, việc lĩnh hội kiến thức trong một ngày tập huấn/1 môn học về cơ bản là chẳng được bao nhiêu. Trong khi, giáo viên tham gia tập huấn nhưng sách giáo viên, sách giáo khoa mẫu chỉ được phát vài ba cuốn cho cả lớp nên cơ bản là “tập huấn chay”.

Nếu chỉ tập huấn trực tuyến thì rất khó cho giáo viên dạy chương trình mới

Tham gia 20 phút hội thảo online sách giáo khoa và 1 ngày tập huấn chương trình Ngữ văn lớp 7 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (bộ sách Chân trời sáng tạo) chúng tôi nhận thấy giáo viên rất khó lĩnh hội hết các kiến thức mà các báo cáo viên truyền đạt.

Bởi lẽ, việc báo cáo tập huấn chỉ diễn ra một chiều, cho dù báo cáo viên tập huấn bằng phần mềm Zoom nhưng không khai thác, hoặc đúng hơn là họ không muốn khai thác triệt để phần mềm này.

Quá trình tập huấn, báo cáo viên – cũng là các tác giả sách giáo khoa không hề hỏi giáo viên tập huấn xem họ cần gì, muốn gì ở chương trình mới và cuốn sách mà các tác giả này biên soạn.

Chỉ đến khi cuối buổi, người báo cáo mới lên tiếng là các thầy cô cần trao đổi, thắc mắc gì thì nhắn vào khung chat của màn hình. Thế nhưng, tập huấn ở hội trường, mấy chục giáo viên chung một tài khoản với nhau thì hỏi như thế nào đây?

Hơn nữa, thời gian kết thúc buổi tập huấn buổi sáng là 11 giờ 30, buổi chiều là 17 giờ mà đâu phải giáo viên đều gần nhà đâu bởi mỗi điểm cầu có nhiều đơn vị cùng tham gia tập huấn.

Chúng tôi cho rằng việc thay đổi từ chương trình 2006 sang chương trình giáo dục phổ thông 2018 là một sự thay đổi lớn của toàn ngành giáo dục cả về nội dung, chương trình, mục tiêu và phương pháp giáo dục.

Đặc biệt, việc thay đổi chương trình lần này đã có sự đầu tư rất lớn từ ngân sách nhà nước và công sức của trên 1 triệu giáo viên phổ thông trên cả nước.

Việc thay đổi chương trình mới có thành công được hay không thì vấn đề then chốt nhất là ở người thầy trực tiếp giảng dạy. Vì thế, việc tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, phương pháp, cách tiếp cận chương trình mới đến đội ngũ nhà giáo phải đặc biệt được xem trọng.

Nếu như 2 năm học vừa qua, vì dịch bệnh mà các nhà xuất bản không thể nào bố trí tập huấn trực tiếp được thì đó là yếu tố khách quan. Nhưng, thời điểm này dịch bệnh đã được kiểm soát, tất cả đã trở lại bình thường mới mà vẫn duy trì hình thức tập huấn trực tuyến gần như hoàn toàn là điều đáng cho mọi người phải suy nghĩ.

Việc tập huấn online rất đơn giản và tiết kiệm tối đa chi phí cho các nhà xuất bản sách giáo khoa vì các đơn vị này chỉ cần cung cấp tên phần mềm, ID, Password và sau đó thì cả tỉnh, hoặc nhiều tỉnh cùng tập huấn chung với nhau.

Nhưng… nếu chỉ tập huấn như thế này thì các nhà xuất bản chỉ cần chuẩn bị nguồn tài liệu, dữ liệu phục vụ công tác bồi dưỡng giáo viên như: sách giáo khoa, sách giáo viên điện tử, file chứa các slide tập huấn; video giới thiệu sách giáo khoa, video tiết học minh hoạ,… website của các đơn vị chủ quản sách giáo khoa rồi yêu cầu giáo viên dạy sách nào vào địa chỉ đó xem, nghe sẽ hiệu quả hơn.

Bởi, giáo viên đến tập huấn online tập trung quá đông trong một hội trường nên âm thanh khó nghe, màn hình quá xa và còn là cơ hội cho nhiều giáo viên ở các trường lâu ngày gặp nhau… nói chuyện.

Có lẽ, bộ phận chuyên môn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần sâu sát với việc tập huấn hiện nay của các nhà xuất bản và đưa ra kế hoạch lồng ghép giữa tập huấn trực tiếp với trực tuyến thì mới hiệu quả.

Việc tập huấn trực tuyến gần như hoàn toàn hiện nay đang rất hình thức, mệt mỏi mà hiệu quả chẳng đáng bao nhiêu – đó là một thực tế đang diễn ra khi các nhà xuất bản đứng ra tập huấn cho giáo viên.

Hiện nay, dịch bệnh đã được khống chế, mọi hoạt động của xã hội đã diễn ra bình thường, lẽ nào việc tập huấn cho giáo viên dạy chương trình mới vẫn là hình thức online như 2 năm học vừa qua sao?

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HƯƠNG MAI