Tam Đường vào mùa thu hoạch Mắc ca
Người dân xã Thèn Sin kiểm tra quả Mắc ca.
Cây Mắc ca được trồng trên địa bàn huyện từ năm 2012, thông qua chương trình khuyến nông, khuyến lâm. Đặc biệt, vào ngày 26/12/2017, UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Quyết định về việc phê duyệt Đề án khuyến khích phát triển cây Mắc ca tập trung trên địa bàn tỉnh đến năm 2021. Khi tỉnh có chủ trương và được sự chỉ đạo của huyện, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường đã tập trung phối hợp với các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai các nội dung, chính sách hỗ trợ phát triển cây Mắc ca đến người dân địa phương; rà soát, bổ sung vùng trồng cây Mắc ca tập trung vào quy hoạch nông thôn mới của các xã; hàng năm, huyện đã xác định vùng trồng Mắc ca, nhu cầu của người dân để xây dựng dự án, lựa chọn giống phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng vùng và trong quá trình thực hiện tăng cường kiểm tra, giám sát.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Đường cho biết: Người dân trên địa bàn huyện cũng khá nhanh nhạy với việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Khi được tuyên truyền cây Mắc ca có hiệu quả kinh tế cao, người dân đã mạnh dạn trồng và chăm sóc. Hiện tổng diện tích toàn huyện huyện Tam Đường là 346,91 ha (trong đó diện tích trồng thuần là 152,55 ha, trồng xen là 194,36 ha) với 9 dòng giống bao gồm: 741, 695, 842, 816, OC, 900, 849, 246, 800. Diện tích Mắc ca tập trung nhiều tại các xã: Thèn Sin, Bản Bo, Nùng Nàng, Bản Hon, Hồ Thầu… Trong đó, diện tích đang chăm sóc là 253,21 ha và diện tích cho thu hoạch là 93,7 ha. Những cây Mắc ca cho thu hoạch chủ yếu được trồng từ trước năm 2014. Về sản lượng, năm 2019 Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện ước đạt 159 tấn quả, tăng 27 tấn so với năm 2018.
Ngoài bán Mắc ca trực tiếp thì dưới thời công nghệ 4.0, Mắc ca thu hoạch trên địa bàn huyện Tam Đường được bán nhiều trên zalo, facebook và các trang bán hàng trên mạng. Người mua chỉ cần đặt là có hàng giao tận nơi. Chị Nguyễn Thị Mai, chuyên bán hàng trên địa bàn thành phố Lai Châu đã nhập Mắc ca của huyện Tam Đường về bán cho biết: Mùa Mắc ca năm ngoái em bán được 3-4 tạ. Năm nay, mới vào đầu vụ thu hoạch em đã bán được 2 tạ. Khách hàng rất thích mua quả tươi về tự bóc vỏ và phơi khô. Còn ở một số chợ trên địa bàn tỉnh, Mắc ca được các hộ gia đình thu hoạch mang đi bán hoặc thương lái bán với giá khoảng 70.000 đồng/kg quả tươi.
Quả Mắc ca sai trĩu cành.
Thèn Sin là một trong những xã của huyện Tam Đường được biết đến bởi trồng Mắc ca sớm nhất trên địa bàn tỉnh Lai Châu. Hiện xã có 56 ha Mắc ca được trồng ở hầu hết các bản, trong đó có 11 ha đang cho thu hoạch. Mắc ca nở hoa vào hai đợt, đợt một là trong tết và đợt hai là sau tết. Đợt Mắc ca nở hoa sớm đã và đang cho thu hoạch, còn đợt cây ra quả muộn thì vẫn còn non, khoảng hơn nửa tháng nữa mới có thể thu được. Có những cây, người dân chăm sóc tốt rất sai quả, ước tính sẽ thu được 50-60 kg/cây. Tuy nhiên, mấy năm đầu khi mới trồng người dân chưa chú trọng đầu tư chăm sóc nên vẫn còn nhiều cây cho số lượng quả ít, đã giảm năng suất và thu nhập.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Văn Cận, xã Thèn Sin vào một ngày tháng 6 khi cơn mưa vừa tạnh. Ông Cận đang chăm sóc những cây Mắc ca chuẩn bị thu hoạch và vui vẻ cho biết: Tôi chính là một trong những hộ trồng Mắc ca sớm nhất của xã Thèn Sin. Từ những năm 2011 – 2012, khi huyện Tam Đường có chủ trương trồng cây Mắc ca, tôi đã được lãnh đạo huyện phổ biến, đồng thời cũng tìm hiểu thêm trên sách, báo, internet về tình hình sinh trưởng, phát triển của loại cây này. Qua đó, tôi thấy đây là một loại cây rất phù hợp với khí hậu và đất đai nơi mình đang sống. Khi huyện tiến hành trồng thí điểm cây Mắc ca, tôi đã là một trong những người xung phong trồng đầu tiên. Như các loại cây khác, tôi đã rất chú trọng đầu tư và chăm sóc cây Mắc ca. Đến nay, vườn Mắc ca của tôi rất tốt, có những cây rất sai quả, dự tính năm nay sẽ thu được khoảng 1 tấn quả tươi và đã có thương lái đến tận nhà mua.
Nhìn những chùm Mắc ca sai trĩu cành đang chuẩn bị thu hoạch, ông Cận không giấu nổi niềm vui. Chia tay xã Thèn Sin, chúng tôi đến xã Bản Bo, đây cũng là một xã trồng Mắc ca sớm và có diện tích lớn nhất của huyện Tam Đường với diện tích trên 130 ha, trong đó có một số diện tích đã cho thu hoạch. Hiện người dân trên địa bàn xã đang thu hoạch Mắc ca để bán. Xã Bản Bo xác định Mắc ca là một trong những loại cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao và tích cực tuyên truyền, vận động người dân chăm sóc tốt diện tích Mắc ca hiện có và mở rộng diện tích Mắc ca theo quy hoạch đề ra.
Có thể nói cây Mắc ca tương đối phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết ở nhiều địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường; bước đầu mang lại hiệu quả về kinh tế nên thuận lợi cho việc triển khai thực hiện. Đến nay, đã có 02 Công ty vào khảo sát lập dự án đầu tư phát triển vùng nguyên liệu Mắc ca theo hướng tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Hiện các địa phương trên địa bàn huyện Tam Đường đang tập trung thu hoạch diện tích Mắc ca đã cho quả và đẩy mạnh chăm sóc diện tích Mắc ca đã trồng để cây sinh trưởng, phát triển tốt.
Đức Chinh