Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và nghiên cứu – triển vọng hợp tác Việt Nam – Na Uy
Tăng cường hợp tác quốc tế về giáo dục và nghiên cứu – triển vọng hợp tác Việt Nam – Na Uy
( ĐCSVN) – Qua trao đổi giữa các đại diện hai bên, phía Na Uy đều đánh giá cao hợp tác về giáo dục cao học và nghiên cứu với Việt Nam. Kết quả hợp tác hiệu quả trong thời gian qua là nền tảng tốt để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới về giáo dục cao học và nghiên cứu giữa Việt Nam với Na Uy.
Chính phủ Na Uy coi trọng tăng cường đầu tư cho giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, từ bậc nhà trẻ mẫu giáo cho đến giáo dục sau đại học, thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học và nghiên cứu nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu sáng tạo, duy trì và tăng cường sức cạnh tranh quốc tế của nền kinh tế dựa trên tri thức, đặc biệt là các ngành kinh tế biển mà Na Uy là một trong những cường quốc thế giới (như nghề cá – nuôi trồng thủy sản, hàng hải, dầu khí); đồng thời củng cố nhà nước phúc lợi. Chính phủ Na Uy cam kết tăng ngân sách dành cho nghiên cứu và sáng tạo lên 1% GDP cho tới năm 2019-2020. Ngân sách dành cho nghiên cứu năm 2016 tăng 2,1 tỷ NOK (khoảng 240 triệu USD), với tổng cộng lên tới 32,5 tỷ NOK (khoảng 3,73 tỷ USD) chiếm hơn 1% GDP Na Uy.
Những biện pháp chủ yếu được Chính phủ triển khai bao gồm: chuyển từ chú trọng việc dạy sang chú trọng vào việc học và kết quả học; chú trọng cải thiện môi trường học và chất lượng học, tăng tỷ lệ tốt nghiệp và giảm tỷ lệ bỏ học giữa chừng; gắn việc học tập với nghiên cứu, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và nghiên cứu; tăng cường phối hợp nghiên cứu giữa các bộ, các trường, viện nghiên cứu và bộ phận nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp, đề cao vai trò tư vấn điều phối quốc gia của Hội đồng Nghiên cứu Na Uy. Đồng thời, đề cao đạo đức nghiên cứu (trên cơ sở Luật Đạo đức nghiên cứu năm 2006). Trung tâm Hợp tác quốc tế Giáo dục Na Uy (SIU) là cơ quan thuộc Bộ Giáo dục và Nghiên cứu, có trách nhiệm thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục. Hội đồng nghiên cứu Na Uy là cơ quan chiến lược và điều hành quốc gia về nghiên cứu, tư vấn cho Chính phủ về các vấn đề liên quan đến chính sách nghiên cứu, chịu trách nhiệm thúc đẩy nghiên cứu cơ bản và ứng dụng, sáng tạo nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội.
Theo Kế hoạch dài hạn về giáo dục cao học và nghiên cứu giai đoạn 2015-2024 của Na Uy, sáu lĩnh vực ưu tiên của Na Uy về nghiên cứu và giáo dục cao học (bậc đại học và sau đại học) bao gồm: (i) Khí hậu – môi trường và năng lượng tái tạo; (ii) Biển và đại dương; (iii) Các công nghệ hỗ trợ; (iv) Dịch vụ công tốt hơn và hiệu quả hơn; (v) các ngành công nghiệp sáng tạo và có khả năng thích ứng; (vi) môi trường hàn lâm hàng đầu thế giới.
Ưu tiên hợp tác quốc tế của Na Uy về giáo dục cao học và nghiên cứu
Na Uy chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học và nghiên cứu, nhằm tăng cường chất lượng giáo dục và nghiên cứu của Na Uy cũng như góp phần tăng cường năng lực cho các nước thu nhập thấp và trung bình. Ưu tiên của Na Uy là tham gia Chương trình nghiên cứu của EU; hợp tác nghiên cứu song phương với một số nước (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Nhật Bản, Achentina; và 5 nước khối BRICS có nền kinh tế lớn đang nổi lên là Ấn Độ, Brazil, Nam Phi, Nga, Trung Quốc); tăng cường hợp tác nghiên cứu trong khối Bắc Âu; đưa Na Uy trở thành đất nước hấp dẫn các nhà nghiên cứu quốc tế; gắn kết giữa hợp tác quốc tế về nghiên cứu với giáo dục cao học.
Chính phủ Na Uy chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế về giáo dục cao học thông qua hợp tác chiến lược giữa các trường, viện (chương trình đối tác – partnership programme) dựa trên trên cơ sở chất lượng, cùng quan tâm và cùng có lợi, gắn kết hơn giữa nghiên cứu và giáo dục cao học. Chế độ học bổng của Na Uy (quota scheme) dành cho sinh viên nước ngoài đăng ký trực tiếp sẽ bị cắt sau 2016-2017 và thay thế bằng Chương trình hợp tác quốc tế chiến lược giữa các trường, viện. Chương trình mới này nhằm mục đích có nhiều sinh viên nước ngoài đến Na Uy và sinh viên Na Uy du học ở nước ngoài, được triển khai thông qua trao đổi sinh viên học tập, nghiên cứu trong một hoặc hai học kỳ. Một khác biệt lớn là theo chương trình mới, cá nhân sinh viên không thể đăng ký xin học bổng/ tài trợ trực tiếp từ chương trình này, mà phải thông qua chương trình hợp tác giữa các trường đại học, cao đẳng, viện.
Hiện nay có Chương trình hợp tác nghiên cứu được hỗ trợ bởi Hội đồng nghiên cứu Na Uy. Các nhà nghiên cứu làm việc ở các tổ chức bên ngoài Na Uy có thể phối hợp với một tổ chức đối tác Na Uy nộp đơn cho Hội đồng nghiên cứu Na Uy để đăng ký cấp tài trợ. Tổ chức Na Uy phải là người nộp đơn chính. Trong hầu hết các trường hợp, các trường đối tác nước ngoài dự kiến sẽ đóng góp khoản tài chính đối ứng. Ngoài ra, còn có Chương trình tăng cường năng lực nghiên cứu và giáo dục cao học (NORHED) được hỗ trợ bởi Cơ quan Hợp tác phát triển Na Uy (NORAD) nhằm tăng cường năng lực của các tổ chức giáo dục đại học ở các nước thu nhập thấp và trung bình để đào tạo các ứng viên có trình độ, tăng chất lượng và số lượng các nghiên cứu được tiến hành bởi các nhà nghiên cứu của nước sở tại. Chương trình này nhằm vào sáu lĩnh vực (gồm: giáo dục và đào tạo; y tế; quản lý tài nguyên, biến đổi khí hậu và môi trường; dân chủ và quản trị kinh tế; khoa học nhân văn, văn hóa, truyền thông và thông tin; phát triển năng lực cho Nam Xu-đăng.
Cơ hội du học ở Na Uy cho sinh viên Việt Nam
Nhiều trường đại học, cao đẳng của Na Uy được xếp hạng khá cao ở châu Âu và trên thế giới. Na Uy đang thu hút nhiều sinh viên quốc tế đến học tập, nghiên cứu, năm 2015 tiếp nhận 25.700 sinh viên nước ngoài (trong khi dân số Na Uy chỉ có hơn 5 triệu người).
Giữa Na Uy và Việt Nam có một số chương trình trao đổi sinh viên. Chương trình giao lưu sinh viên Na Uy sang Việt Nam học ngắn hạn tại Đại học Đà Nẵng được triển khai nhiều năm nay theo chương trình hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng và Đại học khoa học ứng dụng Oslo và Đại học Vestfold.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận gặp gỡ và làm việc
với Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy Rolf Larsen, tháng 7/2015
Số sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học tại Na Uy có tăng nhưng còn ít. Năm 2015 ở Na Uy có khoảng 177 sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam (kể cả học tự túc bậc đại học và kể cả người Việt định cư ở Na Uy chưa có quốc tịch Na Uy – theo số liệu tổng hợp sơ bộ của Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Na Uy cung cấp), chủ yếu học, nghiên cứu ở Đại học Oslo, Đại học Kinh doanh Na Uy BI (ở Oslo), Đại học Ostfold, Đại học Vestfold, Đại học Bergen, ĐH Khoa học Công nghệ Na Uy (NTNU ở Tp. Trondheim), Đại học Bắc Cực (trước đây là ĐH Tromso).
Sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam du học ở Na Uy có thể theo cách đăng ký học bổng thông qua một số trường đại học Việt Nam có hợp tác với Na Uy (nêu trên) hoặc đăng ký du học tự túc trực tiếp với trường của Na Uy. Hầu hết các đại học, cao đẳng Na Uy đều có chương trình bậc thạc sỹ và tiến sỹ sử dụng tiếng Anh.
Du học ở Na Uy được miễn học phí nếu học ở đại học, cao đẳng công lập, chỉ phải tự túc chi phí sinh hoạt ăn ở. Nếu học ở một số đại học tư thục thì phải trả học phí (khoảng hơn 10.000 USD/năm), có cả chương trình bậc đại học (3 năm), thạc sỹ, tiến sỹ bằng tiếng Anh, ví dụ về ngành kỹ sư dân sự, kinh tế, môi trường… Riêng đối với bậc đại học thì có một số trường công lập và trường tư thục có chương trình bằng tiếng Anh, còn lại phổ biến là bằng tiếng Na Uy. Đối với nghiên cứu sinh tiến sỹ (đều có thể đăng ký tự do) thì được ký hợp đồng làm việc (tham gia nghiên cứu, giảng dạy) và được trả lương. Sinh viên, nghiên cứu sinh trực tiếp nộp đơn xin học online cho trường của Na Uy, tự lo chi phí ăn ở, phải đóng một khoản tiền ký quỹ để xin visa du học. Về chương trình bậc đại học, trừ một số đại học tư và một vài khoa của đại học công lập có tiếng Anh (như về du lịch, môi trường, phát triển), còn hầu hết các đại học và cao đẳng công lập của Na Uy đều phải học bằng tiếng Na Uy, yêu cầu tiêu chuẩn ngôn ngữ đầu vào là có chứng chỉ tiếng Anh (ví dụ IL trên 6,5) và có thể cần có chứng chỉ tiếng Na Uy tùy theo trường.
Nhiều trường đại học, cao đẳng của Na Uy có sinh viên quốc tế có một số loại học bổng của trường hoặc của quỹ do trường vận động được. Vì vậy, sinh viên có thể tự tìm hiểu và nộp đơn online cho trường.
Để đăng ký học bổng của Chính phủ Na Uy, sinh viên Việt Nam có thể nộp đơn xin học bổng của Na Uy thông qua trường đại học Việt Nam có quan hệ hợp tác với trường Na Uy, ví dụ như hợp tác giữa Đại học Ngoại thương với Đại học Kinh doanh Na Uy BI; Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh với Đại học Vestfold, Đại học Ostfold, Đại học Nha Trang với Đại học Bắc Cực (trước đây là Đại học Tromso) và Đại học Bergen. Ở một số đại học này của Na Uy có giáo sư người gốc Việt giảng dạy, là cơ sở tốt để thu hút sinh viên, nghiên cứu sinh Việt Nam.
Hợp tác Việt Nam và Na Uy trong lĩnh vực nghiên cứu vào giáo dục cao học
Hai nước nhất trí thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học-công nghệ, dầu khí, năng lượng, thủy sản, nông nghiệp, môi trường và quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng nhân dịp Thủ tướng Na Uy Erna Solberg thăm Việt Nam ngày 16-18/4/2015, theo đề nghị của phía Việt Nam, hai bên cũng nhất trí tăng cường quan hệ song phương, hướng tới thiết lập khuôn khổ quan hệ đối tác trên cơ sở phù hợp với các lĩnh vực hợp tác ưu tiên giữa hai nước trong thời gian tới. Chính phủ Na Uy đánh giá cao thành tựu của Việt Nam về phát triển, trong đó có thành tựu về giáo dục và đào tạo. Theo lời mời của Thủ tướng Na Uy Erna Solberg và được sự ủy quyền của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận đã tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Oslo về Giáo dục và Phát triển (đầu tháng 7/2015), chia sẻ kinh nghiệm thành công của Việt Nam về giáo dục và đào tạo và trao đổi thúc đẩy hợp tác về giáo dục, đào tạo giữa hai nước.
Bên cạnh một số chương trình hợp tác về giáo dục cao học, trao đổi sinh viên giữa đại học Việt Nam và Na Uy như nêu trên, giữa hai nước còn có dự án hợp tác thuộc khuôn khổ Chương trình của Na Uy tăng cường năng lực về nghiên cứu và giáo dục cao học (NORHED) giữa Đại học Nha Trang và Đại học Bắc Cực, Đại học Bergen của Na Uy và Đại học Ruhuna của Sri Lanka về nghiên cứu tác động của biến đổi khí hậu, hệ sinh thái đối với nghề cá và nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam, Sri Lanka, giai đoạn 2013-2018. Dự án này được triển khai trên cơ sở thành công của dự án trước đó về chương trình đào tạo thạc sỹ ngành kinh tế và quản lý nghề cá và nuôi trồng thủy sản. Thông qua Đại sứ quán Na Uy tại Hà Nội, phía Na Uy còn tài trợ cho một số chương trình hợp tác nghiên cứu trong lĩnh vực giảm thiểu tác hại của thiên tai, như hợp tác giữa Đại học Quốc gia Hà Nội và Viện Địa kỹ thuật Na Uy (NGI), hợp tác nghiên cứu về tác động của biến đổi khí hậu đến sản xuất lúa gạo ở Việt Nam giữa Viện Khoa học Nông nghiệp (VAAS) và Viện Nghiên cứu Nông nghiệp và Môi trường Na Uy (Bioforsk); tăng cường năng lực ứng phó với thiên tai liên quan đến thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương của Việt Nam.
T.M