Tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Tô Lâm và các đại biểu dự buổi triển lãm về những thành tựu đã đạt được trong thực hiện chuyển đổi số của ngành Công an trong khuôn khổ Hội nghị chuyển đổi số trong Công an nhân dân lần thứ nhất ngày 10/10/2022.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến
Bộ Công an đề ra các mục tiêu quan trọng nhất là nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng và số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính phục vụ kết nối, chia sẻ, tái sử dụng.
Đồng thời, Bộ đề ra 04 nhóm nhiệm vụ, giải pháp nhằm hiện thực hoá các mục tiêu. Đó là: (1) Rà soát, đơn giản hóa quy trình, cắt giảm giấy tờ, thủ tục; (2) Xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm nghiệp vụ bảo đảm việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đơn giản, thuận lợi; (3) Tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, tài liệu, kết quả giải quyết thủ tục hành chính; (4) Nâng cao chỉ số chỉ đạo, điều hành và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính thông qua đánh giá mức độ hài lòng của người dân.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc và phiên họp lần thứ 5 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ.
Nhanh chóng hoàn thiện pháp lý, đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thông tin
Chỉ đạo các đơn vị chức năng đẩy nhanh tiến độ, tập trung xây dựng, sửa đổi, bổ sung 21 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có 03 Luật, 10 Nghị định và 08 Thông tư, phục vụ tái cấu trúc, cắt giảm thủ tục hành chính và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp của Công an các đơn vị, địa phương.
Để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo khẩn trương xây dựng, nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, phần mềm nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu tiếp nhận, xử lý hồ sơ, trả kết quả điện tử theo quy định dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần. Đặc biệt chú trọng các lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh, quản lý hành chính về trật tự xã hội, phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, quản lý trật tự an toàn giao thông…
Cùng với đó, Bộ đặc biệt quan tâm tổ chức các phương án, giải pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn thông tin, an ninh mạng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính; khắc phục triệt để các lỗ hổng gây nguy cơ mất an ninh, an toàn hệ thống; yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai giải pháp theo dõi, cảnh báo tình trạng mạng và hướng dẫn các đơn vị, địa phương giám sát chất lượng kênh truyền để khắc phục kịp thời lỗi phát sinh.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Ngọc trình bày báo cáo tại Hội nghị Sơ kết 01 năm triển khai Đề án 06 và tổng kết hoạt động của Ủy ban Quốc gia chuyển đổi số năm 2022 được Chính phủ tổ chức dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến tới các bộ, ngành, 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, sáng 25/12.
Đề cao vai trò của người đứng đầu, hình thành đội ngũ tiên phong, xung kích
Hiện nay, Công an 63 địa phương đang cung cấp 127/224 dịch vụ công (chiếm tỷ lệ 56,69% dịch vụ công ngành Công an) tại 03 cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, tác động trực tiếp, rộng rãi đến người dân. Vì vậy, vai trò chỉ đạo của người đứng đầu Công an các tỉnh, thành phố là rất quan trọng. Nhất là trong tập trung số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính bảo đảm đúng tiến độ; tham mưu UBND cấp tỉnh chỉ đạo tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; hình thành đội ngũ tiên phong, xung kích về kỹ năng số (tập trung vào 03 diện đối tượng, gồm: lực lượng vũ trang; cán bộ đảng viên, công chức, viên chức và sinh viên, học sinh) và vận động gia đình, người thân thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Bảo đảm đầy đủ trang thiết bị và nâng cao kỹ năng số, năng lực giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử cho cán bộ chiến sĩ; mở rộng điểm hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại Công an cấp cơ sở, nhất là Công an cấp xã, phường. Cấp 100% định danh điện tử và tuyên truyền, hướng dẫn người dân kích hoạt tài khoản định danh điện tử để đăng nhập, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.
Các đại biểu ấn nút khai trương Cổng dịch vụ công Bộ Công an ngày 07/12/2020.
Xây dựng lộ trình cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Cổng Dịch vụ công Bộ Công an
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu nêu trên, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, Văn phòng Bộ đã và đang tiếp tục hoàn thiện các chức năng của Cổng dịch vụ công Bộ Công an bảo đảm thân thiện, người dân dễ sử dụng và cung cấp cho các đơn vị giải quyết thủ tục hành chính của ngành Công an đầy đủ các công cụ, ứng dụng để giao tiếp, xử lý hồ sơ của người dân trên môi trường điện tử.
Về lộ trình tăng tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến, hiện nay, Bộ Công an đang thực hiện 224 dịch vụ công (gồm 132 dịch vụ công toàn trình, 92 dịch vụ công một phần), trong đó có những dịch vụ công thiết yếu, có nhu cầu sử dụng cao trong xã hội như cấp hộ chiếu phổ thông; đăng ký thường trú; đăng ký, cấp biển số xe lần đầu.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an phát biểu tại Hội nghị giao ban tháng 2/2023 và Tổng kết cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo đảm an ninh, trật tự Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 của Bộ Công an, ngày 27/02/2023 tại Hà Nội.
Kể từ ngày 28/02/2023, đặt mục tiêu tiếp nhận 100% hồ sơ trực tuyến đối với 74 dịch vụ công thuộc thẩm quyền giải quyết của các Cục nghiệp vụ và Công an các địa phương đến cấp huyện. Đối với các dịch vụ công còn lại, đến cuối năm 2023 cơ bản đạt 100%.
Cùng với đó, để tạo điều kiện cho người dân không phải khai báo lại những giấy tờ đã có, lãnh đạo Bộ giao các đơn vị, địa phương số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính từ 01/7/2022. Đối với các kết quả giải quyết thủ tục hành chính đã cấp cho người dân từ trước 01/7/2022 và còn hiệu lực, thực hiện số hóa với chỉ tiêu mỗi năm tăng tối thiểu 20% đến năm 2025 hoàn thành số hóa 100%.