Tâm tình cô giáo mầm non – Những điều ít ai biết về cô giáo mầm non.
Có bao giờ bạn thử nghĩ rằng: Nếu ngày mai trên thế giới không có cái gọi là Trường mầm non và cũng không còn ai chọn nghề “Giáo viên Mầm non” thì chuyện gì sẽ xảy ra? Lúc đó, bạn sẽ làm gì với các con? Bạn có thể nghỉ việc ở nhà chơi với con không? Hay thuê hẳn một người giúp việc, bảo mẫu với số tiền ngang ngửa với mức lương mình kiếm được? Chở con đến cơ quan hay tức tốc gọi ông, bà nội ngoại thay phiên trông con? Dường như tất cả phương án đều rất khả thi nhưng không thể duy trì đến khi con bạn bước vào lớp Một!
Nếu một ngày không có giáo viên mầm non, ai sẽ là người cho những đứa con bạn ăn đúng giờ, cho con bạn ngủ đủ giấc, dạy con bạn học và chơi với con bạn suốt một ngày dài đằng đẵng để bạn yên tâm đi làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình?
Nếu một ngày không có giáo viên mầm non, bạn sẽ xoay xở thế nào khi vừa phải đi làm, vừa phải lo cho con từ bữa ăn đến giấc ngủ, vừa phải làm đủ thứ việc trên đời…?
Bạn nghĩ sao nếu một ngày giáo viên mầm non chỉ lên lớp dạy theo tiết hoặc một buổi rồi về. Bạn sẽ đến đón con về tự chăm sóc? Như vậy một ngày của bạn sẽ trải qua thật dài khi đang đi làm nhưng vẫn phải nhớ đón con, chăm con ăn, ngủ, vệ sinh, dạy con học…
Vậy đấy, khi không có giáo viên mầm non chắc chắn bạn sẽ được vào vai người mẹ hiền, cô giáo tài năng, bạn bè thân thiết, bác sĩ ân cần, công an nghiêm khắc, cô tiên đa tài… nhưng bạn sẽ đóng vai được bao lâu?
Khi nhắc đến cụm từ “Giáo viên mầm non ” người ta thường hình dung ra hình ảnh cô ngồi kể chuyện cho các cháu nghe, hát múa, vui chơi cùng các cháu… Nhưng hoàn toàn không phải vậy. Đó chỉ là những giây phút hiếm hoi người giáo viên được thảnh thơi bên học trò của mình, còn phần lớn thời gian phải dành cho việc dọn dẹp, cho trẻ ăn uống, giặt khăn, lau chùi, kê giường, thảm ngủ, sắp xếp đồ chơi, chỗ ăn, chỗ ngủ cho trẻ…. Rồi những công việc không thể không làm như sổ sách, giáo án. Bên cạnh đó, là áp lực từ việc dự giờ, kiểm tra đột xuất đến áp lực từ phía phụ huynh… Trong hoàn cảnh ấy, người giáo viên không chỉ đơn thuần cần cái tâm để yêu thương mà cũng phải có nghị lực vững vàng lắm mới có thể vượt qua. Có thể thấy, cô giáo mầm non đã phải hóa thân thành người diễn viên diễn nhiều vai mà vai nào cũng đòi hỏi sự hoàn hảo tuyệt đối: vừa là bạn, là mẹ, vừa là cô, có những lúc lại là nghệ sĩ, bác sĩ trong lớp học…
Có nhiều người thường vui tính nói rằng giáo viên mầm non có phần hóm hỉnh nhưng đó lại là thực tế bởi giáo viên mầm non là tổng hợp tất cả những cái “SĨ” ở trên đời.
Trước hết, giáo viên mầm non là một Bác sĩ. Tại sao lại như vậy? Để có thể chăm sóc thật tốt các con, các cô phải hiểu một cách căn bản nhất về các bệnh thường gặp của trẻ, cách phòng ngừa và điều trị. Nếu có nói cô giáo mầm non là “Bác sĩ” thì cũng không sai.
Đồng thời, giáo viên mầm non cũng là một Họa sĩ. Đúng không nhỉ? Đúng đến 100%. Để có thể thu hút các bạn nhỏ vào tiết học của mình cô giáo mầm non cần chuẩn bị đồ dùng học tập, đồ chơi cho bé thật phong phú, hấp dẫn. Nhìn những bức tranh mẫu, những câu chuyện tự vẽ, trang trí trường, lớp sinh động thì có thể thấy được sự khéo léo và vất vả của các cô. Từ đó có thể nói “Cô giáo mầm non là một họa sĩ tài ba”.
Tác phẩm của các cô giáo Trường mầm non Trần Nguyên Hãn tại tường bao Cơ sở 1.
Giáo viên mầm non còn là những nghệ sĩ, ca sĩ… Không chỉ hát hay, múa dẻo mà các cô còn là những nhà biên đạo múa khi dạy các bé múa hát ở lớp, tổ chức những ngày lễ hội cho bé.
Cô giáo là những diễn viên chuyên nghiệp.
Giáo viên mầm non còn là những chuyên gia tâm lý. Để đưa ra được phương pháp giáo dục trẻ phù hợp, cô giáo mầm non cần nắm bắt được đặc điểm tâm sinh lý của trẻ. Các cô phải tư duy, linh động và sử dụng vốn kiến thức phong phú về mọi mặt mới có thể lên được kế hoạch giáo dục phù hợp với sự nhận thức của trẻ và hoàn cảnh của nhóm lớp. Đây là điều không phải ai cũng có thể làm được.
Ngoài ra, để trở thành giáo viên mầm non thực thụ, người giáo viên còn cần rèn luyện kỹ năng, nâng cao trình độ chuyên môn, tu dưỡng đạo đức. Đồng thời, các cô phải có tinh thần trách nhiệm cao và sự chịu đựng ghê gớm: Đó là áp lực tiếng ồn, là áp lực về thời gian, áp lực về công việc. Và trên hết, giáo viên mầm non cần là những người tràn đầy nhiệt huyết và tình yêu đối với trẻ thơ.
Dạy trẻ trải nghiệm gói bánh chưng nhân dịp Xuân về.
Tự tay trang trí món ăn hấp dẫn về màu sắc kích thích trẻ.
Dạy con biết bảo vệ môi trường.
Việc chăm sóc và dạy dỗ những mầm non tương lai mang lại cho giáo viên mầm non rất nhiều trải nghiệm và những cung bậc cảm xúc khác nhau… Được đồng hành cùng tuổi thơ, nuôi dưỡng những cảm xúc chân thành, đáng yêu của trẻ là niềm hạnh phúc bình dị nhưng đong đầy tình thương và bao dung của các cô.
“Chưa từng làm mẹ nhưng em có một đàn con.
Khi chưa sinh con, bao người gọi em là mẹ.
Sao mà yêu thế, em nâng những búp tay thon.
Vì yêu các con, em là cô giáo mầm non”.
“Vì yêu các con” – câu hát tưởng chừng như đơn giản ấy nhưng lại chứa đựng tình yêu thương vô bờ bến. Tình yêu thương với những đứa trẻ sẽ là động lực không nhỏ để các cô gắn bó với nghề. Bên cạnh đó, sự thấu hiểu và đồng hành từ phía phụ huynh, xã hội cũng sẽ là động lực giúp các cô thêm vững tâm hơn.
Nguyễn Thị Tâm – Giáo viên.