Tăng trưởng kinh tế là gì? Tại sao tăng trưởng kinh tế lại quan trọng?

Tăng trưởng kinh tế là gì? Tại sao tăng trưởng kinh tế lại quan trọng?

Lê Hải Linh

Lê Hải Linh

Junior Analyst

Làm sao để một quốc gia duy trì ổn định, đảm bảo sức khỏe cho nền kinh tế của mình?

Tăng trưởng kinh tế là gì?

Tăng trưởng kinh tế là sự gia tăng sản lượng hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế trong một thời kỳ so với thời kỳ trước đó, được đo lường bằng phương pháp danh nghĩa hay thực (được điều chỉnh theo lạm phát). Thông thường, tăng trưởng kinh tế được đo bằng tổng sản phẩm quốc gia (GNP) hoặc tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Hiểu về tăng trưởng kinh tế

Nói một cách đơn giản nhất, tăng trưởng kinh tế đề cập đến sự gia tăng tổng sản lượng trong một nền kinh tế, thường được biểu hiện ở sự gia tăng thu nhập quốc dân. Thông thường đó là lợi nhuận trong sản xuất tăng trưởng cùng với năng suất cận biên trung bình, dẫn đến thu nhập được cải thiện, khuyến khích người tiêu dùng mở hầu bao và mua sắm nhiều hơn, đồng nghĩa với chất lượng cuộc sống và mức sống vật chất cao hơn.

Trong kinh tế học, tăng trưởng thường được mô hình hóa như là một phương trình của vốn vật chất, lực lượng lao động, nguồn nhân lực, và công nghệ. Nói đơn giản, việc cải thiện số lượng hoặc chất lượng của dân số trong độ tuổi lao động, công cụ lao động và cách kết hợp giữa lao động, nguồn vốn và nguyên liệu thô sẽ dẫn đến tăng trưởng sản lượng kinh tế.

Các giai đoạn tăng trưởng kinh tế

Nền kinh tế thăng trầm qua từng giai đoạn khác nhau, chuyển động này được gọi là “chu kỳ kinh tế.” Nó bao gồm bốn giai đoạn:

  • Tăng trưởng – Trong giai đoạn này, việc làm, thu nhập, sản xuất công nghiệp và doanh số bán hàng đều tăng và GDP thực tăng.
  • Đỉnh – Đây là khi sự mở rộng kinh tế đạt đến mức cao nhất.
  • Suy thoái – Trong giai đoạn này, tất cả các yếu tố của quá trình mở rộng đều bắt đầu suy giảm đáng kể, lan rộng khắp nền kinh tế.
  • Đáy – Sự suy thoái kinh tế chạm đến mức thấp nhất của nó.

Một chu kỳ kinh tế được xác định từ đỉnh đến đỉnh hoặc từ đáy đến đáy, với thời gian thường không đều nhau. Có thể sẽ có một khoảng thời gian thu hẹp trong giai đoạn tăng trưởng và ngược lại. Kể từ Thế chiến II, nền kinh tế Hoa Kỳ đã trải qua nhiều giai đoạn tăng trưởng hơn là suy thoái. Từ năm 1945 đến 2019, một chu kỳ tăng trưởng trung bình kéo dài khoảng 65 tháng, trong khi thời gian suy thoái trung bình chỉ 11 tháng. Tuy nhiên, cuộc Đại suy thoái, từ tháng 12 năm 2007 đến tháng 6 năm 2009, đã kéo dài 18 tháng. Sau đó, pha tăng trưởng dài nhất được ghi nhận – 128 tháng, kéo dài đến năm 2020 và bị ngắt quãng bởi đại dịch COVID-19.

Cách đo lường tăng trưởng kinh tế

Thước đo tăng trưởng kinh tế phổ biến nhất là GDP thực. Đây là tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được sản xuất trong một nền kinh tế, được điều chỉnh theo lạm phát. Có ba phương pháp khác nhau để đánh giá GDP thực tế.

  • Tốc độ tăng trưởng hàng quý – Cách này theo dõi thay đổi của GDP từ quý này sang quý khác, sau đó gộp thành tăng trưởng cả năm. Ví dụ, nếu thay đổi của một quý là 0.3%, thì tỷ lệ hàng năm sẽ được ngoại suy thành 1.2%.
  • Tốc độ tăng trưởng bốn quý hoặc hàng năm – Cách này so sánh GDP của một quý so với GDP quý đó trong các năm trước dưới dạng phần trăm, thường được sử dụng bởi các doanh nghiệp nhằm hạn chế ảnh hưởng của tính thời vụ.
  • Tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm – Đây là trung bình cộng của thay đổi trong bốn quý. Ví dụ: nếu năm 2022 có tăng trưởng bốn quý là 2%, 3%, 1.5% và 1%, thì tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm trong năm sẽ là 7.5% ÷ 4 = 1.875%.

Tất nhiên, đo lường giá trị của một hàng hóa không phải là điều dễ dàng. Một số hàng hóa và dịch vụ sẽ có giá trị hơn những hàng hóa và dịch vụ khác. Ví dụ, một chiếc điện thoại thông minh sẽ có giá trị hơn một đôi tất. Tăng trưởng phải được đo bằng giá trị của hàng hóa và dịch vụ, không chỉ bằng số lượng.

Một vấn đề khác là không phải tất cả mọi người đều đánh giá cùng một giá trị cho cùng một loại hàng hóa và dịch vụ, như máy sưởi sẽ có giá trị hơn đối với cư dân Alaska, trong khi điều hòa lại có giá trị hơn đối với cư dân Florida, một số người thích bò hơn cá và ngược lại. Vì giá trị mang tính chủ quan nên việc đo lường cho tất cả các cá nhân là rất khó.

Phương pháp phổ biến nhất là sử dụng giá trị thị trường hiện tại. Tại Hoa Kỳ, điều này được đo bằng đô la Mỹ và được cộng tất cả lại với nhau để tạo ra các thước đo tổng hợp về sản lượng, bao gồm cả GDP.

Làm thế nào để tạo ra tăng trưởng kinh tế

Tạo ra tăng trưởng kinh tế phụ thuộc vào bốn lĩnh vực đóng góp vào nó. Để tạo ra sự phát triển, một xã hội cần phải:

Tăng vốn vật chất

Đầu tiên là sự gia tăng lượng vốn vật chất trong nền kinh tế. Có thêm vốn trong nền kinh tế thường tăng năng suất lao động. Có nhiều công cụ mới hơn, tốt hơn đồng nghĩa với việc người lao động có thể tạo ra nhiều sản lượng hơn trong một khoảng thời gian nhất định. Lấy một ví dụ đơn giản, một người đánh cá bằng lưới sẽ bắt được nhiều cá hơn mỗi giờ so với một người bắt cá bằng cần câu. Tuy nhiên, có hai điều rất quan trọng đối với quá trình này,

Thứ nhất, ai đó trong nền kinh tế phải tiết kiệm (bằng cách hy sinh tiêu dùng hiện tại của họ) để giải phóng các nguồn lực nhằm tạo ra nguồn vốn mới. Ngoài ra, nguồn vốn mới phải đúng loại, đúng nơi, đúng lúc để người lao động thực sự sử dụng có hiệu quả.

Cải tiến công nghệ

Phương pháp thứ hai để tạo ra tăng trưởng kinh tế là cải tiến công nghệ. Một ví dụ cho vấn đề này là sự phát minh ra nhiên liệu xăng; trước khi khả năng tạo năng lượng của xăng được phát hiện, giá trị kinh tế của dầu tương đối thấp. Việc sử dụng xăng đã trở thành một phương pháp tốt & hiệu quả hơn trong quá trình vận chuyển & phân phối hàng hóa.

Công nghệ cải tiến cho phép người lao động sản xuất ra nhiều sản lượng hơn với cùng một lượng tư liệu sản xuất bằng cách kết hợp chúng theo những cách mới có năng suất cao hơn. Giống như tăng trưởng vốn, tốc độ tăng trưởng kỹ thuật phụ thuộc nhiều vào tỷ lệ tiết kiệm và đầu tư, vì chúng cần được nghiên cứu và phát triển trong một thời gian dài.

Phát triển lực lượng lao động

Một cách khác để tạo ra tăng trưởng kinh tế là phát triển lực lượng lao động. Việc có nhiều nhân công hơn sẽ tạo ra nhiều hàng hóa và dịch vụ kinh tế hơn. Trong thế kỷ 19, dòng lao động nhập cư rẻ & năng suất cao đã đóng góp một phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế tại Mỹ.

Tuy nhiên, cũng giống như tăng trưởng dựa vào vốn, có một số điều kiện quan trọng đối với quá trình này: việc tăng lực lượng lao động bắt buộc phải làm tăng lượng sản phẩm tiêu thụ cho nhu cầu cơ bản của lao động mới, vì vậy những người lao động mới cần có năng suất đủ lớn để bù đắp điều này và không phải là những người tiêu dùng ròng. Ngoài ra, cũng giống như việc bổ sung vốn, điều quan trọng là phải phân bổ đúng loại lao động đến đúng công việc, ở đúng nơi, kết hợp với đúng loại tư liệu sản xuất bổ sung để phát huy tiềm năng sản xuất của họ.

Tăng nguồn nhân lực

Phương pháp cuối cùng là tăng nguồn nhân lực, tức là người lao động cần làm tốt hơn những việc mình làm, nâng cao năng suất thông qua đào tạo kỹ năng & thực hành. Tiết kiệm, đầu tư và chuyên môn hóa là những phương pháp nhất quán và dễ kiểm soát nhất để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Nguồn nhân lực trong bối cảnh này cũng có thể đề cập đến vốn xã hội và thể chế. Hành vi hướng tới sự tin tưởng và tương hỗ xã hội cao hơn, cùng với những đổi mới về chính trị hoặc kinh tế như tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, là những nguồn nhân lực cải thiện tăng năng suất của nền kinh tế.

Tại sao tăng trưởng kinh tế lại quan trọng?

Nói đơn giản, tăng trưởng kinh tế có nghĩa là người dân có nhiều thứ hơn, không chỉ đơn giản là tiền, hàng hóa hay dịch vụ mà cả chính trị. Nói cách khác, tăng trưởng kinh tế có thể thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Một cuộc nghiên cứu kéo dài 10 năm do Viện Nghiên cứu Kinh tế Phát triển Thế giới thuộc Đại học Liên Hợp Quốc thực hiện cho thấy hầu hết các quốc gia thành công trong việc giảm nghèo và tăng khả năng tiếp cận hàng hóa công tới người dân đều dựa trên sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Nếu lợi ích chỉ dành cho một nhóm ưu tú, tăng trưởng sẽ không được duy trì.

Thuế ảnh hưởng thế nào đến tăng trưởng kinh tế?

Thuế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ít nhất là trong ngắn hạn, thông qua tác động lên nhu cầu. Cắt giảm thuế kích cầu bằng cách tăng thu nhập khả dụng cá nhân và khuyến khích các doanh nghiệp vay mượn và đầu tư. Tuy nhiên, quy mô của ảnh hưởng phụ thuộc vào sức mạnh của nền kinh tế. Nếu kinh tế đang hoạt động gần mức hiệu suất tiềm năng, hiệu quả có thể sẽ nhỏ. Ngược lại, nếu nó đang hoạt động dưới mức tiềm năng đáng kể, tác động sẽ rõ rệt hơn. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Hoa Kỳ (CBO) ước tính rằng ảnh hưởng trong trường hợp sau lớn hơn ba lần so với trường hợp trước.

CBO cũng nhận thấy rằng việc cắt giảm thuế nói chung không hiệu quả trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế trong trường hợp chi tiêu của chính phủ tăng lên. Một cách để giảm thiểu tác động này là nhắm mục tiêu cắt giảm thuế cho các hộ gia đình có thu nhập trung bình và thấp, những người ít có khả năng gửi tiền vào tiết kiệm.

Investopedia

Broker listing