Tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối?

Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong quá trình mang thai. Nằm trong túi ối, nước ối bảo vệ thai nhi đang phát triển và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, giúp thai nhi trưởng thành, phát triển và duy trì nhiệt độ cơ thể phù hợp.

Ở giai đoạn phát triển sớm nhất, nước ối có thành phần chủ yếu là nước. Vào khoảng 20 tuần, nước tiểu của em bé trở thành chất chính của nước ối. Em bé “thở” và nuốt nước ối; chất lỏng này hỗ trợ dinh dưỡng, tăng trưởng, trưởng thành phổi và duy trì thân nhiệt cho bào thai. Thể tích nước ối tăng lên khi thai kỳ tiến triển và đạt đến đỉnh điểm vào khoảng tuần thứ 34.

Bên cạnh đó, nước ối cũng cung cấp một lớp đệm xung quanh em bé và dây rốn để ngăn chặn sự chèn ép dây rốn và thiếu oxy cho bào thai. Do đó, vì bất kỳ nguyên nhân gì, tình trạng giảm lượng nước ối là một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho em bé.

Lượng nước ối trong buồng tử cung thường được đánh giá bằng siêu âm thai. Các bác sĩ đã nghiên cứu lượng nước ối mà một phụ nữ mang thai thường phải có là từ 5 đến 20 cm. Theo đó, một phụ nữ được chẩn đoán mắc tình trạng gọi là thiểu ối (ít nước ối) khi có ít hơn 5cm lúc đo bề dày dịch ối.

Điều này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, có tới khoảng 4% phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc chứng thiểu ối trong suốt thai kỳ, nhưng nó có nhiều khả năng xảy ra nhất là trong ba tháng cuối. Nếu không được phát hiện, điều chỉnh hay nhanh chóng can thiệp trong các trường hợp thiểu ối nặng, thai kỳ có thể gặp phải các biến chứng thiểu ối nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, chèn ép dây rốn thai nhi dẫn đến ngạt khi sinh hoặc bệnh não do thiếu oxy máu cục bộ, hạn chế tăng trưởng trong tử cung, trẻ hít phân su…