Tại sao chúng ta cố gắng làm vừa lòng người khác?
Bất kể giá trị và nguyên tắc sống của bạn là gì, bạn cũng sẽ thôi hành xử theo nó và rồi đánh mất con người mình nếu còn tiếp tục chăm chăm đi chiều lòng người khác.
Có mấy ai thích thú gì khi phải ngồi giữa những người đồng nghiệp đang tranh cãi trong một buổi họp. Và ai lại muốn đến một buổi gặp mặt gia đình vào kỳ nghỉ cơ chứ, khi mà những người họ hàng cứ cãi vã lẫn nhau? Vì sợ xung đột, chúng ta tự nhủ: Nếu mình có thể khiến mọi người vui vẻ, mọi chuyện sẽ ổn thôi.
Tác hại của việc cố gắng làm vừa lòng người khác
Làm vừa lòng người khác sẽ kìm giữ không để bạn phát huy được hết khả năng của mình. Dù mong muốn được yêu thương và tôn trọng, những người cố gắng làm vừa lòng người khác lại thường không muốn trở nên giỏi nhất trong bất cứ lĩnh vực nào bởi sợ rằng bản thân được quan tâm, khen ngợi quá nhiều có thể khiến người này người kia không vui.
Sách 13 điều người có tinh thần thép không làm. Ảnh: Saigonbooks.
Bất kể giá trị và nguyên tắc sống của bạn là gì, bạn cũng sẽ thôi hành xử theo nó và rồi đánh mất con người mình nếu còn tiếp tục chăm chăm đi chiều lòng người khác. Trước sau gì bạn sẽ không còn thấy được việc gì là đúng việc gì là thỏa đáng nữa mà chỉ cố làm những việc giúp vui cho người khác. Có điều, việc làm người khác hài lòng chắc gì cũng tốt cho bạn.
Những người muốn làm vừa lòng người khác rất dễ bị thao túng, mà điểm này lại rất dễ nhận thấy. Những người thích thao túng thường dùng mưu cách để tấn công vào cảm xúc của những người muốn làm vừa lòng người khác và kiểm soát hành vi của họ. Hãy luôn cảnh giác trước những người hay nói những câu như “Tôi chỉ nhờ bạn làm việc này vì bạn là người làm giỏi nhất” hay “Tôi thật không muốn phải nhờ bạn, nhưng…”.
Việc một người cảm thấy tức giận hay thất vọng là bình thường. Chẳng có lý do nào để mọi người phải “đồng lòng nhất trí” cảm thấy vui vẻ hay hài lòng về mọi việc cả. Là con người, ai cũng phải rèn luyện khả năng đương đầu với những khoảng dao động cảm xúc rất rộng, và bạn phải làm sao để ngăn những cảm xúc tiêu cực ảnh hưởng đến bạn. Chỉ bởi ai đó tức điên lên không nhất thiết là do bạn đã làm sai điều gì đó.
Bạn không thể làm vừa lòng mọi người. Không thể nào có chuyện tất cả đều vừa lòng với những thứ như nhau. Chấp nhận rằng một số người sẽ không bao giờ thấy hài lòng với bất cứ thứ gì, và bạn sẽ không còn tự đi nhận lãnh trách nhiệm làm cho họ vui vẻ nữa.
Dành thời gian làm rõ những giá trị của riêng mình là một bài tập rất đáng giá. Những ưu tiên giá trị thường là:
• Con cái
• Mối quan hệ tình cảm
• Gia đình mở rộng, bao gồm họ hàng
• Niềm tin tôn giáo/tinh thần
• Tình nguyện hoặc giúp đỡ người khác
• Sự nghiệp
• Tiền bạc
• Duy trì tình bạn tốt
• Quan tâm chăm sóc đến sức khỏe thể chất của bản thân
• Có mục đích sống
• Các hoạt động thư giãn giải trí
• Làm vừa lòng người khác
• Việc học hành
Hãy chọn ra năm giá trị hàng đầu của bạn và sắp xếp theo thứ tự từ quan trọng nhất đến ít quan trọng nhất. Và giờ, hãy ngừng lại và suy nghĩ xem bạn có đang thật sự sống theo những giá trị đó hay không. Bạn dành bao nhiêu thời gian, tiền bạc, công sức và kỹ năng vào mỗi giá trị trong số ấy? Và bạn có đang nỗ lực quá nhiều vào điều gì đó thậm chí còn chẳng có trong danh sách?
Ngừng cố gắng làm vừa lòng người khác để sống thanh thản
Khi ngừng bận tâm về việc làm vừa lòng tất cả, mà thay vào đó, sẵn lòng dũng cảm đủ để sống theo các giá trị của mình, bạn sẽ nhận được những lợi ích sau:
• Sự tự tin của bạn sẽ tăng cao hẳn lên. Bạn thấy được rằng mình càng ít bận tâm đến việc làm cho người khác vui vẻ bao nhiêu thì sẽ càng độc lập và tự tin hơn bấy nhiêu. Bạn sẽ cảm thấy hài lòng với những quyết định của bản thân, kể cả khi người khác có không đồng tình với những hành động đó, bởi bạn biết mình đã đưa ra lựa chọn đúng.
Ảnh minh họa. Nguồn: Quantrimang.
• Bạn sẽ có nhiều thời gian và năng lượng hơn dành cho những mục tiêu của mình. Thay vì phí sức vào việc cố gắng trở thành người mà bạn nghĩ người khác mong muốn ở mình, bạn sẽ có thời gian và năng lượng để cải thiện bản thân. Khi bạn hướng nỗ lực đến những mục tiêu của bản thân, khả năng thành công của bạn sẽ cao hơn nhiều.
• Bạn sẽ thấy bớt căng thẳng hơn. Khi bạn đặt ra những giới hạn và ranh giới lành mạnh, bạn sẽ bớt căng thẳng và bớt cáu kỉnh hơn. Bạn sẽ cảm thấy có quyền kiểm soát nhiều hơn với cuộc đời của chính mình.
• Bạn sẽ thiết lập được những mối quan hệ lành mạnh hơn. Những người khác sẽ tôn trọng bạn hơn khi bạn hành xử quyết đoán. Việc giao tiếp của bạn sẽ cải thiện và bạn sẽ có thể ngăn mình chồng chất những tức giận và oán hận trong lòng dành cho người khác.
• Ý chí của bạn sẽ tăng cao. Một nghiên cứu thú vị vào năm 2008 đăng trên Tạp chí Tâm lý học Thực nghiệm cho thấy rằng khi tự đưa ra lựa chọn, con người có nhiều ý chí hơn hẳn so với khi dựa trên cố gắng làm hài lòng người khác. Nếu bạn chỉ làm điều gì đó để khiến người khác vui vẻ, bạn sẽ khó lòng đạt được mục tiêu của chính mình. Bạn sẽ có động lực để tiếp tục làm tốt nếu tin rằng đó là lựa chọn tốt nhất cho bản thân.