Tạo lũ giả thu hoạch hẹ nước trái mùa
Long AnNgười dân ở huyện Đức Huệ bơm nước vào ruộng, tạo lũ giả kích thích hẹ nước mọc trái mùa, mỗi vụ 2 đến 3 tháng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
5h ngày đầu tháng 4, ông Ngô Văn Ùm, 57 tuổi, ngụ xã Bình Hòa Bắc mang thao nhôm, sọt nhựa xuống xuồng máy, chạy đến cánh đồng cách nhà gần một km. Mùa này, địa phương đang vào vụ thu hoạch lúa đông xuân, nhưng cánh đồng tại ấp Chánh lại xình xịch tiếng máy bơm nước vào ruộng hẹ xanh mướt, ngập xăm xắp đến gối.
Nông dân chống xuồng thu hoạch hẹ trái vụ tại cánh đồng ở ấp Chánh, Bình Hòa Bắc. Ảnh: Hoàng Nam
Mỗi năm mùa lũ đều có hẹ nước mọc tại ruộng, nhưng do chính vụ nên giá cả thường thấp. Ba năm trước, ông Ùm chuyển đổi một ha đất lúa sang trồng hẹ trái mùa. Do hẹ là loài chỉ mọc tự nhiên khi nước lũ tràn đồng, nên sau khi xới đất, phơi đồng đến sau Tết Nguyên đán nông dân sẽ chủ động bơm nước ngoài sông vào ngâm. Sau hai tháng, hạt hẹ từ các năm trước có sẵn trong đất bắt đầu sinh sôi, phát triển, có thể thu hoạch.
“Bình quân mỗi vụ thu hoạch kéo dài 2-3 tháng, được khoảng 50 tấn một ha”, ông Ùm nói và cho biết với năng suất này có thể bán được 100-300 triệu đồng, tùy giá thị trường. Trong khi đó, hai vụ lúa trước chỉ thu được 30-40 triệu.
Một nhóm 6 nhân công từ đồng kế bên đến nhổ hẹ giúp ông Ùm. Để các lứa hẹ kịp phát triển, nhân công sẽ dàn hàng ngang nhổ theo từng lối, sau khoảng nửa tháng mới quay lại khu vực cũ thu hoạch.
Hẹ sau khi nhổ được rửa sơ, xếp vào sọt và phủ bao tải phía trên để giữ được tươi lâu. Ảnh: Hoàng Nam
Kéo theo chiếc thau nhôm, vừa nhổ hẹ, bà Phan Thị Châu, 67 tuổi, vừa dọn sạch đám bông súng dại mọc xen dưới nước. Làm nghề nhổ hẹ mùa lũ đã hơn 20 năm, bà có thêm thu nhập từ khi địa phương có nghề trồng hẹ nghịch mùa. Bà cho biết nhổ hẹ không quá vất vả, song phải dậy sớm, ngâm nước lạnh lâu bị lở loét tay chân.
“Do năm nay bông súng nhiều quá nên nhổ hẹ chậm, mỗi ngày chỉ khoảng 50 kg, tiền công chủ trả 5.000 đồng mỗi ký, được 250.000 đồng”, bà Châu nói và cho biết những người trẻ hơn mỗi ngày có thể nhổ 100 kg, thu 500.000-700.000 đồng.
Cách ruộng ông Ùm không xa, anh Đặng Minh Giang, 40 tuổi có hơn 1,7 ha đất lúa chuyển sang trồng hẹ từ 2 năm nay. Anh cho hay hẹ nước dễ trồng, không cần chăm sóc, bón phân như các loại rau khác. Tuy nhiên, do đây là “lộc trời cho”, nên không phải ruộng nào cũng có. Có ruộng năm trước hẹ mọc bình thường, nhưng năm sau bơm nước vào lại chỉ mọc toàn bông súng, rau chóc.
Tùy nhu cầu thị trường, mỗi ngày anh Giang cùng 5 nhân công có thể nhổ 200-600 kg. Với giá hẹ dao động 12.000-15.000 đồng một ký, trừ tiền công, chi phí bơm nước, mỗi ngày thu nhập bình quân của gia đình anh hơn một triệu đồng.
Anh Đặng Minh Giang cùng nhân công thu hoạch hẹ trên cánh đồng 1,7 ha của gia đình. Ảnh: Hoàng Nam
Khác với hẹ cạn, hẹ nước là loài rau dân dã tự nhiên mọc nhiều vào mùa nước lũ, từ tháng 7 đến tháng 8. Loại cây này được xem là đặc sản trong ẩm thực vùng Đồng Tháp Mười, dùng ăn sống như một loại rau, chấm nước cá kho, thịt kho, mắm kho.
Bà Nguyễn Thị Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Hòa Bắc, cho biết nghề trồng hẹ trái mùa tại địa phương xuất hiện từ hơn 10 năm trước, hiện trên địa bàn có khoảng hơn 5 ha. “Nếu năng suất đạt, được giá, mỗi ha hẹ một vụ có thể thu nhập 200-300 triệu đồng, cao gấp 5,6 lần trồng lúa”, bà Hữu nói, thêm rằng do đây là loài rau dại mọc ngẫu nhiên, đầu ra không ổn định nên không khuyến khích nông dân tăng diện tích trồng.
Tạo ‘lũ giả’ thu hoạch hẹ nước trái mùa
Nông dân thu hoạch hẹ tại cánh đồng 5 ha ở ấp Chánh. Video: Hoàng Nam
Hoàng Nam