Tấm hình đáng nhớ của nữ biệt động Sài Gòn
Hơn 1 tháng sau khi chụp tấm hình này, nữ biệt động thành đã bị địch bắt, đày ra Côn Đảo.
1. Mỗi sáng, bà Tám Cúc (sinh năm 1947, tên thật là Trần Thị Khuya) dậy sớm, chuẩn bị tập thể dục tại nhà. Những năm trước, bà thường ra ngoài trời đi tập nhưng gần đây, bệnh giãn tĩnh mạch khiến bà ít di chuyển hơn.
Bà Tám Cúc hiện nay
Bà Tám Cúc Trần Kim Cúc, là một trong những cựu tù chính trị Côn Đảo, nữ biệt động Sài Gòn. Những ngày gần tới 30/4 – ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước – bà Tám Cúc lại lần giở xem lại tấm hình được chụp năm 1968 ngay tại trung tâm Sài Gòn.
Khi ấy, bà đang hoạt động nội thành với vai trò là Đội phó Đội võ trang tuyên truyền khóm 8 Cầu Kho, trực thuộc lực lượng võ trang Quân khu 3. Lực lượng này còn có tên là Lực lượng võ trang trung dũng.
Trong một lần đi khảo sát địa bàn, nữ biệt động thành Tám Cúc đã vào tiệm ảnh trung tâm Sài Gòn để chụp. Một bức ảnh đáng nhớ, đáng quý, không bao giờ quên với cuộc đời của bà. Bởi vì chỉ 1 tháng sau thì Tám Cúc bị địch bắt.
Đó là ngày 5/5/1968.
Chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968, công việc của Tám Cúc và đồng đội là phối hợp cùng các lực lượng bên ngoài, thành lập đội võ trang tuyên truyền thành từng khóm. Nhóm của Tám Cúc đi khảo sát địa bàn, xây dựng cơ sở bên trong, tìm chỗ ở vững chắc, chuẩn bị nơi đặt vũ khí và về căn cứ tập huấn, võ thuật.
Cô Tám Cúc chụp hình tại Sài Gòn năm 1968, thời điểm công tác nội thành, trước khi bị bắt
Đội của Tám Cúc có 3 người, đều là nữ, địa bàn thực hiện ở khóm 8 Cầu Kho, Quận Nhì, Sài Gòn (nay là Bến Chương Dương, Q.1, TPHCM).
“Thời điểm đó, chúng tôi có nhiệm vụ chuyển vũ khí từ ngoại thành vào trung tâm Sài Gòn. Sau đợt tấn công Mậu Thân đợt 1, địch chốt chặn nghiêm tất cả các chốt, kiểm soát gắt gao. Chúng tôi chuyển vũ khí bằng cách giấu trong các cần xé (một loại rổ tre lớn chuyên đựng trái cây của người Nam bộ – PV) rau cải, xà lách.
Khi tới trạm kiểm soát xếp hàng thì cứ để cần xé đó rồi người đi trước để nếu bị phát hiện thì người cũng không bị bắt. Qua 2 đợt trót lọt, tới lần 3 thì bị phát hiện. Địch dùng cây xăm vô, chọc lút kiểm tra. Nhưng rất may người không bị làm sao, an toàn”, bà Tám Cúc nhớ lại.
Hoạt động trong nội thành, các nữ chiến sĩ đi tuyên truyền bằng cách rải truyền đơn và loa nói chuyện, vận động người dân trở về quê, không đi lính.
Vào ngày 5/5/1968, được lệnh của cấp trên, lực lượng võ trang trong nội thành nổi dậy. Ban đầu, kế hoạch đưa ra là nội thành và ngoại thành cùng nổi dậy và tấn công, tuy nhiên sau đó có thay đổi.
“Nếu bên ngoài chưa kịp tấn công thì bên trong vẫn nổi dậy. Và chúng tôi đã thực hiện theo kế hoạch 2 như vậy”, bà Tám Cúc cho biết.
Vào lúc 15h ngày 5/5/1968, hai đồng đội của Tám Cúc đã hy sinh. Tám Cúc bị địch bắt giữ và thẩm vấn ở các nhà giam khác nhau: Ty Cảnh sát Quận Nhì, Nha Cảnh sát Đô thành Sài Gòn, Tổng nha Cảnh sát.
Khi không thể lay chuyển được Tám Cúc, chúng chuyển bà sang nhà tù Thủ Đức, khám Chí Hòa, Tân Hiệp và cuối cùng là Côn Đảo để tra tấn bà dã man bằng dùi cui, roi điện khi bà và các đồng đội đấu tranh chống chào cờ. Đây là lần thứ 3, Tám Cúc bị bắt. Hai lần trước lần lượt là năm 1965 và 1967.
Sau khi Hiệp định Paris được ký kết năm 1973, nữ chiến sĩ biệt động thành Trần Kim Cúc được trở về Sài Gòn.
2. Từ Côn Đảo về lại đất liền, Tám Cúc tiếp tục công việc phục vụ Cách mạng. Bà về công tác ở ban Đón tiếp L71. Năm 1974, bà chuyển sang công tác tại Hội Phụ nữ Sài Gòn Gia Định.
Chuẩn bị Chiến dịch mùa xuân 1975, Tám Cúc được Thành hội Phụ nữ cử về quận Tân Bình ngày 12/4/1975 để làm công tác chuẩn bị cán bộ Phụ nữ Tân Bình, tham mưu cho Thành ủy. Khi chuẩn bị giải phóng hoàn toàn miền Nam thì đã có sẵn khung cán bộ phụ nữ.
Bà Trần Kim Cúc đã kinh qua các chức vụ Hội trưởng Hội Phụ nữ Quận Tân Bình; Thành ủy viên; Phó Chủ nhiệm UBKT Thành ủy; Bí thư Quận ủy Tân Bình. Năm 2004, bà Trần Kim Cúc nghỉ hưu.
Từ đó tới nay, bà là Trưởng Ban liên lạc cựu tù chính trị quận Tân Bình, đồng thời là Chủ tịch Chi hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo liên quận.
Hiện, cựu nữ biệt động thành sống an vui cùng 3 người con và 4 cháu. Bà nói: “Tôi luôn tự hào về một đời cống hiến cho cách mạng của mình”.
Theo Phụ nữ Việt Nam