Tâm sự gây sốc của một giáo viên mầm non đã bỏ nghề

Từng kiến tập và thực tập ở 4 trường mầm non chuẩn quốc gia và ở lại một trong 4 trường đó để dạy trẻ nhưng tôi vẫn không tài nào thích nghi được với môi trường giáo dục mà theo đánh giá của tôi là “buồn ít hơn vui”.

Những cú sốc đầu tiên

 

Nhìn 64 cái đầu quay ra “con chào các cô ạ!”, nói thật, tôi hơi choáng. Ảnh minh họa

 

Lớp mẫu giáo đầu tiên mà nhóm tôi thực tập là lớp mẫu giáo lớn, sĩ số lớp là 64 trẻ. Nhìn 64 cái đầu quay ra “con chào các cô ạ!”, nói thật, tôi hơi choáng. Khi ngồi trên giảng đường, tôi được biết chuẩn sĩ số cho một lớp mẫu giáo (3 – 6 tuổi) lần lượt như sau: Lớp mẫu giáo 3 – 4 tuổi: 25 trẻ; lớp mẫu giáo 4 -5 tuổi: 30 trẻ; lớp mẫu giáo 5 – 6 tuổi: 35 trẻ (Điều lệ trường mầm non – năm 2008, áp dụng cho đến nay).

Vậy mà nhìn ở đây có tận 64 trẻ/ lớp và nhìn chung, sĩ số lớp trung bình tại nhà trường cũng từ 50 – 70 trẻ. Tôi thấy hình như trường có “vượt chuẩn” hơi quá.

Tuy nhiên, tôi cũng tự an ủi mình. Có khi số trẻ phải tương quan với diện tích sử dụng, đông trẻ mà diện tích lớn thì cũng bớt lo hơn. Tuy nhiên, khi kiểm tra lại chuẩn diện tích của trường lớp mầm non, tôi lại càng “sụp đổ”.

Cũng theo Điều lệ trường mầm non – năm 2008, tại Điều 28 có quy định rõ, phòng nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em (hiểu nhanh là lớp học) cần đảm bảo diện tích như sau: Phòng sinh hoạt chung từ 1,5 – 1,8 m2/ trẻ, phòng ngủ từ 1,2 – 1,5 m2/ trẻ, phòng vệ sinh từ 0,4 – 0,6 m2/ trẻ, hiên chơi từ 0,5 – 0,7 m2/ trẻ. Như vậy, diện tích tối thiểu cho một đứa trẻ sinh hoạt tại một lớp là 3,6 m2, tối đa là 4,6 m2. Dựa vào đó, có thể tính, một lớp 64 trẻ sẽ cần tối thiểu 230,4 m2. Nhưng lớp mẫu giáo tôi từng thực tập có diện tích khoảng 90 m2 – 120 m2. Thậm chí, nếu tính xông xênh lên 150 m2 thì cũng khó mà “chạm chuẩn”.

Chính vì sĩ số đông, cộng với diện tích không đủ nên lớp tôi dạy phải chia làm hai để tiện sinh hoạt. Sau khi tập thể dục ở sân trường, đi vệ sinh, điểm danh, các con bắt đầu chia ra 2 tốp. Tốp 1 học, tốp 2 ra chơi – hoạt động ngoài trời. Hết giờ lại đảo lại.

Thoạt đầu, tôi nghĩ vậy cũng là sắp xếp khéo léo nhưng sau cũng thấy tội tụi trẻ, có những đứa chẳng được học (mầm non hay né từ học bằng hoạt động chung có mục đích học tập – Nghe sao mà phức tạp!) với bạn buổi nào. Rồi hôm mưa gió, không ra hoạt động ngoài trời thì một tốp chơi trong phòng, chơi phải thật khẽ để các bạn phòng kia học. Rồi cũng bất cập, các nhà giáo dục nghiên cứu giờ học tập, vui chơi chán chê mới đưa ra thời khóa biểu khoa học nhất cho các con, cuối cùng vì người đông, lớp chật mà thời khóa biểu đó bị đảo lộn: Giờ học thì chơi, giờ chơi thì đi học.

Sốc cấp số nhân

 

Chị giáo viên tiền bối dặn dò muốn “xử lý” trẻ hư thì đánh vào bàn tay và nói: “Cô thưởng cho con một (hay bao nhiêu đó) bông hoa vào tay này”.

 

Vì nhu cầu đi học là chính đáng, trẻ đi học đông cần lấy làm mừng nên tôi nghĩ: Các con thiếu cơ sở vật chất thì bù cho chúng bằng sự vui vẻ, tình yêu thương khi ở với cô giáo. Thế mới khuyến khích con trẻ đến trường. Vậy nên, sau khi tốt nghiệp, tôi quyết định quay trở về một trường mà mình đã thực tập để dạy trẻ.

Đi làm được tháng đầu tiên, tôi được một giáo viên tiền bối chị dạy cho khá nhiều kinh nghiệm (mà trước đó, thực tập sinh tôi không biết). Một trong số đó là việc kỷ luật trẻ.

Báo chí mấy năm gần đây phanh phui nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non nên ngành chúng tôi cũng bị “soi” kỹ. Khởi đầu và bùng nổ là vụ bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa. Các bố các mẹ cũng lo lắng và hướng dẫn con cái có cái gì phải về mách ngay. Tụi trẻ thì ngày càng thông minh. Chị giáo viên tiền bối nghiêm túc dặn dò tôi rằng, không được nhốt trẻ vào phòng tối nhưng nếu nó hư mà muốn xử lý nó thì đánh vào bàn tay và nói: “Cô thưởng cho con một (hay bao nhiêu đó) bông hoa vào tay này”. Về bố mẹ có hỏi hôm nay có gì thì chúng chỉ bảo cô thưởng cho một bông hoa!

Tôi tưởng chỉ có mỗi bí kíp đó rồi áp dụng toàn trường, ai dè, mỗi giáo viên lại có các độc chiêu khác nhau. Chị giáo viên lớp bên cạnh nhất mực: Không được đánh trẻ nhưng nếu chúng nó nghịch quá thì dùng thước quật vào gan bàn chân. Như vậy không có dấu vết và phải dặn không được về mách mẹ. Cái gan bàn chân – nơi có nhiều huyệt nhất mà quật vào thế các con sẽ ra sao?

Đấy là khoản “roi vọt”, còn đến việc ăn uống của tụi trẻ cũng lắm điều. Thường trẻ ăn chậm sẽ được xếp ngồi xen kẽ với trẻ ăn nhanh để chúng ganh đua nhau mà tăng tốc, nhưng có những đứa trẻ ăn rất chậm. Sau khi các bạn ăn hết, mỗi bàn còn khoảng 1 – 2 trẻ. Những bé này sẽ lại ngồi dồn vào 1 bàn để các bạn (đã ăn xong rồi) đi lau dọn bàn khác.

Nhưng khổ nỗi, có đứa vẫn không ăn hết, cứ ngồi khều khều cơm, rồi vừa ăn vừa nói chuyện với bạn. Thế là các cô cho đồng loạt đứng dậy, đứng cạnh cô, ăn cho bằng hết thì thôi. Có đứa cố ăn mà nước mắt với nước mũi hai hàng. Nhìn đến tội. Những lúc đó, tôi thường thủ thỉ: “Thôi, chúng nó chán rồi chị ạ” và bảo các con đi cất bát. Vậy mà tôi cũng bị lườm nguýt vì “không thống nhất quan điểm giáo dục”.

Cũng là do vụ lùm xùm mang tên ăn bớt khẩu phần ăn của các cháu, thế là trường có chỉ thị, phải chia hết, các con ăn hết, không hết đổ nước gạo chứ không được chia thừa, thiếu một muôi. Trộm nghĩ, ăn thì cần theo nhu cầu, có đứa hôm nào cũng thừa và cũng phải đổ, ngày nào cũng bị mắng vì tội ăn thừa. Tôi thấy cái kiểu “nguyên tắc là nguyên tắc” sao mà nghiệt ngã.

Rồi giờ ăn thì cấm nói chuyện. Thậm chí có hẳn khẩu hiệu của lớp: “Giờ ăn cơm. Không nói chuyện”. Ô hay! Nhai cơm không nên nói chuyện thì đúng chứ giờ ăn mà không được trò chuyện cho vui vẻ, thư giãn thì chỉ có thánh mới làm được.

Vừa nhẹ nhõm vừa hổ thẹn

Đi làm được gần 1 năm, tôi xin nghỉ, trộm vía, chưa thưởng hoa cho con nào! Tôi thấy nếu mình còn dạy học tại đây thì sẽ không có đủ ý chí để luôn yêu trẻ. Tôi thấy nghề mình mà thế thì chẳng khác gì diễn viên. Trước mặt tụi trẻ thì giống ngáo ộp, nhưng trước mặt phụ huynh thì hiền từ và yêu trẻ với tình yêu của Đức mẹ. Tôi thực sự nhẹ nhõm khi bỏ dạy.

Nhưng cũng đôi lúc, tôi tự thấy hổ thẹn vì mình không đủ dũng cảm để ở lại bên các con. Giả sử có duy nhất tôi thì ít ra nếu tôi ở lại thì cũng có một giáo viên không bao giờ đánh mắng trẻ. Và biết đâu, còn nhiều giáo viên như thế. Nhưng tôi đã bỏ chạy và cũng có thể những người như tôi cũng đã bỏ chạy. Bọn trẻ sẽ thiệt thòi.

Tôi kể ra đây không phải là cách để lên án mà chỉ đơn giản là một cách khiến cho mình nhẹ lòng đôi chút và những mong những giáo viên sắp và đang đứng lớp hiểu rằng: “Muốn làm thầy trước hết phải làm cha”.