Tầm quan trọng , ý nghĩa của việc trồng cây xanh
Ngày 28/11/1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân” và lời kêu gọi “Mùa xuân là Tết trồng cây, làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Đã được nhân dân cả nước ủng hộ nhiệt tình trở thành phong tục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, khởi đầu cho các hành động bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng hằng năm của các ngành, các cấp và nhân dân, góp phần quan trọng, thiết thực vào công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Cây xanh có vai trò vô cùng to lớn trong cuộc sống của chúng ta. Từ xa xưa đến nay, cuộc sống của loài người luôn gắn bó và không thể tách rời khỏi thiên nhiên. Cây xanh bảo vệ môi trường và cải thiện không gian sống. Cây xanh có tác dụng cải thiện khí hậu vì chúng có khả năng ngăn chặn và lọc bức xạ mặt trời, ngăn chặn quá trình bốc hơi nước, giữ độ ẩm đất, không khí, kiểm soát gió và lưu thông gió; bảo vệ môi trường: hút khí CO2 và cung cấp khí O2, ngăn giữ các chất khí bụi độc hại từ nhà máy, rác thải và nhiệt từ chính con người tỏa ra từ đó giúp giảm bớt nhiệt. Cây xanh, cây rừng còn giúp tiết kiệm nước, giảm xói mòn đất, chống sạt lở, lũ ống, lũ quét, lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo trở thành mạch nước ngầm. Tại các vùng đồng bằng ven biển, vai trò của rừng ngập mặn cũng rất quan trọng làm hạn chế thủy triều, sóng, bão…
Trong những năm gần đây, hiện tượng thời tiết bất thường xảy ra phức tạp, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, kinh tế, xã hội. Nguyên nhân gây ra thiên tai nặng nề là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng cực đoan, khó dự báo. Để chung tay chống biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan chúng ta cần tăng cường bảo vệ môi trường sống, hoạt động kinh doanh, sản xuất…thì hoạt động trồng thêm cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc là một việc làm cần thiết.
Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng một tỷ cây xanh trong 5 năm tới. Thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa nước đảm bảo an toàn cho sản xuất và đời sống người dân. Ngày 31/12/2020, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 45/CT-TTg về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và tăng cường công tác bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021. Đến hết năm 2025, cả nước trồng được một tỷ cây xanh, trong đó 690 triệu cây trồng phân tán ở các khu đô thị và vùng nông thôn, 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất, nhằm góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.
Ngày 01/4/2021 Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025. Đề án nêu rõ, phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân. Phát huy truyền thống trồng cây do Bác Hồ khởi xướng, đưa việc trồng cây xanh thực sự trở thành phong trào thi đua thiết thực, hiệu quả của các cấp, các ngành, trong từng khu dân cư với sự tham gia tích cực của tất cả người dân, tránh thực hiện phô trương, hình thức, là hành động thiết thực học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Tăng cường xã hội hóa, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế và lồng ghép các chương trình phát triển kinh tế xã hội để trồng một tỷ cây xanh. Trong đó, ngoài trồng rừng tập trung, cần tăng tỷ lệ trồng cây xanh phân tán tại các vùng nông thôn, đô thị, đường giao thông, công trình hạ tầng đô thị, công trình giáo dục, y tế, văn hóa, nhà máy, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu văn hóa, lịch sử… bảo đảm tỷ lệ cây xanh theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Bên cạnh đó, trồng cây xanh phải đi đôi với chăm sóc, bảo vệ, quản lý, giám sát để bảo đảm cây trồng, rừng trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Việc trồng cây xanh không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng mà còn giúp cho đất nước có một không gian xanh. Trồng cây cần có kế hoạch, quy hoạch, gắn cây với phát triển kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với xây dựng đời sống nhân dân. Mỗi chúng ta hãy góp sức chung tay trồng cây xanh, bảo vệ rừng là việc làm thiết thực, góp phần cải thiện không khí, chống biến đổi khí hậu, mang lại một môi trường xanh – sạch – đẹp cho quê hương, đất nước./.
Chu Trang