Tại sao sai phạm ở Học viện Quản lý Giáo dục xảy ra nhiều, tồn tại lâu đến thế?
GDVN- Theo bà Bùi Thị An, những sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục đáng lẽ không được xảy ra bởi nơi đây đào tạo ra các cán bộ quản lý giáo dục.
Ngày 26/1/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành kết luận thanh tra số 88/KL-BGDDT về việc thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục.
Theo đó, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra các sai phạm trong công tác tổ chức bộ máy, nhân sự; quản lý tài chính, tài sản, mua sắm trang thiết bị và đầu tư xây dựng cơ bản; công tác đào tạo…
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII) đã có một số chia sẻ xung quanh vụ việc trên.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An (Ảnh: Mạnh Đoàn)
Theo bà An, khi bà đọc thông tin về kết luận thanh tra kết luận các sai phạm xảy ra tại Học viện Quản lý giáo dục thì bà An cảm thấy rất là buồn. Bởi lẽ, Học viện này là đơn vị đào tạo các cán bộ quản lý giáo dục nhưng lại để xảy ra rất nhiều sai phạm.
Bà An cho rằng có hai vấn đề trong vụ việc xảy ra tại Học viện Quản lý giáo dục, trong đó là thiếu sót của những cán bộ quản lý của nhà trường, hai là về mặt quản lý của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có lỗi bởi tại sao Bộ lại để đơn vị này xảy ra nhiều sai phạm và tồn tại lâu như vậy.
Đã có kết luận cụ thể và các kiến nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần xử lý nghiêm, đồng thời rà soát lại các trường xem có xảy ra tình trạng vi phạm tương tự như vậy hay không.
Đối với nhiều ngành học tại Học viện Quản lý giáo dục thiếu giảng viên cơ hữu như Quản trị văn phòng (thiếu 1 giảng viên), Luật (thiếu 2 giảng viên), Công nghệ thông tin (chưa có giảng viên đạt trình độ tiến sĩ), bà An cho rằng đây là sự vi phạm luật pháp rất rõ ràng, bởi đã có quy định rõ ràng về điều kiện nhân sự để mở khoa, mở ngành.
“Học viện Quản lý giáo dục là đơn vị nắm chắc luật pháp để đào tạo ra những cán bộ, lãnh đạo vậy nhưng lại vi phạm luật quy chế, tiêu chí”, bà An nói.
Theo bà An, cần phải làm rõ xem ai phê, kí duyệt mở các ngành trên. Bởi lẽ nếu thành lập ra mà không quản lý chặt thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo.
Về thông tin Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Vụ Giáo dục Đại học tham mưu Bộ trưởng về việc có hay không lộ trình giảm chỉ tiêu đại học tiến tới dừng đào tạo đại học, để tập trung vào đào tạo trình độ thạc sĩ theo công văn 1697/BGDDT-GDDH ngày 27/4/2018, bà An cho hay, dựa trên kết luận thanh tra thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải xử lý cụ thể từng tổ chức, cá nhân, bởi trách nhiệm thuộc về Bộ.
Bày tỏ quan điểm về kết luận Thanh tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo với quy trình tuyển sinh của Học viện Quản lý giáo dục, một chuyên gia giáo dục cho hay, đối với quy trình tuyển sinh không chỉ có đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh mà còn nhiều việc khác như báo cáo kết quả trúng tuyển, nhập học…
Tuy nhiên, vị này không hiểu vì sao Học viện Quản lý giáo dục không đăng kí chỉ tiêu và họ có báo cáo kết quả cho cơ quan quản lý hay không.
Theo vị này, để kết luận việc cơ quan quản lý buông lỏng đối với việc tuyển sinh, đào tạo của Học viện Quản lý giáo dục thì cần xem xét trường có thực hiện đủ các báo cáo theo quy định không?
Nếu nhà trường không thực hiện thì Bộ Giáo dục và Đào tạo có yêu cầu, xử lý việc này hay không? Trong trường hợp nhà trường có báo cáo thì có trung thực không, hay Bộ có tiến hành kiểm tra xác suất, xử lý vi phạm không…
Vì thực tế, không Bộ nào, nước nào có thể bố trí nhân lực kiểm tra 100% đối tượng bị quản lý, nhất là trong điều kiện cần phải mở rộng tự chủ đại học như các nước.
Ở các nước phát triển, xử lý vấn đề vi phạm chủ yếu bằng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật và bằng kiểm tra xác suất, phạt nặng vi phạm…
Đồng thời yêu cầu cơ quan quản lý duy trì chế độ thông tin, báo cáo minh bạch, xã hội giám sát… Nhà nước kiểm tra xác suất hợp lý và xử lý nghiêm vi phạm, chứ không kết luận lỗi cơ quan quản lý khi có lỗi của người vi phạm.
Đối với thông tin đề xuất giảm chỉ tiêu đại học, tiến tới dừng đào tạo đại học tại Học viện Quản lý giáo dục, vị này cho hay điều này thể hiện quan điểm định hướng của cơ quan chủ quản trường công. Bên cạnh đó, cần xem thêm chức năng, nhiệm vụ của Học viện được quy định như thế nào, liên quan đến quy hoạch mạng lưới đang làm, cơ quan chủ quản có tiếp tục quan điểm này hay thay đổi.
Thông tin thêm về thông tin đề xuất dừng tuyển sinh đối với hệ đào tạo Đại học đối với Học viện Quản lý giáo dục của Thanh tra đối với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, một lãnh đạo Vụ Giáo dục Đại học cho hay, đơn vị đang nghiên cứu văn bản để tham mưu Bộ trưởng cho chính xác.
“Chúng tôi phải nghiên cứu về pháp lí và thực tiễn của nhà trường… chứ không thể đưa ra đề xuất được luôn”, vị này chia sẻ.
Mạnh Đoàn