Tập đoàn kinh tế – Luật Gia Luật

Trước ngày 1/7/2015 – ngày Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực – Pháp luật không thừa nhận khái niệm tập đoàn kinh tế ở khu vực tư nhân. Tuy nhiên, rất nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân đã được tự thành lập bằng cách lách luật. Hình thức thì theo hoạt động của Nhóm công ty; Công ty mẹ – Công ty con – Công ty cháu – Công ty liên kết. Tên thì lấy thêm chữ Tập Đoàn và trước tên Công ty mẹ (Luật không cấm cách đặt tên này và Cơ quan cấp phép chấp nhận). Mô hình, tổ chức, hoạt động thì tham khảo chủ yếu từ các tập đoàn kinh tế của nước ngoài (thông thường là đa quốc gia), khi áp dụng thì điều chỉnh cho phù hợp với Luật doanh nghiệp của Việt Nam.

Từ ngày 1/7/2015 – ngày Luật doanh nghiệp 2014 có hiệu lực – Pháp luật thừa nhận khái niệm tập đoàn kinh tế tư nhân. Hình thức vẫn theo hoạt động của Nhóm công ty, Công ty mẹ – Công ty con – Công ty cháu – Công ty liên kết. Tên thì cũng lấy thêm chữ Tập Đoàn và trước tên doanh nghiệp.

Mô hình, tổ chức, hoạt động được quy định rõ hơn, cụ thể:

Tập đoàn kinh tế là do các doanh nghiệp tự xây dựng và thực hiện, không phải đăng ký với cơ quan nhà nước.

Không có tư cách pháp nhân.

Quy định cụ thể về vấn đề báo cáo tài chính, hoạt động của công ty mẹ tại các công ty con, cháu, liên kết, trách nhiệm của các bên;

Cấm sở hữu chéo về vốn góp và cổ phần giữa các pháp nhân trong Tập đoàn (hiểu chung nhất là  chỉ đầu tư xuôi, không đầu tư ngược, cũng không đầu tư ngang)…

Nguyên tắc quản lý trong Tập đoàn là quản lý dọc kết hợp với quản lý chéo:

Quản lý dọc là theo cấp bậc, chức vụ trong hệ thống, theo trật tự cố định (Quản lý theo từng cấp, không phải cứ cấp to là chỉ đạo được cấp nhỏ mà thông thường là chỉ đạo trực tiếp cấp nhỏ hơn gần nhất, nhỏ hơn nữa thì lại của ông nhỏ hơn trước).

Quản lý chéo là theo lĩnh vực (khối) được phân ra để điều hành. Vậy nên, một ông giữ chức vụ Phó tổng giám đốc tập đoàn nhưng không thể chỉ đạo được một ông trưởng phòng ở công ty con, cháu nếu như không thuộc lĩnh vực quản lý của mình.

Về thẩm quyền của công ty mẹ và các công ty thành viên (xét theo vốn góp):

Công ty con – Công ty mẹ chiếm trên 50% vốn/cổ phần

Công ty cháu – Công ty mẹ chiếm dưới 50% vốn/cổ phần hoặc là con hoặc cháu của Công ty con (Công ty con chiếm trên hoặc dưới 50% vốn/cổ phần). Thường thì đến cấp Công ty cháu không được phép đầu tư vào công ty khác nữa.

Công ty liên kết – Không có vốn của Công ty mẹ, Công ty con, Công ty cháu. Thường thì có ràng buộc pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh, hoạt động – thể hiện bằng 1 bản hợp đồng – Trong đó, Công ty mẹ và/hoặc Công ty con có tiếng nói/ảnh hưởng nhất định.

Về quan hệ giữa công ty mẹ, công ty con có những trường hợp sau:

TH1 – công ty mẹ có 100% vốn tại công ty con – trường hợp này công ty mẹ tự quyết định không cần hợp đồng gì cả vì ngoài công ty mẹ ra, quyền sở hữu công ty con không bị chia sẻ với ai khác.

TH2 – công ty mẹ có vốn góp tại công ty con – trường hợp này công ty mẹ thực hiện quyền chi phối công ty con thông qua 02 kênh: Kênh chủ sở hữu – công ty mẹ thực hiện đúng các quy định pháp luật liên quan đến việc điều hành quản lý công ty thông qua tỷ lệ vốn góp của công ty mẹ tại công ty con; Kênh quản lý – công ty mẹ thực hiện các quyền quản lý công ty con thông qua hợp đồng hợp tác về quản lý ký với công ty con.

TH3 – công ty mẹ không có vốn góp tại công ty con (công ty liên kết) – trường hợp này, công ty mẹ thực hiện quyền chi phối công ty con thông qua hợp đồng hợp tác về quản lý ký với công ty con.

 

========

Lưu ý: Bài viết thuộc bản quyền của Gia Luật Group. Mọi hình thức sao chép, phổ biến, sử dụng đề nghị dẫn nguồn theo quy định.