Tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối?
Ít nước ối hay thiếu nước ối (thiểu ối) là khi sản phụ có quá ít nước ối. Nước ối là chất lỏng bao quanh em bé trong tử cung. Điều này rất quan trọng đối với sự phát triển của bào thai. Vì thiểu ối có rất nhiều nguyên nhân gây ra, uống nhiều nước có thể vẫn không giải quyết được tình trạng ít nước ối nếu các lý do dẫn đến thiểu ối khác vẫn chưa được phát hiện và khắc phục.
Mục Lục
1. Ít nước ối (thiểu ối) là gì?
Nước ối là chất lỏng bao quanh thai nhi trong quá trình mang thai. Nằm trong túi ối, nước ối bảo vệ thai nhi đang phát triển và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi, giúp thai nhi trưởng thành, phát triển và duy trì nhiệt độ cơ thể phù hợp.
Ở giai đoạn phát triển sớm nhất, nước ối có thành phần chủ yếu là nước. Vào khoảng 20 tuần, nước tiểu của em bé trở thành chất chính của nước ối. Em bé “thở” và nuốt nước ối; chất lỏng này hỗ trợ dinh dưỡng, tăng trưởng, trưởng thành phổi và duy trì thân nhiệt cho bào thai. Thể tích nước ối tăng lên khi thai kỳ tiến triển và đạt đến đỉnh điểm vào khoảng tuần thứ 34.
Bên cạnh đó, nước ối cũng cung cấp một lớp đệm xung quanh em bé và dây rốn để ngăn chặn sự chèn ép dây rốn và thiếu oxy cho bào thai. Do đó, vì bất kỳ nguyên nhân gì, tình trạng giảm lượng nước ối là một nguy cơ sức khỏe nghiêm trọng cho em bé.
Lượng nước ối trong buồng tử cung thường được đánh giá bằng siêu âm thai. Các bác sĩ đã nghiên cứu lượng nước ối mà một phụ nữ mang thai thường phải có là từ 5 đến 20 cm. Theo đó, một phụ nữ được chẩn đoán mắc tình trạng gọi là thiểu ối (ít nước ối) khi có ít hơn 5cm lúc đo bề dày dịch ối.
Điều này có thể xảy ra vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, có tới khoảng 4% phụ nữ mang thai được chẩn đoán mắc chứng thiểu ối trong suốt thai kỳ, nhưng nó có nhiều khả năng xảy ra nhất là trong ba tháng cuối. Nếu không được phát hiện, điều chỉnh hay nhanh chóng can thiệp trong các trường hợp thiểu ối nặng, thai kỳ có thể gặp phải các biến chứng thiểu ối nguy hiểm như sẩy thai, thai chết lưu hoặc sinh non, chèn ép dây rốn thai nhi dẫn đến ngạt khi sinh hoặc bệnh não do thiếu oxy máu cục bộ, hạn chế tăng trưởng trong tử cung, trẻ hít phân su…
2. Nguyên nhân gây ra tình trạng ít nước ối là gì?
Thiểu ối có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong thai kỳ, nhưng thường được chẩn đoán nhất là ở quý thứ ba với các nguyên nhân gây thiểu ối như sau:
- Các vấn đề của nhau thai: Nếu nhau thai không cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho em bé, em bé có thể ngừng bài tiết nước tiểu, do đó làm giảm lượng nước ối.
- Dị tật bẩm sinh: Một số dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu và thận của thai nhi, dẫn đến sản xuất nước tiểu không đủ.
- Vỡ ối sớm: Khi bị vỡ ối trước khi bắt đầu có sự chuyển dạ.
- Rò rỉ nước ối: Màng ối bị rách có thể gây ra hiện tượng rỉ ối.
- Thai quá ngày: Tuổi thai từ trên 42 tuần có nguy cơ bị thiểu ối vì lượng nước ối có thể giảm một nửa sau thời điểm này.
- Các vấn đề do sản phụ: Các tình trạng của mẹ, chẳng hạn như tiểu đường, mất nước, tăng huyết áp và tiền sản giật có ảnh hưởng đến lượng nước ối.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, sản phụ có thể mắc phải tình trạng thiểu ối mà không có nguyên nhân rõ ràng nào được xác định. Như vậy, nếu sản phụ bị thiếu nước thì đây chỉ là một nguyên nhân có thể dẫn đến thiểu ối; theo đó, điều này sẽ trả lời cho câu hỏi ở không ít sản phụ là tại sao uống nhiều nước mà vẫn ít ối mà chưa loại trừ các nguyên nhân có thể xảy ra đồng thời khác. Vì vậy, điều quan trọng là các bác sĩ phải theo dõi lượng nước ối trong suốt thai kỳ tại thời điểm khám thai.
3. Các dấu hiệu và triệu chứng của thiểu ối
Các dấu hiệu và triệu chứng của thiểu ối là khác nhau ở mỗi người, phổ biến nhất là:
- Rò rỉ nước ối
- Nước ối ít khi siêu âm
- Số đo kích thước nhỏ hơn bình thường của tuổi thai
- Mẹ ít tăng cân
- Chuyển dạ sớm
- Khó chịu ở vùng bụng
- Nhịp tim thai giảm đột ngột
- Thai máy ít hoặc không có sự chuyển động của thai nhi
- Phát hiện bất thường trên máy theo dõi thai nhi, bao gồm cả suy thai
Tuy nhiên, việc chẩn đoán tình trạng thiểu ối là dựa trên các bằng chứng của siêu âm. Siêu âm thai chẩn đoán thiểu ối được thực hiện bằng một phép đo được gọi là chỉ số nước ối thông qua đo độ sâu của nước ối trong bốn phần của tử cung và cộng chúng lại với nhau. Bác sĩ có thể thực hiện các phép đo khách quan chẩn đoán thiểu ối khi chỉ số nước ối nhỏ hơn 5. Bên cạnh đó, bác sĩ cũng có thể sử dụng phương pháp pha loãng thuốc nhuộm để định lượng thể tích nước ối cũng như xu hướng giảm của nước ối theo thời gian.
4. Cách nào để tăng lượng nước ối khi bị thiểu ối?
Không có cách điều trị lâu dài cho tình trạng thiểu ối. Tuy nhiên, một số điều có thể áp dụng để tạm thời làm tăng lượng nước ối:
Uống nhiều nước: Bác sĩ có thể khuyên phụ nữ uống nhiều nước hơn bình thường nếu bị thiểu ối. Loại nước có thể được lựa chọn là nước lọc, nước khoáng, nước hoa quả, kể cả nước dừa, ăn thức ăn lỏng như canh, súp. Nhìn chung, việc cung cấp nước qua đường uống là cách thức đơn giản nhất, nhưng trong một số trường hợp, có thể cần phải bổ sung dịch đẳng trương qua đường tĩnh mạch.
Truyền nước ối: Đây là cách thức bơm dung dịch nước muối vào túi ối khi chuyển dạ. Trong quá trình này, các bác sĩ sử dụng một ống thông trong màng ối để thêm dịch vào buồng. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ chèn ép dây rốn, một biến chứng nguy hiểm có thể gặp phải trong lúc chuyển dạ.
Vá màng ối: nếu màng ối bị rò rỉ
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là các can thiệp trên chỉ là tạm thời mà không điều trị nguyên nhân cơ bản của thiểu ối. Trong nhiều trường hợp, nếu tình trạng thiểu ối có khả năng gây ra sự đe dọa tuần hoàn tử cung với thai nhi, chỉ định thai kỳ bằng cách mổ bắt con cần nhanh chóng được đặt ra.
Tóm lại, thiểu ối hay ít nước ối là tình trạng nước ối đo được thấp hơn so với tuổi thai dự kiến của em bé. Dù không có phương pháp điều trị nào được chứng minh là có hiệu quả lâu dài, việc cải thiện tình trạng nước ối trong thời gian ngắn bằng cách uống nhiều nước có thể được khuyến khích. Tuy nhiên, điều quan trọng là theo dõi diễn tiến nước ối trong buồng tử cung cũng như sức khỏe thai nhi để có cách thức can thiệp kịp thời.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số
hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY.
Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.