Tàng trữ súng bắn đạn thể thao 22lr có bị đi tù không?

Tàng trữ súng bắn đạn thể thao 22lr có bị đi tù không?

Luật sư tư vấn về vấn đề tàng trữ súng bắn đạn thể thao 22lr có bị đi tù không? Quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề này và các trách nhiệm pháp lý phải chịu.

1. Vấn đề tàng trữ súng bắn đạn thể thao.

Hành vi mua, bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí thể thao rất phổ biến hiện nay. Tuy nhiên để hiểu rõ quy định của pháp luật liên quan đến hành vi này không phải ai cũng nắm được. Đa số khi gặp vấn đề này nhiều người thường có tâm lý hoang mang, lo lắng không biết mình sẽ phải chịu những trách nhiệm gì ? Mức độ xử phạt ra sao. Do đó để giúp các bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này, Bạn hãy liên hệ công ty Luật Minh Gia chúng tôi bằng cách gửi câu hỏi tư vấn hoặc Gọi  1900.6169, luật sư sẽ tư vấn cho bạn những nội dung sau:

+ Hành vi tàng trữ vũ khi thể thao ;

+ Chế tài xử lý theo quy định của pháp luật ;

+ Mức xử phạt đối với hành vi vi phạm ;

2. Các trách nhiệm pháp lý phải chịu khi tàng trữ súng bắn đạn thể thao.

Nội dung tư vấn: Chào luật sư. Luật sư cho tôi hỏi là nếu bị phát hiện ra tàng trữ hay vận chuyển súng bắn đạn thể thao 22lr thì có bị phạt gì không ạ? Theo tôi được biết thì súng bắn đạn thể thao là thuộc nhóm vật liệu nổ công cụ hỗ trợ. Nhưng tôi nghe bạn tôi nói từ năm 2018 thì nó (tức súng thể thao và đạn thể 22lr) được quy vô vũ khí quân sự. Vậy có đúng không ạ? Mong luật sư giải đáp thắc mắc là súng bắn đạn thể thao hiện đang được xếp trong nhóm công cụ hỗ trợ hay vũ khí quân sự ạ? Và nếu bị phát hiện sẽ phạt hành chính hay truy tố hình sự.

Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ như sau:

“1. Người nào chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt súng săn, vũ khí thô sơ, vũ khí thể thao, vũ khí khác có tính năng, tác dụng tương tự như súng săn, vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

…”

Việc xác định loại vũ khí có thể căn cứ theo quy định tại Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017”

“Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

2. Vũ khí quân dụng là vũ khí được chế tạo, sản xuất bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế của nhà sản xuất hợp pháp, được trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bao gồm:

a) Súng cầm tay bao gồm: súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên, súng trung liên, súng chống tăng, súng phóng lựu;

b) Vũ khí hạng nhẹ bao gồm: súng đại liên, súng cối, súng ĐKZ, súng máy phòng không, tên lửa chống tăng cá nhân;

c) Vũ khí hạng nặng bao gồm: máy bay chiến đấu, trực thăng vũ trang, xe tăng, xe thiết giáp, tàu chiến, tàu ngầm, pháo mặt đất, pháo phòng không, tên lửa;

d) Bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, thủy lôi; đạn sử dụng cho các loại vũ khí quy định tại các điểm a, b và c khoản này.

5. Vũ khí thể thao là vũ khí được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, được sử dụng để luyện tập, thi đấu thể thao, bao gồm:

a) Súng trường hơi, súng trường bắn đạn nổ, súng ngắn hơi, súng ngắn bắn đạn nổ, súng thể thao bắn đạn sơn, súng bắn đĩa bay và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Vũ khí thô sơ quy định tại khoản 4 Điều này dùng để luyện tập, thi đấu thể thao.

7. Vật liệu nổ là sản phẩm dưới tác động của xung kích thích ban đầu gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, tỏa nhiệt, sinh khí, phát sáng, tạo ra tiếng nổ, bao gồm:

a) Thuốc nổ là hóa chất hoặc hỗn hợp chất được sản xuất, sử dụng nhằm tạo ra phản ứng nổ dưới tác động của xung kích thích;

b) Phụ kiện nổ là kíp nổ, dây nổ, dây cháy chậm, mồi nổ, vật phẩm chứa thuốc nổ có tác dụng tạo xung kích thích ban đầu làm nổ khối thuốc nổ hoặc thiết bị chuyên dùng có chứa thuốc nổ.

11. Công cụ hỗ trợ là phương tiện, động vật nghiệp vụ được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy; bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp, bao gồm:

a) Súng bắn điện, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, từ trường, laze, lưới; súng phóng dây mồi; súng bắn đạn nhựa, nổ, cao su, hơi cay, pháo hiệu, hiệu lệnh, đánh dấu và đạn sử dụng cho các loại súng này;

b) Phương tiện xịt hơi cay, hơi ngạt, chất độc, chất gây mê, chất gây ngứa;

c) Lựu đạn khói, lựu đạn cay, quả nổ;

d) Dùi cui điện, dùi cui cao su, dùi cui kim loại; khóa số tám, bàn chông, dây đinh gai; áo giáp; găng tay điện, găng tay bắt dao; lá chắn, mũ chống đạn; thiết bị áp chế bằng âm thanh;

…”

Như vậy, đối chiếu với thông tin bạn cung cấp, để xác định vũ khí bạn tàng trữ, vận chuyển trong trường hợp này là loại vũ khí nào thì cần phải căn cứ vào cấu tạo, loại đạn dùng cho súng… Nếu đó là một trong các loại vũ khí thể thao hoặc công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ thì bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trường hợp không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì hành vi đó có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 6 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP:

“Điều 10. Vi phạm quy định về quản lý sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, pháo và đồ chơi nguy hiểm bị cấm

6. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:

a) Sản xuất, chế tạo, sửa chữa vũ khí quân dụng, vũ khí thể thao, súng săn trái phép;

b) Mang vào hoặc mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trái phép vũ khí, súng săn, công cụ hỗ trợ, các loại pháo, đồ chơi nguy hiểm.

…”