Tại sao tĩnh mạch lại có màu xanh?
Tĩnh mạch là một phần của hệ tuần hoàn. Các tĩnh mạch có nhiệm vụ đưa máu nghèo oxy từ khắp cơ thể trở lại tim sau khi động mạch đưa máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận.
Tại sao tĩnh mạch có màu xanh?
Máu có màu đỏ, vậy tại sao tĩnh mạch lại có màu xanh? Khi nhìn từ bên ngoài, tĩnh mạch có màu xanh là do ánh sáng đi xuyên qua da. Ánh sáng chiếu lên da vào ban ngày về cơ bản là ánh sáng trắng, là hỗn hợp của tất cả các bước sóng ánh sáng nhìn thấy được. Nhưng để giải thích tại sao các tĩnh mạch lại có màu xanh thì chỉ cần tập trung vào ánh sáng đỏ và ánh sáng xanh của quang phổ.
Ánh sáng đỏ có bước sóng dài hơn. Điều này có nghĩa là ít có khả năng bị vật cản làm lệch hướng và có thể dễ dàng xuyên qua hơn. Ánh sáng đỏ có thể đi xuyên khá sâu qua da và các mô trong cơ thể, xuống tới 5 – 10mm dưới da, nơi có nhiều tĩnh mạch. Khi đến các tĩnh mạch, ánh sáng đỏ sẽ được hấp thụ bởi huyết sắc tố hay hemoglobin (protein tạo màu đỏ cho máu). Bạn có thể thử bằng cách chiếu đèn đỏ lên cánh tay. Lúc này, bạn sẽ thấy một số ánh sáng đỏ phản xạ trở lại và các đường tối màu. Đó là các tĩnh mạch vì ánh sáng đỏ được hấp thụ bởi hemoglobin. Ánh sáng xanh có bước sóng ngắn hơn (khoảng 475 nanomet) và dễ bị lệch hướng khi gặp vật cản hơn nhiều so với ánh sáng đỏ. Vì dễ bị phân tán nên ánh sáng xanh không thể đi xa và xuống sâu dưới da (chỉ có thể xuống được một phần nhỏ của milimet). Khi ánh sáng xanh chiếu vào da thì sẽ chủ yếu bị phản xạ trở lại. Nếu thử chiếu đèn màu xanh lên da thì bạn nhìn thấy da chuyển màu xanh và rất khó tìm thấy tĩnh mạch. Điều này giải thích tại sao chúng ta lại thấy tĩnh mạch có màu xanh.
Vậy tại sao chỉ có tĩnh mạch là có màu xanh còn động mạch thì không? Điều này là do tĩnh mạch là mạch máu duy nhất mà chúng ta có thể quan sát được từ bên ngoài. Tĩnh mạch lớn hơn, có thành mỏng hơn và nằm sát bề mặt da hơn động mạch.
Tĩnh mạch xanh lá và tĩnh mạch xanh lam
Tĩnh mạch màu xanh lá hay xanh lam đều là những hiện tượng bình thường, không có gì phải lo lắng cả. Màu sắc của các tĩnh mạch trên bề mặt da phần lớn phụ thuộc vào sắc tố da và lượng mỡ mà cơ thể có.
Điều cần quan tâm là các tĩnh mạch có bị phình lên hoặc gây đau nhức hay không. Đây là một số dấu hiệu của bệnh suy giãn tĩnh mạch. Suy giãn tĩnh mạch là tình trạng xảy ra khi các van tĩnh mạch ở chân bị suy yếu, khiến máu không thể chảy ngược về tim mà ứ đọng lại, khiến cho mạch máu giãn ra và phình lên.
Các dấu hiệu chính của suy giãn tĩnh mạch là nổi các mạch máu lớn, sưng phù và thay đổi màu sắc của da do máu tích tụ. Điều này dẫn đến tình trạng viêm da với những biểu hiện như:
- Ngứa ngáy
- Lở loét
- Đỏ
- Khô
- Rỉ dịch
- Da căng bóng, cứng
Loét là một vấn đề có thể xảy ra do suy giãn tĩnh mạch và sẽ ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị đúng cách.
Để tránh gặp phải những vấn đề này thì tốt nhất nên đi khám bác sĩ ngay khi phát hiện thấy những dấu hiệu bất thường đầu tiên nghi là giãn tĩnh mạch. Mặc dù suy giãn tĩnh mạch thường không gây nguy hiểm đến tính mạng nhưng sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống.