Tài khoản kế toán là gì? Tóm tắt sơ đồ chữ T các tài khoản kế toán

Tài khoản kế toán là gì? Tóm tắt sơ đồ chữ T các tài khoản kế toán

Ngày 13/01/2022 – NTB.Liên

Khi bắt đầu làm kế toán, mỗi kế toán viên đều được tiếp xúc với khái niệm tài khoản kế toán và cách hạch toán theo phương pháp tài khoản kế toán. Trên thực tế, nếu không có tài khoản kế toán, chúng ta vẫn thực hiện được việc hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, hạch toán như thế sẽ rất dài dòng và tốn thời gian. Vì vậy trong bài viết dưới đây, phần mềm kế toán 1A sẽ cùng các bạn hệ thống lại định nghĩa tài khoản kế toán và kết cấu sơ đồ chữ T của các tài khoản kế toán để có thể định khoản được nhanh chóng hơn.

tài khoản kế toán là gì?

Khái niệm tài khoản kế toán

 

Để hiểu được khái niệm tài khoản kế toán, trước hết cần hiểu khái niệm nghiệp vụ kinh tế phát sinh. Nghiệp vụ kinh tế phát sinh (hay gọi tắt là nghiệp vụ) là các hoạt động liên quan tới quá trình hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Ví dụ: Chuyển khoản tiền từ tài khoản ngân hàng đến nhà cung cấp để mua hàng hóa là 1 nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

Tài khoản kế toán là phương tiện giúp kế toán phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh theo từng đối tượng kế toán riêng biệt. Ví dụ: Với đối tượng kế toán Tiền mặt – kế toán sẽ sử dụng Tài khoản 111 để phản ánh các nghiệp vụ liên quan đến thu chi tiền mặt trong doanh nghiệp.

=>> Tìm hiểu thêm: Tài khoản kế toán dùng để làm gì?

Nội dung của phương pháp tài khoản kế toán

 

Thông thường trên sổ sách kế toán, nếu chúng ta ghi đầy đủ tên cho từng đối tượng kế toán thì báo cáo sẽ rất dài. Do vậy để thực hiện hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh được ngắn gọn và nhanh hơn, chúng ta sẽ sử dụng các số hiệu tài khoản để mã hóa cho các đối tượng kế toán riêng biệt.

Phương pháp tài khoản kế toán là phương pháp đặc thù của hạch toán kế toán. Biểu hiện của phương pháp tài khoản kế toán là các tài khoản kế toán và cách ghi chép phản ánh nghiệp vụ phát sinh trên tài khoản kế toán.

Các đối tượng hạch toán kế toán bao gồm: tài sản, nguồn vốn, doanh thu, chi phí. Mỗi đối tượng kế toán cụ thể có nội dung kinh tế riêng, có đặc điểm vận động riêng biệt. Vì vậy, tài khoản kế toán cũng sẽ được mở theo từng đối tượng kế toán tương ứng.

Phương pháp phản ánh nghiệp vụ kinh tế vào tài khoản kế toán phụ thuộc vào đặc điểm của đối tượng và nội dung nghiệp vụ kinh tế. Thông qua phương pháp tài khoản, các nghiệp vụ kinh tế, tài chính phát sinh được sắp xếp, phân loại theo từng đối tượng hạch toán kế toán, từng loại hoạt động kinh doanh nhằm giúp cho việc hệ thống hóa và tổng hợp thông tin được thuận lợi hơn.

Tài khoản kế toán cung cấp thông tin cho nhà quản lý về tình hình biến động tăng, giảm và hiện có của từng đối tượng hạch toán kế toán trong mối quan hệ với các đối tượng khác.

Kết cấu chung của tài khoản kế toán

 

Tuỳ theo mức độ phản ánh của số liệu hạch toán kế toán và dựa vào yêu cầu quản lý của doanh nghiệp mà kế toán thực hiện phân cấp tài khoản kế toán thành những cấp độ khác nhau: Tài khoản cấp I, tài khoản cấp II, …

Trong đó:

  • TK cấp I – là TK bao gồm 3 chữ số.
  • TK cấp II – là TK bao gồm 3 chữ số ở TK cấp I và 1 chữ số cuối = 4 chữ số
  • TK cấp III – là TK bao gồm 4 chữ số ở TK cấp II và 1 chữ số cuối = 5 chữ số

Xét về sự vận động của các đối tượng kế toán thì bất kỳ đối tượng nào cũng vận động theo hai mặt đối lập nhau, ví dụ như: Sự vận động của tiền mặt là thu và chi; Sự vận động của nợ phải trả là phát sinh khoản nợ và đã trả nợ, … Vì vậy, để có thể phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống sự vận động của các đối tượng kế toán, kết cấu của tài khoản kế toán sẽ gồm hai phần chủ yếu gọi là bên Nợ (bên trái) và bên Có (bên phải).

 

TÊN TÀI KHOẢN

NỢ

 

Mỗi loại tài khoản sẽ có những quy tắc ghi Nợ – Có khác nhau.

Tài khoản tài sản – loại 1, 2, 6, 8

  • Phát sinh Tăng ghi bên Nợ.
  • Phát sinh Giảm ghi bên Có.
  • Số dư đầu kỳ (SDĐK) và số dư cuối kỳ (SDCK) của tài khoản loại 1, 2 nằm bên Nợ.
  • Tài khoản loại 6, 8 không có số dư.

tài khoản loại tài sản

Tài khoản nguồn vốn – loại 3, 4, 5, 7

  • Phát sinh Tăng ghi bên Có.
  • Phát sinh Giảm ghi bên Nợ.
  • Số dư đầu kỳ (SDĐK) và số dư cuối kỳ (SDCK) của tài khoản loại 3, 4 nằm bên Có.
  • Tài khoản loại 5, 7 không có số dư.

tài khoản loại nguồn vốn

Tài khoản xác định kết quả hoạt động kinh doanh – loại 9

Tài khoản 911 dùng để xác định và phản ánh kết quả kinh doanh và một số hoạt động khác của doanh nghiệp. Đây là tài khoản trung gian, kết chuyển từ các tài khoản từ loại 5 đến loại 8 vào loại 9 để xác định lãi lỗ và đóng thuế TNDN.

Tài khoản kết quả hoạt động kinh doanh 911

Hy vọng bài viết đã giúp bạn hệ thống lại những kiến thức liên quan đến tài khoản kế toán. Phần mềm kế toán 1A đã có đầy đủ bộ hệ thống tài khoản theo Thông tư 200 và Thông tư 133. Ngoài ra, phần mềm cũng có tính năng tự động định khoản, vì vậy bạn cũng không cần phải nhớ nhiều về số hiệu tài khoản cũng như kết cấu và sự vận động của các tài khoản kế toán. Bạn có thể liên hệ với phần mềm kế toán 1A theo số điện thoại 028 3848 9975 để download phần mềm kế toán và được tư vấn cụ thể hơn nhé!