“Tại sao bạn yêu tôi?” – Có điều gì chưa đúng trong câu hỏi này
Oneway.vn – Tại sao bạn yêu tôi? Chính Chúa Jêsus đã không bao giờ hỏi tại sao. Ngài cũng không nói tại sao.
Người ta sẽ cho rằng chỉ những người độc thân mới phải vật lộn với vấn đề cô đơn trong khi các cặp vợ chồng đã kết hôn sống hạnh phúc mãi mãi. Nhưng điều đó không đúng. Sự cô đơn có thể tràn ngập ngay cả trong các mối quan hệ.
Tôi nhớ có lần vợ chồng tôi đã hỏi nhau câu hỏi riêng tư này: “Tại sao anh yêu em?” Chúng tôi thực sự tò mò về những gì chúng tôi nghĩ về nhau.
Tuy nhiên, câu hỏi đơn giản này đã tạo ra một chút nghi ngờ trong cuộc sống của chúng ta. Ý tôi là, làm thế nào có thể yêu mà không có lý do? Làm sao có thể có tình yêu vô điều kiện? Không phải tôi có nhiều kinh nghiệm từ năm đầu tiên kết hôn, nhưng tôi nhận ra rằng có lẽ tôi đã đặt câu hỏi sai.
Chính Chúa Jêsus đã không bao giờ hỏi tại sao. Ngài cũng không nói tại sao.
“Khi ăn xong, Đức Chúa Jêsus nói với Si-môn Phi-e-rơ rằng: Si-môn, con của Giăng, con yêu Ta hơn những người nầy chăng? Phi-e-rơ thưa: Vâng, thưa Chúa, Chúa biết rằng con yêu Chúa. Đức Chúa Jêsus bảo: Hãy chăm sóc những chiên con của Ta” (Giăng 21:15).
Tôi không khẳng định mình hiểu về tình yêu, tôi cũng không phải chuyên gia hay nổi tiếng là người biết yêu cách đặc biệt. Nhưng tôi biết rằng khi tôi bắt đầu hỏi lý do – “Tại sao em yêu anh?” – nó lôi kéo tôi vào sự hoài nghi và phản ánh một sự nghi ngờ ngấm ngầm về sự xứng đáng của chính tôi. Một tình yêu có lý do là một tình yêu xứng đáng.
Khi tôi hỏi vợ tại sao cô ấy lại yêu tôi, tôi đã nghi ngờ, không phải tình yêu của cô ấy, mà là sự xứng đáng của tôi với tình yêu đó. Sự nghi ngờ đó giống như một câu chuyện kịch tính, đầy ý nghĩa nhưng chẳng có thật.
“Tại sao cô ấy lại yêu tôi?”
“Có lẽ tôi nên bảo vệ bản thân mình khỏi sự tổn thương”.
“Chắc tôi sẽ giữ khoảng cách”.
“Tôi có quyền yêu và được yêu”.
Thế giới suy tàn khi chúng ta tìm cách thấu hiểu tình yêu thông qua những lăng kính vị kỷ và sai lầm. Cốt lõi của con người là mong muốn được yêu thương, nhưng khuynh hướng nghi ngờ so sánh thiệt hơn tự nhiên của chúng ta sẽ luôn chứng tỏ rằng chúng ta không xứng đáng. Đó thật là nơi cô đơn nhất để tồn tại.
Vòng luẩn quẩn này quả thật phức tạp, nhưng giải pháp cho nó lại không thực sự phức tạp như vậy.
Khi tôi nghĩ rằng tôi xứng đáng được nhận một loại tình yêu nào đó hoặc tin rằng tình yêu phải có lý do – tôi giới hạn loại tình yêu mà Chúa Jêsus đã ban mạng sống của Ngài. Chúng ta trở thành những kẻ cướp đi niềm vui của chính mình, và bóng tối đến với ánh sáng của chính chúng ta. Nhưng điều đó không cần thiết.
“Đang khi chúng ta còn yếu đuối thì đúng kỳ hạn Đấng Christ chịu chết vì kẻ có tội. Thật khó có ai chịu chết thay cho một người công chính, họa hoằn lắm mới có người dám chết thay cho một người lương thiện. Nhưng Đức Chúa Trời bày tỏ lòng yêu thương của Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là tội nhân thì Đấng Christ đã chết thay cho chúng ta” (Rô-ma 5:6-8).
Sự sẵn lòng để chấp nhận tình yêu lớn lao mà chúng ta không đáng có này sẽ giúp thanh lọc tâm hồn chúng ta; nó cho chúng ta cơ hội sống lại và trở nên công bình trước mắt Chúa. Vì cuối cùng Ngài muốn linh hồn chúng ta ở trong Vương quốc của Ngài, nên Ngài đã ban cho chúng ta chính Ngài – thân thể và Thánh Linh.
Tôi hy vọng bạn sẽ biết được tình yêu của Chúa Jêsus dành cho mình hơn bất cứ điều gì mà sự khôn ngoan của thế gian này có thể muốn bạn tin vào. Điều đó không cần lý do hay vần điệu nào, bạn được yêu và phải yêu. Để những người khác cũng có thể tìm thấy tình yêu mà họ thấy ở bạn – một tình yêu đảm bảo và bình an, không đòi hỏi điều kiện hay minh chứng.
Cuối cùng, tôi hy vọng tất cả chúng ta đều sẽ tìm thấy tình yêu đó.
Bài: Kenneth Heng; dịch: Abby
(Nguồn: thirst.sg)