Tài xế xe ôm công nghệ quay cuồng trong “cơn lốc” giá xăng
–
Thứ sáu, 17/06/2022 06:07 (GMT+7)
Tài xế GrabBike Ng.C trong cuốc xe chở khách từ quận 4 (TPHCM) sang quận 3 cho biết, giá xăng tăng mạnh trong khi giá cước không tăng khiến nhiều bác tài tắt app, bỏ nghề .
Tài xế xe ôm công nghệ gặp nhiều khó khăn trước giá xăng tăng cao. Ảnh: Thế Lâm.
Tuy nhiên, cũng không ít tài xế vì kế sinh nhai và còn phải nuôi gia đình, vợ con nên đành phải “cắn răng” chịu trận nhận cuốc.
“Có những cuốc dưới 3km nhận chỉ để cho có, tích điểm thưởng (được thưởng ngọc trong ứng dụng), chứ tiền cước thu về chẳng bao nhiêu, cấn trừ cho chi phí xăng nhớt, công sức thì gần bằng 0” – tài xế C cho biết.
Nhận cuốc xe chở người viết bài có điểm đến ở quận 1, tài xế V.G.L cho biết: “Cuốc xe này em chở anh là 37.000 đồng, nhưng em thực nhận về chỉ có 20.000 đồng. Tính ra khoảng cách khoảng 5km thì mỗi 1km, Grab trả cho em chỉ có 4.000 đồng chưa trừ chi phí. Nếu trừ chi phí thì cuốc xe này em chỉ còn dư được 12.000 đồng thôi” – bác tài L kể chi tiết.
Như vậy, sau khi “đổ mồ hôi sôi nước mắt”, tài xế chỉ thực nhận được khoảng hơn 30% tiền cước cuốc xe mà hành khách phải trả cho Grab.
Trường hợp nếu nhận cuốc GrabBike với khoảng cách từ 3km trở xuống, theo tài xế L, khoản tiền nhận được từ Grab chỉ có 9.000 đồng chưa trừ chi phí xăng nhớt, hao mòn phương tiện và công sức, thời gian, đó là chưa kể yếu tố thời tiết như nắng nóng…
Theo tài xế L, cuốc xe chạy với khoảng cách 3km nhưng lượng xăng tiêu hao thường phải lên tới 4km hoặc hơn. Nguyên nhân, ứng dụng Grab đổ cuốc cho bác tài trong rất nhiều trường hợp lại không đổ cho những tài xế ở vị trí gần nơi khách đặt cuốc xe, hoặc cũng có thể do không có sẵn tài xế ở gần đó cho nên đổ cuốc lên tài xế đang ở cách xa chỗ của khách có khi cả cây số.
Chính vì thế, lượng xăng tiêu hao trong quá trình di chuyển đến điểm đón khách cũng là một khoản chi phí góp phần làm nặng gánh thêm tiền xăng, trong khi tài xế không được bù khoản này từ Grab.
Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, khách hàng đặt cuốc xe ôm công nghệ có khoảng cách ngắn rất khó được nhận, hoặc thậm chí bị hủy. Giải thích về tình trạng này, tài xế Ng.C cho rằng, cuốc ngắn tiền ít, được Grab chia lại chẳng đáng bao nhiêu, tích điểm thưởng cũng không nhiều cho nên nhiều người không muốn chạy.
Tài xế C mỗi ngày chạy khoảng 18-20 cuốc, khi nào còn thiếu điểm thưởng thì mở app thêm tính năng nhận đơn hàng food (giao đồ ăn) tích cho đủ 250 điểm thưởng để được hưởng mức thưởng 1 là 40.000 đồng.
“Chỉ khi nào thiếu điểm, em mới nhận thêm food thôi chứ bình thường không chạy food, vì food khó ăn lắm” – C cho biết.
Với trường hợp bác tài H, chạy GrabBike đã được 6 năm, là tài xế có thâm niên, những ngày qua cho dù giá xăng tăng liên tục nhưng anh vẫn bám trụ.
“Tôi không biết các tài xế khác sao chứ trường hợp tôi thì cũng có chút ưu ái về số cuốc đổ về, và thỉnh thoảng còn thấy được cho thêm tiền cộng vào cuốc. Có lẽ do tôi chạy GrabBike đã có thâm niên…” – anh H đoán.
Những trường hợp tài xế xe ôm công nghệ có thu nhập khá và ổn định so với mặt bằng chung là có, thậm chí không ít. Song người viết bài này lại nhận thấy, số trường hợp tài xế gặp khó khi giá xăng tăng cao nhiều hơn và bị bào mòn thu nhập cũng nhiều hơn.