Tạo & viết blog với 5 nền tảng hoàn toàn miễn phí 100% – Năm 2019 | Ngọc Đến Rồi
Share
Telegram
26
Shares
Bạn đang muốn tìm cách tạo blog để thử sức với công việc trở thành một Blogger?
Bạn tìm kiếm cách tạo một blog miễn phí hoàn toàn 100%?
Bạn nghe ở đâu đó về cách tạo & viết blog trên blogger, tạo blog WordPress, viết blog trên Wix, Medium…
Câu hỏi có thể bạn đang đặt ra: Vậy đâu là nền tảng tốt nhất để tạo & viết blog?
Trong bài viết này Ngọc sẽ giúp bạn hiểu thật chi tiết về 5 nền tảng giúp tạo blog cá nhân, ưu và nhược điểm của từng nền tảng này và cách tạo blog trên các nền tảng đó hoàn toàn miễn phí!
Dưới đây là 5 nền tảng sẽ được đề cập đến, bạn có thể click ngay vào nền tảng mà bạn quan tâm để đến ngay nội dung nhé:
Nhưng trước hết hãy cùng Ngọc tìm hiểu vì sao hầu hết mọi người thường bắt đầu với blog miễn phí và vì sao sau một thời gian viết blog họ thường sẽ chuyển sang blog trả phí?
Blog miễn phí là gì & bạn có cần bắt đầu tạo blog miễn phí?
Blog miễn phí được hiểu như một trang web cá nhân bạn tạo ra với chi phí 0 đồng. Tức là bạn tạo ra một tài khoản trên nền tảng cho phép bạn viết blog free 100%.
Ví dụ bạn tạo một tài khoản miễn phí trên Facebook, Instagram, Zalo… đó được gọi là tài khoản mạng xã hội. Còn nếu bạn lên các nền tảng như WordPreess.com, Blogger.com hay Tumblr… tạo một tài khoản miễn phí trên đó thì được gọi là tạo blog miễn phí.
Về cơ bản hầu hết các công ty công nghệ đều cung cấp cho bạn một tài khoản miễn phí và khi cần những chức năng nâng cao hơn thì bạn có thể lựa chọn các trả thêm phí để dùng các tính năng cao cấp hơn. Các nền tảng blog cũng vậy!
Thông thường chúng ta có thể bắt đầu tạo một blog trả phí ngay nhưng hầu hết mọi người thường thích dùng cái gì đó miễn phí để thử trước.
Đặc biệt với blog thì phần lớn đều bắt đầu với cách miễn phí, chúng ta thích thử xem có thể viết lâu dài hay không? Có yêu thích chủ đề đó hay không?… Cá nhân Ngọc cách đây hơn 3 năm khi mới tạo blog cũng chọn miễn phí (bạn có thể xem cái blog miễn phí thủa ban đầu đó tại www.ngocdenroi.wordpress.com)
Bạn có nên bắt đầu với một blog miễn phí?
Về cơ bản Ngọc khuyên bạn nên bắt đầu với một blog miễn phí nếu bạn là người lần đầu viết blog và muốn thử nghiệm.
Ví dụ bạn dự định viết blog về chủ đề nấu ăn (vì bạn cảm thấy thích), vậy hãy bắt đầu tạo một blog miễn phí và thử viết trong 1 tuần hay 1 tháng.
Sau đó nếu bạn cảm thấy: Ok chủ đề này tôi có thể viết rất tốt, tôi yêu thích nó và tôi muốn viết blog này lâu dài, kiếm tiền bằng công việc viết blog!
Lúc này bạn sẽ chuyển toàn bộ blog miễn phí này qua một nền tảng blog trả phí để có thể nhận được nhiều sự tuỳ biến, tự chủ và quan trọng nhất là có thể kiếm tiền với blog đó.
Tất nhiên nếu bạn đã quá quen với công việc viết blog thì có thể chọn cách tạo blog trả phí ngay từ ban đầu theo hướng dẫn này hoặc hướng dẫn này.
Nền tảng blog miễn phí nào tốt nhất?
Đây có lẽ cũng sẽ là câu hỏi mà nhiều bạn quan tâm. Về cơ bản không có bất cứ nền tảng blog nào phù hợp với tất cả mọi người.
Cũng giống như bạn thích Zalo nhưng Ngọc lại không thích. Ngọc thích Facebook nhưng bạn lại thích Instagram hơn.
Các nền tảng blog cũng vậy có người rất thích WordPress nhưng bên cạnh đó cũng không ít người yêu nền tảng của Blogger của Google. Số còn lại thích Medium, Tumlr hay Wix…
Mỗi người sẽ có một lựa chọn cho riêng mình vì họ quen hoặc thậm chí đã gắn bó với nền tảng đó lâu rồi và đơn giản họ vẫn cảm thấy tốt, vẫn đáp ứng đủ cho công việc viết blog của họ.
Tuy nhiên với các nền tảng blog miễn phí thường sẽ có 3 điểm chung như sau:
- Không cần yếu tố kỹ thuật & không cần bảo trì: Khi sử dụng nền tảng blog miễn phí bạn sẽ rất dễ dàng tạo ra nó, bạn cũng không cần lo lắng vấn đề bảo trì, cập nhật, nâng cấp phần mềm, sao lưu dữ liệu… tất cả đã có “cái nền tảng miễn phí” đó lo rồi. (ví dụ như khi dùng Facebook bạn sẽ không cần lo nâng cấp, sửa lỗi… phía sau đó có hàng nghìn kỹ sư lo cho bạn)
- Dễ sử dụng: Các nền tảng blog miễn phí đều rất dễ dùng, bạn không cần có quá nhiều kiến thức công nghệ. Bạn hoàn toàn có thể bắt đầu ngay và chỉ sau vài phút bạn đã có thể xuất bản bài viết đầu tiên lên trên internet.
- Hạn chế các tuỳ biến & chức năng: Vì miễn phí 100% nên chắc chắn sẽ bị hạn chế, ví dụ bạn không thể đặt quảng cáo lên blog của bạn. Hoặc bạn muốn thêm các chức năng đặc biệt thì cũng không thể vì đơn giản bạn đang dùng một NỀN TẢNG FREE và họ thường không cho phép bạn can thiệp và tuỳ biến quá nhiều.
Ok bây giờ hãy xem các nền tảng blog miễn phí dưới đây nhé!
1. WordPress.com
Đây là một nền tảng cho phép bạn tạo ra blog cá nhân hoàn toàn miễn phí. WordPress được quản lý bởi công ty Automatic, đây cũng là công ty sở hữu bộ mã nguồn WordPress.org.
Tóm lại Automatic có WordPress.com để cho bạn tạo ra một blog miễn phí với tên miền kiểu ngocdenroi.wordpress.com
Ngoài ra họ cũng cung cấp bộ mã nguồn WordPresss.org để cho phép bạn tải về cài đặt trên một dịch vụ lưu trữ (hosting) và chạy một blog với tên miền riêng kiểu ngocdenroi.com với nhiều tuỳ biến hơn.
Ở bài này chúng ta sẽ nói nhiều về nền tảng miễn phí WordPress.com
WordPress.com hiện nay cũng là một nền tảng blog phổ biến nhất. Theo thống kê mỗi tháng có hơn 409 triệu người đọc khoảng 21 tỷ trang blog của trên WordPress.com. Vào tháng 9 năm 2018, đã có hơn 70 triệu bài đăng đã được xuất bản và hơn 52 triệu bình luận trên blog WordPress.com đã được viết.
Một lần nữa bạn cũng nhớ rằng, blog Ngọc Đến Rồi chấm Com cũng đã bắt đầu với một trang blog miễn phí trên WordPress.com (bạn vẫn có thể xem blog đó ở địa chỉ: www.ngocdenroi.wordpress.com)
Ưu điểm
- Rất dễ dàng để tạo blog (chỉ cần có một địa chỉ email)
- Nhiều giao diện miễn phí để bạn lựa chọn
- Tính năng soạn thảo, viết bài với nhiều tuỳ biến
- Sau này bạn muốn chi chuyển blog miễn phí này sang blog trả phí (WordPress.org) thì chỉ cần thao tác với vài click.
Nhược điểm
- Dung lượng & băng thông bị hạn chế (tối đa 3GB), muồn dùng hơn thì cần nâng cấp trả phí
- Chỉ sử được với tên miền kiểu
blogcuatoi.wordpress.com
, nếu muốn sử dụng tên miền riêng kiểu
blogcuatoi.com
thì cần nâng cấp.
- Không thể can thiệp và chỉnh sửa, thêm code…
- Không thể đặt quảng cáo vào blog để kiếm tiền, thậm chí WordPress.com sẽ tự động hiển thị quảng cáo trên bài viết của bạn.
- Không thể cài đặt thêm các plugin bên ngoài vào để mở rộng các chức năng.
Làm thế nào để tạo blog miễn phí trên WordPress.com?
Trước đây Ngọc cũng đã có một bài viết rất chi tiết về các tạo blog miễn phí trên WordPress.com bạn có thể xem tại đây.
Quá trình tương đối đơn giản, bạn chỉ cần truy cập WordPress.com, nhấn nút “Get Started”
Sau đó chỉ cần nhập địa chỉ email, tạo tên username và mật khẩu (bạn cũng có thể chọn cách tạo tài khoản bằng account Google)
Sau khi nhấn “Create your account” bạn sẽ được yêu cầu nhập một số thông tin về blog của bạn.
Tiếp theo bạn cần nhập tên miền vào ô tìm kiếm, WordPress sẽ tự động gợi ý cho bạn một tên miền ở bên dưới.
Lưu ý dòng tên miền Miễn phí đầu tiên, click “Select” để dùng tên miền này!
Tiếp theo chọn kế hoạch “Miễn phí”
Như vậy là bạn đã tạo xong blog miễn phí trên WordPress.com rồi đó. Bây giờ bạn có thể bắt đầu viết bài.
Ngoài ra WordPress.com cũng cho phép bạn lựa chọn và cài đặt rất nhiều giao diện miễn phí. Chọn một giao diện phù hợp với blog của bạn và click cài đặt là được.
Ai là người phù hợp với WordPress.com?
WordPress.com là một trong những nền tảng blog phổ biến nhất tính đến thời điểm hiện tại. Vì thế nó luôn thu hút các blogger mới, những người muốn thử sức để bắt đầu.
Tất nhiên cả những blogger nhiều kinh nghiệm vẫn sẽ lựa chọn WordPress vì đây là một nền tảng mã nguồn mở, cho phép tuỳ biến và mở rộng trong tương lai.
Thậm chí việc di chuyển từ blog miễn phí WordPress.com sang blog trả phí WordPress.org cũng rất dễ dàng.
Tóm lại WordPress.com sẽ phù hợp nếu bạn đang muốn thử xem mình có phù hợp với công việc viết blog hay không? Bạn dự định sẽ viết blog lâu dài và tương lai muốn chuyển sang blog trả phí thì WordPress.com cũng sẽ là nơi bắt đầu dành cho bạn.
2. Blogger.com (còn được gọi là Blogspot)
Đây là một sản phẩm của Google, blogger.com cũng là một nền tảng lâu đời mà khá nhiều blogger biết đến.
Tuy nhiên vì không thường xuyên được cập nhật nên Blogger ngày càng ít người sử dụng (tình trạng giống như mạng xã hội Google +).
Với Blogger.com bạn cũng có thể tạo một blog cá nhân với tên miền con (sub-domain) giống như WordPress.com
Ưu điểm
- Bảo mật tốt và được sự hỗ trợ bởi Google
- Dễ dàng tạo và thao tác
- Có thể can thiệp chỉnh sửa code
- Trình soạn thảo đơn giản, dễ sử dụng
Nhược điểm
- Ít giao diện và không có những thiết kế hiện đại, cập nhật
- Người ngày càng ít vì không được cập nhật
- Cần am hiểu về code nếu muốn tối ưu và chỉnh sửa sâu hơn
- Google có thể xoá hoặc ngừng blog của bạn mà không có bất cứ thông báo nào (lịch sử họ đã từng từ bỏ các dự án như Feedburner hay Google +)
Làm thế nào để tạo blog miễn phí trên Blogger.com?
Quá rình tạo blog miễn phí trên nền tảng Blogger.com cũng chỉ diễn ra trong khoảng 1 phút. Đơn giản bạn chỉ cần truy cập vào Blogger.com click nút “Tạo Blog của bạn”
Nhập địa chỉ gmail.
Nhập mật khẩu đăng nhập
Nhập tên hiển thị và nhấn “Tiếp tục với Blogger”
Giao diện chào mừng của Blogger! Nhấn tiếp “Tạo Blog mới”
Nhập tiêu đề và tên miền. Sau đó chọn một giao diện phù hợp với blog của bạn. Nhấn “Tạo blog”
Như vậy là xong bây giờ bạn có thể đăng bài mới, hoặc cài đặt chỉnh sửa thêm các chức năng khác cho blog của mình.
Ai là người phù hợp với Blogger.com?
Thật sự nền tảng Blogger.com là một sản phẩm của Google nên cũng đã từng nhận được rất nhiều sự quan tâm của người dùng. Đặc biệt trước đây chúng ta hay tạo các blog miễn phí trên Blogger nhằm mục đích làm site vệ tinh để hỗ trợ công việc SEO.
Tuy nhiên do không được cập nhật nên càng ngày Blogger.com càng ít người dùng, vì thế nếu bạn đơn giản chỉ muốn tạo một cái blog đơn giản nhằm mục đích ghi chép lại các sự kiện trong cuộc sống thì Blogger vẫn đáp ứng tốt.
Còn nếu bạn thật sự nghiêm túc với công việc viết blog chuyên nghiệp, viết blog kiếm tiền thì Ngọc thật sự khuyên bạn không nên bắt đầu với Blogger.com vì nó quá ít tính năng, khó mở rộng, tuỳ biến.
Tất nhiên nếu hiện tại bạn đang viết blog miễn phí trên nền tảng Blogger.com thì bạn vẫn có thể chuyển sang WordPress theo hướng dẫn này nếu muốn.
3. Medium.com
Ra đời vào tháng 2 năm 2012 và ngày càng thu hút cộng đồng người dùng, đặc biệt ở nước ngoài rất nhiều người thích dùng Medium. Tính đến tháng 5 năm 2017, Medium đã có tới 60 triệu khách truy cập mỗi tháng.
Sự phát triển của nền tảng Medium cũng đang gây sự đáng kinh ngạc với cộng đồng người dùng trên toàn thế giới. Nhìn vào biểu đồ xu hướng tìm kiếm trên Google Trend so sánh giữa WordPress và Medium trong 5 năm qua có thể thấy một xu hướng đảo ngược đang diễn ra.
Ưu điểm
- Đăng ký dễ dàng bằng các tài khoản mạng xã hội (Facebook, Twitter, Google…)
- Dễ sử dụng vì giao diện vô cùng đơn giản
- Tập trung vào trải nghiệm đọc nên nhìn rất “sạch”
- Hỗ trợ viral content rất tốt vì cộng đồng quốc tế lớn, Medium cũng là một nền tảng mạnh nên là nguồn làm marketing tốt.
Nhược điểm
- Ít tuỳ biến, không can thiệp được vào code
- Không có tên miền riêng, tài khoản miễn phí trên Medium sẽ có dạng
medium.com/@blogcuaban
- Không thay đổi được giao diện
- Không thể thêm quảng cáo để gia tăng thu nhập
- Medium sở hữu người đọc của bạn, vì vậy mất blog của bạn có nghĩa là mất tất cả người theo dõi của bạn.
Làm thế nào để tạo blog miễn phí trên Medium.com?
So với việc tạo tài khoản trên WordPress.com và Blogger.com thì Medium cung cấp cách tạo account nhanh hơn và nhiều lựa chọn kết nối hơn.
Tại trang chủ của Medium.com bạn click “Get started”
Sau đó bạn có thể dùng chính các tài khoản mạng xã hội của mình để tạo account trên Medium. Hoặc có thể dùng địa chỉ email bất kỳ.
Sau khi kết nối thành công, bạn sẽ thấy trang welcome, click “Drive in”
Chọn ít nhất 3 lĩnh vực mà bạn quan tâm nhất, nhấn “Start reading”
Như vậy là đã xong, bây giờ bạn có thể tìm kiếm, đọc các nội dung mà người dùng chia sẻ trên Medium rồi đó.
Để chia sẻ câu chuyện và bài viết đầu tiên bạn chỉ cần click vào biểu tượng Avatar ở góc phải sau đó chọn “New story”
Trình soạn thảo của Medium tương đối đơn giản những vẫn đủ các chức năng soạn thảo để giúp bạn trình bày nội dung rất đẹp mắt.
Bài viết của bạn cũng được lưu tự động, lưu nháp. Sau khi viết xong bạn có thể nhấn nút “Ready to publish”
Sau đó bạn hoàn toàn có thể xem trước nội hiển thị, gắn tag sau đó chọn đăng ngay bằng cách nhấn “Publish now” hoặc lên lịch đăng bằng cách nhấn “Schedule for later”
Ai là người phù hợp với Medium.com?
Bất kỳ ai muốn chia sẻ câu chuyện và những suy nghĩ của cá nhân lên internet. Thậm chí Medium hiện thu hút nhiều người độc bởi vì các chủ đề được phân chia rất rõ ràng, các bài viết trên Medium Ngọc cũng cảm thấy rất chất lượng và mang lại nhiều giá trị.
Vì vậy nếu bạn muốn kết nối và chia sẻ những kiến thức của bản thân thì Medium là một lựa chọn lý tưởng. Đây cũng là nơi khá tốt để bạn có thể bắt đầu xây dựng thương hiệu cá nhân và tạo cộng đồng độc giả riêng của mình.
4. Wix.com
Wix.com là nền tảng cho phép bạn có thể tạo ra một trang blog online với rất nhiều template có sẵn, ngoài ra Wix.com cũng hỗ trợ builder trực quan bằng cách kéo thả vì vậy dựa trên những template có sẵn bạn hoàn toàn có thể thay đổi giao diện theo ý muốn.
Tính đến thời điểm hiện tại mỗi ngày đnag có khoảng 45.000 người dùng Wix.com để tạo các trang blog cá nhân, và hiện đã có khoảng 90 triệu blog đã online trên Wix.com
Ưu điểm
- Kho giao diện hiện đại với thiết kế responsive
- Thiết kế dễ dàng bằng cách kéo thả trực quan, không yêu cầu kỹ năng về code
- Tạo blog nhanh chóng, dễ dàng và miễn phí
Nhược điểm
- Tài khoản miễn phí bị giới hạn các chức năng và hiển thị quảng cáo mà bạn không thể làm chủ
- Dung lượng lưu trữ gói miễn phí thấp, dùng nhiều bạn cần nâng cấp gói trả phí
- Khi đã chọn một giao diện thì việc thay đổi là khá khó khăn
- Kế hoạch miễn phí sử dụng tên miền phụ kiểu
blogcuatoi.wix.com
Làm thế nào để tạo blog miễn phí trên Wix.com?
Tại trang chủ Wix.com click “Get Started”
Sau đó bạn có thể đăng nhập bằng email hoặc tài khoản Facebook, Google
Để chọn template cho blog bạn có 2 lựa chọn:
- Let Wix ADI Create a Website for You: Đây là lựa chọn để Wix.com tự động chọn cho bạn một template bằng cách trả lời một số câu hỏi liên quan đến chủ đề blog của bạn
- Create Your Website with the Wix Editor: Tạo một giao diện blog bằng trình chỉnh sửa của Wix
Thông thường chúng ta sẽ dùng lựa chọn số 2. Tức là chọn template trong kho có sẵn và chỉ sửa theo ý muốn.
Ngay sau đó bạn sẽ được chuyển đến kho giao diện, tại đây bạn có thể chọn chuyên mục phù hợp bên phía tay trái, sau đó xem và chọn các mẫu template bên phải.
Trình chỉnh sửa cả Wix.com cho phép bạn kéo thả, tải lên các hình ảnh, thêm text rất trực quan. Nói tóm lại bạn hoàn toàn có thể tự thiết kế ra một giao diện theo ý mình dựa trên template có sẵn.
Để bắt đầu viết blog bạn chọn “My Blog” bên phía cột bên phải.
Sau đó chọn tiếp “Create a Post”
Trình soạn thảo sẽ như bên dưới, sau khi viết xong bạn có thể chọn “Post Settings” để cài đặt bài đăng cũng như chỉnh sửa URL cho bài post….
Ai là người phù hợp với Wix.com?
Những bạn thích giao diện đẹp mắt, dễ dàng chỉnh sửa theo ý muốn và thích tạo ra một trang blog online để ghi chép chia sẻ sẽ rất phù hợp với Wix.com
Số lượng người dùng trên Wix.com hiện cũng đang tăng, tuy nhiên cộng đồng phát triển và hỗ trợ các kiến thức quản trị tại Việt Nam cũng chưa nhiều nên chắc chắn khi dùng Wix.com để làm một blog lâu dài thì cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đây cũng là một yếu bạn cần cân nhắc trước khi quyết định có nên dùng Wix.com lâu dài hay không.
5. Weebly.com
Tương tự như Wix.com, Weebly.com cho phép bạn tạo ra một trang blog online với tên miền miễn phí kiểu blogcuatoi.weebly.com
Các thao tác chỉnh sửa giao diện cũng rất trực quan bằng cách kéo thả trên các template có sẵn. Đặc biệt Weebly.com còn có lựa chọn tạo online store (cửa hàng online) với đầy đủ các công cụ như Shopify.
Ưu điểm
- Kho template có sẵn với thiết kế hiện đại
- Dễ chỉnh sửa bằng cách kéo thả trực quan
- Có thể tạo online store
Nhược điểm
- Phiên bản miễn phí chỉ có tên miền sub-domain kiểu
blogcuatoi.weebly.com
- Theme và các template hạn chế
- Không thể cài thêm các plugin mở rộng chức năng
- Quảng cáo tự động hiển thị trên blog của bạn và ban không thể xoá nó.
- Phiên bản miễn phí giới hạn tối đa 6 trang, nếu cần thêm phải nâng cấp
Làm thế nào để tạo blog miễn phí trên Webbly.com?
Tại trang chủ của Webbbly.com, click “Sign Up”.
Bạn cũng có thể chọn “Create your online store” nếu muốn tạo cửa hàng kinh doanh online, hoặc click vào dòng “Or, build a profrssional website” để tạo trang web/blog
Webbly.com cho phép bạn tạo account bằng địa chỉ emai hoặc có thể dùng chính tài khoản Facebook, Google +.
Sau khi đã tạo xong tài khoản, ở trang tiếp theo sẽ có 2 lựa chọn:
- I just need a website: Tạo ngay một trang website
- I need a website with an online store: Tạo website kết hợp với cửa hàng online
Bạn có thể chọn 1 trong 2 tuỳ ý, tuy nhiên đơn giản chỉ cần một blog cá nhân bạn chọn “I just need a website”
Tiếp theo bạn có thể chọn một theme (giao diện) cho trang blog của mình. Ở trên phần đầu cũng chia thành nhiều lĩnh vực khác nhau, bạn có thể click vào đó để chọn theme phù hợp.
Sau khi đã chọn được theme, bạn sẽ được di chuyển sang cửa sổ chọn tên miền miễn phí.
Tại đây bạn có thể nhập tên miền cho blog vào ô và nhấn “Search”. Weebly sẽ cung cấp cho bạn một tên miền free với kiểu subdomain, nếu ok bạn có thể nhấn “Choose”
Ngay sau đó bạn sẽ được chuyển tiếp đến trang chỉnh sửa giao diện blog. Bây giờ bạn có thể tuỳ chỉnh bằng các biểu tượng bên phía tay trái. Khi hoàn thành nhấn nút “Publish”
Để đăng bài viết bạn chọn Blog -> New Post
Viết tiêu đề, nội dung sau đó nhấn “POST” để đăng.
Ok vậy là bạn đã có một blog miễn phí trên Weebly.com rồi đó.
Ai là người phù hợp với Webbly.com?
Những người thích sự đơn giản, miễn phí và chỉ cần ghi chép lại những câu chuyện vui buồn kiểu nhật ký online thì Weebly là lựa chọn khá phù hợp.
Tất nhiên nếu bạn muốn khám khá các công cụ khác như website/blog kế hợp kinh doanh online thì đây cũng sẽ là lựa chọn đáng lưu tâm.
Bạn có thể chọn nâng cấp lên phiên bản trả phí, với giá bắt đầu từ $ 8/tháng. Khi nâng cấp lên trả phí Weebly cung cấp cho bạn tùy chọn tối ưu hóa doanh thu cũng như loại bỏ quảng cáo blog của bạn.
Lời kết & Lựa chọn của Ngọc là gì?
Như vậy trên đây Ngọc đã chia sẻ với bạn 5 nền tảng phổ biến nhất hiện nay để có thể tạo blog miễn phí.
Đây là những nền tảng hiện đang thu hút người dùng nhiều nhất và Ngọc cũng đã sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống.
Tổng kết lại:
- Nếu bạn đang muốn thử sức với công việc viết lách, trở thành một blogger tuy nhiên ở thời điểm hiện tại bạn chỉ đang muốn thử xem mình có phù hợp hay không thì Ngọc khuyên bạn nên chọn WordPress.com vì nó tương đối đầy đủ chức năng. Sau này bạn muốn trở thành một blogger chuyên nghiệp và muốn kiếm tiền từ blog thì việc di chuyển sang nền tảng WordPress.org (trả phí) cũng rất đơn giản.
- Nếu bạn yêu các sản phẩm của Google và đặc biệt muốn tạo một blog miễn phí để đăng ký tài khoản Adsense thì nền tảng Blogger.com có thể là lựa chọn phù hợp nhất. Sau này nếu cảm thấy Blogger.com quá hạn chế thì việc chuyển từ Blogger.com sang WordPress.org cũng không quá khó khăn.
- Nếu bạn thích kết nối, chia sẻ và muốn xây dựng thương hiệu cá nhân trong một lĩnh vực mà bạn am hiểu nhất thì việc tạo một blog và chia sẻ những nội dung trên Medium.com là lựa chọn tốt vì cộng đồng đông, các chủ đề được phân bố rõ ràng.
- Còn nếu bạn yêu sự mới mẻ, thích thử sức với các công cụ mới, đơn giản thì Wix.com & Weebly.com là hai nền tảng bạn nên xem xét và tìm hiểu.
Lựa chọn của Ngọc là gì?
Thật sự đến thời điểm hiện tại ưu tiên của Ngọc khi nghĩ đến việc tạo mới một blog thì WordPress.org vẫn là lựa chọn hàng đầu.
***Lưu ý là WordPress.org chứ không phải là WordPress.com nhé (xem sự khác nhau và phân biệt giữa hai nền tảng này ở đây)
Đơn giản vì WordPress.org bạn hoàn toàn có thể làm chủ 100%, mở rộng các chức năng tối đa mà không có bất cứ một hạn chế nào. Để bắt đầu xây dựng một blog bằng WordPress.org bạn có thể tham gia vào khoá học miễn phí 1.2.3BLOG mà Ngọc đã xây dựng nhé!
Bạn nghĩ sao về 5 nền tảng giúp tạo blog miễn phí này? Lựa chọn của là gì? Hãy để lại một chia sẻ ở bên dưới để chúng ta có thể thảo luận thêm nhé!
5
1
vote