Tài chính toàn diện và đói nghèo: Trường hợp ở Việt Nam

Tóm tắt:
 

Bài nghiên cứu tóm lược khái niệm và vai trò của tài chính toàn diện đối với việc cải thiện tình trạng đói nghèo. Sau khi tiến hành đánh giá mức độ tài chính toàn diện thông qua các khía cạnh khác nhau và mức độ đói nghèo ở Việt Nam, nghiên cứu sử dụng hệ số tương quan Pearson để tìm ra mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và sự đói nghèo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, tại Việt Nam, tài chính toàn diện trên từng khía cạnh đều có tương quan nghịch chiều mạnh mẽ với tỷ lệ đói nghèo ở các chuẩn nghèo. Nghiên cứu cũng đã đề xuất một số hàm ý chính sách trong việc tăng cường tiến trình tài chính toàn diện ở Việt Nam để từ đó có thể cải thiện tình trạng nghèo đói.


Từ khóa: Tài chính toàn diện, nghèo đói, tỷ lệ nghèo đói.

A RELATIONSHIP BETWEEN FINANCIAL INCLUSION AND POVERTY IN VIETNAM

Abtract: 
 

The study summarizes the concept and role of financial inclusion in poverty alleviation. After assessing financial inclusion through different dimensions and poverty levels in Vietnam, the study uses the Pearson correlation coefficient to find the relationship between financial inclusion and poverty. Research results show that, in Vietnam, financial inclusion in each aspect has a strong negative correlation with the poverty rate in the poverty lines. The study also suggested some policy implications for enhancing financial inclusion in Vietnam so that poverty could be improved.
 

Keywords: Financial inclusion, poverty, poverty rate.
 

1. Giới thiệu
 

Sự ảnh hưởng của tài chính toàn diện đến phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giảm bất bình đẳng đã được các nhà nghiên cứu, các tổ chức tài chính quốc tế cũng như chính phủ các quốc gia ghi nhận. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) coi tài chính toàn diện là một trong ba trụ cột của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) tầm nhìn 2025 trong hội nhập tài chính và đã thành lập nhóm công tác về tài chính toàn diện để thúc đẩy lĩnh vực này trong khu vực (ASEAN, 2015). Ở Việt Nam, tài chính toàn diện được quan tâm một cách sâu sắc, với Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ ban hành với các chỉ tiêu phấn đấu đầy tham vọng (Thủ tướng Chính phủ, 2020). Chẳng hạn như nâng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng thương mại phục vụ 100.000 người dân trưởng thành lên thành 20 chi nhánh và phòng giao dịch vào năm 2025 (trong khi năm 2020 chỉ có 4,01 chi nhánh phục vụ cho 100.000 người dân).
 

Tài chính toàn diện có vai trò và ý nghĩa quan trọng đối với sự ổn định tài chính, tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững, đặc biệt là đối với việc loại bỏ đói nghèo. Tài chính toàn diện tạo điều kiện thực hiện mục tiêu này bằng cách cung cấp cho người nghèo các dịch vụ họ cần để đầu tư và quản lý các chi phí phát sinh đột xuất. Banerjee and Newman (1994) đã chỉ ra việc thiếu tiếp cận với các dịch vụ tài chính cơ bản gây khó khăn cho những người có thu nhập thấp để kiểm soát cuộc sống kinh tế của họ. Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo phản ánh sự thiếu hoàn hảo của thị trường, bao gồm sự bất cân xứng về thông tin và thiếu sự tiếp cận với các dịch vụ tài chính – cả hai đều có thể tạo ra cái gọi là cái bẫy nghèo đói buộc người dân luôn ở mức nghèo khổ (Banerjee and Newman, 1994; Beck, Demirgüç – Kunt and Levine, 2007).
 

Các dịch vụ tài chính như tiết kiệm có thể có tác động trực tiếp và gián tiếp đến việc giảm nghèo đói. Ví dụ, việc cá nhân tiếp cận với các công cụ tiết kiệm có thể giúp làm tăng tiết kiệm ròng của một quốc gia (Ashraf, Karlan, & Yin, 2010), có thể dẫn đến sự gia tăng đầu tư và tiêu dùng hiệu quả. Tiết kiệm cho phép các gia đình tăng khả năng để đối mặt với các cú sốc tài chính, duy trì tiêu dùng đều đặn, tích lũy tài sản và đầu tư vào con người như y tế, giáo dục.
 

Burgess & Pande (2005) nhận thấy rằng, việc mở rộng ngân hàng của nhà nước tại các khu vực không có ngân hàng ở Ấn Độ đã làm giảm đáng kể số người ở nông thôn nghèo đói từ 14 đến 17 điểm phần trăm. Ngoài ra, các sản phẩm thanh toán tài chính kỹ thuật số cho phép mọi người nhận tiền từ người thân và bạn bè ở xa trong thời gian khủng hoảng, làm giảm khả năng rơi vào đói nghèo. Một nghiên cứu về chương trình tiền di động ở Kenya, M-Pesa, cho thấy rằng khi phải đối mặt với một cú sốc tài chính, người dùng M-Pesa có nhiều khả năng nhận được các khoản tiền chuyển hơn là người không sử dụng (Jack &Suri, 2014).
 

Nhận thấy sự ảnh hưởng quan trọng của tài chính toàn diện nói trên, bài nghiên cứu tập trung vào vai trò tài chính toàn diện và sự cải thiện nghèo đói, với nội dung tiếp theo sẽ trình bày về khái niệm và vai trò tài chính toàn diện, sau đó chỉ ra thực trạng tài chính toàn diện ở phần 3. Thực trạng đói nghèo ở Việt Nam và đối sánh với một số quốc gia ASEAN được trình bày ở phần 4. Phần 5 phân tích mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và nghèo đói, từ đó đưa ra các kết luận và hàm ý chính sách ở phần 6.

 

2. Khái niệm và cách đo lường tài chính toàn diện
 

Hiện nay, chưa có khái niệm về tài chính toàn diện ở các tổ chức và các quốc gia trên thế giới được sử dụng một cách thống nhất. Các khái niệm được đưa ra trong các báo cáo của các tổ chức quốc tế, trong chiến lược của các quốc gia hay trong các nghiên cứu. Một số tổ chức đã đưa ra quan điểm về tài chính toàn diện có thể kể đến như Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Thế giới (World Bank), Liên hiệp quốc (UN). Trong phạm vi nghiên cứu này, nhóm tác giả dựa theo quan điểm của Sarma (2012, trang 3) với khái niệm về tài chính toàn diện là “việc đảm bảo sự dễ dàng tiếp cận, sẵn có và mức sử dụng của hệ thống tài chính chính thức cho tất cả các thành viên của nền kinh tế”. Theo đó, khái niệm này đặc biệt nhấn mạnh vào các khía cạnh đã phân tích trên, bao gồm tính dễ tiếp cận, sẵn có và mức sử dụng của hệ thống tài chính, cấu thành nên tài chính toàn diện. 
 

Các khía cạnh nói trên liên quan sâu sắc đến nội dung của phần xây dựng chỉ số đo lường tài chính toàn diện. Cụ thể, chỉ số tài chính toàn diện (IFI) được đo lường bằng cách xây dựng từng chỉ số riêng lẻ cho mỗi khía cạnh của tài chính toàn diện – được gọi là chỉ số thành phần, với ba khía cạnh cơ bản: Khả năng thâm nhập, tính sẵn có và mức độ sử dụng dịch vụ tài chính. Khía cạnh (1) khả năng thâm nhập, được đánh giá bằng số lượng tài khoản tiền gửi tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính vi mô và số lượng tài khoản tiền gửi điện thoại di động đã đăng ký trên 1.000 người trưởng thành. Khía cạnh (2) sự sẵn có của dịch vụ tài chính được đo lường thông qua số lượng phòng giao dịch ngân hàng, số đại lý cung cấp dịch vụ tài chính di động đã đăng ký và số máy ATM trên 100.000 người trưởng thành. Khía cạnh (3) sử dụng dịch vụ tài chính được đánh giá thông qua tổng khối lượng của các giao dịch tín dụng và khối lượng tiền gửi.
 

Các chỉ số được tính toán cho từng khía cạnh của tài chính toàn diện (di), với mỗi khía cạnh được tính toán theo công thức sau:
 


Trong đó:  
 

Ai : giá trị thực tế của chỉ số khía cạnh thứ i
 

mi : giá trị tối thiểu của chỉ số khía cạnh thứ i 
 

Mi : giá trị tối đa của chỉ số khía cạnh thứ i
 

wi : tỷ trọng được gán cho mỗi khía cạnh
 

Với ba khía cạnh nói trên, một quốc gia nào đó có được kết quả là (p: penetration; a: availability; u: usage). Lúc này, việc tính toán IFI cho một quốc gia cụ thể nào đó cũng được thực hiện theo công thức sau (Sarma, 2012):

 


3. Thực trạng tài chính toàn diện ở Việt Nam 
 

Nhóm tác giả sử dụng số liệu thu thập từ bộ dữ liệu của IMF – FAS (2021) để đánh giá và phân tích các khía cạnh của tài chính toàn diện ở Việt Nam. Ngoài ra, bài nghiên cứu còn thực hiện đối sánh với hai quốc gia là Indonesia và Thái Lan để cho sự phân tích sâu sắc hơn.
 

3.1. Khía cạnh thâm nhập của ngân hàng
 

Bảng 1: Số lượng tài khoản ngân hàng trên 1.000 người trưởng thành 

ở Việt Nam và một số quốc gia

 

Chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá mức độ thâm nhập của ngân hàng chính là số tài khoản ngân hàng trên 1.000 người trưởng thành và đây cũng là một chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá tài chính toàn diện. Bình quân qua các năm của cả khối ASEAN, cứ 1.000 người dân sẽ có 1.107,66 tài khoản ngân hàng, hay nói cách khác cứ mỗi người dân ở ASEAN sẽ có hơn 1 tài khoản ngân hàng (Trung & Quỳnh, 2020). Ở Việt Nam, số lượng tài khoản trong mỗi người trưởng thành khá khiêm tốn so với Indonesia và Thái Lan (Bảng 1).


Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ IMF – FAS, 2021

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ IMF – FAS, 2021


Năm 2010 – 2017, số lượng này tăng trưởng qua các năm nhưng mỗi người dân trưởng thành ở Việt Nam chưa có tới một tài khoản ngân hàng chính thống, cho đến năm 2018, con số này đã được nâng lên là 1.086,88 và liên tục tăng đến năm 2020, đạt 1.304,20. Điều này cho thấy sự nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc đẩy mạnh tiến trình tài chính toàn diện. 
 

Mặc dù so với hai quốc gia là Indonesia và Thái Lan, Việt Nam có số tài khoản thấp hơn, nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân mỗi năm lại cao vượt trội; cụ thể đạt 17,95%/năm, cao hơn 1,5 lần so với Indonesia và gấp 8,7 lần so với Thái Lan, giúp cho khoảng cách về số lượng tài khoản trên 1.000 người trưởng thành được rút ngắn dần giữa Việt Nam và các quốc gia.
 

3.2. Khía cạnh về tính sẵn có của các dịch vụ ngân hàng
 

Hình 1: Số lượng chi nhánh ngân hàng và số lượng ATM 

trên 100.000 người trưởng thành Việt Nam và một số quốc gia
 

Tính sẵn có của ngân hàng được xem xét thông qua hai chỉ tiêu: Số lượng chi nhánh ngân hàng và số lượng ATM trên 100.000 người trưởng thành. Trung & Quỳnh (2020) đã cho thấy bình quân qua các năm của khối ASEAN, cứ 100.000 người dân sẽ có 9,13 chi nhánh ngân hàng và 41,16 máy ATM phục vụ. Việt Nam có số lượng chi nhánh khá thấp, thấp hơn so với Indonesia và Thái Lan (xem Hình 1), đồng thời thấp hơn hẳn so với bình quân của ASEAN nói trên.

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ IMF – FAS, 2021


Hình 1 cho thấy, số lượng chi nhánh ngân hàng phục vụ cho 100.000 người dân trưởng thành ở Việt Nam đều thấp hơn so với Thái Lan và Indonesia qua các năm; cụ thể ở năm 2020, số chi nhánh chỉ đạt 4,01, trong khi đó Indonesia đạt 15,22; cao hơn 3,8 lần và Thái Lan đạt 10,59; cao hơn 2,6 lần so với Việt Nam. Đồng thời, về số lượng ATM cũng có kết quả tương tự trong giai đoạn 2012 – 2020; chi tiết hơn vào năm 2020, Việt Nam có 26,26 máy so với Indonesia là 51,66 máy (Việt Nam thấp hơn Indonesia gần 2 lần) và Thái Lan là 111,82 máy (Việt Nam thấp hơn Thái Lan gần 4,3 lần).
 

3.3. Khía cạnh về mức độ sử dụng các dịch vụ ngân hàng
 

Trong tiến trình thúc đẩy tài chính toàn diện, rõ ràng việc gia tăng số lượng tài khoản được mở trong dân chúng cũng như số lượng chi nhánh và số ATM phục vụ cho người dân là việc hết sức cần thiết. Tuy nhiên, thực tế lại tồn tại hiện tượng các ngân hàng mở rộng chi nhánh hay gia tăng số lượng ATM, nhưng không thúc đẩy tài chính toàn diện. Kinh nghiệm từ một số quốc gia Trung Đông và Nam Phi cho thấy sự lan rộng của các tổ chức tài chính vi mô cũng như ngân hàng đã không thành công trong việc giảm loại trừ tài chính, nghèo đói, bất bình đẳng thu nhập và khả năng tiếp cận ít ỏi đối với các dịch vụ tài chính cơ bản vẫn là một thiếu thốn đối với một bộ phận lớn dân số, đặc biệt là những bộ phận yếu kém của xã hội (Neaime & Gaysset, 2018; Pearce, 2011). Do vậy, trong các khía cạnh của tài chính toàn diện, nhóm tác giả rất chú trọng đến khía cạnh sử dụng, được đo lường bằng tỷ lệ tiền gửi và cho vay trên GDP.
 

Bảng 2: Tỷ lệ tiền gửi và cho vay trên GDP ở Việt Nam và một số quốc gia


                                                                                                                         ĐVT: %


Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ IMF – FAS, 2021

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ IMF – FAS, 2021

Ở khía cạnh này, Việt Nam có tỷ lệ này khá cao, cao hơn so với bình quân các nước ASEAN (Trung & Quỳnh, 2020) và cao hơn nhiều so với hai quốc gia Indonesia và Thái Lan (xem Bảng 2).


Cụ thể năm 2020, Việt Nam có tiền gửi và cho vay chiếm 310,44% so với GDP, trong khi đó Indonesia chỉ đạt 78,70% và Thái Lan đạt 166,12%. Tương tự như năm 2020, các năm còn lại, Việt Nam đều có tỷ lệ này khá cao và cao vượt trội so với hai quốc gia được đối sánh. Bình quân tốc độ tăng trưởng qua các năm ở Việt Nam cũng cao hơn so với hai quốc gia còn lại, với tốc độ là 5,49%, cao gấp 2,7 và 2,5 lần so với Indonesia và Thái Lan.
 

4. Thực trạng đói nghèo ở Việt Nam 
 

Trong nghiên cứu này, nhóm tác giả sử dụng các tỷ lệ đói nghèo ở các chuẩn khác nhau để đo lường và đánh giá thực trạng đói nghèo ở Việt Nam cũng như một số quốc gia lân cận. Kể từ năm 1990, World Bank đã hướng tới việc áp dụng một tiêu chuẩn chung trong việc đo lường tình trạng nghèo cùng cực, dựa trên ý nghĩa của nghèo đói ở các nước nghèo nhất thế giới. Khi sự khác biệt về chi phí sinh hoạt trên toàn thế giới ngày càng tăng, chuẩn nghèo quốc tế phải được cập nhật định kỳ bằng cách sử dụng dữ liệu PPP (Purchasing Power Parity – Ngang giá sức mua) mới để phản ánh những thay đổi này. Kể từ tháng 10 năm 2015, World Bank áp dụng 1,90 USD làm chuẩn nghèo quốc tế bằng cách sử dụng PPP năm 2011 và đây được xem là nhóm nghèo “cùng cực”, đại diện cho mức trung bình của chuẩn nghèo được tìm thấy ở 15 trong số các quốc gia nghèo nhất được xếp hạng theo mức tiêu dùng bình quân đầu người. Các chuẩn nghèo khác như chuẩn 3,20 USD được tính từ các chuẩn nghèo quốc gia điển hình ở các nước được xếp vào nhóm thu nhập trung bình thấp và chuẩn nghèo 5,50 USD được tính từ các chuẩn nghèo quốc gia điển hình ở các quốc gia được xếp vào nhóm thu nhập trung bình cao (World Bank, 2021a). 
 

Bảng 3: Tỷ lệ số người nghèo đói ở các chuẩn nghèo tại Việt Nam và một số quốc gia ASEAN

                                                                                                                                                                                  ĐVT: %

Việc ước tính các tỷ lệ nói trên ở Việt Nam không được thực hiện hằng năm như Indonesia và Thái Lan mà là hai năm một lần, chẳng hạn như các năm 2008, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018 (xem công bố của World Development Indicators, 2021). Một trong các nội dung của Bảng 3 thể hiện tỷ lệ phần trăm dân số sống dưới 1,90 USD/ngày ở Việt Nam và các nước Indonesia, Thái Lan. Có thể thấy, ở mức chuẩn nghèo “cùng cực” nhất, tức ở mức 1,90 USD/ngày, Việt Nam có tỷ lệ người dân sống dưới mức này có xu hướng giảm qua các năm và có tỷ lệ thấp hơn so với Indonesia nhưng cao hơn so với Thái Lan. Cụ thể, ở năm 2018 tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam là 1,8% giảm đáng kể so với năm 2008 với tốc độ giảm là 18,60%, trong khi đó, Indonesia có tỷ lệ người nghèo cao hơn chiếm 3,6%, cao hơn gấp đôi so với Việt Nam. Thái Lan có tỷ lệ người nghèo ở ngưỡng này khá thấp, thậm chí từ năm 2013 đến năm 2018, tỷ lệ này xấp xỉ bằng 0. Tại Việt Nam, tỷ lệ này theo tính toán của nhóm tác giả là 1,2% vào năm 2020.

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ World Development Indicators, 2021

Trong đó: Số liệu năm 2020 là số liệu theo tính toán của nhóm tác giả

 

Ở các chuẩn nghèo quốc tế còn lại, như chuẩn nghèo ở mức 3,20 USD/ngày và 5,50 USD/ngày, qua các năm Việt Nam đều có tỷ lệ thấp hơn Indonesia nhưng lại cao hơn Thái Lan (Bảng 3). Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ lệ này ở Việt Nam được duy trì khá cao, cụ thể số người dân sống dưới chuẩn nghèo 3,20 USD/ngày qua các năm có xu hướng giảm với tốc độ là 17,63%/năm, thấp với tốc độ giảm ở Thái Lan (19,80%) và cao hơn rất nhiều so với Indonesia (8,66%). Tương tự như vậy, tỷ lệ người dân sống dưới chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày có xu hướng giảm với tốc độ bình quân 11,71%, cao hơn so với Thái Lan (11,06%) và cao gần gấp 3 lần so với Indonesia (4,15%). Tốc độ giảm tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam cho thấy sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc cải thiện sự đói nghèo; do vậy theo tính toán của nhóm tác giả, năm 2020, ở hai chuẩn nghèo này, Việt Nam duy trì tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 4,5% và 17,5%.
 

Ở các chuẩn nghèo quốc tế còn lại, như chuẩn nghèo ở mức 3,20 USD/ngày và 5,50 USD/ngày, qua các năm Việt Nam đều có tỷ lệ thấp hơn Indonesia nhưng lại cao hơn Thái Lan (Bảng 3). Tuy nhiên, tốc độ giảm của tỷ lệ này ở Việt Nam được duy trì khá cao, cụ thể số người dân sống dưới chuẩn nghèo 3,20 USD/ngày qua các năm có xu hướng giảm với tốc độ là 17,63%/năm, thấp với tốc độ giảm ở Thái Lan (19,80%) và cao hơn rất nhiều so với Indonesia (8,66%). Tương tự như vậy, tỷ lệ người dân sống dưới chuẩn nghèo 5,50 USD/ngày có xu hướng giảm với tốc độ bình quân 11,71%, cao hơn so với Thái Lan (11,06%) và cao gần gấp 3 lần so với Indonesia (4,15%). Tốc độ giảm tỷ lệ người nghèo ở Việt Nam cho thấy sự nỗ lực lớn của Chính phủ trong việc cải thiện sự đói nghèo; do vậy theo tính toán của nhóm tác giả, năm 2020, ở hai chuẩn nghèo này, Việt Nam duy trì tỷ lệ thấp hơn, lần lượt là 4,5% và 17,5%.

Hình 2: Tỷ lệ dân số nghèo quốc gia tại Việt Nam và một số quốc gia
 

Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp từ World Development Indicators, 2021

Trong đó: Số liệu năm 2020 là số liệu theo tính toán của nhóm tác giả

Ngoài tỷ lệ nghèo theo các chuẩn nghèo quốc tế nói trên, nhóm tác giả tiếp tục xem xét tỷ lệ phần trăm dân số sống dưới chuẩn nghèo quốc gia (sau đây gọi là tỷ lệ dân số nghèo quốc gia). Tỷ lệ đói nghèo trong dân số được đo lường dựa trên chuẩn nghèo quốc gia, là ước tính quốc gia dựa trên ước tính phân nhóm gia quyền dân số từ các cuộc điều tra hộ gia đình (tức là theo quốc gia cụ thể); chính vì vậy, chuẩn nghèo quốc gia là chuẩn để ước tính các chỉ số nghèo phù hợp với hoàn cảnh kinh tế, xã hội cụ thể của đất nước (World Bank, 2021b).


Tỷ lệ người dân sống dưới chuẩn nghèo quốc gia ở Việt Nam có sự thay đổi rõ rệt trong quãng thời gian từ năm 2010 – 2020 (xem Hình 2). Theo đó, năm 2010, Việt Nam duy trì ở mức 20,7% cao hơn so với Indonesia (13,3%) và Thái Lan (16,4%), nhưng đến năm 2018, tỷ lệ này giảm mạnh, chỉ còn là 6,7% thấp hơn hai quốc gia nói trên (lần lượt có tỷ lệ là 9,8% và 9,9%). Tốc độ này cao hơn hẳn so hai quốc gia còn lại, có tốc độ giảm lần lượt là 4,39%; 6,97%; tức là hơn gấp 3 lần so với Indonesia và 1,9 lần so với Thái Lan.
 

Như vậy, qua phân tích, có thể thấy, mức độ giảm nghèo ở Việt Nam cũng như một số quốc gia có sự chuyển biến tích cực. Mặc dù mức độ giảm khác nhau, nhưng đã cho thấy sự nỗ lực của chính phủ các quốc gia, đặc biệt là Chính phủ Việt Nam.

 

5. Mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và đói nghèo 
 

Bảng 4: Hệ số tương quan Pearson giữa tài chính toàn diện 

và tỷ lệ đói nghèo ở Việt Nam


Nguồn: Nhóm tác giả tính toán và tổng hợp từ Stata 16.0
 

Nguồn: Nhóm tác giả tính toán và tổng hợp từ Stata 16.0

Để phân tích mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và mức độ đói nghèo ở Việt Nam, nhóm tác giả sử dụng hệ số tương quan cặp Pearson để xem xét. Về tài chính toàn diện, ngoài các khía cạnh được phân tích ở trên, nhóm tác giả sử dụng IFI được tính theo gợi ý của Sarma (2012), bằng cách tính bình quân tổng hợp trên cả ba khía cạnh. Đây phương pháp tốt nhất để đo lường mối liên hệ giữa các biến, và có thể cung cấp thông tin về độ lớn của mối liên kết, hoặc mối tương quan, cũng như chiều hướng của mối quan hệ.

Bảng 4 cho thấy, mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và tỷ lệ nghèo đói ở Việt Nam được xem xét trên từng khía cạnh của tài chính toàn diện với tỷ lệ nghèo đói ở từng chuẩn nghèo. Trong đó, các ký hiệu PovNa, Pov1.9, Pov3.2, Pov5.5 được hiểu lần lượt là tỷ lệ đói nghèo ở các chuẩn quốc gia; 1,90 USD/ngày; 3,20 USD/ngày; 5,50 USD/ngày. Một cách tổng quát nhất, có thể thấy sự cải thiện về tài chính toàn diện có thể dẫn đến sự cải thiện về tình trạng đói nghèo Việt Nam thông qua mối tương quan phủ định. Cụ thể, mối tương quan này cho thấy rằng IFI càng tăng, thì tỷ lệ đói nghèo càng giảm, sự tương quan giữa chỉ số này với các tỷ lệ nghèo theo từng chuẩn nghèo đều có kết quả bé hơn -0,9 cho thấy sự tương quan ngược chiều này là rất mạnh. 
 

Từng khía cạnh của tài chính toàn diện, đều có kết quả tương tự. Ngoại trừ hệ số tương quan giữa số lượng chi nhánh ngân hàng và tỷ lệ đói nghèo chuẩn 1,90 USD/ngày và 3,20 USD/ngày không có ý nghĩa thống kê, tất cả các hệ số tương quan còn lại đều đáng tin cậy (từ 95% – 99%). Chẳng hạn như ở khía cạnh thâm nhập của ngân hàng, số lượng tài khoản ngân hàng chính thống mà người dân sở hữu càng tăng, thì tỷ lệ đói nghèo sẽ càng giảm; các hệ số tương quan ở biến này với các chuẩn nghèo đều có kết quả nhỏ hơn -0,9, cho thấy sự tương quan phủ định mạnh. Tương tự như vậy, số lượng chi nhánh ngân hàng có sự tương quan với tỷ lệ nghèo theo chuẩn quốc gia và theo chuẩn quốc tế 5,50 USD/ngày.
 

Bảng 5: Hệ số tương quan Pearson giữa IFI 

và tỷ lệ đói nghèo ở Indonesia và Thái Lan


Nguồn: Nhóm tác giả tính toán và tổng hợp từ Stata 16.0

Nguồn: Nhóm tác giả tính toán và tổng hợp từ Stata 16.0

 

Số lượng ATM cũng có mối quan hệ ngược chiều với sự nghèo đói, với các hệ số tương quan đều âm. Mức độ sử dụng các dịch vụ ngân hàng cũng có cùng kết quả, tuy nhiên mức tương quan nghịch biến không mạnh so với khía cạnh thâm nhập.

So với các nước Indonesia, Thái Lan, mức độ tương quan nghịch chiều giữa tài chính toàn diện và việc giảm nghèo đói ở Việt Nam có xu hướng chặt chẽ hơn (xem Bảng 5). Theo đó, các hệ số tương quan giữa IFI và tỷ lệ nghèo ở các chuẩn nghèo của Việt Nam (ở Bảng 4) đều lớn hơn Indonesia và Thái Lan. Điều này cho thấy, sự cải cách trong tài chính toàn diện có thể thúc đẩy cải tiến tình trạng nghèo đói ở Việt Nam mạnh hơn so với một số nước cùng khu vực. Đây được xem là kết quả quan trọng trong nghiên cứu này của nhóm tác giả.
 

Tóm lại, tài chính toàn diện có mối quan hệ nghịch chiều mật thiết với tỷ lệ đói nghèo, sự thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam sẽ có thể khiến cho tình trạng đói nghèo được điều chỉnh giảm, và sự tương quan này chặt chẽ hơn so với các nước lân cận. Kết quả về mối quan hệ phủ định này của nghiên cứu hoàn toàn trùng khớp với nghiên cứu của Burgess & Pande (2005), việc mở rộng ngân hàng của nhà nước tại các khu vực không có ngân hàng ở Ấn Độ đã làm giảm đáng kể số người ở nông thôn nghèo đói. Và kết quả này cùng phù hợp với lập luận của Jack &Suri (2014) rằng tài chính toàn diện (thông qua chương trình tiền di động M-Pesa) giúp người dân giảm bớt khó khăn khi phải đối mặt với một cú sốc tài chính.
 

6. Kết luận và hàm ý chính sách 
 

Tài chính toàn diện có ý nghĩa to lớn đối với kinh tế – xã hội và là tiền đề quan trọng cho công tác xóa đói giảm nghèo và tăng trưởng bền vững. Thúc đẩy tài chính toàn diện luôn là nỗ lực của mỗi quốc gia trong thời gian vừa qua. Ở Việt Nam, sự nỗ lực đã được thể hiện ở kết quả cải thiện về tài chính toàn diện trên từng khía cạnh mà nhóm tác giả đã phân tích. Mặc dù một số khía cạnh còn hạn chế như số lượng chi nhánh, số lượng ATM, nhưng một số khía cạnh khác lại có sự tăng trưởng vượt trội như số lượng tài khoản và đặc biệt là mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng của người dân luôn cao hơn hẳn so với các quốc gia như Indonesia và Thái Lan. Đi cùng với sự cải thiện về tài chính toàn diện, công tác giảm nghèo cũng được Chính phủ Việt Nam xem xét và kết quả cũng cho thấy sự cải thiện qua các năm. Quan trọng nhất, nhóm tác giả đã tìm thấy sự tương quan ngược chiều mạnh mẽ giữa tài chính toàn diện và sự đói nghèo ở Việt Nam, điều này cho thấy tài chính toàn diện càng được thúc đẩy, sự đói nghèo càng được giảm đáng kể. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất các hàm ý chính sách liên quan đến tài chính toàn diện, như tiếp tục gia tăng số tài khoản được sở hữu ở người trưởng thành, mở rộng chi nhánh và số lượng ATM phục vụ cho người dân, cũng như khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ từ ngân hàng chính thống. Việc thực hiện đồng thời các chính sách này sẽ góp phần cải thiện tình trạng đói nghèo ở Việt Nam. Tuy nhiên, bài nghiên cứu còn giới hạn về số liệu do World Development Indicators (2021) cung cấp, do vậy nhóm tác giả chỉ dừng lại ở phân tích hệ số tương quan, xác định mối quan hệ giữa tài chính toàn diện và sự đói nghèo ở Việt Nam cũng như một số quốc gia trong ASEAN.