Tài chính là gì? Sự ra đời, bản chất, chức năng của tài chính?
Tài chính luôn là một trong những sự quan tâm hàng đầu của tất cả mọi người. Vậy tài chính là gì và các yếu tố liên quan đến tài chính như thế nào. Mời các bạn cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Mục Lục
1. Tài chính là gì?
Tài chính là phạm trù kinh tế phản ánh các quan hệ phân phối của cải xã hội dưới hình thức giá trị phát sinh trong quá trình hình thành, tạo lập, phân phố các quỹ tiền tệ của các chủ thể trong nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu của các chủ thể ở mỗi điều kiện nhất định.
Tài chính là tổng hợp những mối quan hệ phát sinh trong quá trình phân phối những nguồn tài chính thông qua việc tạo lập hoặc sử dụng những quỹ tiền tệ với mục đích nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của tất cả chủ thể trong xã hội. Tài chính có mặt trong mọi lĩnh vực diễn ra trong xã hội.
Như vậy, ở góc độ kinh tế học thì khái niệm tài chính (FINANCE) là khoa tiền tệ và các hoạt động về tiền tệ; cung ứng tiền tệ cho các đòi hỏi cần thiết.
(The science of money and monetary affairs; to raise money for necessary requirements).
2. Bản chất của tài chính
Xét về bản chất, tài chính được hiểu là các quan hệ kinh tế trong phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Thông qua đó tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ nhằm đáp ứng nhu cầu tích luỹ và tiêu dùng của các chủ thể trong nền kinh tế.
Nhìn bề ngoài, tài chính có vẻ giống như các quỹ tiền tệ của những chủ thể trong xã hội. Nhưng tài chính không phải là tiền tệ. Tiền tệ về bản chất là đóng vai trò vật ngang giá chung trong trao đổi hàng hoá với các chức năng vốn có: phương tiện để đo lường giá trị hàng hoá, phương tiện trao đổi và phương tiện tích luỹ. Tài chính được hiểu là sự vận động tương đối của tiền tệ thực hiện chức năng của mình, nhằm mục đích tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ trong nền kinh tế.
Bản chất của tài chính được thể hiện chi tiết thông qua các quan hệ kinh tế cơ bản trong quá trình phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị như sau:
– Quan hệ giữa nhà nước với cơ quan, đơn vị kinh tế, dân cư
– Quan hệ giữa tổ chức tài chính trung gian với các cơ quan, tổ chức kinh tế phi tài chính, dân cư
– Quan hệ giữa các cơ quan, đơn vị kinh tế, dân cư với nhau và các quan hệ kinh tế trong nội bộ các chủ thể đó
– Quan hệ giữa các quốc gia với nhau trên thế giới…
3. Sự ra đời của tài chính
Vai trò của tài chính trong nền kinh tế quốc dân là vô cùng quan trọng. Vậy tài chính xuất hiện từ khi nào? Những nguyên nhân dẫn đến sự xuất hiện của tài chính? Dưới đây là những lý do cơ bản dẫn đến sự ra đời của tài chính.
3.1. Sự ra đời do sản xuất hàng hoá và tiền tệ
Khi xã hội có sự phân công về lao động, có sự chiếm hữu khác nhau về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động, nền sản xuất hàng hoá ra đời và tiền tệ xuất hiện. Các quỹ tiền tệ được tạo lập và được sử dụng bởi các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội hay cá nhân nhằm mục đích tiêu dùng và đầu tư phát triển kinh tế – xã hội. Các quan hệ kinh tế đó làm nảy sinh phạm trù tài chính.
Sự ra đời của nền sản xuất hàng hoá – tiền tệ làm xuất hiện các nguồn tài chính, đó là của cải xã hội được biểu hiện dưới hình thức giá trị. Sản xuất và trao đổi hàng hoá xuất hiện, theo đó tiền tệ đã xuất hiện như một đòi hỏi khách quan với tư cách là vật ngang giá chung trong quá trình trao đổi. Trong điều kiện kinh tế hàng hoá – tiền tệ, hình thức tiền tệ đã được các chủ thể trong xã hội sử dụng vào việc phân phối sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân để tạo lập nên các quỹ tiền tệ riêng phục vụ cho những mục đích của mỗi chủ thể,
3.2. Sự ra đời do sự xuất hiện của Nhà nước
Cùng với quá trình phát triển của xã hội, khi Nhà nước ra đời đã thúc đẩy sự phát triển của hoạt động tài chính. Nhà nước với chức năng, quyền lực và để duy trì hoạt động của mình đã tạo lập quỹ ngân sách nhà nước thông qua quá trình phân phố tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị, hình thành lĩnh vực tài chính nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế hàng hoá, thúc đẩy và mở rộng phạm vi hoạt động của tài chính.
Hoạt động phân phối tài chính là khách quan nhưng chịu sự chi phối trực tiếp hoặc gián tiếp của nhà nước thông qua các chính sách được ban hành và áp dụng trong nền kinh tế (chính sách thuế, chính sách tiền tệ…) Bằng quyền lực chính trị và thông qua một hệ thống chính sách, chế độ, nhà nước đã tạo nên môi trường pháp lý cho sự hoạt động của tài chính; đồng thời nắm lấy việc đúc tiền, in tiền và lưu thông tiền tệ.
4. Các mối quan hệ tài chính
Không chỉ đóng vai trò quan trọng trong doanh nghiệp, tài chính còn thiết lập nên những mối quan hệ gắn liền với quá trình tạo lập, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ của doanh nghiệp. Đây là các quan hệ kinh tế chủ yếu, cụ thể như sau:
– Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với ngân sách Nhà nước: Mối quan hệ này thể hiện ở chỗ Nhà nước cấp phát, hỗ trợ vốn và góp vốn cổ phần theo những nguyên tắc và phương thức nhất định để tiến hành sản xuất kinh doanh và phân chia lợi nhuận. Đồng thời, mối quan hệ tài chính này cũng phản ánh những quan hệ kinh tế dưới hình thức giá trị phát sinh trong quá trình phân phối và phân phối lại tổng sản phẩm xã hội và thu nhập quốc dân giữa ngân sách Nhà nước với các doanh nghiệp được thể hiện thông qua các khoản thuế mà doanh nghiệp phải nộp và ngân sách Nhà nước theo quy định.
– Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với thị trường tài chính: Mối quan hệ này thể hiện trong việc tài trợ các nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Đối với thị trường tiền tệ thông qua hệ thống ngân hàng, các doanh nghiệp có nhu cầu vốn ngắn hạn khi xét duyệt đủ điều kiện sẽ nhận được các khoản vay từ phía ngân hàng với cam kết doanh nghiệp phải hoàn trả vốn vay và nộp đủ tiền lãi khi đến hạn. Với thị trường vốn, thông qua hệ thống các tổ chức tài chính trung gian khác, doanh nghiệp có thể tìm kiếm các nguồn tài trợ khác để đáp ứng nhu cầu vốn dài hạn thông qua cách phát hành chứng khoán. Ngược lại, các doanh nghiệp phải trả đủ mọi khoản lãi cho các chủ thể tham gia đầu tư vào doanh nghiệp bằng một khoản tiền cố định hoặc xét theo khả năng kinh doanh của doanh nghiệp. Thông qua thị trường tài chính, các doanh nghiệp có khoản tiền nhàn rỗi cũng có thể đầu tư bằng cách kí gửi vào hệ thống ngân hàng hoặc đầu tư vào chứng khoán.
– Mối quan hệ tài chính giữa doanh nghiệp với các thị trường khác: trong nền kinh tế quốc dân hiện nay, tài chính còn thiết lập mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các thị trường khác như thị trường hàng hoá, dịch vụ, thị trường lao động… Để đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, các doanh nghiệp phải sử dụng vốn để mua sắm vật tư, trang thiết bị, trả lương cho người lao động, chi trả các khoản phí dịch vụ. Đồng thời, thông qua việc khảo sát thị trường, doanh nghiệp xác định nhu cầu thị trường về các sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp cung ứng. Từ đó, làm cơ sở hoạch định ngân sách đầu tư, kế hoạch phát triển, tiếp thị… nhằm đảm bảo cho sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp luôn thoả mãn thị yếu của khách hàng.
– Mối quan hệ tài chính trong nội bộ doanh nghiệp: mối quan hệ này được thể hiện cụ thể thông qua việc:
+ Chi trả tiền lương, tiền công cho công nhân viên, người lao động và thực hiện các khoản tiền thưởng, tiền phạt kèm theo
+ Thanh toán tài chính giữa các bộ phận trong doanh nghiệp
+ Phân phối lợi nhuận nhận được sau thuế của doanh nghiệp
+ Phân chia lợi tức cho các cổ đông
+ Hình thành các quỹ của doanh nghiệp
5. Các chức năng chính của tài chính
Tài chính có ba chức năng cơ bản, đó là:
– Chức năng huy động: Đây là chức năng tạo lập nguồn tài chính thông qua việc huy động vốn, từ đó cho thấy khả năng tổ chức, khai thác nguồn tài chính nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế. Để việc huy động vốn đem lại hiệu quả cao nhất cần phải tuân theo cơ chế thị trường, quan hệ cung – cầu
– Chức năng phân phối: Chức năng phân phối qua tài chính là việc phân phối tổng sản phẩm xã hội dưới hình thức giá trị. Thông qua chức năng này, những quỹ tiền tệ tập trung và không tập trung được hình thành và sử dụng với các mục đích nhất định. Phân phối thông qua tài chính bao gồm cả quá trình phân phối lần đầu (sự phân phối tổng sản phẩm xã hội cho các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất vật chất và dịch vụ) và quá trình phân phối lại (quá trình tiếp tục phân phối những phần thu nhập cơ bản, những quỹ tiền tệ đã được hình thành trong quá trình phân phối lần đầu ra phạm vi rộng hơn).
– Chức năng giám sát: Chức năng giám sát tài chính là nói đến khả năng khác quan của phạm trù tài chính. Chức năng này đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức kiểm tra quá trình vận động của các nguồn tài chính để tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ. Khác với chức năng giám sát tài chính, công tác kiểm tra tài chính là các hoạt động chủ quan của con người trong việc kiểm tra quá trình phân phối nhằm tạo lập và sử dụng các quỹ tiền tệ.
6. Hệ thống tài chính
Hệ thống tài chính được biết đến chính là mạng lưới bao gồm các trung gian tài chính (tổ chức tín dụng, tổ chức tiết kiệm và cho vay, bảo hiểm) và thị trường tài chính (thị trường cổ phiếu, trái phiếu) mà ở đó diễn ra các giao dịch, trao đổi nhiều công cụ tài chính khác nhau (tiền gửi, tín phiếu, thương phiếu, cổ phiếu, trái phiếu) có liên quan đến việc tài trợ tín dụng.
Hoạt động của hệ thống tài chính diễn ra trên phạm vi quốc gia và toàn cầu. Nhìn chung, hệ thống tài chính bao gồm các dịch vụ, thị trường và thể chế tài chính phức tạp, có mối liên hệ chặt chẽ với nhau nhằm tạo ra liên kết hiệu quả, tối ưu và thường xuyên giữa người có nhu cầu đi vay và người có khoản tiền nhàn rỗi.
– Hệ thống tài chính gồm các thành phần như:
+ Tài chính công
+ Tài chính doanh nghiệp
+ Thị trường tài chính
+ Tài chính quốc tế
+ Tài chính hộ gia định, cá nhân
+ Tài chính các tổ chức xã hội
+ Tài chính trung gian
Trên đây là những kiến thức xoay quanh thuật ngữ tài chính mà chúng tôi mang đến cho quý bạn đọc. Mong rằng bài viết sẽ giúp ích cho bạn đọc trong quá trình tìm hiểu về vấn đề này.