Tân Hiệp Phát – Từ “đại gia” đến sự sa cơ nghiệt ngã

Từ một doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ là đối thủ của Cocacola, Pepsi, đến nay Tân Hiệp Phát chỉ còn trông đợi về một ngày người tiêu dùng sẽ không còn quay lưng lại với sản phẩm của mình.

Một sản phẩm của Tân Hiệp Phát.

“Vang bóng một thời”

Công ty TNHH TM – DV Tân Hiệp Phát là một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm giải khát và thức uống đóng chai tại Việt Nam dưới sự điều hành của TS. Trần Quí Thanh.

Tiền thân của Tân Hiệp Phát là Phân xưởng nước giải khát Bến Thành hình thành năm 1994, chuyên sản xuất nước ngọt, nước giải khát có gas.

Năm 1995, phân xưởng mở rộng thêm xưởng sản xuất sữa đậu nành dạng chai 220ml. Năm 1996, công ty mở rộng dây chuyền và tung ra thị trường sản phẩm bia tươi Flash.

Năm 1999, xưởng nước giải khát Bến Thành đổi tên thành Nhà máy nước giải khát Bến Thành, sản xuất các mặt hàng sữa đậu nành, bia chai, bia hơi, bia tươi Flash.

Năm 2000, Bia Bến Thành là đơn vị ngành bia đầu tiên của Việt Nam đạt chứng nhận ISO 9001- 2000, do cơ quan quản lý chất lượng quốc tế Det Norske Veritas (Hà Lan) chứng nhận vào ngày 23/3/2000.

Năm 2001, công ty cho xây dựng Nhà máy sản xuất và Văn phòng tại xã Vĩnh Phú, huyện Thuận An, tỉnh Bình Dương.

Trong những năm sau đó, công ty tung ra thị trường các sản phẩm Nước tăng lực Number 1, Bia tươi đóng chai Laser, Sữa đậu nành Number 1, Nước tinh khiết Number 1, Bia Gold Bến Thành…

Đặc biệt, sản phẩm Number One của Tân Hiệp Phát ngay từ khi ra mắt tạo được hiệu ứng tốt và nhanh chóng phổ biến trong đời sống người tiêu dùng.

Sau vụ kỳ án “con ruồi 500 triệu” thì Tân Hiệp Phát thay đổi tên gọi và cả tên miền website thành Tập đoàn Number 1.

Dính hàng loạt bê bối

Là doanh nghiệp nội tạo được dấu ấn cho người tiêu dùng, Tân Hiệp Phát từng được kỳ vọng sẽ trở thành “cây đa, cây đề” để phát triển ngành hàng nước giải khát Việt và đối đầu với những đối thủ nặng ký khác.

Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, Tân Hiệp Phát mắc không ít những lần khiến người tiêu dùng hoảng hốt, chủ yếu là việc phát hiện có dị vật bên trong những sản phẩm của doanh nghiệp.

Vào tháng 3 năm 2009, bà Nguyễn Thị Thu Hà, chủ quán Thác Vàng, Biên Hòa phát hiện chai nước tăng lực Number One còn đậy nắp có ống hút bên trong.

Tuy sau đó bà Thu Hà đã được đại diện Tân Hiệp Phát thừa nhận là những sản phẩm lỗi mà bà Hà phát hiện là của Tân Hiệp Phát, nhưng khi đưa tiền bồi thường cho bà Hà thì Tân Hiệp Phát lại gọi công an đến bắt vì tội tống tiền.

Do có đầy đủ giấy tờ nên công an đã trả tự do cho bà Thu Hà vào chiều cùng ngày mặc cho sự phản đối của Tân Hiệp Phát.

Cũng trong tháng 6 năm này, cơ quan điều tra phát hiện 3 container hàng có dấu hiệu vi phạm được cất giấu tại 169 Nơ Trang Long, Q.Bình Thạnh (TP.HCM). Qua kiểm tra phát hiện 26 tấn hương liệu chế biến nước giải khát do nước ngoài sản xuất đã hết hạn sử dụng. Hàng gắn nhãn gửi đến công ty Tân Hiệp Phát. Cơ quan điều tra tiến hành kiểm tra kho hàng của Tân Hiệp Phát chi nhánh Bình Dương. Tại đây, cơ quan chức năng phát hiện khoảng 60 thùng hương liệu có thời hạn sử dụng ngày 3/11/2008, quá hạn 6 tháng so với ngày phát hiện.

Đến cuối năm 2010, ông Trương Ngọc Tuấn (TP.HCM) mua 2 thùng sữa đậu nành Number 1 Soya về bán và sử dụng.

Ông Tuấn phát hiện 6 chai đã gợn đục có lớp kết tủa màu trắng. Lô hàng này được ghi trên chai ngày sản xuất tháng 9/2010 và hạn sử dụng ngày 25/6/2011.

Tiếp đó, năm 2011, chị Nguyễn Thị Thúy (Bà Rịa – Vũng Tàu) có gửi đơn khiếu nại đến Văn phòng Khiếu nại của người tiêu dùng phía nam về việc mua 2 chai sữa đậu nành tự nhiên Number 1 Soya còn hạn sử dụng, đã phát hiện bên trong chai nổi lên cục màu trắng.

Tháng 2/2011, một người tiêu dùng tên H. tại Tiền Giang đã mua nhiều chai nước Dr Thanh để uống trong đó, có một chai nước anh phát hiện ra bên trong có lợn cợn.

Tới ngày 14/4/2011 khi đang nhận 35 triệu đồng cùng đại diện của Tân Hiệp Phát, anh H. bị công an ập vào bắt quả tang và sau đó bị Tòa tuyên phạt 1 năm tù.

Tới tháng 6/2012, cơ quan công an đã bắt quả tang Trần Quốc Tuấn (Bình Thạnh) nhận 50 triệu đồng của Tân Hiệp Phát liên quan đến vụ việc chai trà xanh có con gián bên trong sản phẩm của tập đoàn này.

Ngày 17/7/2013, Tòa án nhân dân Q.Bình Thạnh (Tp.HCM) xét xử sơ thẩm vụ án, tuyên phạt Nguyễn Quốc Tuấn 3 năm tù về tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Năm 2012, anh Lê Cao Tánh (Lâm Đồng) gửi đơn đến Hội bảo vệ người tiêu dùng tỉnh yêu cầu xác minh làm rõ chất lạ có trong 2 chai Dr.Thanh.

Trước đó, anh Tánh mua 10 chai loại nước này có hạn sử dụng đến 22/8/2013 tại một tiệm tạp hóa gần nhà.

Sau khi các con anh Tánh uống thì có triệu chứng đau bụng đi ngoài. Khi kiểm tra thì phát hiện 2 chai Dr.Thanh còn lại chưa khui có chất lạ bên trong màu nâu kết tủa thành cục đặc quánh.

Tháng 12/2012, bà Tất Tố Mai (Bà Rịa-Vũng Tàu) phản ánh về các chai trà thảo mộc Dr.Thanh còn nguyên chưa khui và hạn sử dụng đến tháng 5-6/2013.

Tuy nhiên, nước uống trong chai đều có tình trạng chất kết tủa lợn cợn phía trên cổ chai.

Gần đây, nhiều nơi cũng đã phản ánh sản phẩm của Tân Hiệp Phát có lợn cợn và nghi dị vật bên trong.

Cuộc khủng hoảng lịch sử

Những bê bối của Tân Hiệp Phát xảy ra khá liên tục trong khoảng thời gian từ 2009 đến nay.

Nhưng vụ việc khiến người tiêu dùng mạnh mẽ lên án, khiến doanh nghiệp này rơi vào vòng xoáy của dư luận và tuyên bố bị thiệt hại nặng chính là vụ “con ruồi 500 triệu đồng”.

Ngày 3/12/2014, khi bán hàng cho khách, chủ quán cơm Võ Văn Minh (35 tuổi, ngụ xã An Cư, huyện Cái Bè, Tiền Giang) phát hiện có ruồi trong chai nước Number One chưa mở nắp của Công ty Tân Hiệp Phát.

Tới ngày 27/1/2015, ông Minh hẹn gặp đại diện Công ty Tân Hiệp Phát tại một quán cà phê ở huyện Cái Bè (Tiền Giang), trong lúc ông Minh nhận 500 triệu đồng thì bị Công an tỉnh Tiền Giang bắt quả tang.

Thời điểm này, Tân Hiệp Phát bị dư luận lên án về hành vi “bẫy người tiêu dùng”.

Sự việc tạo nên làn sóng phẫn nộ khi ngày 18/12/2015 ông Võ Văn Minh bị tuyên mức án 7 năm tù giam vì tội “cưỡng đoạt tài sản”.

Đại diện Tân Hiệp Phát cho biết kể từ khi sự việc xảy ra công ty đã bị thiệt hại 2.000 tỷ đồng. Sau phiên tòa, gia đình ông Võ Văn Minh tuyên bố sẽ kháng cáo lên cấp phúc thẩm.

Năm 2015 cũng là năm “đại hạn” của Tân Hiệp Phát khi có thêm hàng loạt những vụ việc khác “tố” sản phẩm của doanh nghiệp này có chứa nhiều dị vật ở nhiều tỉnh thành.
 

Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang đã tuyên mức án 7 năm tù giam đối với ông Võ Văn Minh vì tội “cưỡng đoạt tài sản.

Lời xin lỗi muộn màng có đủ để đi tiếp?

Sau khi làn sóng tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp này diễn ra mạnh mẽ, Tân Hiệp Phát bắt đầu gửi đến những “lời xin lỗi”.

Ngày 19/12/2015, một ngày sau khi tuyên án 7 năm tù giam đối với ông Võ Văn Minh, bà Trần Uyên Phương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hiệp Phát đã ký văn bản gửi các đối tác, đại lý phân phối tập đoàn này thông tin về vụ án cưỡng đoạt tài sản của ông Võ Văn Minh, nhấn mạnh rõ doanh nghiệp “lấy làm tiếc về sự việc”.

Tuy nhiên, lời xin lỗi này không thể làm dịu bớt dư luận đang phẫn nộ vì việc đẩy người tiêu dùng vào con đường lao lý.

Thậm chí, một số đơn vị đã ra văn bản cảnh báo người dùng và các cán bộ công nhân viên không sử dụng sản phẩm của Tân Hiệp Phát.

Sự việc ngày càng nghiêm trọng vì người tiêu dùng “tuyên bố thẳng là tẩy chay vì vấn đề đạo đức kinh doanh, chứ không phải do chất lượng sản phẩm.

Nghĩa là họ thù ghét một nhãn hàng và một ban lãnh đạo của doanh nghiệp”, theo Nhà báo Mai Phan Lợi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học – Trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (MEC).

Tiếp tục, ngày 25/12 vừa qua, Tân Hiệp Phát lại phát đi thông cáo bày tỏ quan điểm, sau hàng loạt thông tin về sản phẩm lỗi xuất hiện trên thị trường suốt 10 ngày qua, kể từ khi vụ án “con ruồi” được tuyên phạt.
Tuy nhiên, khủng hoảng của Tân Hiệp Phát đã đến mức “báo động đỏ”, kể cả khi doanh nghiệp chủ động lên tiếng xin lỗi, trảm “tướng” và thay “tướng” mới, giải cứu Võ Văn Minh, đền bù mọi trường hợp… vì một khi lòng tin người tiêu dùng đã mất, việc lấy lại không phải là điều dễ dàng.

Và vì thế, hành trình của Tân Hiệp Phát, và nay là Tập đoàn Number 1, có được viết tiếp hay không, phụ thuộc vào thái độ và hành động của người tiêu dùng.