Tâm Lý Học Cộng Đồng Giúp Khám Phá Mối Liên Kết Giữa Cá Nhân & Xã Hội

Tâm Lý Học Cộng Đồng Giúp Khám Phá Mối Liên Kết Giữa Cá Nhân & Xã Hội

Bạn đã bao giờ tự hỏi làm thế nào mọi người có thể tích cực hơn trong cộng đồng của họ? Hay bạn có từng nghĩ về việc các vấn đề cộng đồng có thể tác động đến sức khỏe và tinh thần của các cá nhân như thế nào không? Đây là hai trong các chủ đề chính được quan tâm trong lĩnh vực tâm lý học cộng đồng. Vậy tâm lý học cộng đồng là gì? Hãy cùng tìm hiểu về tâm lý học cộng đồng qua bài viết dưới đây.

Tâm Lý Học Cộng Đồng Là Gì?

Tâm lý học cộng đồng là một lĩnh vực chuyên môn liên quan đến cách thức mà các cá nhân liên kết với xã hội. Đây là một lĩnh vực khá sâu và rộng trong tâm lý học, tổng hợp các yếu tố từ các ngành khác nhau bao gồm xã hội học, khoa học chính trị, sức khỏe cộng đồng, tâm lý học đa văn hóa và tâm lý học xã hội. Các nhà tâm lý học làm việc trong lĩnh vực này xem xét cách mà văn hóa, kinh tế, xã hội, chính trị và môi trường hình thành và ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người, bao gồm các vấn đề như sự trao quyền, tính đa dạng, sự hoà nhập của công dân, xây dựng ý thức cộng đồng, phòng ngừa các vấn đề và nâng cao sức khỏe.

Các nhà tâm lý học cộng đồng tìm cách tạo ra sự thay đổi tích cực trong một cấu trúc xã hội thông qua thay đổi bậc một hoặc thay đổi bậc hai. Thay đổi bậc một liên quan đến việc thúc đẩy những thay đổi trong cá nhân để ngăn chặn hoặc khắc phục một vấn đề cộng đồng. Thay đổi bậc hai liên quan đến việc thay đổi các hệ thống xã hội gây ra các vấn đề để đảm bảo rằng các cá nhân phù hợp hơn với môi trường của họ. Ví dụ như vấn đề hút thuốc lá ở trẻ vị thành niên, thay đổi bậc một là đưa các trẻ nghiện thuốc đi cai nghiện còn thay đổi bậc hai là nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá với trẻ và đặt quy định cấm bán thuốc lá cho trẻ dưới 18 tuổi.

Lịch Sử

Tâm lý học cộng đồng bắt đầu xuất hiện từ những năm 1960 khi các nhà tâm lý học ngày càng trở nên không hài lòng với khả năng hạn chế trong việc giải quyết các vấn đề xã hội của tâm lý học lâm sàng. Ngày nay, nhiều người công nhận cuộc gặp năm 1965 của các nhà tâm lý học tại Hội nghị Swampscott là sự khởi đầu chính thức của tâm lý học cộng đồng đương đại. Tại cuộc họp này, những người tham dự đã kết luận rằng tâm lý học cần tập trung nhiều hơn vào sự thay đổi của cộng đồng và xã hội để giải quyết vấn đề sức khỏe tâm thần và hạnh phúc. Đặc biệt, họ nhận ra rằng, việc phòng ngừa các vấn đề tâm lý sẽ tốt hơn rất nhiều thay vì chỉ điều trị nó. Kể từ thời điểm đó đến nay, lĩnh vực này vẫn tiếp tục phát triển.

Tham khảo ngay bài viết về nguồn gốc của tâm lý học. 

Các Mục Tiêu Và Nguyên Tắc Của Tâm Lý Học Cộng Đồng

Định Hướng Công Bằng Xã Hội

Tâm lý học cộng đồng tập trung vào công bằng xã hội là do nhận thức được rằng nhiều vấn đề xã hội của chúng ta vẫn tồn tại khi các nguồn lực được phân bổ không cân đối trong toàn xã hội. Ví dụ về vấn nạn bạo lực học đường, trong khi các dịch vụ sức khỏe tâm thần truyền thống như liệu pháp trị liệu hay tham vấn tâm lý sẽ không giải quyết triệt để được sự bất bình đẳng gây hại cho sức khỏe tâm thần của trẻ thì các chiến lược thay đổi bậc hai của tâm lý học cộng đồng sẽ giải quyết các hệ thống và cấu trúc xã hội gây ra vấn đề và có thể huy động nhiều mối quan hệ hợp tác để mang lại nhiều nguồn lực hơn cho trường học cũng như hỗ trợ giảm các hoạt động kết bè phái hay bạo lực.

Tham khảo: Hiểu đúng và ứng xử phù hợp đối với bạo lực học đường tại đây.

Thay Đổi Góc Nhìn – Mô Hình Sinh Thái

Một khía cạnh của Tâm lý học cộng đồng làm cho nó khác biệt với Tâm lý học lâm sàng truyền thống là sự thay đổi quan điểm cá nhân. Các nhà tâm lý học cộng đồng xem xét cách các cá nhân, cộng đồng và xã hội liên kết với nhau thay vì chỉ tập trung vào cá nhân. Do đó, bối cảnh hoặc môi trường được coi là một phần không thể thiếu khi cố gắng hiểu và làm việc với các cộng đồng và cá nhân gắn liền với chúng. Sinh thái có nghĩa là có nhiều cấp độ hoặc nhiều lớp vấn đề cần được xem xét, bao gồm cá nhân, gia đình, khu phố, cộng đồng và các chính sách ở cấp độ quốc gia. Quan điểm sinh thái này giúp chúng ta vượt ra khỏi định hướng của chủ nghĩa cá nhân để hiểu và giải quyết được nhiều vấn đề xã hội quan trọng trên thế giới.

Tôn Trọng Sự Đa Dạng

Tâm lý học cộng đồng tôn trọng sự đa dạng cũng như đánh giá cao quan điểm và chuẩn mực của các nhóm từ các nguồn gốc dân tộc hoặc chủng tộc khác nhau hay những người có giới tính, khuynh hướng tình dục và mức độ khả năng hoặc khuyết tật khác nhau.

Đề Cao Sự Tham Gia Tích Cực Của Công Dân

Các thành viên trong cộng đồng được coi là nguồn lực cung cấp các quan điểm độc đáo về cộng đồng và các rào cản cần phải vượt qua trong các hoạt động xã hội. Tất cả các đối tác đều tham gia bình đẳng vào quá trình nghiên cứu trong lĩnh vực. Các cá nhân xây dựng các kỹ năng có giá trị khi họ giúp các nhà nghiên cứu xác định vấn đề, cung cấp giải pháp và có tiếng nói trong các quyết định cuối cùng ảnh hưởng đến họ và cộng đồng của họ.

Hợp Tác Liên Ngành

Các vấn đề xã hội rất phức tạp và đan xen nhau xuyên suốt mọi tầng lớp của xã hội chúng ta. Tâm lý học cộng đồng thúc đẩy sự hợp tác liên ngành với các chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau để chung tay giải quyết vấn đề.

Trao Quyền

Trao quyền được định nghĩa là quá trình mà những người và cộng đồng trước đây không có quyền kiểm soát cuộc sống của họ trở thành người làm chủ số phận của chính họ. Những người và cộng đồng được trao quyền có quyền tự chủ và tự quyết cao hơn, được tiếp cận nhiều hơn với các nguồn lực, tham gia vào quá trình ra quyết định của cộng đồng và bắt đầu nỗ lực để thay đổi những điều không công bằng trong xã hội.

Tăng Cường Sức Khỏe

Cuối cùng, tăng cường sức khỏe là một đặc điểm khác của tâm lý học cộng đồng. Sức khỏe là sự kết hợp của thể chất, tâm lý và xã hội, bao gồm cả việc đạt được các mục tiêu cá nhân và hạnh phúc. Hơn nữa, tâm lý học cộng đồng áp dụng khái niệm này và theo một nghĩa nào đó, nó chính là sức khỏe cộng đồng.

Các Lĩnh Vực Liên Quan

Người ta đôi khi nhầm lẫn giữa tâm lý cộng đồng với các lĩnh vực liên quan như công tác xã hội, tâm lý học đa văn hóa và tâm lý học xã hội. Dưới đây là những điểm khác biệt và điều cần lưu ý.

So Với Tâm Lý Học Lâm Sàng

Tâm lý học cộng đồng giống với tâm lý học lâm sàng ở việc tập trung vào hành động và giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, tâm lý học lâm sàng có xu hướng tập trung nhiều hơn vào việc giải quyết các vấn đề cá nhân, trong khi tâm lý học cộng đồng hướng đến tìm hiểu các vấn đề xã hội tiềm ẩn góp phần gây ra những vấn đề của các cá nhân.

So Với Công Tác Xã Hội

Tâm lý học cộng đồng cũng có cách tiếp cận tổng thể dựa trên hệ thống để hiểu hành vi và cách mọi người hòa nhập với xã hội. Điều này cũng gần giống như các lĩnh vực liên quan như xã hội học và tâm lý học xã hội. Tuy nhiên, tâm lý học cộng đồng có xu hướng tập trung hơn vào việc áp dụng kiến ​​thức tâm lý và xã hội để giải quyết vấn đề, tạo ra các giải pháp trong thế giới thực và hành động ngay lập tức.

So Với Y Tế Công Đồng Và Tham Vấn Tâm Lý

Giống như việc tham vấn sức khỏe cộng đồng, tâm lý cộng đồng cũng tập trung vào việc ngăn ngừa các vấn đề không tốt cũng như nâng cao sức khỏe và hạnh phúc. Nó cũng giúp định hướng nghiên cứu trong đó, các nhà tâm lý học cộng đồng thường thực hiện nghiên cứu ban đầu, phát triển các khuôn khổ lý thuyết, và sau đó áp dụng kiến ​​thức này trực tiếp trong các cộng đồng chung và các cộng đồng riêng biệt.

Có thể bạn quan tâm: Làm thế nào để trở thành nhà nghiên cứu tâm lý học?

Nguồn: 

  1. Verywellmind – What Is Community Psychology?

  2. Rebus Community – Introduction To The Field Community Psychology