Tấn công DoS là gì và cách phòng chống tấn công từ chối dịch vụ DoS/DDoS
13 Tháng 4, 2022
Mục Lục
Tấn công DoS là gì và cách phòng chống tấn công từ chối dịch vụ DoS/DDoS
Tấn công DoS là mối đe doạ an ninh mạng với hầu hết các doanh nghiệp lớn nhỏ. Để đối phó với vấn đề này, doanh nghiệp cần hiểu rõ về bản chất, động cơ tấn công của hacker cũng như những cách thức chống DoS/DDoS hiện nay là gì. Hãy cùng VNETWORK tìm hiểu qua bài viết sau.
Tấn công DoS là gì?
Tấn công DoS hay tấn công từ chối dịch vụ được khởi động với mục đích làm gián đoạn dịch vụ trên không gian mạng của một cá nhân/tổ chức. Tin tặc mở ra chiến dịch bằng cách điều khiển một thiết bị (máy tính kết nối mạng) để gửi một lượng truy cập không hợp lệ vào mục tiêu bị nhắm đến (thường là máy chủ), khiến cho hệ thống này bị quá tải, không thể nhận và xử lý các yêu cầu từ người dùng.
Biểu hiện của DoS tương đối khác nhau đối với phía người dùng và phía doanh nghiệp. Dưới góc độ người dùng, website bị tấn công sẽ ngừng hiển thị nội dung mặc dù internet vẫn duy trì trạng thái ổn định. Với chủ sở hữu website, có thể nhận thấy hệ thống mạng ngừng phản hồi với các yêu cầu truy cập, khả năng kiểm soát các tiến trình trong mạng bị vô hiệu một phần hoặc hoàn toàn.
Tấn công từ chối dịch vụ DoS/DDoS nhằm mục đích gì?
DoS là hình thức tấn công phổ biến hiện nay, các cuộc tấn công này thường nhắm vào server, VPS của các tổ chức/doanh nghiệp lớn như Tài chính, thương mại điện tử, Logistics, nhà nước,… Tin tặc sử dụng cuộc tấn công để thực hiện nhiều ý đồ xấu khác nhau hoặc chỉ đơn giản là tấn công “cho vui”. Một số mục đích có thể kể đến như sau:
Tống tiền: Tấn công DoS tống tiền là mối đe dọa với an ninh mạng của nhiều doanh nghiệp. Tin tặc hoặc nhóm tin tặc lên kế hoạch kỹ lưỡng để tấn công vào web server, VPS,… và gửi thư yêu cầu một khoản tiền chuộc để đổi lấy việc ngừng cuộc tấn công. Khi đó, doanh nghiệp/tổ chức buộc phải trả một mức giá rất đắt để hệ thống có thể hoạt động bình thường trở lại.
Cạnh tranh giữa các đối thủ: Mục tiêu bị tấn công có thể là các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch trực tuyến, website bán hàng… Một cuộc tấn công DoS có thể ngay lập tức làm gián đoạn mọi hoạt động giao dịch cũng như sử dụng dịch vụ trực tuyến, khiến cho hoạt động kinh doanh bị đình trệ.
Chiến tranh mạng: Nhiều tổ chức chính phủ trên thế giới đã sử dụng DoS như một cách đóng băng cơ sở hạ tầng trực tuyến quan trọng của đối thủ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế quốc gia, đồng thời làm suy yếu niềm tin của công chúng vào hệ thống chính phủ.
Đánh lạc hướng: Một cuộc tấn công DoS thường ập đến bất ngờ khiến cho cá nhân/tổ chức phân tâm và phải tập trung xử lý DoS nhanh chóng, đó cũng là lúc tin tặc tận dụng những lỗ hổng bảo mật để xâm nhập và thực hiện những thao tác lên hệ thống, làm ảnh hưởng đến quy trình hoạt động và đánh cắp, xóa bỏ dữ liệu của tổ chức.
Ngoài ra, trên thực tế ghi nhận có rất nhiều cuộc tấn công từ chối dịch vụ được thực hiện bởi các đối tượng nhỏ tuổi. Sự hiếu kỳ trước những điều mới mẻ và sự thích thú khi được thể hiện kỹ năng đã khiến cho những đối tượng này thực hiện tấn công mà không chú ý đến hậu quả. Phương tiện hỗ trợ tấn công thường là các công cụ “có sẵn”. Ngoài ra, đây là cách để những hacker chuyên nghiệp chứng minh các kỹ thuật hoặc công cụ mới vừa được phát triển.
Tình hình tấn công DoS/DDoS ở Việt Nam
Theo báo cáo về tình hình an ninh mạng Quý I/2021, Việt Nam thuộc Top 8 quốc gia hứng chịu nhiều cuộc tấn công DoS/ DDoS nhất trên toàn cầu. Con số này cảnh báo về tình trạng an ninh mạng đáng lo ngại hiện nay. Nguyên nhân của vấn đề này là do các cá nhân/nhóm tin tặc lợi dụng sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động trên không gian mạng, nhất là trong suốt đại dịch Covid-19, người dùng có xu hướng làm việc từ xa và sử dụng internet nhiều hơn. Vì thế các cuộc tấn công được tin tặc gia tăng về số lượng và quy mô để phá hoại, đánh sập hệ thống từ xa.
Bên cạnh đó, kỹ thuật tấn công được nâng cấp liên tục để tăng hiệu quả tấn công vào các mục tiêu khác nhau. Trước đây, DoS được biết đến bằng các loại tấn công như: Teardrop Attack, ICMP flood, làm tràn bộ nhớ đệm,… với phương thức tấn công đơn giản, do đó dễ bị theo dõi và ngăn chặn. Hiện nay tấn công từ chối dịch vụ đã có phiên bản cải tiến với tên gọi DDoS. DDoS thực hiện tấn công băng thông (volumetric), tấn công phân mảnh (Fragmentation Attack), tấn công vào tầng ứng dụng (Application Layer Attack), … Kiểu tấn công này tận dụng khả năng điều khiển nhiều thiết bị tại nhiều vị trí khác nhau để khởi động cuộc tấn công nên rất khó để ngăn chặn.
Cách phòng chống tấn công từ chối dịch vụ
Việc khắc phục hay ngăn chặn triệt để một cuộc tấn công DoS/DDoS là vô cùng khó khăn. Chính vì vậy, điều cần thiết mà mọi cá nhân/tổ chức nên thực hiện đó chính là sử dụng các biện pháp phòng chống và luôn nỗ lực tăng cường bảo mật.
Một số các phương pháp kỹ thuật để phòng chống tấn công từ chối dịch vụ mà như: đóng các cổng mạng chưa sử dụng, sử dụng syn cookie, sử dụng tường lửa phần cứng để lọc lưu lượng, kiểm tra/cập nhật các bản vá bảo mật từ thư viện,…
Giải pháp được các chuyên gia khuyến khích là liên hệ hỗ trợ từ các nhà cung cấp dịch vụ bảo mật với hạ tầng máy chủ rộng lớn. Họ có khả năng ứng phó với các cuộc tấn công “khổng lồ” để đảm bảo ngăn chặn DoS/DDoS tốt nhất.
VNETWORK hiện là đơn vị dẫn đầu tại Việt Nam, với các giải pháp bảo mật website toàn diện, chống các cuộc tấn công DDoS quy mô lớn với tên gọi VNIS.
Để tìm kiếm giải pháp phòng chống DoS/DDoS, bảo mật website cho doanh nghiệp của mình, hãy liên hệ hotline +84 28 7306 8789 hoặc điền thông tin đăng ký dưới đây, VNETWORK sẽ tư vấn cho bạn.