Tại sao phụ nữ nên đi tiểu sau khi quan hệ? – VnExpress

Thói quen đi tiểu sau khi quan hệ tình dục sẽ giúp phái nữ tránh một số các bệnh ở vùng kín như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang…

Niệu đạo của phụ nữ có cấu tạo ngắn hơn so với nam giới, nằm sát âm đạo và hậu môn. Trong quá trình giao hợp, một số vi khuẩn có thể di chuyển từ bộ phận sinh dục sang niệu đạo, cuối cùng là bàng quang. Do đó, phái nữ thường được khuyên đi tiểu sau “cuộc yêu” để giữ vệ sinh vùng kín, ngăn ngừa nguy cơ nhiễm trùng.

Theo Alyssa Dweck, bác sĩ phụ khoa tại Westchester (Mỹ), lợi ích lớn nhất của việc đi tiểu sau khi quan hệ tình dục là giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Bởi việc đi tiểu cả trước và sau khi quan hệ tình dục sẽ hỗ trợ làm sạch, loại bỏ vi khuẩn có thể xâm nhập vào niệu đạo. Ngoài ra, thói quen đi tiểu trước khi quan hệ tình dục cũng có thể có lợi vì giúp giải nén bàng quang để tạo cảm giác thoải mái.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, phái nữ sẽ dễ mắc phải nguy cơ tổn thương thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh lý, sức khỏe sinh sản do vi khuẩn tấn công. Dưới đây là những rủi ro có thể xảy đến cho các chị em nếu không giữ vệ sinh vùng kín sau khi quan hệ.

Việc đi tiểu sau cuộc yêu là hoạt động cần thiết đối với phụ nữ hơn so với nam giới. Ảnh: Freepik

Việc đi tiểu sau “cuộc yêu” là hoạt động cần thiết đối với phụ nữ hơn so với nam giới. Ảnh: Freepik

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một bệnh nhiễm trùng xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của hệ thống tiết niệu như bàng quang, niệu đạo hoặc thận. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh này cao gấp 30 lần so với nam giới. Nguyên nhân là do niệu đạo của nữ giới gần với âm đạo và hậu môn, khiến cho vi khuẩn dễ dàng lây lan từ những khu vực này sang niệu đạo.

Trong một số trường hợp, nhiễm trùng tiết niệu có thể ảnh hưởng đến thận. Nhiễm trùng thận thường nghiêm trọng hơn và cần được điều trị ngay lập tức. Do đó, phái nữ cần lưu ý thêm các triệu chứng của nhiễm trùng thận như sốt, ớn lạnh, buồn nôn, nôn mửa và đau lưng dưới để sớm phát hiện bệnh kịp thời.

Bên cạnh đó, một số người cũng có thể nhận thấy cảm giác nóng rát khi đi tiểu sau khi quan hệ tình dục. Tuy nhiên, các nhà khoa học đã chứng minh triệu chứng này có thể xảy ra khi âm đạo bị kích ứng. Theo TS Alyssa Dweck, tình trạng kích ứng âm đạo dễ bị nhầm lẫn với nhiễm trùng tiểu vì có thể gây nóng rát khi đi tiểu. Tuy nhiên, cảm giác kích ứng âm đạo sẽ biến mất sau một hoặc hai ngày. Nếu triệu chứng kéo dài hơn hai ngày sau khi quan hệ, phái nữ nên cẩn trọng vì đó có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng tiểu.

Viêm niệu đạo

Niệu đạo là cơ quan như một đường ống giúp dẫn nước tiểu ra khỏi bàng quang. Vì cấu tạo của niệu đạo phụ nữ ngắn hơn nam giới nên họ sẽ dễ bị nhiễm trùng tiểu khi có vi khuẩn xâm nhập. Một triệu chứng nhiễm trùng tiểu điển hình là cảm giác nóng rát ở niệu đạo khi đi tiểu. Toàn thế giới hiện có khoảng 62 triệu ca viêm niệu đạo mới do bệnh lậu và khoảng 89 triệu ca không phải do bệnh lậu gây ra mỗi năm.

Viêm bàng quang

Bàng quang nằm giữa xương chậu và là một cơ quan rỗng. Các khối cơ này sẽ thường xuyên mở rộng để giữ nước tiểu. Tình trạng viêm bàng quang xảy ra khi bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Đây được gọi là nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Bị nhiễm trùng bàng quang có thể gây đau đớn và khó chịu.

Ngoài ra, thói quen quan hệ tình dục khi bàng quang đầy cũng làm tăng khả năng mắc chứng tiểu không tự chủ do căng thẳng. Khi mắc phải tình trạng này, bàng quang có thể rò rỉ nước tiểu cả trong lúc ho, tập thể dục, cười, hắt hơi hoặc quan hệ tình dục.

Mặc dù thói quen đi tiểu sau khi quan hệ có thể ngăn chặn tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn nhưng không thể phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục (STIs). Bởi vì khi quan hệ, màng nhầy bên trong cơ thể sẽ hấp thụ vi khuẩn gây ra các bệnh lây qua đường tình dục và khiến cơ thể nhiễm bệnh. Do đó, cách tốt nhất để tránh các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục là sử dụng bao cao su.

Huyền My (Theo Insider, Medical News Today)