Tạp chí Giáo dục lý luận

TRƯƠNG THỊ ANH ĐÀO

Trường Đại học Hàng hải Việt Nam

Từ khóa: Phương pháp dạy học; phương pháp thuyết trình trong dạy học.

(Ảnh: https://www.giaoduc.edu.vn)

Đặt vấn đề

Thuyết trình là dạng hoạt động rất phổ biến trong cuộc sống. Thuyết trình
hiệu quả là một nhân tố quan trọng góp phần đem lại thành công cho chủ thể khi
muốn trình bày, truyền đạt một nội dung nào đó. Phương pháp thuyết trình trong
dạy học được xem là một trong những phương pháp chủ đạo dù nó vẫn tồn tại những
hạn chế nhất định. Trên tinh thần của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 Hội
nghị Trung ương 8 khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: “Phát
triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân
tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát
triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”, bài viết phân tích khái niệm
thuyết trình trong dạy học và kiến nghị một số giải pháp nâng cao hiệu quả của
phương pháp thuyết trình trong giảng dạy đại học.

1. Khái niệm Thuyết trình
trong dạy học

Trong hệ thống các phương pháp dạy học (PPDH), thuyết trình là phương pháp
dạy học truyền thống và có lịch sử lâu đời. Thuyết trình được định nghĩa: “là
phương pháp giáo viên dùng lời nói để trình bày, giải thích nội dung bài học
một cách có hệ thống, logic cho học sinh tiếp thu”[3, tr.207]. Nói cách khác, thuyết trình
trong dạy học là cách thức người dạy truyền thụ kiến thức, kỹ năng cho người
học thông qua lời nói (và các hình ảnh, mô hình phụ trợ nếu có) để trình bày,
giải thích, làm sáng tỏ nội dung bài học
.

Thuyết trình trong dạy học có
ba đặc điểm chính:

Một
, đây là hình thức giảng dạy có tính một chiều,
chủ thể thuyết trình là người dạy có vị trí, vai trò là chủ thể, hướng dẫn có
tính chi phối, còn học trò là khách thể, là người tiếp thu bị chi phối. Đây là
hình thức giảng dạy tiêu biểu cho mô hình người dạy “là trung tâm” trong giáo
dục. Nội dung giảng dạy, cách thức biểu đạt tri thức, kỹ năng, tính lôi cuốn,
hấp dẫn của một buổi học được quyết định ở trình độ chuyên môn, năng lực sư
phạm và tâm huyết của người dạy.

Hai
, nội dung thuyết trình là những chủ đề, vấn đề gắn với nội dung môn học
nên mục tiêu giáo dục là mục tiêu cơ bản của hoạt động
thuyết trình
. Bên cạnh việc truyền thụ tri thức qua thuyết trình của
người dạy tới người học, tùy thuộc vào từng triết lý giáo dục được áp dụng mà
mục tiêu bao quát hơn cũng được thể hiện và tác động nhất định đến nội dung và
cách thức thuyết trình của người giảng dạy. 

Ba là, thuyết trình trong
giảng dạy không hẳn là một buổi thuyết trình riêng biệt như thuyết trình trong
các hoạt động khác (thuyết trình trong kinh doanh, khoa học v.v.) mà có thể chỉ
là một trong những cách thức giảng dạy được người dạy thực hiện trong một buổi
học. Người dạy có thể thực hiện các cách thức giảng dạy khác như: vấn đáp, đàm
thoại, nhập vai v.v. 

2. Ưu điểm và nhược điểm
của phương pháp thuyết trình trong dạy học

Waugh, G. H. và Waugh R. F. (1999) đã nhấn mạnh: “Thuyết trình là một
phương pháp giảng dạy mà ở đó giảng viên đàm phán, thuyết phục, sinh viên không
thảo luận thông tin truyền đạt trong bài thuyết trình hoặc đặt câu hỏi về bài
giảng bằng lời nói; là một chiều độc thoại, là bài giảng thẳng không có hoạt
động hay lời nói có sự tham gia của sinh viên”[5, tr.36]. Thái Duy Tuyên (2010) diễn giải cụ thể hơn, cho
rằng: “Thuyết trình là phương pháp thông tin một chiều. Giáo viên nêu ra các ý
tưởng hay khái niệm, phát triển, đánh giá và cuối cùng tóm tắt các ý chính đã
nêu trong khi học sinh ngồi nghe và ghi chép”[4,
tr.58-59]. Như vậy, thuyết trình trong dạy học là hoạt động truyền
đạt thông tin một chiều và hướng đích nhằm trình bày, giải thích, làm sáng tỏ
nội dung bài học cho học trò.

Thuyết trình là phương pháp thể hiện đặc trưng vai trò chủ động của người
giảng trong giáo dục: truyền thụ tri thức, kỹ năng cho người học thông qua lời
trình bày, giải thích làm sáng tỏ nội dung học. Ở bất kỳ môn học nào, bất kỳ
phần nội dung nào, ít nhiều cũng cần đến sự thuyết trình của người giảng
viên/giáo viên, sự giảng giải của thầy làm cho nội dung học trở nên dễ hiểu
hơn, dễ nắm bắt hơn, có tính hệ thống hơn và thời gian rút ngắn hơn so với
người học tự mầy mò. Nội dung học càng khó hiểu, càng phức tạp càng đòi hỏi
người giảng viên/giáo viên phải thuyết trình hiệu quả. Có thể nói, phương pháp
thuyết trình là phương pháp khó thay thế. Nhà nghiên cứu William E. Cashin
(2010) nhận định: “Thuyết trình có lẽ là phương pháp dạy học lâu đời nhất và
vẫn còn là phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất trong các trường đại học trên
khắp thế giới” và “Thuyết trình đặc biệt hữu ích để truyền đạt kiến thức, người
giảng với sự nhiệt tình của mình có thể truyền đạt toàn bộ bản chất vấn đề cho
người học”[6, tr.1]. Nhà nghiên cứu
Nguyễn Văn Cư (2007) cũng nhấn mạnh rằng: “dù các phương tiện dạy học ngày càng
hiện đại đến đâu, dù người học có thể thu nhận thông tin từ nhiều nguồn khác
nhau với sự giúp đỡ của các phương tiện truyền thông thì cũng không thể nào
thay thế hoàn toàn phương pháp thuyết trình, ngược lại nó càng đặt ra những yêu
cầu cao hơn đối với phương pháp này”[1, tr.
58].

Với thuyết trình, giảng viên/giáo viên có thể giảng dạy cho nhiều đối tượng
cùng lúc và thời gian được rút ngắn hơn nhiều so với các phương pháp dạy học
khác (phương pháp đàm thoại, làm việc nhóm, vấn – đáp…). Phương pháp thuyết
trình rất thích hợp cho việc giảng dạy các môn học mang tính lý thuyết thuộc
lĩnh vực xã hội nhân văn, đòi hỏi người học hiểu nội dung theo chiều sâu về mặt
bản chất và nắm bắt có tính hệ thống. Đối với môn học mang tính thực hành thì
cần nhiều hơn đến việc người học tự mình phát huy năng lực trong việc thực hiện
các phương pháp, kỹ năng theo yêu cầu của nội dung học, sự thuyết trình của
giảng viên/giáo viên lúc này giữ vai trò thứ yếu hơn.

Ở các môn thuộc lĩnh vực xã hội và nhân văn chẳng hạn các môn Văn, Sử, Triết
học… muốn học tốt đòi hỏi phải nắm được nhiều thông tin, tri thức và cốt yếu
của vấn đề, giảng viên/giáo viên bằng phương pháp thuyết trình sẽ giúp cho
người học dễ dàng đáp ứng được yêu cầu trên. “Đối với các môn khoa học xã hội
và nhân văn,… so với các phương pháp giáo dục khác, thuyết trình có vai trò
sâu rộng hơn (bao trùm và thâm nhập vào các phương pháp khác) và có tác dụng
liên kết các phương pháp với nhau nhằm thực hiện mục đích, nhiệm vụ dạy học”[2, tr. 30].

Có thể nói những ưu điểm trên của phương pháp thuyết trình cũng là tiền đề
khởi nguồn cho những hạn chế của phương pháp này.

Nếu tính một chiều và chủ yếu sử dụng lời nói trong thuyết trình của giảng
viên/giáo viên có tác dụng dạy cùng lúc nhiều đối tượng người học và có thể
truyền thụ một khối lượng kiến thức lớn trong một thời gian ngắn thì chính điều
này sẽ làm cho người học có xu hướng dẫn đến bị “nhồi sọ”, bị “bội thực” thông
tin, tri thức, sự nhàm chán và thiếu điều kiện bám sát cũng như kiểm tra đầy đủ
sự lĩnh hội tri thức của từng người học do người học có những trình độ và khả
năng lĩnh hội khác nhau.

Với phương pháp thuyết trình, vai trò người dạy “làm trung tâm” càng rõ thì
vai trò người học “làm trung tâm” càng bị phai mờ, giảng viên/giáo viên càng
tích cực giảng giải thì lại càng làm cho người học trở nên thụ động, thiếu tính
tích cực, năng lực của bản thân người học càng khó phát huy. Nhà nghiên cứu
Thái Duy Tuyên đánh giá sâu sắc hạn chế của Phương pháp thuyết trình như sau:
“Lạm dụng phương pháp diễn giảng sẽ hạn chế sự tham gia tích cực của người học,
hạn chế khả năng tư duy độc lập của học sinh, hạn chế sự phát triển kĩ năng
giao tiếp, khó làm bộc lộ năng lực học sinh, khó đánh giá mức độ hiểu bài của
học sinh”[4, tr.62].

Tính ưu việt hay hạn chế của phương pháp thuyết trình ở mức nào phụ thuộc
vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như: (i) chủ đề/vấn
đề thuyết trình: Nội dung học mang tính lý thuyết hay thực hành sẽ bộc lộ tính
tích cực hay hạn chế của thuyết trình; (ii) trình độ
sư phạm, năng lực chuyên môn, sự tâm huyết của giảng viên/giáo viên trong
thuyết trình ở mức cao hay thấp sẽ làm cho bài giảng trở nên dễ hiểu, dễ tiếp
thu, hấp dẫn hay bài giảng khó hiểu, khó tiếp thu và nhàm chán; (iii) nhu cầu, trình độ, thái độ và cảm
xúc của người học cao hay thấp, như thế nào cũng quy định, ảnh hưởng đến sự
tiếp thu học hỏi của chính người học, làm cho phương pháp thuyết trình đạt hiệu
quả ở một mức độ nhất định.

Ngoài ra, công cụ bổ trợ cho lời nói như hình ảnh, mô hình thực, cùng với
giáo cụ có hay không và phát huy bổ trợ tới mức nào cũng góp phần qui định đến
chất lượng giảng dạy bằng phương pháp thuyết trình của người dạy.

3. Một số giải pháp nâng
cao hiệu quả của phương pháp thuyết trình trong dạy học tích cực, lấy người học
làm trung tâm

Từ những phân tích ở trên, khắc phục mặt hạn chế và đồng thời phát huy thế
mạnh của phương pháp thuyết trình trong dạy học là cần thiết để nâng cao chất
lượng giáo dục, lấy người học làm trung tâm và khuyến khích tính chủ động của
người học.

Để làm được điều đó, phương pháp thuyết trình cần tuân thủ theo 3 bước sau:
thứ nhất, đặt vấn đề bằng câu hỏi nhận
thức; thứ hai, giải quyết vấn đề bằng con
đường quy nạp hoặc diễn dịch, kết hợp với các ví dụ để làm sáng tỏ nội dung tư
tưởng; thứ ba, kết luận được rút ra một cách
logic từ bước thứ hai, tổng kết và nhấn mạnh để người học ghi nhớ [3, tr.208 – 209].

Song song với
đó, để thực hành phương pháp thuyết trình trong dạy học hiệu quả cần thực hiện
những nguyên tắc sau:

Thứ
nhất
, giảng viên/giáo viên trước khi thuyết trình cần có sự
chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong quá trình chuẩn bị nội
dung thuyết trình cần chú ý đến yếu tố: (1) thời gian cho phép bao lâu; (2) đặc
điểm của người học về nhu cầu, khả năng lĩnh hội như thế nào; (3) về mục tiêu:
Người học cần nắm nội dung gì, ở mức nào; (4) công cụ hỗ trợ của phòng học có
đáp ứng được không, có cần bổ sung thêm không.

Cấu trúc của bài thuyết trình có thể chia làm 3 phần theo hướng đặt vấn đề -> giải quyết vấn đề ->
kết luận hoặc theo hướng giới thiệu chủ đề -> trình bày nội dung chính ->
chốt lại nội dung cơ bản nhất.

Thứ hai, trong nội dung
thuyết trình, giảng viên/giáo viên cần cố gắng kết hợp lời nói với sự minh họa
bằng hình ảnh sinh động hoặc bằng hiện vật để tạo điểm nhấn cho bài giảng.Đồng thờicần kết hợp hài hòa phương pháp thuyết trình với các phương
pháp dạy học khác phù hợp (chẳng hạn phương pháp hỏi – đáp, đàm thoại, nhập
vai, làm việc nhóm…), tạo môi trường cho người học tham gia vào bài giảng,
trao đổi, phản biện và cùng làm rõ nội dung bài.

Thứ ba, khi thực hiện thuyết trình theo những nội dung đã chuẩn bị, cần chú ý
những điểm sau: (1) nên trình bày đủ nghe, rõ ràng và chậm rãi, có lúc ngừng
nghỉ, có lúc nhấn (ở những nội dung chính, quan trọng); (2) Liên tục theo dõi
thái độ, cảm xúc của người học, điều chỉnh nội dung thuyết trình cho phù hợp
với hoàn cảnh thực tế; (3) Phong thái tự tin, trang phục phù hợp; (4) Thỉnh
thoảng nở nụ cười, mắt nhìn thẳng vào người học; (5) Sử dụng ánh mắt, kết hợp
với cử chỉ tạo nên sự thu hút đối với người nghe làm cho bài thuyết trình trở
nên hấp dẫn, lôi cuốn. Nói cách khác, hãy thuyết trình như một nhà hùng biện.

Thứ tư,
cần có đánh giá, góp ý, rút kinh nghiệm sau mỗi bài thuyết trình trong dạy học
để kịp thời nhận ra và điều chỉnh những điểm chưa hợp lý.

Kết luận

Thuyết trình (trong dạy học) là cách thức người dạy truyền thụ kiến thức,
kỹ năng cho người học thông qua lời nói (và các hình ảnh, mô hình phụ trợ nếu
có) để trình bày, giải thích, làm sáng tỏ nội dung bài học. Thuyết trình là phương pháp dạy học cơ bản
trong mọi môn học. Phương pháp này có những điểm tích cực và hạn chế nhất định.
Điểm quan trọng của phương pháp thuyết trình hiệu quả là sự kết hợp hài hòa
giữa thuyết trình với các phương pháp dạy học khác, tăng cường sự bổ trợ lời
nói bằng hình ảnh, hiện vật (nếu có) và thuyết trình như một bài hùng biện.

Tài liệu
tham khảo:

[1] Nguyễn Văn Cư (2007), Phương pháp
dạy – học chủ nghĩa xã hội khoa học
, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà Nội.

[2] Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Thái Bảo (2011), “Sử dụng
phương pháp thuyết trình theo hướng phát huy tính tích cực của học viên trong
giảng dạy các môn khoa học xã hội và nhân văn”, Tạp chí Giáo dục, số 253.

[3] Trần Thị Tuyết Oanh (chủ biên) (2013), Giáo trình Giáo dục học, tập 1, Nxb. Đại học Sư phạm, Hà
Nội.

[4] Thái Duy Tuyên (2010), Phương pháp
dạy học truyền thống và đổi mới
. Nxb. Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.

[5] Waugh, G. H. – Waugh, R. F. (1999), The
value of lectures in teacher education: The group perspective
,
Australian Journal of TeacherEducation, Vol. 24, No. 1, pp. 35-51.

[6] William E. Cashin (2010), Effective
Lecturing
, The IDEA Center Manhattan, Kansas State University.