Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT: “Cái gốc của niềm tin không phải sự hô hào”
Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn chức danh Bộ trưởng các thành viên Chính phủ, phóng viên Dân trí có cuộc phỏng vấn Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn.
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn
Phóng viên: Ông có cảm xúc gì khi được bổ nhiệm và đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đây là vinh dự lớn đối với cá nhân tôi, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ giao phó một trọng trách. Bản thân tôi vinh dự nhưng không tránh khỏi lo lắng, lo vì trước một trọng trách lớn mình sẽ hoàn thành nhiệm vụ như thế nào để đáp ứng được kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân giao phó.
Phóng viên: Khi nhận vị trí tư lệnh ngành, ông có nhìn nhận gì về ngành giáo dục Việt Nam hiện nay?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Ngành GD-ĐT của Việt Nam hiện nay đang nằm trong quá trình chuyển đổi mà ta gọi là đổi mới căn bản toàn diện. Trong những năm qua ngành GD-ĐT đã đi qua các chặng đường đổi mới các khâu, các phương diện và các khung quan trọng lớn, ở cả bậc giáo dục phổ thông và đại học.
Thời điểm này cần tiếp tục, vì đổi mới là không ngừng. Đất nước đang phát triển, giáo dục và đào tạo cũng phải đổi mới để hoàn thành sứ mệnh của ngành.
Đổi mới sẽ có xu hướng đi vào chiều sâu, tiếp tục hoàn thiện trên phương diện mà giai đoạn trước đã triển khai ở những khung, trụ cột lớn. Giai đoạn tiếp theo là sự tiếp nối, hoàn thiện, nói cách khác là chặng đổi mới theo chiều sâu.
Phóng viên: Việc đầu tiên ông sẽ làm trong vai trò Bộ trưởng Bộ GD-ĐT là gì?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cũng là nhà giáo mấy chục năm trong ngành giáo dục, các công việc của ngành tôi cũng không xa lạ, nhưng trên một cương vị mới, tôi sẽ nắm bắt tìm hiểu công việc, tôi nghĩ có một vài việc trước mắt sẽ diễn ra là kỳ thi tốt nghiệp THPT.
Hiện nay các cơ quan chức năng của Bộ đang tích cực chuẩn bị, vận hành, khi nhận việc, tôi sẽ nắm bắt công việc này để kỳ thi diễn ra tốt nhất.
Không phải áp lực mà là rất áp lực
Phóng viên: Ở vị trí tư lệnh ngành Giáo dục, ông sẽ dành quan tâm cho vấn đề nào nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: GD-ĐT là lĩnh vực lớn, người đứng đầu phải quan tâm và bao quát, khó có thể nói quan tâm đến một việc nào. Tôi sẽ phân loại có nhiều việc phải quan tâm.
Nếu nói quan tâm một việc gì cụ thể sẽ rất khó, nhưng sẽ có hai nhóm việc: Nhóm việc trước mắt, cấp bách, việc nóng phải làm ngay như kỳ thi tốt nghiệp THPT, việc triển khai chương trình GDPT. Có những việc nóng nhưng chưa phải là việc lớn, tôi cũng sẽ tìm hiểu giải quyết ngay.
Nhưng có những việc lớn, khi nhận nhiệm vụ, tôi sẽ bắt tay vào ngay như: Cùng với anh em xây dựng chương trình hành động của ngành GD-ĐT để triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tiếp tục đổi mới, thực hiện sứ mệnh của GD-ĐT tầm nhìn đến năm 2045. Đây là con đường được Đảng, Nhà nước, Chính phủ chỉ rõ, vấn đề là phải có chương trình hành động là định hướng lớn của GD-ĐT Việt Nam.
Về nhóm việc lâu dài của nền giáo dục, ngành GD-ĐT sẽ lên chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết XIII của Đảng, ban hành chiến lược phát triển giáo dục thì phải tập trung toàn lực để thực hiện.
Phóng viên: Với khá nhiều nhiệm vụ cần giải quyết như vậy, ông có áp lực?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Không phải áp lực mà là rất áp lực. Áp lực từ kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đối với ngành GD-ĐT, áp lực từ quan tâm của xã hội, áp lực từ sự kỳ vọng trông đợi của đội ngũ nhà giáo, học sinh sinh viên. Nhưng tôi nghĩ, áp lực chính là động lực, khiến cho cá nhân tôi, cho ngành GD-ĐT, cho những nhà quản lý, giáo viên không ngừng hoàn thiện, đổi mới để vượt lên đáp ứng kỳ vọng lớn.
Tôi nghĩ, áp lực đó cũng sẽ dần thay đổi về dạng thức và mức độ. Đó là áp lực rất lớn khi kỳ vọng chưa được đáp ứng nhiều, còn khi chất lượng GD-ĐT tốt hơn, quyền lợi của giáo viên, học sinh và các bên liên quan được đáp ứng, tôi nghĩ áp lực sẽ đỡ đi và dần dần những người làm giáo dục chúng tôi sẽ cảm thấy nhiều niềm vui hơn với nghề và công việc của mình.
Phóng viên: Ngành GD-ĐT ở giai đoạn này có những thuận lợi gì, thưa ông?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Thuận lợi ở thời điểm này rất lớn và căn bản. Mấy chục năm đổi mới vừa qua, GD-ĐT có nhiều kết quả to lớn, như đào tạo nhân lực phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, có công lao đóng góp của GD-ĐT. Đó là khoảng thời gian Giáo dục Phổ thông được đổi mới, đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn nghề nghiệp tăng, nhiều trường đại học được xếp hạng… Đây là những tiền đề quan trọng để chúng tôi đi tiếp, trên cơ sở kế thừa.
Thuận lợi cơ bản nhất là sự quan tâm đặc biệt của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, có riêng Nghị quyết 29, đã trải qua thời gian thực hiện, đã sơ kết nhưng vẫn còn nhiều việc phải tiếp tục thực hiện.
GD-ĐT được Đảng xem là quốc sách, là trụ cột, chỗ dựa về đường lối rất rõ ràng. Thuận lợi nữa do bối cảnh thời đại mang lại, là Việt Nam hội nhập sâu rộng, Việt Nam có vị thế trên trường quốc tế, giúp chúng ta học tập được kinh nghiệm quản trị, các mô hình đào tạo tiên tiến, biết được chúng ta đang ở đâu để phát triển, thu hút nguồn lực của thế giới cho GD-ĐT, trên cơ sở đó vừa so sánh để tìm ra được điểm đặc sắc của giáo dục Việt Nam.
Một thuận lợi nữa là sự phát triển của công nghệ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, giúp giải được nhiều bài toán cho giáo dục, như chuyển đổi số trong giáo dục.
Phóng viên: Không ít ý kiến cho rằng, dù đã đổi mới giáo dục nhưng trẻ em Việt Nam vẫn đi học quá vất vả so với trẻ em trên thế giới? Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Điều quan trọng nhất là trẻ em đi học phải vui, hào hứng, thích học. Với chương trình Giáo dục phổ thông được ban hành 2018, là bước đổi mới rất quan trọng, vấn đề là cách triển khai ra SGK và việc tổ chức dạy và học như nào cho phù hợp. Vấn đề là cách làm. Tôi tin trẻ em sẽ hào hứng và thích học.
Phóng viên: Nhưng liệu chúng ta đã thực sự tạo ra môi trường sư phạm thực sự hạnh phúc cho học sinh chưa?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Đấy là một mục tiêu rất lớn, rất tốt đẹp, nhà báo nghĩ như thế rất hay, nhưng bất kỳ mục tiêu nào cũng phải có thời gian và có bước đi. Cần nhìn rõ những việc cần làm để đạt mục tiêu đó, và cần quyết tâm. Tôi nghĩ có quyết tâm thì sẽ làm được.
Tân Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Trăn trở lớn nhất của tôi là làm thế nào để củng cố nâng cao vị thế cần có – phải có – của người giáo viên”.
Củng cố nâng cao vị thế cần có – phải có – của người giáo viên
Phóng viên: Trong quá trình đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đâu là điều khiến ông trăn trở nhất?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: GD-ĐT nói về quy mô của toàn ngành trong 5 năm qua, làm được nhiều việc, có nhiều việc lớn, khó. Đối với GDPT là việc xây dựng, ban hành chương trình GDPT 2018 và bắt đầu đưa vào triển khai, khi triển khai có va vấp.
Ngành GD-ĐT đã ban hành được hai Luật, trong đó có vấn đề then chốt là triển khai tự chủ đại học – tự chủ đã có đường hướng, nhưng sẽ phải có sự điều chỉnh, hoàn thiện cho tự chủ đi vào thực chất, có chiều sâu.
Đổi mới là tất yếu, vấn đề là cách làm, làm sao sự đổi mới đó, để giáo viên, học sinh có thể thực hiện một cách thoải mái, hào hứng, dễ tiếp nhận.
Trăn trở lớn nhất của tôi là làm thế nào để củng cố nâng cao vị thế cần có – phải có – của người giáo viên. Nhưng đây là điều lớn, khó, vừa là vấn đề của ngành GD-ĐT, của chính nhà giáo, nhưng cũng từ phía xã hội, người dân, phụ huynh và cả về phương diện quy phạm pháp luật, các quy định thể chế, cần gia tăng luật, nên nghĩ đến việc ban hành Luật Nhà giáo là câu chuyện cần thiết.
Nhưng còn vấn đề khó hơn nữa là, trong giai đoạn sắp tới phải đẩy mạnh xã hội hóa cho giáo dục, thu hút nguồn lực xã hội cho giáo dục phải mạnh hơn nữa. Nhưng đây là câu hỏi mà cả xã hội phải trả lời. Trước hết là hệ thống của ngành phải nghĩ đến việc lớn này.
Về tự chủ đại học, điểm cuối cùng là phải mang đến quyền chủ động cho giảng viên. Với bậc phổ thông là tính chủ động của giáo viên trong phạm vi có thể, giáo viên phải nêu gương.
Trong vấn đề dạy người mà vị thế của nhà giáo không cao, không được nâng lên, vun đắp và bảo vệ thì sẽ không xây dựng được tấm gương đó. Việc này không chỉ cần cho giáo viên, mà còn cần cho cả xã hội. Nhà giáo chỉ hoàn thành tốt nhiệm vụ khi việc đó thực hiện, giáo dục tốt, thì xã hội tốt vì giáo dục là phải vì con người. Đây là những việc tôi sẽ làm.
Đề cập tới giáo dục không chỉ là đòi quyền lợi, mà phải là nâng cao vị thế nhà giáo.
Ngành giáo dục với hàng trăm người tham gia, quy trình phức tạp, nhiều công đoạn, tôi sẽ rà soát xem xét thấu đáo, tôi sẽ có câu trả lời. Nhưng chất lượng phải hàng đầu.
Phóng viên: Ngành giáo dục thời gian qua có một vài sự cố tiêu cực ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân. Trong vai trò mới nhận, ông sẽ khôi phục lại phần niềm tin bị mất đó như thế nào?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Niềm tin là một trạng thái cảm xúc, sẽ phát sinh cảm xúc khi chất lượng và hiệu quả công việc có sự điều chỉnh, nên cái gốc của niềm tin không phải hô hào, mà hãy bắt đầu từ việc nhỏ. Từng bước, từng bước, từng ngày, từng ngày làm sao cho nó chất lượng hơn, giảm bớt sự cố, đến một lúc nào đó, mọi người sẽ có niềm tin.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!