Tăng cường giáo dục hòa nhập trong trường học

Tăng cường giáo dục hòa nhập trong trường học


Thực hiện tốt công tác giáo dục hòa nhập (GDHN) sẽ mang tới cho học sinh, trẻ mầm non yếu thế về trí tuệ, vận động sự bình đẳng và cơ hội học tập tốt trong hệ thống các nhà trường như mọi trẻ bình thường; được phát triển trong môi trường tự nhiên, có thể tiếp cận và làm quen với nhiều kỹ năng, nhất là kỹ năng hòa nhập xã hội.

Để từng bước đạt được các mục tiêu về GDHN, ngành giáo dục Hà Nam đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh thành lập Ban chỉ đạo GDHN cho học sinh khuyết tật và chỉ đạo các địa phương, các đoàn thể, tổ chức xã hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức trong cộng đồng về trách nhiệm chăm sóc, giáo dục cho người khuyết tật và tổ chức để đưa học sinh khuyết tật đến trường học. 

Tại các nhà trường có học sinh thuộc diện GDHN học tập đã thực hiện tốt các quy trình, như: điều ra, xây dựng kế hoạch và cử cán bộ, giáo viên vận động học sinh khuyết tật trong độ tuổi đến trường. Trong từng lớp có học sinh khuyết tật hoà nhập thành lập các nhóm bạn học để có điều kiện giúp đỡ trong sinh hoạt cũng như trong học tập. Đồng thời, thường xuyên tuyên truyền giáo dục học sinh của các trường về lòng yêu thương và giúp đỡ người khuyết tật, xây dựng môi trường giáo dục hoà nhập, an toàn, chất lượng và hiệu quả cho học sinh khuyết tật. 

Tăng cường giáo dục hòa nhập trong trường học
Một tiết học của học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Liêm Chính (TP Phủ Lý).

Được biết, trong nhiều năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các nhà trường tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nghiêm túc nghiên cứu các văn bản liên quan đến công tác GDHN học sinh khuyết tật. Theo đó, hầu hết các cán bộ, giáo viên trong các nhà trường đã có nhận thức đúng đắn hơn về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm cá nhân đối với việc tham gia thực hiện GDHN cho học sinh khuyết tật. Trong kế hoạch mỗi năm học, công tác GDHN học sinh được các nhà trường xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách đối với trẻ khuyết tật, quy định về giáo dục hoà nhập cho người tàn tật, khuyết tật; huy động xã hội hóa cho trang bị cơ sở vật chất, thiết bị đặc thù phục vụ GDHN.

Cùng với các hoạt động giáo dục trong chương trình chung, nhiều nhà trường còn tổ chức đa dạng các loại hình giúp đỡ học sinh khuyết tật trong học tập và sinh hoạt tập thể, như: đôi bạn học tập, nhóm cùng bạn đến trường, trao học bổng cho học sinh khuyết tật vượt khó vươn lên trong học tập, biểu dương các cá nhân, tập thể có việc làm tốt giúp đỡ học sinh khuyết tật trong trường, lớp. Về phía đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên, để thực hiện các yêu cầu GDHN, ngành giáo dục đã tổ chức các lớp học và thực hành với nhiều nội dung về quản lý GDHN, phương pháp hướng dẫn và hỗ trợ học sinh khuyết tật

Năm học này, tuy số trẻ thuộc diện GDHN đến lớp không nhiều, nhưng ngay trong kế hoạch phát triển nhà trường, Trường Mầm non Liêm Chính (thành phố Phủ Lý) đã quan tâm xây dựng quy trình GDHN theo các bước: tìm khả năng và nhu cầu của mỗi trẻ, xác định mục tiêu và lập kế hoạch học tập cụ thể, thực hiện điều chỉnh chương trình, thay đổi phương pháp giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của mỗi trẻ, đánh giá kết quả tiếp thu của trẻ. Do chương trình giáo dục mầm non hiện nay chưa có riêng chương trình cho việc giáo dục trẻ thuộc diện GDHN nên nhà trường chủ động giao việc tiếp nhận các trẻ này cho các giáo viên có kinh nghiệm, có kỹ năng tiếp cận và giáo dục, chăm sóc trẻ, yêu cầu trẻ thuộc thể khuyết tật nào thì có phương pháp giáo dục và chăm sóc ở thể đó. Trong các hoạt động giáo dục trẻ, những trẻ thuộc diện GDHN đã được bảo đảm thực hiện tất cả các nội dung theo đúng chương trình giáo dục mầm non và có sự linh hoạt trong việc đánh giá kết quả giáo dục đối với trẻ.

Theo cô giáo Lê Thị Yến Thoa, giáo viên lớp B3 (Trường Mầm non Liêm Chính), với các trẻ thuộc diện GDHN giáo viên sẽ phải có các biện pháp giáo dục, chăm sóc phù hợp, tăng cường thời gian giao tiếp, dạy dỗ, hướng dẫn và chăm sóc trực tiếp để trẻ có thêm điều kiện được hòa nhập và phát triển nhanh về các kĩ năng như trẻ bình thường. Tuy nhiên, bên cạnh những trẻ có biểu hiện rõ ràng về các dạng khuyết tật thì còn không ít trẻ thuộc dạng tiềm ẩn cần được quan tâm hơn trong việc GDHN. Với sĩ số các lớp đều khá đông, điều đó gây áp lực lớn cho giáo viên và làm ảnh hưởng không nhỏ tới hiệu quả GDHN.

Cùng với đó, hiện nay công tác GDHN trong các nhà trường đang gặp khá nhiều khó khăn do tâm lý học sinh khuyết tật hay mặc cảm, tự ti, cơ sở vật chất và trang thiết bị đặc thù phục vụ cho GDHN chưa đáp ứng yêu cầu học tập và vận động của học sinh khuyết tật; đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về GDHN cũng như kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy học và kèm cặp, giúp đỡ học sinh khuyết tật.

Theo quy định, 100% học sinh khuyết tật học hoà nhập phải có hồ sơ quản lý nhưng không ít phụ huynh còn có tâm lý sợ con bị kì thị nên không hợp tác lập hồ sơ xác nhận trẻ khuyết tật. Điều đó rất khó cho nhà trường trong việc kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Chất lượng công tác GDHN vì thế cũng có những hạn chế nhất định. Mặc dù trong mỗi năm học, tỉ lệ huy động học sinh khuyết tật ra lớp thực hiện các mục tiêu hòa nhập của tỉnh ta tương đối cao, có năm đạt trên 80% tổng số trẻ khuyết tật nhưng tỉ lệ học sinh hòa nhập thành công vẫn còn khá thấp. 

Để giáo dục trẻ khuyết tật thực sự có hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu, cần phải có những giải pháp cụ thể, gắn với khả năng và nhu cầu thực tiễn của trẻ khuyết tật. Hệ thống tài liệu, sách giáo khoa, trang thiết bị phục vụ cho giáo dục trẻ khuyết tật cần được xây dựng, thẩm định và ban hành thống nhất, cải tiến và có bổ sung gắn với thực tiễn người học. Cần xây dựng nội dung, chương trình giáo dục bảo đảm yêu cầu kiến thức, kỹ năng cơ bản cho từng cấp học, phù hợp với mỗi loại đối tượng học sinh khuyết tật. Tăng cường các lớp bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên giảng dạy học sinh khuyết tật; có chế độ, chính sách cho học sinh khuyết tật và giáo viên dạy hoà nhập. 

Thanh Hà