Tản mạn về sự khác nhau giữa SELF-EMPLOYED và BUSINESS OWNER
5/5 – (7 bình chọn)
Theo mô hình Kim tứ đồ của Robert Kiyosaki, cột bên trái có Self-Employed và cột bên phải có Business Owner. Hôm nay xin phép mạn bàn một chút về 02 cột này, qua đó có thể nối kết thêm các cột còn lại theo mô hình của Kiyosaki. Kim tứ đồ được dùng để chỉ 4 cách kiếm tiền dựa trên 4 nhóm người khác nhau, giúp định hướng suy nghĩ và hành động nhằm đạt được mục tiêu giàu có và tự do về mặt tài chính.
Mục Lục
I. Nhóm S – Self-employed
Nhóm người này là những người tự làm chủ, hoàn toàn tự làm cho mình mọi thứ hoặc thuê nhân viên làm cùng. Họ thường có một doanh nghiệp nhỏ bán một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể và làm việc với một số người mà họ thuê.
Ví dụ, một người mở doanh nghiệp riêng, bác sĩ mở phòng khám riêng, luật sư mở văn phòng riêng…
II. Nhóm B – Business Owner
Nhóm sở hữu doanh nghiệp chuyên sở hữu một hệ thống làm việc…
1. Sự khác biệt giữa 02 nhóm?
Đó là việc sở hữu một HỆ THỐNG. Ví dụ: một người Giám đốc mở 1 công ty có 1 cửa hàng, bạn thấy ông ấy suốt ngày chạy vạy lo các daily activities giúp cho nhân viên (ví dụ nhân viên bán hàng/kinh doanh tư vấn chưa ổn với khách hàng, ông ấy vẫn phải ra tư vấn giúp cho nhân viên), hoặc giả nhân viên kỹ thuật làm chưa được, ông ấy phải lo làm thay cho nhân viên. Do vậy, bản chất ông ấy là Giám đốc nhưng ông ấy có phải là “Businessman” không? Theo tôi là chưa phải.
Bởi vì thực chất ông ấy đang làm thuê cho chính mình (self-employed), nếu công ty không có ông ấy công ty liệu có chạy được không? Nếu ông ấy ốm hoặc đi du lịch 01 thời gian dài, công ty có chắc rằng sẽ không dừng hoạt động? Nếu một ngày nào đó, ông bác sĩ ốm, phòng mạch phải đóng cửa, liệu rằng ngày đó phòng mạch có doanh thu? Bản chất đối với các công ty đó là đang dựa vào một người – người lập ra nó.
Nếu ông ấy không dành thời gian suy nghĩ về TƯ DUY HỆ THỐNG, không dành đa phần thời gian trong 1 ngày để xây dựng Quy trình Hệ thống, thay vì dành quá nhiều thời gian cho daily activities, thì chắc rằng ông ấy sẽ mắc trong 01 cái bẫy mà nhiều người không thoát ra được, đó là: Làm thuê cho chính mình.
Làm thuê cho chính mình, bạn có thể có tiền, nhưng chắc chắn bạn không thể có được SỰ TỰ DO VỀ THỜI GIAN. Bởi vì nếu bạn không làm nữa (đi du lịch hay ốm đau chẳng hạn), bạn không thể có nguồn thu nhập.
Lưu ý: tất nhiên không kể đến các công ty và các Giám đốc đang khởi nghiệp, bởi vì trong thời gian đầu, tất nhiên chúng ta phải làm rất nhiều việc, chưa thể có Hệ thống sẵn cho chúng ta. Nhưng vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Tư duy của người chủ doanh nghiệp có Tư duy Hệ thống không, Tự động hóa Doanh nghiệp không hay dành nhiều gian vào các công việc hằng ngày mà không cố tìm cách thoát ra.
2. Xây dựng hệ thống
Nhưng liệu rằng từ nhóm S (self-employed) muốn chuyển sang nhóm B để xây dựng Hệ thống có khó không? Tôi cho rằng điều đó không hề dễ dàng. Giống như câu chuyện của các nhà cung cấp da giày Việt Nam và các tập đoàn giày dép nổi tiếng như Adidas, Nike, Timberland, Puma…
Khi tôi ở UK, tôi thấy rằng các đôi giày có nhãn “made in Vietnam” mang các thương hiệu hàng đầu thế giới trên được bán với giá hàng trăm USD, trong khi các nhà cung ứng Việt Nam có thể cung cấp cho các tập đoàn này một đôi giày với giá chỉ vài trăm ngàn. Họ hưởng thặng dư quá lớn. Tại sao lại như vậy?
Bởi vì để xây dựng một HỆ THỐNG không hề dễ dàng. Để đưa một đôi giày bán ra tại nước ngoài không hề dễ dàng. Để làm được điều này, bạn có thể không cần phải là người giỏi nhất trong một công đoạn, một chuyên môn nhất định, nhưng bạn nhất định phải BIẾT KẾT NỐI CÁC CÔNG ĐOẠN lại với nhau một cách có hệ thống và nhịp nhàng. Từ Bán hàng, Marketing, cho đến về Chuyên môn, Sản phẩm, Nhân sự, Quản trị rủi ro, Quản lý chất lượng.
Bạn phải self-employed cũng như hiểu về Tài chính, Cổ phần. Bạn cũng phải học về Lãnh đạo, và có khả năng đưa ra Tầm nhìn, Sứ mệnh và Chiến lược. Bạn cũng phải biết đến các kênh đối ngoại, tạo lập chuỗi phân phối, từ đó mới có thể đưa sản phẩm của mình ra các thị trường khác. Nói tóm lại, bạn PHẢI BIẾT RẤT RẤT NHIỀU THỨ, tôi cho rằng số lượng những người này không có quá nhiều và các TEAM này xứng đáng được hưởng những GIÁ TRỊ THẶNG DƯ đó.
Hơn nữa, khi bạn chọn đi con đường xây dựng hệ thống, một khi đã self-employed thì bạn phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ và sẵn sàng vượt qua những giai đoạn khó khăn nhất, những “thời khắc đen tối” nhất. Lấy ví dụ, đối với các ngành dịch vụ, thì đặc thù là liên quan đến con người. Mà quản trị nhân sự là một trong những cách thức khó quản trị nhất, vì con người không phải như những cỗ máy móc. Đối với những “thời khắc đen tối” thì điều gì sẽ giúp bạn vượt qua? Tiền ư, lợi nhuận ư?
Không phải. Mà đó là SỨ MỆNH. SỨ MỆNH của bản thân bạn. SỨ MỆNH của người lãnh đạo sẽ truyền cảm hứng cho cả team. Sứ mệnh mà bạn và team của bạn phải đạt được điều gì đó trong đời, làm điều gì đó cho đời, vượt qua trên cả chuyện kiếm tiền.
Chỉ có điều này truyền cho bạn và team động lực để vượt qua những “thời khắc đen tối” nhất, tưởng chừng như đổ vỡ, để bạn lèo lái con thuyền vượt qua hàng tá giông bão. Các công ty vĩ đại trên thế giới, đa phần người lãnh đạo, tôi cho rằng, không chỉ làm vì tiền, mà họ có SỨ MỆNH riêng của họ.
Như tôi đã nói ở trên, việc chuyển từ E (Employee) và S (Self-Employed) ở nhóm bên trái Kim tứ đồ sang B (nhóm bên phải kim tứ đồ) không hề dễ dàng. Nhưng VẪN CÓ MỘT CÁCH, để bạn có thể chuyển đổi sang nhóm bên phải Kim tứ đồ để đạt được sự Tự do về thời gian và Tự do về tài chính.
Đó là từ E (Employee) làm việc tốt, dành dụm, để dần dần ĐẦU TƯ (bất động sản, chứng khoán, forex…) chuyển sang I (nhóm Investor – nhà đầu tư) hoặc làm tốt để được chia Cổ phần trong công ty (tức khắc nằm trong nhóm I). Nói chung ai cũng có thể nằm trong nhóm I, miễn là bạn có nắm kiến thức về Tài chính (hoặc đưa tiền cho người có kiến thức về tài chính để đầu tư).
Cuối cùng, không có một dạng làm việc nào là khó khăn hay thuận lợi. Employee có thời gian nhưng phụ thuộc vào nơi ta làm việc, Self-Employee lại giúp chúng ta chủ động về doanh thu, lợi nhuận nhưng thời gian bỏ ra để xây dựng một doanh nghiệp tư nhân là vô cùng khó khăn. Dù làm ở dạng nào, bạn cũng phải cần trang bị kiến thức, người có đủ kiến thức mới là người làm chủ được đồng tiền. Ngay cả khi đi làm thuê suốt đời nhưng có kiến thức rõ về đầu tư tài chính, bạn vẫn là người giàu có về tiền bạc.
– Lưu Minh Hiển –
Hãy THEO DÕI WISE Business và LIKE FANPAGE ngay để biết được những chia sẻ mới nhất ngay nhé !